CSDL Bài trích Báo - Tạp chí
chủ đề: Tăng trưởng kinh tế
71 Tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam / Nguyễn Minh Sáng, Bùi Thị Lệ Chi // Ngân hàng .- 2023 .- Số 10 .- Tr. 1-10 .- 332.63
Dựa trên dữ liệu theo quý giai đoạn 2006 - 2021, kết quả kiểm định đồng liên kết theo phương pháp Johansen chỉ ra mối đồng liên kết trong mô hình nghiên cứu. Ước lượng Mô hình véc - tơ hiệu chỉnh sai số hồi quy (Vector Error Correction Model - VECM) cho thấy, tác động tích cực của FDI đến tăng trưởng kinh tế và CAP trong dài hạn không có ý nghĩa thống kê, trong khi FDI tác động tiêu cực đến xuất nhập khẩu có ý nghĩa thống kê trong dài hạn. Kiểm định nhân quả Granger cho thấy, FDI tác động tích cực đến các biến trung gian bao gồm CAP và EX trong ngắn hạn. Kết quả nghiên cứu định tính cho thấy, bên cạnh một số tác động mà đầu tư trực tiếp nước ngoài mang lại cho nền kinh tế như thúc đẩy xuất khẩu, tạo việc làm, tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài đến tăng trưởng kinh tế còn tồn tại một số hạn chế do hoạt động khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài chưa thực sự hiệu quả. Từ kết quả nghiên cứu, các kiến nghị về chính sách và giải pháp được đưa ra nhằm nâng cao hiệu quả của đầu tư trực tiếp nước ngoài, từ đó, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
72 Tác động của chuyển đổi số đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam : tiếp cận bằng phương pháp phân tích Wavelet / Nguyễn Minh Hà, Phan Thị Liệu, Bùi Hoàng Ngọc // Nghiên cứu kinh tế .- 2023 .- Số 4 (539) .- Tr. 16-27 .- 330
Chuyển đổi số, vốn vật chất và vốn nhân lực được coi là ba trụ cột để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thập niên tới. Do vậy khám phá tác động của ba yếu tố này đến tăng trưởng kinh tế là hết sức cần thiết. Để đạt được mục tiêu đó, nghiên cứu đã ứng dụng kỹ thuật phân tích tiên tiến hiện nay - kỹ thuật phân tích Wavelet coherence cho kinh tế Việt Nam giai đoạn 1990 - 2018. Kết quả thực nghiệm cho thấy, ở những miền tần số cao thì vốn vật chất, vốn nhân lực và chuyển đổi số có tương quan yếu với tăng trưởng kinh tế, sau đó sẽ mạnh lên ở miền tần số trung và tần số thấp. Nghiên cứu cũng tìm thấy tác động tuần hoàn ở trong trung hạn và tác động một chiều ở trong dài hạn.
73 Tác động ngưỡng của nợ công đến tăng trưởng ở các nước ASEAN / Huỳnh Thế Nguyễn // Kinh tế & phát triển .- 2023 .- Số 311 .- Tr. 44-52 .- 330
Bài báo này phân tích hiệu ứng ngưỡng nợ công đối với tăng trưởng kinh tế ở các nước ASEAN. Mô hình được sử dụng trong nghiên cứu là ngưỡng bảng động để phân tích bộ dữ liệu từ một số nước ASEAN trong giai đoạn 2002 – 2020. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng ngưỡng nợ công trên GDP trung bình của các nước ASEAN là 95,7%. Nếu nợ công thấp hơn mức ngưỡng này thì nợ công có đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế. Ngược lại, nợ công trên GDP vượt ngưỡng thì có tác động tiêu cực đến tăng trưởng. Ngoài ra, nghiên cứu chỉ ra rằng ngưỡng nợ công của các nước ASEAN trong khoảng 52,5% – 97,7%. Do đó, các nhà làm chính sách kinh tế nên đề xuất mức ngưỡng nợ công phù hợp trong việc mở rộng tài khóa và gia tăng nợ công để thúc đẩy tăng tưởng.
74 Hiệu ứng của tự do hóa tài chính đối với tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam / Nguyễn Quốc Anh, Nguyễn Thị Thanh Nhàn // Kinh tế & phát triển .- 2023 .- Số 310 .- Tr. 13-22 .- 332.1
Bài nghiên cứu được thực hiện nhằm nghiên cứu tác động của tự do hoá tài chính đến tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam. Dữ liệu nghiên cứu được lấy tổ chức IMF trong giai đoạn từ năm 2001 đến 2021. Biến phụ thuộc của mô hình là GDP, biến độc lập bao gồm bao gồm BM, IRO và EX. Bài nghiên cứu sử dụng mô hình mô hình VECM và mô hình NARDL để xử lý. Kết quả cho thấy trong ngắn hạn có thể chứng minh được tác động của tự do hoá tài chính đối với tốc độ tăng trưởng GDP. Nghiên cứu cũng cho thấy tài chính đóng một vai trò quan trọng trong việc kích thích tăng trưởng và phát triển kinh tế. Nghiên cứu kết luận rằng sự thiếu hụt nguồn vốn sẽ có những tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế ngay lập tức. Từ kết quả nghiên cứu, bài viết đã đề xuất một số giải pháp cho chính sách của FTA, tự do hoá tài chính đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
75 Ứng dụng mô hình ARDL trong phân tích tác động của cơ cấu xuất khẩu tới tăng trưởng kinh tế Việt Nam / Nguyễn Thị Thu Thủy // Kinh tế & phát triển .- 2023 .- Số 310 .- Tr. 23-33 .- 658
Ứng dụng mô hình tự hồi quy phân phối trễ (ARDL), nghiên cứu đánh giá tác động của cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tới tăng trường kinh tế Việt Nam giai đoạn 2010-2019. Các thước đo cơ cấu hàng hóa xuất khẩu khác nhau đã được sử dụng để có góc nhìn đầy đủ, đa chiều về tác động này. Kết quả nghiên cứu chỉ ra: (i) Trong ngắn hạn, đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu nói chung và đa dạng hóa theo chiều rộng có tác động ngược chiều, trong khi chưa thấy bằng chứng rõ nét về tác động của sự thay đổi thành phần xuất khẩu và đa dạng hóa theo chiều sâu tới tăng trưởng kinh tế. (ii) Trong dài hạn, đa dạng hóa, cả theo chiều rộng và theo chiều sâu cùng thể hiện rõ vai trò động lực với tăng trưởng kinh tế. Nghiên cứu cũng tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của xuất khẩu hàng hóa nói chung với tăng trưởng kinh tế, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu. Từ kết quả trên, một số luận giải và hàm ý đã được đề xuất.
76 Hiệu ứng truyền dẫn của tín dụng ngân hàng đến tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam / Lê Thị Thúy Hằng, Đặng Đình Nhân // Tài chính - Kỳ 2 .- 2022 .- Số 791 .- Tr. 77-80 .- 332.12
Kết quả nghiên cứu chỉ ra tác động mạnh mẽ và quan trọng của hoạt động cho vay của các ngân hàng thương mại đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Nghiên cứu khuyến nghị Chính phủ nên thực hiện cải cách chính sách tín dụng để gia tăng hiệu quả các khoản vay của ngân hàng thương mại để nền kinh tế Việt Nam hoạt động tốt hơn.
77 Vai trò của giới hạn tăng trưởng tín dụng đối với quy mô nền kinh tế Việt Nam / Phạm Duy Tính // Kinh tế & phát triển .- 2023 .- Số 308 .- Tr. 2-10 .- 332.1
Tín dụng ngân hàng là kênh truyền dẫn chính sách tiền tệ quan trọng đến tăng trưởng kinh tế. Giới hạn tăng trưởng tín dụng là một công cụ hành chính điều tiết tín dụng ngân hàng được sử dụng tại Việt Nam từ năm 2011. Nhiều nhà nghiên cứu khuyến nghị cần để các ngân hàng tự do trong việc cấp tín dụng cho nền kinh tế. Bài nghiên cứu sử dụng mô hình hồi quy đa biến, xem xét tác động của chính sách giới hạn tăng trưởng tín dụng đến quy mô nền kinh tế Việt Nam thông qua việc sử dụng biến giả chính sách cùng với các biến kiểm soát khác. Dữ liệu thứ cấp theo chuỗi thời gian từ quý I năm 2005 đến quý I năm 2022 được sử dụng để ước lượng các tham số mô hình. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng tỷ lệ tín dụng ngân hàng trên GDP có vai trò tích cực đến quy mô nền kinh tế và chính sách giới hạn tăng trưởng tín dụng có tác động vượt trội trong việc thúc đẩy vai trò này tại Việt Nam.
78 Cục diện kinh tế - chính trị thế giới và những tác động đến kinh tế Việt Nam / Trấn Thị Mai Thành, Phạm Sỹ An // Tài chính .- 2023 .- Số 1+2 .- Tr.88-90 .- 330
Vừa trải qua các đợt sóng đại dịch Covid-19, thế giới lại chứng kiến cú sốc khác đến từ cuộc xung đột Nga-Ukraine vào đầu năm 2022. Chiến sự Nga-Ukraine đã ảnh hưởng lớn đến cục diện thế giới, tác động sâu sắc đến nền kinh tế Việt Nam nói riêng. Đứng trước sự thay đổi khó lường của cục diện thế giới, Chính phủ Việt Nam đã có sự điều hành chính sách hợp lý để đạt được các kết quả ấn tượng: tăng trưởng kinh tế ở mức cao, tỷ lệ lạm phát ở múc thấp, góp phần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.
79 Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế / Dương Bá Đức // Tài chính .- 2023 .- Tr. 53-56 .- 332.12
Xác định giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm đảm bảo thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.Mạc dù đã tích cực triển khai nhưng tiến độ giải ngân vốn đầu tư công hiện vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong thời gian tới, cần triển khai đồng bộ các giải pháp để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
80 Thực trạng kinh tế Việt Nam năm 2022 và triển vọng năm 2023 / Phạm Anh Tuấn, Lý Đại Hùng // Nghiên cứu kinh tế .- 2023 .- Số 1(536) .- Tr. 3-13 .- 330
Nghiên cứu này đánh giá những đặc điểm nổi bật của thực trạng kinh tế Việt Nam năm 2022, chỉ rõ những vấn đề, thách thức từ đó đưa ra những đánh giá đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2023. Kinh tế Việt Nam đã trải qua năm 2022 với tín hiệu tích cực về tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô và hội nhập kinh tế quốc tế.