CSDL Bài trích Báo - Tạp chí

Khoa Luật

  • Duyệt theo:
1 Cơ quan chuyên trách chống tham nhũng: Kinh nghiệm quốc tế và giá trị tham khảo cho Việt Nam / Vũ Công Giao, Nguyễn Thị Hoàn // .- 2024 .- Số 10 (489) - Kỳ 2- Tháng 5 .- Tr. 50 – 58 .- 340

Trong bài viết này, các tác giả trình bày, phân tích khái niệm, làm rõ đặc trưng và các yêu cầu với việc thành lập cơ quan chuyên trách chống tham nhũng theo quy định của Công ước Chống tham nhũng của Liên hợp quốc, hướng dẫn của Cơ quan phòng chống tội phạm và ma túy của Liên hợp quốc; kinh nghiệm tổ chức cơ quan chuyên trách chống tham nhũng ở một số nước. Trên cơ sở đó, các tác giả cũng liên hệ và gợi ý phương hướng, giải pháp hoàn thiện mô hình cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta.

2 Chế định pháp nhân nhìn từ cấu trúc bên trong của nó / Vũ Công Giao, Nguyễn Thị Hoàn // .- 2024 .- Số 9 (488) - Kỳ 1 - Tháng 5 .- Tr. 3 – 12 .- 340

Các quy định của pháp luật về pháp nhân rất quan trọng, chiếm dung lượng lớn trong bất kỳ một hệ thống pháp luật nào. Chúng trải rộng và dài trong cả lĩnh vực luật công, luật tư và không thể chỉ được chứa đựng trong một hoặc một vài văn bản quy phạm pháp luật. Ở Việt Nam hiện nay, các quy định của pháp luật về pháp nhân còn sơ sài, mất tính đồng bộ, hệ thống và còn nhiều hạn chế gây ảnh hưởng tới môi trường pháp lý cho sự phát triển của đất nước. Nguyên nhân chính là do chúng ta chưa nghiên cứu thỏa đáng và không chú ý tới cấu trúc bên trong của pháp luật nói chung, của chế định pháp nhân nói riêng. Trong bài viết này, tác giả phân tích khái quát về cấu trúc bên trong của chế định pháp nhân, từ đó nhìn lại các quy định của pháp luật về pháp nhân của Việt Nam và có ý tưởng nghiêng hẳn về lập pháp.

3 Hoàn thiện Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) nhằm bảo đảm sự thống nhất với Bộ luật Dân sự / Vũ Công Giao, Nguyễn Thị Hoàn // .- 2024 .- Số 9 (488) - Kỳ 1 - Tháng 5 .- Tr. 13 – 18 .- 340

Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) ghi nhận nhiều điểm khác biệt so với Luật Công chứng năm 2014. Tuy nhiên, trong những điểm sửa đổi và những điểm mà Dự thảo Luật Công chứng kế thừa của Luật Công chứng năm 2014 vẫn còn một số vấn đề chưa thực sự phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật khác, đặc biệt là Bộ luật Dân sự năm 2015. Trong bài viết này, tác giả tập trung chỉ ra những điểm còn chưa phù hợp của Dự thảo Luật này và đưa ra kiến nghị sửa đổi nhằm bảo đảm sự thống nhất với Bộ luật Dân sự năm 2015.

4 Chế định pháp luật về Hội thẩm ở Việt Nam : thực trạng và một số kiến nghị hoàn thiện / Hoàng Minh Sơn // .- 2024 .- Số 9 (488) - Kỳ 1 - Tháng 5 .- Tr. 28 – 35 .- 340

Xét xử sơ thẩm có Hội thẩm tham gia được Hiến pháp năm 2013 quy định và được cụ thể hóa ở nhiều đạo luật về tố tụng và các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, nhằm không ngừng hoàn thiện cơ chế Hội thẩm tham gia xét xử; thể hiện bản chất dân chủ, pháp quyền của Nhà nước xã hội chủ nghĩa, bảo đảm nhân dân tham gia thực hiện quyền tư pháp. Bài viết đánh giá thực trạng chế định pháp luật về Hội thẩm và đề xuất một số kiến nghị tiếp tục hoàn thiện cũng như góp ý trực tiếp đối với Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) về vấn đề này.

5 Quản lý nhà nước đối với các trường đại học tư thục trong bối cảnh chuyển đổi số / Nguyễn Thị Ngọc Uyển, Hồ Hồng Nhung // .- 2024 .- Số 9 (488) - Kỳ 1 - Tháng 5 .- Tr. 36 – 41 .- 340

Hiện nay, các trường đại học tư thục ngày càng có vị thế cao trong cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cho xã hội ở Việt Nam. Xu hướng phát triển của trường đại học tư thục ở Việt Nam trong tương lai là tất yếu và phù hợp với xu thế các nước trên thế giới. Đặc biệt, trong bối cảnh chuyển đổi số, việc quản lý nhà nước đối với nhóm trường đại học cần thay đổi để phù hợp với tình hình phát triển mới. Trong bài viết này, các tác giả tập trung phân tích những quy định hiện hành của pháp luật về việc quản lý đối với các trường đại học tư thục và kiến nghị hoàn thiện.

6 Đại diện khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước / Lê Vũ Nam, Nguyễn Huy Hoàng // .- 2024 .- Số 9 (488) - Kỳ 1 - Tháng 5 .- Tr. 42 – 51 .- 340

Trong bài viết này, các tác giả phân tích vấn đề xác định các chủ thể được pháp luật quy định có quyền khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước; thực tiễn áp dụng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về đại diện khởi kiện và tham gia vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước tại Việt Nam; so sánh với các quy định tương ứng của pháp luật một số nước để từ đó đánh giá tính khả thi của các quy định của pháp luật điều chỉnh những quan hệ phát sinh có liên quan. Qua việc xác định khái niệm và bản chất của đại diện trong tố tụng dân sự, trên cơ sở nhận diện những hạn chế, bất cập trong các quy định hiện hành, các tác giả đề xuất giải pháp hoàn thiện các quy định của pháp luật Việt Nam theo hướng bổ sung chủ thể tham gia đại diện khởi kiện các vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước.

7 Người đại diện ẩn danh - So sánh quy định tại Luật Công ty Anh năm 2006 và Luật Doanh nghiệp Việt Nam năm 2020 / Nguyễn Thị Dịu Hiền, Nguyễn Võ Tuyết Trinh // .- 2024 .- Số 9 (488) - Kỳ 1 - Tháng 5 .- Tr. 52 – 56 .- 340

Người đại diện của doanh nghiệp đóng một vai trò quan trọng trong hoạt động của doanh nghiệp. Trên thực tế, ở nhiều doanh nghiệp, ngoài người đại diện hợp pháp, có những người đứng đằng sau, điều hành, chi phối hoạt động của doanh nghiệp - người đại diện ẩn danh. Trên cơ sở các quy định về người đại diện ẩn danh theo Luật Công ty Anh năm 2006 và Luật Doanh nghiệp Việt Nam năm 2020, các tác giả so sánh, phân tích, bình luận các quy định này; từ đó, đề xuất giải pháp liên quan đến người đại diện ẩn danh, nhằm hoàn thiện pháp luật doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

8 Tiếp tục hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước đối với chính quyền đô thị không tổ chức Hội đồng nhân dân ở quận, phường / Hoàng Minh Hội // .- 2024 .- Số 9 (488) - Kỳ 1 - Tháng 5 .- Tr. 57 – 64 .- 340

Sau gần ba năm, việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị không tổ chức Hội đồng nhân dân ở một số địa phương đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, việc không tổ chức Hội đồng nhân dân cũng đang đặt ra những yêu cầu và nhiệm vụ cần hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước. Trong bài viết này, tác giả phân tích, đánh giá thực trạng cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước đối với chính quyền địa phương ở đô thị nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân và đề xuất một số kiến nghị.

9 Quyền định đoạt di chúc và xung đột pháp luật về thừa kế có yếu tố nước ngoài / Nguyễn Tiến Lâm // .- 2024 .- Số 10 (489) - Kỳ 2- Tháng 5 .- Tr. 3 – 11 .- 340

Về mặt nguyên tắc, pháp luật của mỗi quốc gia điều chỉnh các quan hệ trong lãnh thổ của mình. Tuy nhiên, với xu hướng toàn cầu hoá trong giai đoạn hiện nay, các quan hệ sở hữu của một cá nhân đặt ra nhiều thách thức cho pháp luật với việc nó đã không còn bị giới hạn trong lãnh thổ của riêng một quốc gia. Vụ án mới đây được xét xử bởi Tòa án Hoa Kỳ đã cho thấy sự xung đột pháp luật trong giải quyết thừa kế mà người quá cố để lại di chúc. Điều này được xuất phát từ hai học thuyết trái ngược về quyền định đoạt di sản theo di chúc: nguyên tắc thừa kế bắt buộc và nguyên tắc tự do di chúc. Trong bài viết này, các tác giả tập trung phân tích một số vấn đề pháp lý trong giải quyết xung đột pháp luật về thừa kế theo di chúc từ vụ án Walker v. Ryker, làm rõ nguyên nhân xung đột từ sự khác biệt trong hai hệ thống dân luật và thông luật đối với việc định đoạt theo di chúc. Cuối cùng, các tác giả đưa ra những đánh giá và gợi mở cho Việt Nam đối với việc giải quyết xung đột pháp luật về thừa kế theo di chúc có yếu tố nước ngoài.

10 Góp ý quy định của Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên về các biện pháp xử lý chuyển hướng / Lê Huỳnh Tấn Duy // .- 2024 .- Số 10 (489) - Kỳ 2- Tháng 5 .- Tr. 12 – 21 .- 340

Xử lý chuyển hướng là một biện pháp xử lý rất phù hợp đối với người chưa thành niên không thông qua thủ tục tố tụng hình sự thông thường. Trong bài viết này, tác giả phân tích, đánh giá một số quy định có liên quan đến xử lý chuyển hướng của Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên trên cơ sở so sánh với các tiêu chuẩn quốc tế; từ đó, tác giả đưa ra một số đề xuất góp phần hoàn thiện các quy định này.