CSDL Bài trích Báo - Tạp chí

chủ đề: Tài chính

  • Duyệt theo:
41 Độ tin cậy của báo cáo tài chính tác động đến hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết / Nguyễn Kim Quốc Trung // .- 2023 .- Số 813 - Tháng 11 .- Tr. 72 - 75 .- 332

Bài viết ước lượng mức độ tác động của độ tin cậy báo cáo tài chính đến hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam, đặc biệt là trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE), từ năm 2015 đến năm 2022. Bằng việc sử dụng phương pháp bình phương tối thiểu tổng quát khả thi (FGLS), kết quả cho thấy, độ tin cậy tác động tích cực đến hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết. Trên nền tảng lý thuyết người đại diện, độ tin cậy của báo cáo tài chính được coi là công cụ thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm của ban giám đốc đối với người sử dụng thông tin bên ngoài, trong khi lý thuyết các bên liên quan xem xét lợi ích của việc công bố báo cáo tài chính đáng tin cậy nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

42 Các nhân tố tác động đến nhiễu cơ cấu vốn của các khu vực và nền kinh tế / Nguyễn Khắc Minh, Phạm Văn Khánh, Vũ Tuấn Anh // .- 2023 .- Số 813 - Tháng 11 .- Tr. 19 - 24 .- 332

Nghiên cứu xem xét mối liên hệ giữa ràng buộc tài chính và chỉ số nhiễu cơ cấu vốn của nền kinh tế. Để phát hiện ra mối quan hệ này, nhóm tác giả đã thực hiện các bước nghiên cứu và kết quả cho thấy, ảnh hưởng trễ của biến phụ thuộc của chỉ số mất cơ cấu vốn có ảnh hưởng mạnh lên chỉ số mất cơ cấu vốn. Điều này cho thấy, chính sách tạo ra mất cân đối cơ cấu ảnh hưởng dai dẳng và rất khó khắc phục. Chính vì vậy, chính sách phát triển kinh tế của chính phủ không chỉ nhằm vào hiện tại mà còn phải tính đến dài hạn.

43 Khả năng sử dụng dịch vụ tài chính số của người trung niên tại Việt Nam - Cách tiếp cận từ dân trí tài chính / Khúc Thế Anh, Huỳnh Anh Thư, Trần Tuấn Vinh // .- 2023 .- Số 22 - Tháng 11 .- Tr. 22-29 .- 332

Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá tác động của dân trí tài chính dưới góc độ xem xét cả ba yếu tố: Kiến thức tài chính, thái độ tài chính và hành vi tài chính lên khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính số (Digital financial services - DFS) của người trung niên tại Việt Nam. Nhóm nghiên cứu sử dụng dữ liệu thu thập thông qua phương pháp bảng hỏi trực tiếp và được xử lí thông qua phân tích định lượng. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các nhân tố: Kiến thức tài chính, thái độ tài chính và hành vi tài chính đều có tương quan thuận với khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính số của người trung niên tại Việt Nam. Từ đó, nhóm tác giả đưa ra một số khuyến nghị chính sách với các cơ quan liên quan nhằm nâng cao dân trí tài chính và khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính số của người trung niên tại Việt Nam.

44 Các tổ chức tài chính vi mô - Quá trình chuyển đổi tại Việt Nam / Trần Thị Bình An, Nguyễn Nhi Quang // .- 2023 .- Số 22 - Tháng 11 .- Tr. 46-54 .- 332

Quá trình chuyển đổi của các tổ chức tài chính vi mô (TCVM) tại Việt Nam là một sự phát triển tất yếu theo quan điểm học thuật và thực tiễn quá trình hoạt động của TCVM trên thế giới. Tuy nhiên, sự chuyển đổi các tổ chức TCVM tại Việt Nam có một số khác biệt về quan điểm và vận hành so với thông lệ chung. Bài viết tập trung phân tích các khác biệt này để lí giải nguyên nhân của sự chuyển đổi các tổ chức TCVM tại Việt Nam, đồng thời thảo luận về quá trình chuyển đổi này. Trên cơ sở đó, bài viết đưa ra một số khuyến nghị chủ yếu liên quan đến khung pháp lí nhằm tạo ra các tác động tích cực cho quá trình chuyển đổi của các tổ chức TCVM tại Việt Nam.

45 Tác động tràn của chính sách tiền tệ Mỹ đến thị trường tài chính Việt Nam / Phạm Thị Hoàng Anh, Lưu Minh Hằng, Hoàng Minh Ngọc, Đinh Thị Giang, Phùng Thị Nhâm, Trần Ngọc Bách // .- 2023 .- Số 22 - Tháng 11 .- Tr. 55-62 .- 332

Bài nghiên cứu tập trung phân tích tác động chính sách tiền tệ (CSTT) của Mỹ đối với thị trường tài chính Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2015 đến quý II/2023. Kết quả nghiên cứu cho thấy, những thay đổi trong CSTT của Mỹ có tác động tràn và gây ra sự biến động tới thị trường tài chính Việt Nam bao gồm thị trường tiền tệ, thị trường chứng khoán và thị trường ngoại hối. Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu đề xuất một số khuyến nghị chính sách nhằm hạn chế tác động tràn của sự biến động trong CSTT Mỹ đến thị trường tài chính Việt Nam.

46 Tài chính số trong công cuộc phát triển tài chính toàn diện tại Việt Nam: một số giải pháp cho nhà cung ứng dịch vụ / Hoàng Thị Thu Hiện // .- 2023 .- Sô 17 (626) .- Tr. 32-38 .- 332

Cung ứng dịch vụ tài chính với chi phí hợp lý, trên nền tảng kĩ thuật hiện đại, an toàn tới người tiêu dùng là một mục tiêu vô cùng quan trọng ở nước ta hiện nay. Tài chính số giúp đại bộ phận cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức được tiếp cận các dịch vụ tiền gửi, tín dụng, thanh toán và các dịch vụ tài chính khác với chi phí thấp, an toàn, thuận tiện. Không chỉ làm cho nền kinh tế tăng trưởng, tài chính số còn góp phần gia tăng thu nhập, gia tăng chất lượng sống và văn minh tài chính của người dân. Trong công cuộc phát triển tài chính toàn diện, phát triển tài chính số và nhà cung ứng dịch vụ đóng vai trò rất quan quan trọng, bởi đây chính là một mắt xích mấu chốt trong hệ sinh thái tài chính toàn diện. Bài viết đưa ra một số giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển dịch vụ nhìn từ góc độ nhà cung ứng dịch vụ tài chính số tại Việt Nam.

47 Nâng cao hiệu quả phân tích tài chính bền vững doanh nghiệp thông qua tích hợp thông tin ESG / Lê Thị Ánh // .- 2023 .- Số 811 .- Tr. 99-103 .- 332

Hoạt động phân tích tài chính doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay không chỉ sử dụng các thông tin trên các báo cáo tài chính, mà còn sử dụng các thông tin phi tài chính, trong đó có thông tin ESG (báo cáo về môi trường, xã hội, quản trị) đánh giá rủi ro, cơ hội đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Chính vì vậy, việc nghiên cứu về phân tích tài chính bền vững doanh nghiệp thông qua tích hợp các thông tin phi tài chính trên báo cáo ESG là cần thiết để đáp ứng nhu cầu thông tin cho các bên liên quan.

48 Phân tích báo cáo tài chính tại các doanh nghiệp trong ngành Dược Việt Nam / Nguyễn Kiều Hoa // .- 2023 .- Số 811 .- Tr. 113-116 .- 332

Phân tích báo cáo tài chính có một vai trò rất quan trọng trong việc đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, cũng như là công cụ hỗ trợ các nhà quản lý ra quyết định quản lý, hỗ trợ các nhà đầu tư ra các quyết định đầu tư. Trên cơ sở nghiên cứu công tác phân tích báo cáo tài chính tại các công ty hoạt động trong lĩnh vực dược phẩm, bài viết đánh giá ưu điểm, hạn chế công tác phân tích báo cáo tài chính, từ đó đề xuất những giải pháp hoàn thiện nội dung, phương pháp lập và phân tích báo cáo tài chính.

49 Kinh nghiệm quốc tế về hỗ trợ tài chính cho ngư dân khai thác thủy sản / Nguyễn Viết Đức // .- 2023 .- Số 811 .- Tr. 143-145 .- 332

Nhật Bản, Philippines, Australia là những quốc gia có thế mạnh trong khai thác thủy sản lớn nhất trên thế giới. Ngành khai thác thủy sản hàng năm làm tăng thu ngoại hối, tạo ra nhiều việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người lao động, góp phần vào sự phát triển của các nền kinh tế này. Những kết quả có được là nhờ sự quan tâm của Chính phủ các quốc gia này, trong đó bao gồm việc ban hành các chính sách tài chính hỗ trợ cho ngư dân khai thác ngành Thủy sản. Bài viết đề cập kinh nghiệm về chính sách hỗ trợ tài chính của một số quốc gia trên thế giới, đồng thời rút ra những kinh nghiệm bổ ích cho Việt Nam.

50 Hiểu biết tài chính và hành vi tài chính của người cao tuổi : nghiên cứu so sánh ở các quốc gia khu vực Đông Nam Á và Trung Á / Nguyễn Đăng Tuệ, Bùi Quang Tuấn // .- 2023 .- Số 544 - Tháng 9 .- Tr. 3 - 17 .- 332

Nghiên cứu này xem xét mức độ phổ biến và khác biệt về hiểu biết tài chính và hành vi tài chính của người cao tuổi ở các nước đang phát triển ở Đông Nam Á và Trung Á. Dựa trên dữ liệu cấp độ cá nhân ở các quốc gia này, nghiên cứu đánh giá mức độ hiểu biết tài chính và hành vi tài chính của những người từ 50 tuổi trở lên. Sự khác biệt về giới tỉnh trong các hành vi tài chính phụ thuộc vào loại hành vi tài chính được nghiên cứu và chỉ được phát hiện ở một số hành vi tài chính như so sánh sản phẩm và theo dõi tình hình tài chính. Phù hợp với những phát hiện trước đây ở các nước phát triển, nghiên cứu này cho thấy, hiểu biết về tài chính là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hành vi tài chính. Những cả nhân có trình độ hiểu biết về tài chính thấp hơn có xác suất thấp hơn trong việc thực hiện các hành vi tài chính có trách nhiệm. Kết quả so sánh giữa các quốc gia cũng chỉ ra rằng, các bối cảnh xã hội như phát triển kinh tế có thể có ý nghĩa quan trọng đối với các hành vi tài chính. Các tác giả đưa ra thảo luận về ý nghĩa chính sách của những phát hiện thực nghiệm của nghiên cứu.