CSDL Bài trích Báo - Tạp chí
Khoa Luật
191 Hoàn thiện pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong ban hành, thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ / Đào Vũ, Phạm Quang Huy, Nguyễn Đức Thịnh // .- 2024 .- Số 821 - Tháng 3 .- Tr. 49-51 .- 340
Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được Quốc hội khoá XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 26/11/2013, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2014. Qua gần 10 năm thực hiện Luật, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhìn chung đã đạt được một số kết quả nhất định, tạo chuyển biến và nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và Nhân dân trên các mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, thực tiễn việc thực hiện Luật cũng đã phát sinh những tồn tại, hạn chế, bất cập nhất định trong ban hành, thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ; do đó, cần phải nghiên cứu sửa đổi để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao hiệu quả của công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
192 Nâng cao hiệu quả các biện pháp bảo vệ trẻ em bị bạo lực ở Việt Nam hiện nay / Mai Thị Quỳnh Như, Ngô Thị Kiều Trang // .- 2024 .- Số 2 .- Tr. 3-18 .- 340
Trẻ em bị bạo lực là chủ thể bị tổn thương về thể chất lẫn tinh thần, do đó, cần thiết phải được bảo vệ bằng nhiều biện pháp khác nhau. Hiện nay, các biện pháp bảo vệ trẻ em bị bạo lực được chia thành hai nhóm chủ yếu là biện pháp phòng ngừa và biện pháp can thiệp. Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay cho thấy các biện pháp phòng ngừa chưa thực sự hạn chế được nguy cơ bị bạo lực cho trẻ em, đặc biệt là nhóm trẻ yếu thế; các biện pháp can thiệp chưa đảm bảo được sự tiếp cận của các nhóm trẻ em, đặc biệt trẻ em ở khu vực miền núi; các dịch vụ thiết yếu như tư vấn tâm lí, chăm sóc y tế chưa sẵn có... Trên cơ sở đánh giá thực trạng các biện pháp bảo vệ đối với trẻ em bị bạo lực, bài viết đề xuất một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả các biện pháp phòng ngừa và can thiệp đối với trẻ em bị bạo lực ở Việt Nam.
193 Hoàn thiện pháp luật về giải quyết bồi thường thiệt hại trong vụ án hành chính / Lê Việt Sơn, Nguyễn Hoàng Yến // .- 2024 .- Số 2 .- Tr. 19-30 .- 340
Giải quyết bồi thường thiệt hại trong vụ án hành chính giúp khôi phục kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự bị thiệt hại do hoạt động hành chính nhà nước trái pháp luật gây ra, đồng thời góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí tố tụng. Luật Tố tụng hành chính năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) và Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 đã có những quy định tiến bộ, phù hợp về giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại trong vụ án hành chính. Tuy nhiên, pháp luật về giải quyết bồi thường thiệt hại trong vụ án hành chính vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định dẫn đến những vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn thực hiện. Bài viết phân tích nội dung các quy định pháp luật về bồi thường thiệt hại trong vụ án hành chính, chỉ ra một số điểm bất cập trong các quy định này và thực tiễn áp dụng, từ đó đề xuất một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về giải quyết bồi thường thiệt hại trong vụ án hành chính ở Việt Nam.
194 Xác định thiệt hại do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ / Vũ Thị Hải Yến // .- 2024 .- Số 2 .- Tr. 31- 49 .- 340
Do tính “trừu tượng” của quyền sở hữu trí tuệ nên việc xác định thiệt hại do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ để đưa ra mức bồi thường đúng đắn và phù hợp luôn là vấn đề khó khăn, phức tạp trong thực tiễn xét xử các vụ án về sở hữu trí tuệ. Qua việc phân tích quy định của pháp luật và dẫn chứng thực tiễn áp dụng quy định về bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong một số vụ án được xét xử tại Việt Nam, đồng thời tham chiếu pháp luật và kinh nghiệm một số quốc gia trên thế giới, bài viết đề xuất kiến nghị hoàn thiện pháp luật Việt Nam về các cách xác định thiệt hại thực tế, thiệt hại theo luật định và thiệt hại mang tính trừng phạt do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
195 Kê biên tài sản thế chấp trong thi hành án dân sự / Nguyễn Thị Thu Hà // .- 2024 .- Số 2 .- Tr. 50- 61 .- 340
Việc kê biên tài sản thế chấp trong thi hành án dân sự đang gặp phải nhiều vướng mắc, bất cập trong pháp luật cũng như trong thực tiễn thực hiện pháp luật thi hành án dân sự dẫn đến chấp hành viên không kê biên, xử lí được tài sản của người phải thi hành án đang thế chấp để bảo đảm cho nghĩa vụ khác cho dù tài sản đó đủ điều kiện kê biên. Bài viết phân tích, luận giải các vướng mắc, bất cập này, trên cơ sở đó đưa ra các kiến nghị hoàn thiện pháp luật và thực hiện pháp luật về kê biên tài sản thế chấp trong thi hành án dân sự.
196 Bảo đảm đầu tư kinh doanh đối với nhà đầu tư theo pháp luật đầu tư Việt Nam / Lê Văn Tranh // .- 2024 .- Số 2 .- Tr. 62- 79 .- 340
Bài viết tập trung làm rõ quy định về bảo đảm đầu tư kinh doanh đối với nhà đầu tư theo pháp luật đầu tư Việt Nam. Theo đó, bài viết bao gồm ba nội dung chính: 1) Khung pháp lí bảo đảm quyền đầu tư kinh doanh đối với nhà đầu tư; 2) Nội dung bảo đảm quyền đầu tư kinh doanh đối với nhà đầu tư; 3) Một số nhận xét và định hướng hoàn thiện. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các quy định về chính sách bảo vệ nhà đầu tư đã và đang được thay đổi, từng bước hoàn thiện. Mục đích của sự thay đổi, hoàn thiện là nhằm khai thác tốt hơn lợi thế, nguồn lực do đầu tư mang lại cũng như bảo đảm tốt hơn về quyền và lợi ích cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, pháp luật đầu tư vẫn còn một số hạn chế, bất cập cần phải tiếp tục được hoàn thiện để làm tốt hơn vai trò thu hút, bảo vệ và phát triển các quan hệ đầu tư kinh doanh phù hợp với thông lệ quốc tế. Đồng thời, tối ưu hoá lợi thế cạnh tranh thông qua hợp lí hoá các quy định pháp luật hướng đến lợi ích bền vững giữa nhà nước và nhà đầu tư.
197 Tranh chấp và giải quyết tranh chấp liên quan đến tài nguyên nước theo pháp luật Việt Nam / Võ Trung Tín // .- 2024 .- Số 2 .- Tr. 91- 98 .- 340
Ở Việt Nam, trong số các tranh chấp môi trường, tranh chấp liên quan đến tài nguyên nước là loại tranh chấp phổ biến và khó giải quyết. Mặc dù các quy định pháp luật về giải quyết tranh chấp liên quan đến tài nguyên nước đã được điều chỉnh, bổ sung theo thời gian, tuy nhiên các quy định đó cũng chưa tạo cơ sở pháp lí đầy đủ để các bên trong tranh chấp sử dụng để giải quyết khi phát sinh các xung đột về lợi ích. Với mục đích làm rõ hơn các vấn đề lí luận, quy định pháp luật và thực tiễn giải quyết tranh chấp liên quan đến tài nguyên nước, bài viết phân tích khái niệm, các đặc điểm của tranh chấp liên quan đến tài nguyên nước, quy định pháp luật về giải quyết tranh chấp liên quan đến tài nguyên nước ở Việt Nam, từ đó đưa ra một số kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật về vấn đề này.
198 Trách nhiệm bảo vệ quyền con người của doanh nghiệp theo các hiệp định đầu tư song phương và những vấn đề pháp lí đặt ra cho Việt Nam / Nguyễn Thị Anh Thơ // .- 2024 .- Số 2 .- Tr. 99- 115 .- 340
Các hiệp định đầu tư song phương (BITs) thế hệ đầu tiên không bao gồm các điều khoản về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (Corporate Social Responsibility - CSR). Sau đó, điều khoản về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đã dần xuất hiện trong một số hiệp định đầu tư song phương nhưng không trực tiếp quy định nhà đầu tư phải có trách nhiệm bảo đảm quyền con người. Gần đây, hiệp định đầu tư song phương được sửa đổi theo hướng rà soát lại một số điều khoản cân bằng hơn về nghĩa vụ của nhà đầu tư. Theo đó, các hiệp định đầu tư song phương có xu hướng kết hợp các điều khoản về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong các phần hoặc chương về “nghĩa vụ của nhà đầu tư” hoặc nhà đầu tư có trách nhiệm bảo vệ quyền con người được thiết lập bởi pháp luật quốc gia nước tiếp nhận đầu tư. Từ những kinh nghiệm phát triển và thiết kế điều khoản trách nhiệm bảo vệ quyền con người của doanh nghiệp trong các hiệp định đầu tư song phương của một số quốc gia, bài viết đưa ra một số đề xuất hoàn thiện pháp luật Việt Nam.
199 Mô hình chính quyền địa phương ở Pháp và gợi mở cho Việt Nam hiện nay / Nguyễn Sơn Bách // .- 2024 .- Số 2 .- Tr. 116- 129 .- 340
Quản trị địa phương là một trong những vấn đề chính trong các cuộc cải cách quản trị quốc gia ở các nước trên thế giới và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã và đang đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trong quá trình đổi mới, việc nghiên cứu và tiếp thu kinh nghiệm từ quản trị địa phương các quốc gia trên thế giới là một hướng đi cần thiết. Bài viết phân tích mô hình chính quyền địa phương của nước Cộng hoà Pháp, từ đó đề xuất một số quan điểm, giải pháp nhằm hoàn thiện hơn tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương ở Việt Nam trong điều kiện hiện nay.
200 Thiết kế và vận hành khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát ở Liên bang Nga và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam / Trịnh Ngọc Anh Phương // .- 2024 .- Số 2 .- Tr. 130- 144 .- 340
Trong thời gian qua, sự phát triển mạnh mẽ của các công nghệ đột phá đã tạo nên những sản phẩm, dịch vụ mang tính đổi mới sáng tạo, vượt xa trí tưởng tượng của con người, thúc đẩy quá trình hiện đại hoá của nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội ở nhiều quốc gia và Liên bang Nga là một trong các quốc gia dẫn đầu xu hướng này. Tuy nhiên, việc áp dụng những công nghệ này cũng tiềm ẩn không ít rủi ro, đòi hỏi phải thiết lập cơ chế giám sát, kiểm soát đặc biệt, hay còn gọi là “khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát”. Bài viết nghiên cứu các chính sách xây dựng và vận hành khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát tại Liên bang Nga, từ đó đưa ra một số gợi ý nhằm hoàn thiện quy định pháp luật và nâng cao hiệu quả triển khai cơ chế thử nghiệm có kiểm soát tại Việt Nam.