CSDL Bài trích Báo - Tạp chí

Khoa Y

  • Duyệt theo:
1731 Tác dụng trên quá trình đông máu và tiêu Fibrin của viên nang TD.HK01 trên thực nghiệm / Phạm Thị Vân Anh, Nguyễn Thị Thanh Loan, Mai Phương Thanh // .- 2018 .- Số 115 (6) .- Tr. 80-88 .- 610

Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá tác dụng trên quá trình đông máu và tiêu fibrin của chế phẩm TD.HK01 trên mô hình gây đông máu thực nghiệm. Tiêm tĩnh mạch đuôi chuột cống trắng lipopolyssacharid và tiêm tĩnh mạch tai thỏ thrombin để gây đông máu thực nghiệm. Thời gian prothrombin, thời gian thromboplastin từng phần hoạt hóa,số lượng tiểu cầu, nồng độ fibrinogen, nồng độ D-dimer được xác định để đánh giá tác dụng của TD.HK01 trên quá trình đông máu và tiêu fibrin. Kết quả nghiên cứu cho thấy TD.HK01 liều 0,8 g/kg/ngày và liều 2,4 g/kg/ngày trên thỏ có tác dụng tiêu fibrin trên mô hình gây đông máu bằng thrombin. TD.HK01 không có tác dụng chống đông trên mô hình gây đông máu bằng lipopolysaccharid trên chuột cống trắng.

1732 Đặc điểm lâm sàng giấc ngủ ở bệnh nhân rối loạn sự thích ứng / Đinh Thị Huyền, Nguyễn Văn Tuấn, Nguyễn Thành Long // .- 2018 .- Số 115 (6) .- Tr. 96-101 .- 610

Rối loạn sự thích ứng chiếm 0,9-1,4% dân số và là rối loạn thường gặp thứ 3 chiếm 11 - 18% trong các rối loạn tâm thần. Rối loạn giấc ngủ là một trong những triệu chứng quan trọng và thường gặp trong các rối loạn sự thích ứng. Nghiên cứu mô tả chùm ca bệnh ở 40 bệnh nhân được chẩn đoán rối loạn sự thích ứng theo tiêu chuẩn chẩn đoán ICD - 10 (F43) điều trị nội trú tại Viện sức khỏe Tâm thần Bạch Mai, trong thời gian từ tháng 09/2017 đến tháng 06/2018 nhằm mô tả đặc điểm lâm sàng rối loạn giấc ngủ ở bệnh nhân rối loạn sự thích ứng. Bằng bộ câu hỏi đã được thiết kế sẵn cho nghiên cứu, đồng thời sử dụng thang điểm đánh giá giấc ngủ PSQI, chúng tôi đánh giá các triệu chứng và mức độ nặng rối loạn giấc ngủ. Kết quả được xử lý bằng phần mềm SPSS 25, sử dụng thuật toán mô tả (giá trị trung bình, độ lệch chuẩn, tỷ lệ). Kết quả có 82,5% bệnh nhân rối loạn sự thích ứng có rối loạn giấc ngủ, chủ yếu là mất ngủ 100%, mất ngủ kèm theo ác mộng 40%, mất ngủ kèm theo giật mình khi ngủ 75%, thời gian mất ngủ xuất hiện sau sang chấn trung bình 2 tuần, thời gian ngủ trung bình mỗi đêm là 3 tiếng. Tỷ lệ mất ngủ ở nữ là 85% và ở nam là 77%. Tỉ lệ rối loạn giấc ngủ ở nhóm nữ giới cao hơn nam giới với sự khác biệt có ý nghĩa thống kê.

1733 Đặc điểm lâm sàng trầm cảm trong rối loạn sự thích ứng với phản ứng hỗn hợp lo âu trầm cảm ở bệnh nhân ung thư vú / Phạm Phương Mai, Nguyễn Văn Tuấn, Nguyễn Văn Phi // Nghiên cứu Y học (Điện tử) .- 2018 .- Số 115 (6) .- Tr. 89-95 .- 610

Phản ứng hỗn hợp lo âu trầm cảm theo tiêu chuẩn ICD - 10 điều trị nội trú tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội từ tháng 10 năm 2017 đến hết tháng 05 năm 2018 với mục tiêu mô tả đặc điểm lâm sàng trầm cảm trong rối loạn sự thích ứng với phản ứng hỗn hợp lo âu trầm cảm ở bệnh nhân ung thư vú. Sau thời gian 6 tháng chúng tôi thu được một số kết quả như sau: Triệu chứng giảm năng lượng, tăng mệt mỏi gặp nhiều nhất (82,5%); phần lớn bệnh nhân biểu hiện mất quan tâm thích thú (75%) và khí sắc giảm (55%). Trong các triệu chứng phổ biến, giảm tính tự trọng, lòng tự tin và nhìn tương lai bi quan hay gặp nhất (80% và 77,5% tương ứng); giảm tập trung chú ý và ý tưởng bị tội cũng khá thường gặp (70% và 67,5% tương ứng); có 12 bệnh nhân (30%) nghĩ đến cái chết hoặc có ý tưởng tự sát. Đa số bệnh nhân có các triệu chứng cơ thể như rối loạn giấc ngủ (95%), rối loạn ăn uống (80%), rối loạn chức năng tình dục (75%). Như vậy các triệu chứng của trầm cảm biểu hiện đa dạng và phong phú với cả các triệu chứng tâm lý và cơ thể trong đó, tỷ lệ bệnh nhân nghĩ đến cái chết hoặc có ý tưởng tự sát là tương đối cao.

1734 Vai trò chẩn đoán tăng áp động mạch phổi của Nt-Probnp huyết thanh trên bệnh nhân xơ cứng bì hệ thống / Vũ Thị Hằng, Hoàng Thị Lâm // .- 2018 .- Số 115 (6) .- Tr. 102-110 .- 610

NT-proBNP đang được đề cập đến là dấu ấn có thể chẩn đoán sớm tăng áp động mạch phổi trên xơ cứng bì. Nghiên cứu được tiến hành nhằm đánh giá vai trò của NT-proBNP trong phát hiện tăng áp động mạch phổi ở bệnh nhân xơ cứng bì. Nghiên cứu mô tả cắt ngang, có đối chứng 30 bệnh nhân xơ cứng bì có tăng áp động mạch phổi và 17 bệnh nhân xơ cứng bì không có tăng áp động mạch phổi tại Trung tâm Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai từ tháng 06/2017 đến tháng 8/2018. Kết quả cho thấy, nồng độ NT-proBNP của nhóm xơ cứng bì có tăng áp động mạch phổi là 72,00 ± 235,92 pmol/L. Có mối tương quan giữa NT-proBNP với giá trị áp lực động mạch phổi qua siêu âm Doppler tim (r = 0,383, p = 0,037). Ngưỡng NT-proBNP 54,46 pmol/L (461 pg/mL) có vai trò chẩn đoán tăng áp động mạch phổi với độ nhạy 54,6%, độ đặc hiệu 100%, giá trị dự báo dương tính 100%, giá trị dự báo âm tính 54,8%. NT-proBNP huyết thanh có thể sử dụng để chẩn đoán tăng áp động mạch phổi trong xơ cứng bì không có suy tim.

1735 Một số yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả diệt H. Pylori của phác đồ trình tự và phác đồ cổ điển có Tetracyclin ở trẻ em trên 8 tuổi mắc viêm dạ dày / Lê Thị Hương, Nguyễn Thị Việt Hà, Nguyễn Văn Ngoan // .- 2018 .- Số 115 (6) .- Tr. 111-117 .- 610

Tỷ lệ diệt trừ H. pylori của các phác đồ 3 thuốc chuẩn trên trẻ em có xu hướng ngày càng giảm. Mục tiêu nhằm tìm hiểu một số yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả diệt H. pylori của phác đồ trình tự và phác đồ cổ điển có tetracycline (phác đồ MTE) ở trẻ em trên 8 tuổi mắc viêm dạ dày. Đối tượng và phương pháp: nghiên cứu tiến cứu thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên mở trên 160 trẻ từ 8 - 15 tuổi. Kết quả cho thấy, phác đồ MTE có hiệu quả diệt H. pylori cao hơn phác đồ trình tự, phân tích theo nhóm dự kiến nghiên cứu (80% so với 33%, p < 0,001) và trên nhóm thực hiện nghiên cứu (85% so với 35%, p < 0,001). Ở phác đồ trình tự, trẻ gái có tỉ lệ sạch vi khuẩn cao hơn trẻ trai (OR = 5,5; 95%CI 1,9 - 16,4) và hiệu quả diệt H. pylori ở nhóm trẻ sống ở nông thôn cao hơn so với ở thành thị (OR 3,75; 95%CI 1,4 - 10,4). Ở cả hai phác đồ, trẻ có tiền sử sử dụng kháng sinh trong phác đồ có tỉ sạch vi khuẩn thấp hơn so với những trẻ không sử dụng kháng sinh trước đó (p < 0,05). Đối với trẻ trên 8 tuổi, tetracyclin là một lựa chọn tốt để phối hợp trong các phác đồ điều trị diệt H. pylori, tiền sử sử dụng kháng sinh là 1 gợi ý quan trọng khi lựa chọn phác đồ điều trị. Ở phác đồ trình tự, yếu tố giới tính và địa dư cũng ảnh hưởng đến tỉ lệ sạch vi khuẩn.

1736 Đánh giá tình trạng rối loạn nhu động thực quản và thay đổi áp lực cơ thắt thực quản dưới ở bệnh nhân có triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày - thực quản / // .- 2018 .- Số 115 (6) .- Tr. 118-125 .- 610

Đo áp lực và nhu động thực quản độ phân giải cao (HRM) là một thăm dò mới trong bệnh trào ngược dạ dày - thực quản (GERD). Nghiên cứu đánh giá rối loạn nhu động và cơ thắt thực quản dưới (LES) ở bệnh nhân có triệu chứng trào ngược dạ dày - thực quản và khảo sát liên quan với triệu chứng lâm sàng. Kết quả thu tuyển được 217 bệnh nhân, tuổi trung bình 46,9 ± 11,7 và 72,4% nữ giới. 101 bệnh nhân (46,5%) có giảm nhu động và 122 (56,2%) có giảm trương lực cơ thắt thực quản dưới. Áp lực cơ thắt thực quản dưới nền và khi nuốt thấp hơn ở nhóm giảm nhu động so với nhóm nhu động bình thường (15,9 ± 8,0 so với 19,0 ± 8,6 và 15,6 ± 7,9 so với 19,9 ± 8,5; p < 0,05). Tỷ lệ viêm thực quản trào ngược ở nhóm nhu động bình thường cao hơn so với nhóm giảm nhu động (51,9% so với 34,9%, p < 0,05). Áp lực cơ thắt thực quản dưới không có tương quan với điểm bộ câu hỏi bệnh trào ngược dạ dày - thực quản và FSSG. Không có bằng chứng về mối liên quan của rối loạn nhu động và áp lực thực quản với các triệu chứng lâm sàng gợi ý trào ngược dạ dày - thực quản.

1737 Hiệu quả của tiêm botulinum nhóm A (Dysport) kết hợp với phục hồi chức năng lên chức năng vận động thô ở trẻ bại não thể co cứng / // .- 2018 .- Số 115 (6) .- Tr. 126-133 .- 610

Bại não thể co cứng là nguyên nhân gây ra khiếm khuyết vận động phổ biến nhất ở trẻ em, hậu quả của tổn thương tế bào thần kinh vận động trên. Co cứng cơ dẫn đến co rút, biến dạng cứng đờ khớp, nếu không được điều trị có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng vận động và tư thế. Nghiên cứu này nhằm đánh giá hiệu quả tiêm Botulinum nhóm A (Dysport) kết hợp với phục hồi chức năng lên chức năng vận động thô (GMFCS) ở trẻ bại não thể co cứng. 140 trẻ bại não thể co cứng từ 2 tuổi đến 12 tuổi vào điều trị tại khoa Phục hồi Chức năng - Bệnh viện Nhi Trung ương từ tháng 12 năm 2015 đến tháng 12 năm 2017 được tuyển chọn vào nghiên cứu và chia vào hai nhóm. Kết quả nghiên cứu cho thấy, sau can thiệp 12 tháng, trung bình điểm GMFCS ở nhóm can thiệp giảm 0,87 ± 0,56 điểm so với trước can thiệp, p < 0,01, nhóm chứng giảm 0,31 ± 0,47, p < 0,01. Trung bình khác biệt của trung bình điểm CMFCS sau can thiệp giữa nhóm bệnh và nhóm chứng là 0,48 (p < 0,001). Trẻ bại não thể co cứng được tiêm Botulinum nhóm A kết hợp với tập phục hồi chức năng thì khả năng tiến bộ ở mức độ tốt và rất tốt cao gấp 7,36 trẻ chỉ tập luyện phục hồi chức năng đơn thuần có ý nghĩa thông kê với p < 0,001.

1738 Hiệu quả giãn cơ sâu trong phẫu thuật nội soi ổ bụng / Ngô Thị Huê, Nguyễn Hữu Tú // .- 2018 .- Số 115 (6) .- Tr. 134-142 .- 610

Giãn cơ được sử dụng thường xuyên trong phẫu thuật ổ bụng nhằm mục đích cải thiện điều kiện phẫu thuật. Bằng chứng ủng hộ cho việc sử dụng thường quy giãn cơ sâu vẫn còn nhiều tranh cãi. Chúng tôi tiến hành nghiên cứu nhằm so sánh hiệu quả của giãn cơ sâu so với giãn cơ trung bình trong phẫu thuật nội soi ổ bụng. Phương pháp nghiên cứu can thiệp lâm sàng ngẫu nhiên mù đơn có đối chứng. Nghiên cứu thực hiện từ tháng 3/2018 đến tháng 10/2018 trên 60 bệnh nhân phẫu thuật nội soi ổ bụng có chương trình. 60 bệnh nhân được chia ngẫu nhiên làm 2 nhóm: nhóm 1 - giãn cơ sâu (Train Of Four (TOF) 0 và Post Tetanic Count (PTC) 1 - 2, n = 30), nhóm 2 - giãn cơ trung bình (TOF 1 - 2, n = 30). Kết quả nghiên cứu cho thấy áp lực ổ bụng giảm thấp hơn ở nhóm giãn cơ sâu (9,5 ± 1.5 và 11,1 ± 1,26 mmHg, p = 0,000), phẫu trường tối ưu hơn (p = 0,012), không có sự khác biệt về hô hấp, huyết động, đau sau mổ giữa 2 nhóm (p > 0,05). Giãn cơ sâu cải thiện điều kiện phẫu thuật đáng kể, không ảnh hưởng khác biệt đến các chỉ số hô hấp, huyết động, đau sau mổ.

1739 Thực trạng tăng đường huyết mới phát hiện ở bệnh nhân cao tuổi điều trị nội trú tại bệnh viện lão khoa trung ương / Đoàn Thị Kim Ngân, Hồ Thị Kim Thanh // .- 2018 .- Số 115 (6) .- Tr. 143-150 .- 610

Tăng đường huyết cấp tính xảy ra ở cả nhóm bệnh nhân có tiền căn mắc bệnh đái tháo đường và không mắc đái tháo đường, là yếu tố nguy cơ độc lập gây tăng tỷ lệ nhập viện, kéo dài thời gian nằm viện và gây ra nhiều kết cục xấu. Nghiên cứu nhằm mô tả thực trạng tăng đường huyết mới phát hiện ở bệnh nhân cao tuổi điều trị nội trú tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương. Điều tra 118 bệnh nhân từ 60 tuổi trở lên có tăng đường huyết phát hiện lần đầu nhập viện, chia thành 2 nhóm: nhóm I là các bệnh nhân không bị đái tháo đường, nhóm II là các bệnh nhân đái tháo đường nhưng chưa được phát hiện. Kết quả nghiên cứu cho thấy nhóm bệnh nhân hay gặp nhất là trên 80 tuổi chiếm 39,8%. Đường huyết trung bình khi nhập viện 12,83 mmol/L, mức đường huyết khi nhập viện có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa 2 nhóm. Hầu hết các bệnh nhân không có triệu chứng gợi ý của đái tháo đường (92,8%). Nhóm nguyên nhân gây tăng đường huyết hay gặp nhất là tai biến mạch máu não (35,6%) và bệnh đường hô hấp cấp chiếm 24,6%.

1740 Rối loạn nhận thức trong giai đoạn trầm cảm ở bệnh nhân rối loạn cảm xúc lưỡng cực / Nguyễn Viết Chung, Nguyễn Văn Tuấn, Nguyễn Minh Quyết // .- 2018 .- Số 115 (6) .- Tr. 151-157 .- 610

Rối loạn chức năng nhận thức trong giai đoạn trầm cảm ở bệnh nhân rối loạn cảm xúc lưỡng cực thường gặp và đa dạng, trong thực hành lâm sàng hiện nay còn chưa được quan tâm và đánh giá đúng mức. Chúng tôi thực hiện nghiên cứu mô tả chùm ca bệnh trên 30 bệnh nhân điều trị nội trú tại Viện Sức khỏe Tâm thần từ 9/2017 tới 6/2018 với mục tiêu mô tả đặc điểm lâm sàng rối loạn nhận thức trong giai đoạn trầm cảm ở bệnh nhân rối loạn cảm xúc lưỡng cực. Kết quả thu được: tỷ lệ rối loạn sự chú ý: tập trung (46,7%), duy trì (76,7%), di chuyển (64,3%); Trí nhớ: trí nhớ tức thì (33,3%), trí nhớ gần (90%), trí nhớ lời nói (63,3%), trí nhớ hình ảnh (66,7%), nhớ lại có trì hoãn (66,7%); Chức năng điều hành: Kiến tạo thị giác (66,7%), chậm chạp tâm thần vận động (73,3%), trừu tượng hoá (76,7%), lưu loát (70%), tính toán (40%), lên kế hoạch (56,7%), sắp xếp (20%), giải quyết vấn đề (46,7%).Trí nhớ xa không bị rối loạn. Các triệu chứng rối loạn nhận thức đa dạng và phong phú, thường gặp với tỷ lệ cao.