CSDL Bài trích Báo - Tạp chí
chủ đề: Tăng trưởng kinh tế
51 Chất lượng thể chế, hội nhập kinh tế và tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam / Nguyễn Trần Xuân Linh, Nguyễn Bảo Duy, Quách Mỹ Hương, Trần Thị Nhật Linh, Nguyễn Thuận Gia Nghi, Nguyễn Ngọc Yến Nhi // Tài chính .- 2023 .- Số 805 .- Tr. 22-24 .- 330
Bài viết này nghiên cứu về thước đo chất lượng thể chế cấp tỉnh tại Việt Nam nhằm đánh giá sự tác động, phản ánh mối quan hệ giữa chất lượng thể chế, mức độ hội nhập kinh tế của 63 tỉnh, thành phố đến tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam. Thông qua phương pháp hồi quy bội theo cách tiếp cận Bayes và lấy mẫu Gibbs, nghiên cứu sử dụng các biến chính nghiên cứu bao gồm: Chất lượng thể chế, Độ mở nền kinh tế, Vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng sử dụng 2 biến kiểm soát gồm: Đầu tư tư nhân và Đầu tư công. Kết quả nghiên cứu cho thấy có 3 biến chính tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả đưa ra một số hàm ý chính sách cho Việt Nam trong thời gian tới.
52 Phát triển tài chính trong bối cảnh tăng trưởng thích ứng với biến đổi khí hậu và một số khuyến nghị đối với Việt Nam / Nguyễn Minh Sáng // .- 2023 .- Số 15 - Tháng 8 .- Tr. 53-56 .- 332
Bài viết tìm hiểu mối liên hệ giữa phát triển tài chính trong bối cảnh tăng trưởng thích ứng với biến đổi khí hậu. Bài viết đưa ra một số cơ sở lí thuyết liên quan đến phát triển kinh tế, mô hình tăng trưởng kinh tế thích ứng với biến đổi khí hậu cũng như mối liên hệ giữa phát triển tài chính trong bối cảnh tăng trưởng thích ứng với khí hậu; đồng thời, đề xuất các cơ hội để tăng cường phát triển tài chính hướng tới sự phát triển tương thích với biến đổi khí hậu, bao gồm các cơ chế tài chính sáng tạo như trái phiếu xanh, quỹ đầu tư xanh, đầu tư tác động và tài chính kết hợp. Sau cùng, bài viết đề xuất một số khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam nhằm tăng cường phát triển tài chính hướng tới tăng trưởng thích ứng với khí hậu.
53 Bảo vệ khí hậu và tăng trưởng kinh tế tại các nước đang phát triển / Đoàn Quang Huy // Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương .- 2023 .- Số 636 .- Tr. 4-6 .- 330
Bài viết này nghiên cứu mối quan hệ giữa bảo vệ khí hậu và tăng trưởng kinh tế ở các nước đang phát triển. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, thứ nhất, tác động của biến đổi khí hậu có khía cạnh phân phối đối với các nước đang phát triển do thiếu công nghệ và khả năng thích ứng cũng như vị trí hiện tại của họ. Thứ hai, chi phí kinh tế của biến đổi khí hậu khá cao và sẽ cao hơn nhiều do hành động chậm trễ của các quốc gia. Thứ ba, tăng trưởng kinh tế và bảo vệ khí hậu có thể đạt được đồng thời nếu thực hiện các hành động giảm thiểu thích hợp. Do vậy, biến đổi khí hậu không phải là trở ngại đối với tăng trưởng kinh tế tại các nước đang phát triển.
54 Các nhân tố ảnh hướng của lạm phát tác động tới đời sống sinh viên các trường đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội / Đào Thu Hà, Nguyễn Thị Thảo // Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương .- 2023 .- Số 636 .- Tr. 41-43 .- 330
Lạm phát luôn ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế, đời sống việc làm của mọi tầng lớp cư dân trong xã hội. Xuất phát từ ý tưởng : “Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng của lạm phát tác động tới đời sống sinh viên các trường đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội” nhằm tìm hiểu những tác động của lạm phát tới đời sống, thói quen tiêu dùng của người dân đô thị thông qua chỉ số hàng hoá, giá tiêu dùng và dịch vụ nơi đô thị. Trong khuôn khổ bài viết tác giả chỉ tập trung nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng trực tiếp tới sinh viên các trường Đại học hy vọng mang lại những cái nhìn tổng quát, cũng như đưa ra những gợi mở nhằm tìm ra phương pháp hỗ trợ sinh viên có cơ hội học tập và nghiên cứu ổn định trong thời kỳ lạm phát.
55 Nghiên cứu nhóm tiêu chí xã hội trong đánh giá chất lượng tăng trưởng kinh tế : trường hợp tỉnh Bắc Ninh / Phạm Thị Linh // Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương .- 2023 .- Số 636 .- Số 636 .- 330
Bài viết tổng hợp nghiên cứu của các tác giả đi trước về các tiêu chí và đề xuất bộ tiêu chí phù hợp cho Việt Nam để đánh giá chất lượng tăng trưởng kinh tế. Bài viết tập trung nghiên cứu nhóm tiêu chí về xã hội và nghiên cứu thực trạng đạt được của nhóm tiêu chí này ở một địa phương cụ thể là tỉnh Bắc Ninh – một trong những tỉnh thành có những thành tựu ấn tượng về tăng trưởng kinh tế trong những năm qua. Từ đề xuất một số gợi ý chính sách cho các nhà quản lý nhằm đạt được tăng trưởng kinh tế bền vững.
56 Tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam / Nguyễn Minh Sáng, Bùi Thị Lệ Chi // Ngân hàng .- 2023 .- Số 10 .- Tr. 1-10 .- 332.63
Dựa trên dữ liệu theo quý giai đoạn 2006 - 2021, kết quả kiểm định đồng liên kết theo phương pháp Johansen chỉ ra mối đồng liên kết trong mô hình nghiên cứu. Ước lượng Mô hình véc - tơ hiệu chỉnh sai số hồi quy (Vector Error Correction Model - VECM) cho thấy, tác động tích cực của FDI đến tăng trưởng kinh tế và CAP trong dài hạn không có ý nghĩa thống kê, trong khi FDI tác động tiêu cực đến xuất nhập khẩu có ý nghĩa thống kê trong dài hạn. Kiểm định nhân quả Granger cho thấy, FDI tác động tích cực đến các biến trung gian bao gồm CAP và EX trong ngắn hạn. Kết quả nghiên cứu định tính cho thấy, bên cạnh một số tác động mà đầu tư trực tiếp nước ngoài mang lại cho nền kinh tế như thúc đẩy xuất khẩu, tạo việc làm, tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài đến tăng trưởng kinh tế còn tồn tại một số hạn chế do hoạt động khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài chưa thực sự hiệu quả. Từ kết quả nghiên cứu, các kiến nghị về chính sách và giải pháp được đưa ra nhằm nâng cao hiệu quả của đầu tư trực tiếp nước ngoài, từ đó, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
57 Tác động của chuyển đổi số đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam : tiếp cận bằng phương pháp phân tích Wavelet / Nguyễn Minh Hà, Phan Thị Liệu, Bùi Hoàng Ngọc // Nghiên cứu kinh tế .- 2023 .- Số 4 (539) .- Tr. 16-27 .- 330
Chuyển đổi số, vốn vật chất và vốn nhân lực được coi là ba trụ cột để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thập niên tới. Do vậy khám phá tác động của ba yếu tố này đến tăng trưởng kinh tế là hết sức cần thiết. Để đạt được mục tiêu đó, nghiên cứu đã ứng dụng kỹ thuật phân tích tiên tiến hiện nay - kỹ thuật phân tích Wavelet coherence cho kinh tế Việt Nam giai đoạn 1990 - 2018. Kết quả thực nghiệm cho thấy, ở những miền tần số cao thì vốn vật chất, vốn nhân lực và chuyển đổi số có tương quan yếu với tăng trưởng kinh tế, sau đó sẽ mạnh lên ở miền tần số trung và tần số thấp. Nghiên cứu cũng tìm thấy tác động tuần hoàn ở trong trung hạn và tác động một chiều ở trong dài hạn.
58 Tác động ngưỡng của nợ công đến tăng trưởng ở các nước ASEAN / Huỳnh Thế Nguyễn // Kinh tế & phát triển .- 2023 .- Số 311 .- Tr. 44-52 .- 330
Bài báo này phân tích hiệu ứng ngưỡng nợ công đối với tăng trưởng kinh tế ở các nước ASEAN. Mô hình được sử dụng trong nghiên cứu là ngưỡng bảng động để phân tích bộ dữ liệu từ một số nước ASEAN trong giai đoạn 2002 – 2020. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng ngưỡng nợ công trên GDP trung bình của các nước ASEAN là 95,7%. Nếu nợ công thấp hơn mức ngưỡng này thì nợ công có đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế. Ngược lại, nợ công trên GDP vượt ngưỡng thì có tác động tiêu cực đến tăng trưởng. Ngoài ra, nghiên cứu chỉ ra rằng ngưỡng nợ công của các nước ASEAN trong khoảng 52,5% – 97,7%. Do đó, các nhà làm chính sách kinh tế nên đề xuất mức ngưỡng nợ công phù hợp trong việc mở rộng tài khóa và gia tăng nợ công để thúc đẩy tăng tưởng.
59 Hiệu ứng của tự do hóa tài chính đối với tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam / Nguyễn Quốc Anh, Nguyễn Thị Thanh Nhàn // Kinh tế & phát triển .- 2023 .- Số 310 .- Tr. 13-22 .- 332.1
Bài nghiên cứu được thực hiện nhằm nghiên cứu tác động của tự do hoá tài chính đến tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam. Dữ liệu nghiên cứu được lấy tổ chức IMF trong giai đoạn từ năm 2001 đến 2021. Biến phụ thuộc của mô hình là GDP, biến độc lập bao gồm bao gồm BM, IRO và EX. Bài nghiên cứu sử dụng mô hình mô hình VECM và mô hình NARDL để xử lý. Kết quả cho thấy trong ngắn hạn có thể chứng minh được tác động của tự do hoá tài chính đối với tốc độ tăng trưởng GDP. Nghiên cứu cũng cho thấy tài chính đóng một vai trò quan trọng trong việc kích thích tăng trưởng và phát triển kinh tế. Nghiên cứu kết luận rằng sự thiếu hụt nguồn vốn sẽ có những tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế ngay lập tức. Từ kết quả nghiên cứu, bài viết đã đề xuất một số giải pháp cho chính sách của FTA, tự do hoá tài chính đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
60 Ứng dụng mô hình ARDL trong phân tích tác động của cơ cấu xuất khẩu tới tăng trưởng kinh tế Việt Nam / Nguyễn Thị Thu Thủy // Kinh tế & phát triển .- 2023 .- Số 310 .- Tr. 23-33 .- 658
Ứng dụng mô hình tự hồi quy phân phối trễ (ARDL), nghiên cứu đánh giá tác động của cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tới tăng trường kinh tế Việt Nam giai đoạn 2010-2019. Các thước đo cơ cấu hàng hóa xuất khẩu khác nhau đã được sử dụng để có góc nhìn đầy đủ, đa chiều về tác động này. Kết quả nghiên cứu chỉ ra: (i) Trong ngắn hạn, đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu nói chung và đa dạng hóa theo chiều rộng có tác động ngược chiều, trong khi chưa thấy bằng chứng rõ nét về tác động của sự thay đổi thành phần xuất khẩu và đa dạng hóa theo chiều sâu tới tăng trưởng kinh tế. (ii) Trong dài hạn, đa dạng hóa, cả theo chiều rộng và theo chiều sâu cùng thể hiện rõ vai trò động lực với tăng trưởng kinh tế. Nghiên cứu cũng tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của xuất khẩu hàng hóa nói chung với tăng trưởng kinh tế, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu. Từ kết quả trên, một số luận giải và hàm ý đã được đề xuất.