CSDL Bài trích Báo - Tạp chí

Khoa Du Lịch

  • Duyệt theo:
451 Cơ sở khoa học cho xây dựng chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm miến dong riềng tỉnh Bắc Kạn / Nguyễn Hiệu, Nguyễn Thị Lan Phương, Nguyễn Đức Thành, Lưu Thế Anh, Đỗ Nhật Huỳnh, Phạm Việt Hùng, Bùi Hà Ly // Nghiên cứu địa lý nhân văn .- 2021 .- Số 1 (32 .- Tr. 10-19 .- 910

Chỉ dẫn địa lý (CDĐL) là một trong các đối tượng sở hữu công nghiệp, là thông tin về nguồn gốc địa lý của sản phẩm từ một quốc gia, vùng lãnh thổ hoặc địa phương sản xuất ra sản phẩm đó. Việc bảo hộ và khai thác giá trị của CDĐL đối với nông sản của Việt Nam là yêu cầu cấp bách hiện nay khi hội nhập kinh tế quốc tế.Nghiên cứu này nhằm xác lập cơ sở khoa học phục vụ xây dựng CDĐL cho sản phẩm miến dong riềng tỉnh Bắc Kạn. Bằng các phương pháp phân tích định tính, định lượng kết hợp sử dụng các kỹ thuật xử lý thống kê và so sánh, tính toán tần suất và kiểm định sự sai khác giữa các đặc trưng đã chỉ ra được những đặc thù hình thái và chất lượng củ dong riềng nguyên liệu, đặc thù chất lượng miến dong riềng của tỉnh Bắc Kạn khác biệt so với các vùng địa lý so sánh khác. Kết quả nghiên cứu đã cung cấp các dẫn liệu khoa học có độ tin cậy để xây dựng CDĐL cho sản phẩm miến dong riềng tỉnh Bắc Kạn, góp phần quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất, đảm bảo chất lượng, phát triển thương hiệu, quảng bá sản phẩm và nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh của sản phẩm mang CDĐL trên thị trường.

452 Khai thác di sản địa chất hệ thống hang động núi lửa KRông Nô, tỉnh Đăk Nông phục vụ phát triển du lịch / Phạm Thị Trầm // Nghiên cứu địa lý nhân văn .- 2021 .- Số 1 (32) .- Tr. 40-47 .- 910

Trên cơ sở phân tích các giá trị di sản địa chất và một số điều kiện thúc đẩy phát triển du lịch trên cơ sở khai thác hang động núi lửa, bài báo đã gợi ý một số giải pháp: quy hoạch hệ thống hang động núi lửa và tài nguyên du lịch khác, đa dạng hóa, phát triển các loại hình du lịch theo đặc điểm tính chất của từng loại hang; hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ khai thác tài nguyên di sản địa chất cho phát triển du lịch; đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch.

453 Thực trạng phát triển du lịch có trách nhiệm ở huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang / Nguyễn Trọng Nhân, Huỳnh Văn Đà, Phan Việt Đua // Nghiên cứu địa lý nhân văn .- 2021 .- Số 1 (32) .- Tr. 69-78 .- 910

Kiên Hải là đơn vị hành chính cấp huyện ở tỉnh Kiên Giang, nằm trên vùng biển Tây Nam của Việt Nam, với diện tích 24,61 km2 và dân số 17.591 người (2019). Địa hình đa dạng và tương phản cao, phong cảnh hoang sơ, nhiều bãi biển thoải và được bao phủ bởi cát trắng, nước biển trong xanh, khí hậu trong lành và ấm áp quanh năm, văn hóa bản địa đa dạng, người dân thân thiện và mến khách là những nguồn lực quan trọng để địa phương phát triển nhiều loại hình du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái, du lịch biển đảo theo hướng có trách nhiệm. Để phân tích, đánh giá thực trạng phát triển du lịch có trách nhiệm ở huyện Kiên Hải, các phương pháp điều tra bằng bảng hỏi, quan sát thực địa và tham khảo tài liệu thứ cấp đã được sử dụng. Kết quả nghiên cứu cho thấy, còn một số tồn tại trong phát triển du lịch có trách nhiệm ở địa bàn nghiên cứu trên phương diện phát triển sản phẩm du lịch, quản lý hành vi của du khách, hoạt động cung cấp thông tin cho du khách, việc đảm bảo quyền lợi và phát triển nghề nghiệp cho nhân viên lao động, quản lý giá cả dịch vụ, thu gom và xử lý chất thải, an toàn trong tham gia giao thông, sử dụng nước ngọt trong du lịch.

454 Đánh giá hiện trạng cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch các tỉnh Tây Bắc / Nguyễn Xuân Hòa // Nghiên cứu địa lý nhân văn .- 2021 .- Số 1 (32) .- Tr. 79-90 .- 910

Các tỉnh Tây Bắc rất giàu tiềm năng về tài nguyên du lịch cả về du lịch tự nhiên và du lịch nhân văn. Tuy nhiên, các dạng tài nguyên này vẫn nằm ở dạng tiềm năng do điều kiện giao thông gặp nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật của khu vực như hạ tầng ngành cấp điện, nước, vệ sinh môi trường, cơ sở lưu trú... còn nhiều yếu kém. Trong đó, hệ thống giao thông được ví như huyết mạch kết nối các điểm du lịch của vùng hiện tại vẫn còn nhiều khó khăn. Vì vậy, để có thể khai thác phát triển ngành du lịch các tỉnh Tây Bắc nhằm xoá đói, giảm nghèo, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá, lịch sử của vùng trước hết cần phải có sự đầu tư lớn về hệ thống giao thông đường bộ, đường không, đường thuỷ để du khách có thể dễ dàng tiếp cận được các khu, điểm du lịch của địa phương.

455 Thiết lập vùng EBSA – Cách tiếp cận mới trong bảo tồn biển Việt Nam / Dư Văn Toán, Hoàng Đình Chiều // Nghiên cứu địa lý nhân văn .- 2021 .- Số 2 (33) .- Tr. 3-10 .- 910

Hiện nay, nhiều quốc gia thành công trong việc bảo vệ hệ sinh thái biển đặc thù dựa vào các vùng đặc thù sinh học hoặc sinh thái (EBSA: Ecologically or Biologically Significant Marine Area). Các tiêu chí đánh giá vùng EBSA: tính đặc hữu, duy nhất; là nơi cư trú của các loài quý hiếm, nguy cấp; tính đa dạng sinh học cao; tính nguyên sơ ít bị tác động của con người... Việt Nam hiện chưa có những nghiên cứu về vùng EBSA. Bảo tồn biển và hệ sinh thái đặc thù của Việt Nam dựa vào khoanh vùng địa lý để thành lập các khu bảo tồn biển. Nội dung bài báo này giới thiệu về lịch sử hình thành, quy trình xét duyệt, các tiêu chí để xác định vùng EBSA; so sánh các loại hình khu bảo vệ, bảo tồn biển và thực trạng bảo tồn biển tại Việt Nam, từ đó đề xuất cách tiếp cận và áp dụng vùng EBSA phù hợp với một số hệ sinh thái biển của Việt Nam.

456 Kiểm soát chặt chẽ những vấn đề môi trường của các dự án lấn biển / Nguyễn Song Tùng // Nghiên cứu địa lý nhân văn .- 2021 .- Số 2 (33) .- Tr. 11-19 .- 910

Hoạt động lấn biển đã và đang diễn ra ở nhiều nước trên thế giới cũng như ở Việt Nam, được xem là giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh dân số gia tăng, các nguồn lực cho phát triển giảm, đặc biệt là quỹ đất ngày càng hạn hẹp. Tại Việt Nam, nhiều dự án lấn biển được thực hiện ở các tỉnh, thành phố ven biển. Lấn biển đã trở thành một hướng mở tích cực, hướng phát triển cần thiết cho tương lai. Tuy nhiên, hoạt động lấn biển cũng có nguy cơ tạo ra nhiều hệ lụy như: làm thay đổi điều kiện tự nhiên, địa hình, cảnh quan; thay đổi chế độ thủy động lực, thay đổi dòng chảy ven bờ; tác động đến hệ sinh thái, đa dạng sinh học và tài nguyên biển cũng như các vấn đề xã hội khác. Vì vậy, đảm bảo kiểm soát chặt chẽ những vấn đề môi trường là yêu cầu bắt buộc đối với các dự án lấn biển nhằm hướng tới sự phát triển bền vững.

457 Một số vấn đề lý luận về biến đổi văn hóa sản xuất / Đinh Trọng Thu // Nghiên cứu địa lý nhân văn .- 2021 .- Số 2 (33) .- Tr. 20-26 .- 910

Văn hóa sản xuất là toàn bộ những tri thức, kiến thức khoa học của con người, được phản ánh trên cả hai mặt của phương thức sản xuất, thể hiện trình độ phát triển của lực lượng sản xuất và tính chất phát triển của quan hệ sản xuất. Văn hóa sản xuất không ngừng biến đổi dưới tác động của các nhân tố chính trị, kinh tế, xã hội và hoàn cảnh địa lí. Do vậy, nghiên cứu về biến đổi văn hóa sản xuất có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Bài viếtcung cấp những nội dung cơ bản về biến đổi văn hóa sản xuất thông qua việc làm rõ các khái niệm, nội hàm và xây dựng khung phân tích biến đổi văn hóa sản xuất.

458 Nhận thức và sự sự tham gia của cộng đồng về bảo tồn đa dạng sinh học ở khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, Ninh Bình / Cao Thị Thanh Nga, Nguyễn Thị HUyền Thu, Nguyễn Thị Ngọc // Nghiên cứu địa lý nhân văn .- 2021 .- Số 2 (33) .- Tr. 35-42 .- 910

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long (KBT Vân Long) bao gồm nhiều loại hệ sinh thái, trong đó hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi và hệ sinh thái đất ngập nước là quan trọng nhất. Ngoài bảo tồn được tính nguyên vẹn, nơi đây còn có giá trị cao về đa dạng sinh học, là nơi có điều kiện thích hợp cho các loài động vật hoang dã sinh trưởng và phát triển. Sự tham gia của cộng đồng là một giải pháp quan trọng và mang ý nghĩa tích cực trong quản lý và bảo vệ các khu bảo tồn, những nơi cộng đồng có nhận thức và tham gia vào công tác bảo tồn thì tính đa dạng sinh học được duy trì và bảo vệ tốt. Qua khảo sát thực tế tại vùng lõi KBT Vân Long cho thấy, cộng đồng đã có sự nhận thức về vai trò của rừng và đa dạng sinh học, đã tham gia vào các hoạt động bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học theo một số hình thức nhất định. Bài báo phân tích và đưa ra một số khuyến nghị giải pháp nhằm tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong bảo vệ rừng và đa dạng sinh học khu vực này.

459 Hiện trạng quản lý và sử dụng rừng ngập mặn ven biển huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình / Nguyễn Đình Đáp, Nguyễn Thị Thu Hà // Nghiên cứu địa lý nhân văn .- 2021 .- Số 2 (33) .- Tr. 43-50 .- 340

Vùng ven biển Kim Sơn với hệ sinh thái đa dạng, là bộ phận quan trọng của vùng đệm, vùng chuyển tiếp của Khu dự trữ sinh quyển thế giới đất ngập nước ven biển liên tỉnh châu thổ sông Hồng. Ngoài ra, rừng ngập mặn Kim Sơn có vai trò quan trọng trong giảm thiểu rủi ro do thiên tai, cải thiện sinh kế cho cộng đồng. Tuy nhiên, rừng ngập mặn Kim Sơn chịu nhiều tác động của phát triển kinh tế - xã hội như: chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng ngập mặn để mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản, khai thác thủy sản thiếu bền vững, ô nhiễm môi trường ven biển... Để công tác bảo vệ rừng ngập mặn đạt hiệu quả cần sự thay đổi chính sách về quy hoạch sử dụng đất; nâng cao nhận thức và sự tham gia của cộng đồng trong bảo vệ tài nguyên; tăng cường năng lực thực thi công tác quản lý rừng ngập mặn; quản lý chặt chẽ các vấn đề môi trường trong hoạt động nuôi trồng thủy sản.

460 Du lịch công nghiệp: Hướng phát triển tiềm năng của Du lịch Việt Nam / Lê Mỹ Trang // Du lịch Việt Nam .- 2021 .- Số 04 .- Tr. 38 - 39 .- 910

Du lịch công nghiệp là một khái niệm còn khá mới mẻ ở Việt Nam, tuy vậy trên thế giới loại hình du lịch này không còn xa lạ gì với những người yêu xê dịch và khám phá. Thay vì đi du lịch truyền thống, khách hàng chỉ tiếp nhận một cách thụ động các dịch vụ trên đường tour, với du lịch công nghiệp, khách hàng chủ động hơn và có cơ hội tham gia vào việc thiết kế các trải nghiệm du lịch của riêng mình.