CSDL Bài trích Báo - Tạp chí

Khoa Khoa học Xã Hội & Nhân Văn

  • Duyệt theo:
51 Xung đột Nga - U-crai-na : tiếp cận từ góc độ giải quyết tranh chấp trong luật quốc tế / Trần Hữu Duy Minh // .- 2023 .- Quý 2+3 (133+134) .- Tr. 321 - 338 .- 327

Xung đột Nga - U-crai-na đã và đang tạo ra hàng loạt tranh chấp trong nhiều lĩnh vực khác nhau từ chính trị - ngoại giao, thương mại, đầu tư, nhân đạo, vấn đề biển đến môi trường. Các tranh chấp này đan xen, phức tạp, và có thể phát sinh ngày càng nhiều. Luật quốc tế quy định các quốc gia phải giải quyết hòa bình các tranh chấp thông qua các biện pháp ngoại giao và pháp lý. Tuy nhiên, với tình hình chiến sự hiện nay, ý chí chính trị của hai nước, cũng như những hạn chế về mặt pháp lý của các biện pháp giải quyết tranh chấp, khó có khả năng Nga và U-crai-na có thể thực sự bắt đầu giải quyết các tranh chấp và xung đột.

52 Quan hệ giữa Trung Quốc và Trung Đông những năm gần đây / Đỗ Thị Thu Phượng // .- 2023 .- Quý 2+3 (133+134) .- Tr. 301 - 320 .- 327

Từ những năm 1990, do nhu cầu về năng lượng, Trung Quốc quan tâm nhiều hơn tới khu vực Trung Đông, và kể từ đó Trung Quốc ngày càng gia tăng sự hiện diện ở khu vực này. Những bất đồng giữa Mỹ và các quốc gia trong khu vực càng khiến quan hệ Trung Quốc với khu vực được thắt chặt hơn. Mặc dù dầu mỏ vẫn là trọng tâm trong quan hệ giữa Trung Quốc và Trung Đông, trên thực tế Trung Quốc đã mở rộng ảnh hưởng của mình sang các lĩnh vực khác như tài chính - thương mại, cơ sở hạ tầng, giáo dục, văn hóa, chính trị và cả an ninh - quốc phòng. Vai trò và ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực ngày càng rõ, đặc biệt Sáng kiến Vành đai Con đường đang được các quốc gia trong khu vực tận dụng để phát triển kinh tế.

53 Chính sách Ánh Dương 2.0 của Tổng thống Moon Jae-in và tương lai quan hệ liên Triều / Vũ Minh Hoa, Vũ Xuân Khang // .- 2023 .- Quý 2+3 (133+134) .- Tr. 281 - 300 .- 327

Cựu Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong nhiệm kỳ của mình (2017-2022) đã thay đổi chính sách đối với Triều Tiên so với người tiền nhiệm Park Geun-hye (2013-2017). Chính sách Triều Tiên của Moon Jae-in dựa trên nền tảng của chính sách Ảnh Dương thời Tổng thống Kim Dae-jung (1998-2003) và Roh Moo- hyun (2003-2008). Chính sách này không kêu gọi sự thống nhất đất nước bằng vũ lực mà ưu tiên hợp tác chính trị, kinh tế, và văn hóa liên Triều như một biện pháp bảo đảm an ninh cho Triều Tiên nhằm thuyết phục nước này từ bỏ vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, quá trình triển khai cho thấy chính sách Ánh Dương không đạt hiệu quả như kỳ vọng, theo đó có thể giúp phi hạt nhân hóa và mở cửa đất nước Triều Tiên. Bài viết phân tích điểm mạnh và hạn chế của chính sách Ánh Dương dưới thời Moon Jae-in và dự báo tương lai quan hệ liên Triều dưới thời Tổng thống Yoon Suk-yeol hiện nay. Bài viết chứng minh rằng chính sách Ánh Dương mặc dù giúp giảm thiểu khả năng xung đột trong ngắn hạn nhưng lại có nhiều nhược điểm căn bản khi không đủ khả năng đảm bảo sự của Triều Tiên giống như kho vũ khí hạt nhân của nước này.

54 Sự phụ thuộc lẫn nhau và xu hướng điều chỉnh liên kết kinh tế quốc tế hiện nay / Nguyễn Thị Bích Thủy, Hà Nam Thắng, Nguyễn Thị Hồng Quyên // .- 2023 .- Quý 2+3 (133+134) .- Tr. 261 - 280 .- 327

Toàn cầu hóa và liên kết kinh tế quốc tế đang đứng trước nhiều chuyển biến quan trọng, tác động sâu rộng đến tương lai hợp tác kinh tế thế giới. Xu hướng “phân tách” hay “giảm thiểu rủi ro” chỉ là dấu hiệu của một sự thay đổi rộng lớn hơn, trong đó các quốc gia tìm cách cân bằng giữa mở cửa, hội nhập với bảo đảm an ninh quốc gia và tự chủ chiến lược. Tuy nhiên, trong thé giới toàn cầu hóa hiện nay, các nước, trong đó có Mỹ và Trung Quốc, không thể phân tách hoàn toàn do đã phụ thuộc lẫn nhau quả lớn về kinh tế. Trong bài viết này, nhóm tác giả sẽ tập trung lý giải mối quan tâm và nỗ lực hiện nay xoay quanh vấn đề điều chỉnh sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế và tái định hình các liên kết kinh tế quốc tế trong tương lai.

55 Hiện đại hóa theo mô hình Trung Quốc : nội hàm, triển vọng và một số hàm ý đối với Việt Nam / Phạm Thanh Bình - Trịnh Xuân Hương // .- 2023 .- Quý 2+3 (133+134) .- Tr. 243 - 260 .- 327

Đại hội lần thứ XX Đảng Cộng sản Trung Quốc (tháng 10/2022) đã đề ra sứ mệnh và nhiệm vụ trung tâm của Đảng trong thời đại mới là “đoàn kết, dẫn dắt nhân dân các dân tộc cả nước hoàn thành xây dựng cường quốc hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa, thực hiện mục tiêu phấn đấu 100 năm thứ hai, thúc đẩy toàn diện phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa thông qua hiện đại hóa theo mô hình Trung Quốc.” “Hiện đại hóa theo mô hình Trung Quốc” được coi là sáng tạo quan trọng nhất về lý luận của Đại hội XX với nhiều nội hàm mới và nhiều điểm khác biệt so với mô hình hiện đại hóa của các nước phát triển. Trung Quốc quyết tâm thực hiện mục tiêu hoàn thành hiện đại hóa đất nước, trở thành cường quốc hàng đầu thế giới vào giữa thế kỷ XXI. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức và cũng sẽ có những điều chỉnh để thích ứng với biến đổi nhanh chóng của tình hình trong nước, khu vực và quốc tế. Việt Nam và Trung Quốc là láng giềng, cùng theo mô hình xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo, do đó Việt Nam có thể học hỏi, tham khảo kinh nghiệm của Trung Quốc trong phát triển và hiện đại hóa đất nước.

56 Xuất khẩu giáo dục đại học của Việt Nam sang châu Phi: Thuận lợi, khó khăn và một số giải pháp / Phạm Thị Kim Huế, Đào Tùng // .- 2023 .- Số 06 (214) - Tháng 6 .- Tr. 19 - 27 .- 327

Xuất khẩu giáo dục đại học của Việt Nam sang châu Phi hiện đang được đẩy mạnh không chỉ nhằm mang lại nguồn thu to lớn mà còn gia tăng “sức mạnh mềm” của Việt Nam, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và châu Phi. Trên thực tế, xuất khẩu giáo dục của Việt Nam sang châu Phi xuất hiện từ bao giờ, thực trạng ra sao, gặp những thuận lợi và khó khăn gì, và làm thế nào để thúc đẩy. Bài nghiên cứu này sẽ trả lời cho các câu hỏi trên.

57 Quan hệ Việt Nam với các quốc gia châu Phi : những nền tảng cơ bản và cơ hội giao thương mới / Lê Kim Sa, Vũ Thị Thanh // .- 2023 .- Số 06 (214) - Tháng 6 .- Tr. 12 - 18 .- 327

Việt Nam có quan hệ hữu nghị tốt đẹp với tất cả các nước châu Phi, được xây dựng trên nền móng vững chắc là chính sách đoàn kết giữa các phong trào giải phóng dân tộc, giải phóng thuộc địa từ những năm 50-60 của thế kỷ trước. Bước sang thế kỷ XXI, quan hệ hợp tác cùng có lợi giữa Việt Nam và các nước châu Phi không ngừng được củng cố và phát triển trên nhiều lĩnh vực. Trên thực tế, trong những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp Việt Nam coi châu Phi là thị trường, đối tác tiềm năng và tích cực đầu tư vào các nước châu Phi. Bài viết sử dụng phương pháp tổng hợp và phân tích tư liệu để đánh giá các nền tảng của mối quan hệ truyền thống giữa Việt Nam và các nước châu Phi, đồng thời đánh giá những cơ hội giao thương mới trong tương lai. Theo kết quả nghiên cứu, nếu Việt Nam đạt được một thỏa thuận thương mại với khu vực AfCFTA, Việt Nam có thể tận dụng lợi thế cạnh tranh so với nhiều nước châu Á khác để gia tăng xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh vào thị trường này. Đây cũng là cơ sở cho việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai bên sâu sắc hơn nữa, đóng góp tích cực vào mối quan hệ thương mại và đầu tư nói riêng cũng như quan hệ hòa bình, hợp tác, phát triển của mỗi bên cũng như mỗi khu vực.

58 Suy ngẫm về con đường phát triển của Thổ Nhĩ Kỳ qua cuộc bầu cử tổng thống năm 2023 / Lê Phước Minh, Đinh Công Hoàng // .- 2023 .- Số 06 (214) - Tháng 6 .- Tr. 3 - 11 .- 327

Trong bối cảnh đó có thể nói rằng cuộc bầu cử Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ năm 2023 là một sự kiện quốc tế tiêu biểu, có tác động lớn lao đối với khu vực và trên thế giới. Bài viết này muốn thông qua những phân tích tương đối sâu sắc về nội dung cuộc bầu cử Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ năm 2023, từ đó sẽ đưa ra những đánh giá cô đọng, khái quát về con đường phát triển của Thổ Nhĩ Kỳ và định hướng phát triển trong tương lai.

59 Thực trạng tảo hôn của một số quốc gia trên thế giới và một số vấn đề đặt ra cho Việt Nam / Nguyễn Thị Xuân // .- 2023 .- Số 05 (213) - Tháng 5 .- Tr. 61 - 68 .- 327

Tảo hôn vẫn là một trong những vấn đề cấp bách của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Mặc dù, các quốc gia đã triển khai nhiều chương trình hành động, ban hành nhiều Đạo luật, nghị định, chính sách nhằm hướng đến giảm thiểu tình trạng tảo hôn. Tuy nhiên, tình trạng tảo hôn vẫn tiếp diễn và có xu hướng tặng ở nhiều quốc gia. Tình trạng tảo hôn không chỉ là vấn đề cấp bách của các quốc gia nghèo đói, quốc gia đang phát triển mà ngay cả các quốc gia phát triển cũng đang phải đối mặt với vấn đề này. Việt Nam cũng là một trong những nước đang phải đối mặt với tình trạng tảo hôn, tình trạng tảo hôn ở Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng bởi yếu tố phong tục tập quán, kinh tế, bất bình đẳng giới... như một số quốc gia trên thế giới. Chính vì vậy, việc tìm hiểu, học tập các kinh nghiệm của các quốc gia trong việc giải quyết vấn đề này trở thành một trong những yếu tố có ảnh hưởng đến việc giảm thiếu và chấm dứt tình trạng tảo hôn, đặc biệt là tình trạng tảo hỗn đang diễn ra ở khu vực có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

60 Khởi nghiệp xanh : cơ hội và thách thức đối với sinh viên / Nguyễn Thị Xuân // .- 2023 .- Số 05 (213) - Tháng 5 .- Tr. 52 - 60 .- 327

Khởi nghiệp xanh (green startup) là một mô hình kinh doanh mới, nhằm tập trung vào việc phát triển các sản phẩm, dịch vụ, công nghệ có tính bền vững, đóng góp vào việc giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội. Khởi nghiệp xanh thường tập trung vào việc sử dụng nguồn tài nguyên tái tạo, hạn chế sử dụng nguyên liệu độc hại và giảm thiểu khí thải, nước thải, chất thải độc hại vào môi trường. Đối với sinh viên khởi nghiệp xanh mang lại nhiều cơ hội và thách thức. Nghiên cứu này nhằm đánh giá xu hướng kinh doanh xanh và tiêu dùng xanh ở Việt Nam, đồng thời, phân tích cơ hội và thách thức của khởi nghiệp xanh đối với sinh viên, từ đó, đề xuất giải pháp đẩy mạnh khởi nghiệp xanh cho sinh viên, góp phần phát triển bền vững kinh tế của mỗi cá nhân cũng như nền kinh tế quốc gia.