CSDL Bài trích Báo - Tạp chí
Khoa Quản Trị Kinh Doanh
1611 Tài chính bất động sản nhà ở và một số hàm ý chính sách tại Việt Nam / Nguyễn Tường Vân, Lê Văn Hinh // Ngân hàng .- 2023 .- Số 5 .- Tr. 11-18 .- 333.3
Thảo luận về tài chính bất động sản nhà ở (housing finance) tại Việt Nam trong vài năm gần đây. Các giai đoạn phát triển của “khung chính sách tài chính nhà ở” được tác giả sử dụng để phân tích những diễn biến của thị trường tài chính nhà ở tại Việt Nam. Dựa trên so sánh các chỉ số tài chính liên quan (chủ yếu là tín dụng ngân hàng), gắn với hành vi người tiêu dùng, hành vi doanh nghiệp liên quan và diễn biến thị trường bất động sản nhà ở, tác giả đưa ra khuyến nghị ban đầu là thị trường tài chính nhà ở trong nước cần có chính sách điều chỉnh cẩn trọng. Các cơ quan chức năng, doanh nghiệp liên quan, ngân hàng đang có nhiều nỗ lực đúng hướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, trên góc độ tài chính tiền tệ, để thị trường tài chính nhà ở và thị trường tài chính phát triển bền vững, hỗ trợ lẫn nhau, chính sách tài chính tiền tệ, tài chính nhà ở cần nhất quán với nguyên tắc hài hòa lợi ích toàn xã hội, minh bạch (có thể dự đoán được, tránh bất kỳ cú sốc nào...).
1612 Công tác bình đẳng giới ngành Ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số và một số khuyến nghị / Đặng Hoài Linh, Hồ Thị Phương Anh // Ngân hàng .- 2023 .- Số 5 .- Tr. 53-61 .- 332.12
1. Một số vấn đề lí luận về công tác bình đẳng giới như Khái quát về bình đẳng giới, vai trò của bình đẳng giới, các chỉ số bình đẳng giới. 2. Một số đánh giá về công tác bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế tại Việt Nam như Nhiều chính sách pháp luật liên quan đến công tác bình đẳng giới được ban hành, hoàn thiện, Cơ hội việc làm cho phụ nữ tăng lên, Tỉ lệ phụ nữ làm chủ doanh nghiệp gia tăng nhưng vẫn tồn tại rào cản giới. 3. Ngành Ngân hàng tích cực thực hiện công tác bình đẳng giới. 4. Công tác bình đẳng giới ngành Ngân hàng trong bối cảnh chuyển đổi số. 5. Một số khuyến nghị.
1613 Bảo vệ quyền và lợi ích của người mua nợ trong dịch mua, bán nợ với các tổ chức tín dụng tại Việt Nam / Bùi Hữu Toàn // Ngân hàng .- 2023 .- Số 5 .- Tr. 19-24 .- 340
Bài viết tập trung phân tích và làm rõ một số hạn chế trong pháp luật hiện hành về bảo vệ quyền lợi của người mua nợ trong giao dịch với các tổ chức tín dụng, đồng thời, đưa ra một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật.
1614 Tác động của ứng dụng công nghệ tài chính đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng thương mại Việt Nam / Bùi Huy Trung, Hoàng Tuấn Anh, Đỗ Thị Khánh Huyền, Ngô Thị Bích Ngọc // Kinh tế & phát triển .- 2023 .- Số 309 .- Tr. 24-33 .- 658
Nghiên cứu này đánh giá tác động của việc ứng dụng công nghệ tài chính đến hiệu quả hoạt động của các ngân hàng thương mại. Nhóm tác giả sử dụng mô hình hiệu ứng cố định dựa trên dữ liệu bảng theo quý của 12 ngân hàng thương mại Việt Nam trong giai đoạn 2010-2021 để xem xét mối quan hệ giữa các biến phản ánh mức độ ứng dụng công nghệ tài chính tại các ngân hàng thương mại (được xây dựng trên cơ sở lý thuyết về khai thác văn bản - text mining) và các biến phản ánh hiệu quả hoạt động của ngân hàng thương mại. Kết quả nghiên cứu cho thấy việc ứng dụng Fintech có tác động tích cực đến hiệu quả hoạt động của các ngân hàng thương mại, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng của việc ứng dụng các của các công nghệ khác nhau có sự khác biệt. Kết quả này có ý nghĩa trong việc đưa ra các khuyến nghị chính sách trong phát triển Fintech nói chung và việc ứng dụng Fintech trong các ngân hàng thương mại nói riêng.
1615 Tác động của chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) lên thu hút doanh nghiệp : nghiên cứu trường hợp Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long trong giai đoạn 2006-2020 / Lê Thị Thu Diềm, Cảnh Chí Hoàng // Kinh tế & phát triển .- 2023 .- Số 309 .- Tr. 53-63 .- 658
Nhiều năm liền, các đánh giá chất lượng môi trường kinh doanh cùng với việc thu hút doanh nghiệp ở khu vực vùng Đồng bằng Sông Cửu Long vẫn luôn ở mức thấp và không ổn định so với các vùng khác trong cả nước. Đó là lý do nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá tác động của chất lượng môi trường kinh doanh cấp tỉnh đối với khả năng thu hút doanh nghiệp vào các địa phương ở khu vực này. Với bộ dữ liệu về chỉ số PCI giai đoạn 2006-2020, kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng các tác động liên quan đến PCI lên thu hút doanh nghiệp trong vùng diễn ra mạnh ở ngay năm thực thi chính sách đối với chỉ số tổng hợp PCI và tác động kéo dài đến hai, ba năm sau đó ở các chỉ số thành phần PCI. Từ đây, bài viết đề xuất một số hàm ý chính sách cải thiện môi trường đầu tư thúc đẩy thu hút doanh nghiệp.
1616 Các nhân tố ảnh hưởng đến cân bằng công việc cuộc sống và gắn kết với công việc của quản lý người Việt tại Công ty Samsung Display Vietnam / Nguyễn Hải Ninh, Nguyễn Quốc Việt, Phan Tố Uyên // Kinh tế & phát triển .- 2023 .- Số 309 .- Tr. 64-72 .- 658
Đại dịch Covid-19 đã đi qua nhưng nó vẫn đang tạo ra rất nhiều hệ lụy và ảnh hưởng đến tâm lý, cuộc sống và sự gắn kết với công việc của người lao động, đặc biệt là những người làm việc tại các công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Nghiên cứu này tập trung tìm hiểu và phân tích tác động của tình trạng căng thẳng vì Covid-19, hỗ trợ của tổ chức tới cân bằng công việc - cuộc sống và sự gắn kết với công việc của người lao động. Nghiên cứu sử dụng bảng hỏi được cấu trúc sẵn để khảo sát cán bộ quản lý người Việt tại công ty Samsung Display Vietnam với kích cỡ mẫu là 154. Mô hình cấu trúc tuyến tính PLS-SEM và phần mềm Smart PLS 3.3.3 được dùng trong phân tích và kiểm định giả thuyết nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng: (1) Hỗ trợ của tổ chức tác động tích cực trong khi căng thẳng vì Covid-19 là yếu tố tác động tiêu cực lên cân bằng công việc - cuộc sống và sự gắn kết với công việc; (2) Mức độ ảnh hưởng tới cân bằng công việc - cuộc sống và sự gắn kết với công việc của nhân tố hỗ trợ của tổ chức lớn hơn nhân tố căng thẳng vì Covid-19.
1617 Sự phát triển hệ thống giáo dục đại học Việt Nam : thành tựu, hạn chế bắt nguồn từ hệ thống chính sách hiện hành / Mai Ngọc Anh, Nguyễn Phúc Hiền // Kinh tế & phát triển .- 2023 .- Số 309 .- Tr. 73-80 .- 658
Trên cơ sở phân tích những thành tựu, hạn chế của hệ thống giáo dục đại học ở Việt Nam, nghiên cứu chỉ ra rằng với rất nhiều nỗ lực, Việt Nam đã thực hiện thành công đại chúng hoá giáo dục đại học, xây dựng được một số cơ sở giáo dục được quốc tế công nhận. Tuy nhiên, những bất cập từ hệ thống chính sách hiện hành liên quan đến phát triển đại học đẳng cấp quốc tế, phát triển hệ thống giáo dục đại học ngoài công lập, hay đại học địa phương đang được xem là những rào cản cần được giải quyết đối với phát triển hệ thống giáo dục đại học của nước nhà trong giai đoạn tới. Một số trao đổi giải pháp về 3 vấn đề này đã được nêu ra trong nghiên cứu này.
1618 Các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định đầu tư chứng khoán: Nghiên cứu đối với các nhà đầu tư thế hệ Z tại Việt Nam / Nguyễn Thị Bích Thủy, Thái Doãn Đạt, Nguyễn Hải Hà, Nguyễn Thị Hà Trang, Nguyễn Thị Ngân // Kinh tế & phát triển .- 2023 .- Số 309 .- Tr. 81-92 .- 658
Bài viết nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định đầu tư chứng khoán đối với các nhà đầu tư thế hệ Z tại Việt Nam. Dữ liệu nghiên cứu gồm 638 phiếu điều tra khảo sát các nhà đầu tư thế hệ Z. Nghiên cứu sử dụng phương pháp phân tích nhân tố khám phá và mô hình hồi quy, kết quả nghiên cứu cho thấy, “đầu tư có phong cách” có ảnh hưởng lớn nhất đến quyết định đầu tư chứng khoán của thế hệ Z tại Việt Nam, tiếp theo là “tự tin thái quá” và “tính đại diện”.
1619 Vai trò của giới hạn tăng trưởng tín dụng đối với quy mô nền kinh tế Việt Nam / Phạm Duy Tính // Kinh tế & phát triển .- 2023 .- Số 308 .- Tr. 2-10 .- 332.1
Tín dụng ngân hàng là kênh truyền dẫn chính sách tiền tệ quan trọng đến tăng trưởng kinh tế. Giới hạn tăng trưởng tín dụng là một công cụ hành chính điều tiết tín dụng ngân hàng được sử dụng tại Việt Nam từ năm 2011. Nhiều nhà nghiên cứu khuyến nghị cần để các ngân hàng tự do trong việc cấp tín dụng cho nền kinh tế. Bài nghiên cứu sử dụng mô hình hồi quy đa biến, xem xét tác động của chính sách giới hạn tăng trưởng tín dụng đến quy mô nền kinh tế Việt Nam thông qua việc sử dụng biến giả chính sách cùng với các biến kiểm soát khác. Dữ liệu thứ cấp theo chuỗi thời gian từ quý I năm 2005 đến quý I năm 2022 được sử dụng để ước lượng các tham số mô hình. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng tỷ lệ tín dụng ngân hàng trên GDP có vai trò tích cực đến quy mô nền kinh tế và chính sách giới hạn tăng trưởng tín dụng có tác động vượt trội trong việc thúc đẩy vai trò này tại Việt Nam.
1620 Chiến lược cạnh tranh của các doanh nghiệp chế biến thực phẩm Việt Nam : vai trò của đổi mới sáng tạo / Nguyễn Thị Mỹ Nguyệt, Nguyễn Hoàng Việt, Vũ Tuấn Dương // Kinh tế & phát triển .- 2023 .- Số 308 .- Tr. 11-21 .- 658
Bài viết nghiên cứu ảnh hưởng của chiến lược cạnh tranh (gồm có chiến lược chi phí thấp và chiến lược khác biệt hóa) đến hoạt động đổi mới sáng tạo và hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp chế biến thực phẩm Việt Nam. Kết quả phân tích SEM trên bộ dữ liệu được thu thập từ 224 nhà quản trị của các doanh nghiệp chế biến thực phẩm Việt Nam cho thấy các chiến lược cạnh tranh và hoạt động đổi mới sáng tạo đều có vai trò nâng cao hiệu quả kinh doanh. Trong đó, chiến lược cạnh tranh chi phí thấp thể hiện vai trò đáng kể trong nâng cao hiệu quả đổi mới quy trình và tổ chức; chiến lược cạnh tranh khác biệt hoá được chứng minh có khả năng thúc đẩy đổi mới sản phẩm, marketing và tổ chức tại các doanh nghiệp này. Dựa trên các phát hiện trong nghiên cứu, một số hàm ý quản trị được đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp chế biến thực phẩm Việt Nam.