CSDL Bài trích Báo - Tạp chí
Khoa Y
1711 Khảo sát một số yếu tố nguy cơ của huyết khối tĩnh mạch ở người bệnh sau phẫu thuật chấn thương chỉnh hình / Bùi Mỹ Hạnh, Đào Xuân Thành, Nguyễn Hoàng Hiệp, Đoàn Việt Quân // .- 2019 .- Số 121(5) .- Tr. 81-88 .- 610
Huyết khối tĩnh mạch (HKTM) là một trong những biến chứng phổ biến ở người bệnh phẫu thuật chấn thương chỉnh hình. Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định tỷ lệ HKTM sau phẫu thuật và các yếu tố nguy cơ HKTM thông qua hệ thống tính điểm nguy cơ Caprini hiệu chỉnh. Nghiên cứu mô tả cắt ngang được thực hiện trên 572.560 người bệnh phẫu thuật chấn thương chỉnh hình từ 1/2017 đến 12/2018. Các người bệnh được đánh giá điểm nguy cơ trước phẫu thuật theo thang điểm Caprini hiệu chỉnh và được theo dõi trong vòng 30 ngày sau phẫu thuật. Có 780 người bệnh được chẩn đoán mắc HKTM sau phẫu thuật trong vòng 30 ngày. Nguy cơ mắc HKTM tăng 4,62 lần ở người bệnh điểm Caprini hiệu chỉnh 3 - 4, 9,51 lần ở người bệnh điểm 5 - 6, 5,22 lần ở người bệnh điểm 7 - 8 và 13,52 lần ở người bệnh điểm > 8 so với người bệnh điểm Caprini 0-2. Tổng số điểm Caprini hiệu chỉnh càng cao thì nguy cơ mắc HKTM sau phẫu thuật chấn thương chỉnh hình càng tăng. Việc phân loại thêm người bệnh trong nhóm nguy cơ cao nhất cần được tiến hành để đưa ra phương pháp dự phòng huyết khối thích hợp hơn.
1712 Rối loạn khả năng chú ý trong giai đoạn trầm cảm ở bệnh nhân rối loạn cảm xúc lưỡng cực / Nguyễn Viết Chung, Nguyễn Văn Tuấn // .- 2019 .- Số 121(5) .- Tr. 89-96 .- 610
Rối loạn khả năng chú ý trong giai đoạn trầm cảm ở bệnh nhân rối loạn cảm xúc lưỡng cực thường gặp và đa dạng, trong thực hành lâm sàng hiện nay còn chưa được quan tâm và đánh giá đúng mức; Chúng tôi thực hiện nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 34 bệnh nhân rối loạn cảm xúc lưỡng cực hiện giai đoạn trầm cảm điều trị nội trú tại Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia từ 9/2017 tới 8/2018 với mục tiêu nghiên cứu mô tả đặc điểm lâm sàng rối loạn khả năng chú ý trong giai đoạn trầm cảm ở bệnh nhân rối loạn cảm xúc lưỡng cực. Kết quả thu được: tỷ lệ rối loạn duy trì chú ý (73,5%), rối loạn di chuyển chú ý (59,4%), rối loạn tập trung chú ý (44,1%). Rối loạn gặp nhiều hơn trên nhóm bệnh nhân trầm cảm mức độ nặng, trên 2 giai đoạn trầm cảm trong quá khứ. Sự suy giảm chú ý đạt thuyên giảm hoàn toàn sau điều trị; Rối loạn khả năng duy trì chú ý thường gặp nhất, rối loạn chú ý thường gặp hơn ở các bệnh nhân có trên 2 giai đoạn trầm cảm trong quá khứ, trầm cảm mức độ nặng.
1713 Hiệu quả dán lên mặt dán sứ thủy tinh của hệ thống dán không sử dụng Acid Hydrofluoric / Trương Mai Vân, Trần Xuân Vĩnh // .- 2019 .- Số 121(5) .- Tr. 97-102 .- 610
Nghiên cứu đánh giá hiệu quả dán lên mặt dán sứ thủy tinh của hệ thống dán không sử dụng acid hydrofluoric (HF) qua thử nghiệm độ bền dán trượt và quan sát bề mặt xoi mòn.(i) 20 đĩa sứ lithium disilicate (IPS e.max Press) chia thành 2 nhóm (n=10): (A) xoi mòn với HF 4.5% sau đó sử dụng Monobond N (Ivoclar Vivadent); (B) sử dụng Monobond Etch & Prime (Ivoclar Vivadent). Độ bền dán trượt giữa xi măng và sứ được đánh giá bằng máy đo lực đa năng. (ii) 4 đĩa sứ lithium disilicate (IPS e.max Press) chia thành 2 nhóm như trên (n=2) quan sát dưới kính hiển vi điện tử quét sau khi xử lý bề mặt. Số liệu được phân tích bằng phép kiểm ANOVA (p<0.05). Kết quả cho giá trị độ bền dán trượt của nhóm A (30.67±2.17 MPa) lớn hơn nhóm B (23.27± 2.34 MPa), khác biệt có ý nghĩa thống kê. Nhóm Monobond Etch & Prime cho bề mặt xoi mòn nhẵn hơn nhóm HF+ Monobond N. Tóm lại, hệ thống dán không sử dụng acid hydrofluoric cho hiệu quả dán thấp hơn hệ thống dán có sử dụng acid hydrofluoric.
1714 Mô hình dự báo sớm dịch sốt xuất huyết dựa vào Google Trends tại Thành Phố Hồ Chí Minh / Trần Ngọc Đăng, Lê Vĩnh Phát // .- 2019 .- Số 121(5) .- Tr. 103-111 .- 610
Sốt xuất huyết Dengue (SXHD) là một bệnh truyền nhiễm tác nhân do vi rút truyền qua côn trùng phổ biến nhất. Mục tiêu của nghiên cứu là sử dụng nguồn dữ liệu lưu lượng tìm kiếm Google Trends index (GTI) xây dựng thành một mô hình có khả năng dự báo sớm dịch sốt xuất huyết tại TP.HCM nhằm mục đích hỗ trợ cho công tác giám sát và phòng chống dịch ở khu vực được thêm hiệu quả. Sử dụng phương pháp so sánh tương quan để ước tính mối liên hệ giữa GTI tra cứu với cụm từ “sốt xuất huyết” và dữ liệu số mắc SXHD tại TP.HCM, sau đó xây dựng một số mô hình dự đoán bằng hồi quy quasi-Poisson kết hợp những phép điều chỉnh nhằm loại bỏ sự tự tương quan của số liệu. Nghiên cứu đã cho thấy GTI tương quan cao với số mắc sốt xuất huyết với r2 = 0,74 và mô hình cuối cùng được chọn có khả năng dự đoán dịch SXHD tốt với độ chính xác là 87%, độ nhạy là 92,3% và độ đặc hiệu là 87%. Mô hình dự báo của chúng tôi cho thấy nguồn dữ liệu Google Trends rất có tiềm năng trong việc theo dõi và kiểm soát dịch SXHD ở TP.HCM. Những nghiên cứu sâu hơn nữa nhằm đánh giá tính hiệu quả của mô hình trong bối cảnh thực tế cần được thực hiện trong tương lai.
1715 Thực trạng xét nghiệm HIV và một số yếu tố liên quan trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới tại Hà Nội năm 2017 / Nguyễn Khắc Hưởng, Vũ Thị Bích Hồng, Lê Minh Giang, Lê Thị Hường // .- 2019 .- Số 121(5) .- Tr. 112-122 .- 610
Nghiên cứu mô tả cắt ngang được thực hiện nhằm mô tả thực trạng xét nghiệm HIV cũng như một số yếu tố liên quan đến xét nghiệm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) tại Hà Nội. Chọn mẫu theo phương pháp thời gian - địa điểm (TLS) với số liệu thu thập qua phỏng vấn trực tiếp bằng bộ câu hỏi cấu trúc trên 801 đối tượng nam tuổi từ 16 trở lên, sống tại Hà Nội ít nhất 3 tháng. Kết quả nghiên cứu cho thấy: 55,68% đã từng xét nghiệm HIV trong quá khứ; 44,32% chưa từng xét nghiệm. Nơi xét nghiệm HIV lần gần nhất của đối tượng là bệnh viện, tại cộng đồng, phòng khám ngoại trú,…Các lý do phổ biến khiến MSM không làm xét nghiệm HIV: tự cảm thấy không có nguy cơ nhiễm HIV, không có thời gian, không có tiền, sợ kết quả dương tính, kỳ thị từ nhân viên y tế… Có mối liên quan giữa một số yếu tố (nhân khẩu học, thu nhập, thời gian sống tại Hà Nội, tự kỳ thị, sử dụng rượu/bia, các chất gây nghiện…) với khả năng chưa từng xét nghiệm HIV của MSM (p < 0,05). Chưa làm xét nghiệm HIV còn khá phổ biến trong nhóm MSM ở Hà Nội xuất phát từ nhiều lý do khác nhau. Các phát hiện của chúng tôi nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết có các chiến lược giáo dục, tuyên truyền về tầm quan trọng của xét nghiệm HIV cũng như các chương trình can thiệp nên được mở rộng và nhắm đúng mục tiêu, tập trung vào việc giảm đáng kể số lượng MSM chưa từng xét nghiệm HIV ở Hà Nội.
1716 Hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe liên quan tới tiêm phòng Sởi-Rubella cho người chăm sóc trẻ 18-24 tháng tuổi, nữ độ tuổi sinh đẻ tại Hà Nội / Đỗ Thị Thanh Toàn, Vũ Bích Diệp, Dương Thị Hồng // .- 2019 .- Số 121(5) .- Tr. 123-131 .- 610
Tìm hiểu thực trạng hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe liên quan tới tiêm phòng Sởi – Rubella cho người chăm sóc trẻ 18-24 tháng tuổi và nữ độ tuổi sinh đẻ tại Hà Nội.
1717 Kiểm định thang đo sức khỏe răng miệng với chất lượng cuộc sống của trẻ mầm non tại Tỉnh Thái Nguyên / Lê Thị Thu Hằng // .- 2019 .- Số 121(5) .- Tr. 132-138 .- 610
Nghiên cứu mô tả cắt ngang được thực hiện với mục tiêu kiểm định thang đo sức khỏe răng miệng liên quan chất lượng cuộc sống (MOHRQoL-Michigan Oral Health-Related Quality of Life) trên một nhóm trẻ mầm non ở Thái Nguyên. Phỏng vấn trực tiếp 349 trẻ cùng phụ huynh theo bộ phiếu điều tra thiết kế sẵn dựa trên bộ công cụ MOHRQoL được thực hiện tại Trường Mầm non 19.5. Kết quả nghiên cứu đã xác định tính tin cậy của thang đo MOHRQoL (Cronbach’s Alpha=0,83) gồm 4 thành phần: Đau/khó chịu, ảnh hưởng sinh hoạt, tinh thần-thẩm mỹ, khớp thái dương hàm với 18 biến số quan sát. Các biến số quan sát có mối tương quan với nhau và đều có trọng số đạt yêu cầu (>0,5), 4 nhóm nhân tố được trích với tổng phương sai trích đạt yêu cầu (55,8%). Áp dụng thang đo MOHRQoL trong đánh giá sức khỏe răng miệng liên quan chất lượng cuộc sống là phù hợp với trẻ 4-5 tuổi tại Thái Nguyên.
1718 Ý định hút thuốc lá điện tử của nam giới ở Hà Nội - ứng dụng lý thuyết hành vi được lập kế hoạch / Trần Thị Phượng, Phạm Bích Diệp // .- 2019 .- Số 121(5) .- Tr. 146-154 .- 610
Nghiên cứu ứng dụng mô hình lý thuyết hành vi được lập kế hoạch để phân tích một số yếu tố liên quan đến ý định sử dụng thuốc lá điện tử của nam giới từ 18 tuổi tại Hà Nội năm 2018. Phương pháp nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 151 người được chọn mẫu thuận tiện. Kết quả phân tích cho thấy ba nhân tố là “thái độ về lợi ích”, “chuẩn chủ quan từ phía bạn bè” và “nhận thức kiểm soát hành vi” về sử dụng thuốc lá điện tử có liên quan tích cực đến ý định sử dụng thuốc lá điện tử, trong đó “nhận thức kiểm soát hành vi về sử dụng thuốc lá điện tử” có liên quan mạnh nhất. Các chương trình truyền thông cần tác động vào đối tượng để họ nhận ra được tác hại của thuốc lá điện tử đồng thời đưa ra các chính sách phù hợp nhằm hạn chế quảng cáo và kinh doanh thuốc lá điện tử.
1719 Tình trạng dinh dưỡng và chất lượng cuộc sống của người bệnh ung thư đường tiêu hoá sau 2 tháng điều trị hoá chất tại Bệnh Viện Đại Học Y Hà Nội / Phạm Thị Tuyết Chinh, Nguyễn Thùy Linh, Tạ Thanh Nga, Lê Thị Hương // .- 2019 .- Số 120(4) .- Tr. 1-8 .- 610
Xác định mối liên quan giữa tình trạng dinh dưỡng và chất lượng cuộc sống của người bệnh ung thư sau 2 tháng điều trị hóa chất. Với phương pháp nghiên cứu mô tả cắt ngang được tiến hành trên 88 người bệnh ung thư đường tiêu hóa sau 2 tháng điều trị hóa chất đã cho kết quả: tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD) được đo lường thông qua chỉ số khối cơ thể (BMI) là 23,9%. Theo phân loại PG–SGA: có 40,9% người bệnh ung thư có SDD hoặc nguy cơ SDD.
1720 Tình trạng dinh dưỡng bệnh nhân ung thư khoang miệng tại Bệnh Viện K năm 2018 / Hoàng Việt Bách [et al.] // .- 2019 .- Số 120(4) .- Tr. 9-18 .- 610
Nghiên cứu nhằm xác định tình trạng dinh dưỡng và mô tả một số yếu tố liên quan đến tình trạng dinh dưỡng trên bệnh nhân ung thư khoang miệng. Thiết kế nghiên cứu: Nghiên cứu cắt ngang trên 165 bệnh nhân, độ tuổi từ 18 trở lên, trong thời gian từ tháng 5 năm 2018 đến tháng 12 năm 2018. Kết quả: có 63,0% bệnh nhân nhập viện có nguy cơ suy dinh dưỡng (SDD) theo bộ công cụ PG-SGA, 19,4% bệnh nhân bị SDD theo thang phân loại BMI. Không tìm thấy mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa các yếu tố như phương pháp điều trị, giai đoạn bệnh, phương pháp chuẩn bị chế độ ăn liên quan với tình trạng dinh dưỡng của bệnh nhân. Bệnh nhân ăn qua đường miệng có nguy cơ SDD thấp hơn 9 lần so với những bệnh nhân ăn qua sonde (OR (95% CI): 8,8 (1,1-71,8)). Kết luận: Bệnh nhân ung thư khoang miệng có nguy cơ SDD cao. Những bệnh nhân có tình trạng diễn biến nặng, nuôi ăn qua sonde có nguy cơ SDD cao hơn hẳn những bệnh nhân khác. Cần có những can thiệp cụ thể và kịp thời để cải thiện tình trạng dinh dưỡng của bệnh nhân.