CSDL Bài trích Báo - Tạp chí

Khoa Kinh tế - Tài chính

  • Duyệt theo:
71 Phát triển năng lực số cho nhân lực ngành ngân hàng Việt Nam : một số khuyến nghị / Vũ Mai Chi // Nghiên cứu Tài chính Kế toán .- 2025 .- Kỳ 2 - Số 286 - Tháng 04 .- Tr. 72 - 75 .- 332.024

Bài nghiên cứu sẽ phân tích thực trạng phát triển năng lực số ngành ngân hàng Việt Nam, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao kỹ năng số cho nguồn nhân lực. Các khuyến nghị bao gồm hoàn thiện khung pháp lý, tăng cường hợp tác quốc tế, xây dựng môi trường làm việc số và cải tiến chương trình đào tạo. Những giải pháp này sẽ góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số thành công, nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành ngân hàng và đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

72 Các nhân tố tác động đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp sản xuất niêm yết tại Việt Nam / Lê Thị Thu Hường, Nguyễn Duy Tùng, Vũ Mỹ Linh // Nghiên cứu Tài chính Kế toán .- 2025 .- Kỳ 2 - Số 286 - Tháng 04 .- Tr. 76 - 80 .- 332.024

Nghiên cứu này phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu suất hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam thông qua phân tích định lượng dữ liệu từ 160 công ty niêm yết trong giai đoạn 2015-2022. Kết quả cho thấy quy mô doanh nghiệp có tác động tích cực đến hiệu suất, trong khi tuổi đời và đòn bẩy tài chính lạicó ảnh hưởng tiêu cực. Nghiên cứu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quản lý đòn bẩy tài chính hiệu quả để tối ưu hóa hiệu suất. Các biện pháp như tái cấu trúc nợ và quản lý rủi ro tài chính được khuyến nghị để giảm thiểu rủi ro. Ngoài ra, việc duy trì tỷ lệ đòn bẩy tài chính hợp lý và phân tích chi phí-lợi ích trong đầu tư cũng được coi là thiết yếu để hỗ trợ sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

73 Hiệu quả hoạt động của ngân hàng thương mại cổ phần không có vốn nhà nước tại Việt Nam / Dương Văn Mười, Lều Thị Phương Thảo, Trần Thanh Hải, Trần Thu Hà // Nghiên cứu Tài chính Kế toán .- 2025 .- Kỳ 2 - Số 286 - Tháng 04 .- Tr. 86 - 89 .- 332.024

Nghiên cứu tập trung đánh giá hiệu quả hoạt động của các ngân hàng thương mại cổ phần không có vốn Nhà nước tại Việt Nam trong giai đoạn 2018-2022, sử dụng phương pháp đường bao dữ liệu mạng hai giai đoạn. Kết quả cho thấy hiệu quả hoạt động của nhóm ngân hàng này có xu hướng giảm, chủ yếu do tác động từ hoạt động cho vay trước đại dịch Covid-19 và việc huy động vốn trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch. Dựa trên các kết quả phân tích, tác giả đã đề xuất một số giải pháp nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động của các ngân hàng này trong thời gian tới.

74 Tác động của đa dạng hóa danh mục cho vay tới hiệu quả hoạt động của Ngân hàng thương mại tại Việt Nam : nghiên cứu trong bối cảnh chuyển đổi số / Nguyễn Thị Hải Anh, Nhữ Thanh Hương, Phạm Thu Thủy // Nghiên cứu Tài chính Kế toán .- 2025 .- Kỳ 1 - Số 285 - Tháng 04 .- Tr. 36 - 39 .- 332.04

Kỷ nguyên số đang mang lại những thay đổi căn bản trong hoạt động của các ngân hàng thương mại trên nhiều khía cạnh khác nhau. Trong hoạt động tín dụng, chuyển đổi số giúp các ngân hàng mở rộng hoạt động cho vay, giảm thiểu chi phí, quản trị rủi ro, nhờ đó có thể đa dạng hoá danh mục cho vay tốt hơn. Nghiên cứu đánh giá tác động của đa dạng hóa danh mục cho vay tới hiệu quả hoạt động của các ngân hàng thương mại tại Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số, sử dụng các mô hình hồi quy POLS, FEM, REM và GLS. Kết quả cho thấy, đa dạng danh mục cho vay có tác động tích cực đến ROA và ROE của các ngân hàng thương mại, trong khi yếu tố chuyển đổi số chưa thực sự có ảnh hưởng đáng kể. Nghiên cứu khẳng định tầm quan trọng của việc đa dạng hoá danh mục cho vay, đồng thời đưa ra một số giải pháp để đa dạng hoá danh mục và cải thiện hiệu quả hoạt động cho các ngân hàng thương mại Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số.

75 Ảnh hưởng của tích tụ nhân tài đến tăng trưởng toàn diện tại Việt Nam / Hoàng Thị Huệ , Nguyễn Phương Anh // Kinh tế & phát triển .- 2025 .- Số 335 .- Tr. 2-11 .- 330

Bài viết phân tích vai trò của tích tụ nhân tài đối với tăng trưởng toàn diện tại 63 tỉnh thành Việt Nam trong 6 năm (2012, 2014, 2016, 2018, 2020 và 2022). Thông qua phương pháp tổng quát của các khoảnh khắc (GMM), kết quả chỉ ra việc cải thiện quy mô và chất lượng tích tụ nhân tài có tác động tích cực đến chỉ số tăng trưởng toàn diện. Xét theo từng khía cạnh của tăng trưởng toàn diện, quy mô tích tụ nhân tài có ảnh hưởng cùng chiều đến khía cạnh tăng trưởng, bình đẳng, năng lực con người, nhưng lại có ảnh hưởng ngược chiều đến bảo trợ xã hội, trong khi đó, hiệu quả tích tụ nhân tài lại có ảnh hưởng cùng chiều đến bình đẳng và bảo trợ xã hội, nhưng lại có ảnh hưởng ngược chiều đến bình đẳng và năng lực con người. Từ đó, nhóm tác giả đề xuất một số khuyến nghị hướng đến thu hút và sử dụng hiệu quả nhân tài nhằm thúc đẩy quá trình tăng trưởng trên mọi khía cạnh ở các địa phương tại Việt Nam.

76 Áp lực của các bên liên quan và đổi mới sáng tạo sinh thái của doanh nghiệp dệt may Việt Nam : vai trò của danh tiếng doanh nghiệp và áp lực từ thị trường quốc tế / Trần Xuân Phúc, Đỗ Anh Đức, Hoàng Vũ Hiệp // Kinh tế & phát triển .- 2025 .- Số 335 .- Tr. 12-22 .- 658

Nghiên cứu này khám phá cách áp lực của các bên liên quan ảnh hưởng đến đổi mới sáng tạo sinh thái thông qua danh tiếng của doanh nghiệp trong ngành dệt may Việt Nam. Dựa trên lý thuyết thể chế, lý thuyết các bên liên quan và quan điểm dựa trên nguồn lực, nghiên cứu xem xét vai trò trung gian của danh tiếng doanh nghiệp và tác động điều tiết của áp lực thị trường quốc tế. Dữ liệu được thu thập thông qua khảo sát 302 doanh nghiệp dệt may xuất khẩu tại Việt Nam. Kết quả cho thấy áp lực của các bên liên quan ảnh hưởng tích cực đến danh tiếng doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy đổi mới sáng tạo sinh thái; đồng thời, áp lực thị trường quốc tế cũng củng cố mối quan hệ tích cực giữa danh tiếng doanh nghiệp và đổi mới sáng tạo sinh thái. Nghiên cứu đưa ra những khuyến nghị thực tế cho các nhà quản lý muốn nâng cao hiệu suất môi trường và cho các nhà hoạch định chính sách nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo sinh thái trong ngành dệt may.

77 Đóng góp của quá trình tái phân bổ lao động đến tăng trưởng năng suất của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến chế tạo Việt Nam / Lê Phương Thảo, Vũ Thành Hưởng, Phùng Mai Lan // .- 2025 .- Tr. 23-32 .- 330

Nghiên cứu thực hiện phân rã động tăng trưởng năng suất gộp nhằm tìm hiểu các nguồn gốc của tăng trưởng năng suất và đánh giá vai trò của quá trình tái phân bổ lao động trong tăng trưởng năng suất gộp của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến chế tạo Việt Nam, bao gồm các doanh nghiệp hiện hữu, doanh nghiệp mới gia nhập và doanh nghiệp rút lui. Kết quả cho thấy cải thiện nội bộ doanh nghiệp, thành phần tái phân bổ giữa các doanh nghiệp và tỷ lệ gia nhập ròng có tác động tích cực tới tăng trưởng năng suất; trong khi, thành phần tương tác có tác động ngược lại.

78 Khám phá tác động của phát triển bền vững đến hiệu suất tài chính : nghiên cứu thực nghiệm trên các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam - Góc nhìn từ bộ chỉ số CSI / Đinh Phương Hà, Nguyễn Minh Phương, Bùi Huy Quang // Kinh tế & phát triển .- 2025 .- Tr. 33-42 .- 332.1

Nghiên cứu đánh giá tác động của phát triển bền vững đến hiệu suất tài chính của doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam trong giai đoạn 2016-2023. Mẫu nghiên cứu gồm 2194 quan sát từ 102 doanh nghiệp trong bảng xếp hạng CSI kể từ khi bộ chỉ số lần đầu tiên được áp dụng năm 2016 và 185 doanh nghiệp đối chứng chưa từng được công nhận danh hiệu doanh nghiệp bền vững, đồng thời chia các doanh nghiệp trên thành hai nhóm chính là doanh nghiệp sản xuất và cung cấp dịch vụ. Kết quả nghiên cứu chỉ ra tác động tích cực giữa việc được công nhận danh hiệu doanh nghiệp bền vững tới tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu. Nhóm tác giả cũng đánh giá sự khác biệt trong tác động này giữa các doanh nghiệp thuộc các ngành khác nhau, từ đó đưa ra khuyến nghị phù hợp cho từng ngành. Ngoài ra, nghiên cứu xem xét các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến hiệu suất tài chính bao gồm quy mô doanh nghiệp, tỷ lệ lạm phát và tăng trưởng GDP.

79 Quản trị doanh nghiệp và khả năng sinh lời của các ngân hàng trên toàn cầu / Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Vân Hà // .- 2025 .- Số 335 .- Tr. 62-71 .- 658.151

Bài viết phân tích tác động của quản trị công ty đến khả năng sinh lời trong ngành ngân hàng. Dữ liệu thứ cấp được thu thập từ các cơ sở dữ liệu được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực tài chính–ngân hàng gồm Refinitiv và World Bank. Mẫu nghiên cứu gồm 4.574 quan sát từ các ngân hàng niêm yết trên toàn cầu từ năm 2009 đến năm 2023. Phân tích thực nghiệm chỉ ra rằng các ngân hàng có điểm số quản trị cao hơn cũng là những ngân hàng có khả năng sinh lời tốt hơn. Mối quan hệ tuyến tính dương giữa quản trị và khả năng sinh lời của các ngân hàng tiếp tục được củng cố với mô hình hiệu ứng cố định. Kết quả nghiên cứu khẳng định vai trò quan trọng của cơ chế quản trị trong việc nâng cao kết quả tài chính của các ngân hàng.

80 Tác động của thể chế và phát triển tài chính tới đầu tư tư nhân tại các nước đang phát triển / Đặng Ngọc Biên, Lê Hồng Quý // Kinh tế & phát triển .- 2025 .- Số 335 .- Tr. 72-81 .- 658.151

Tìm ra tác động của chất lượng thể chế và phát triển tài chính tới đầu tư tư nhân tại các nước đang phát triển - nơi được cho là có chất lượng quản trị công kém hơn. Kết quả hồi quy GLS cho cả chất lượng thể chế và phát triển tài chính đều làm tăng giá trị đầu tư của khu vực tư nhân trong nước. Ngoài ra, một quốc gia có chất lượng quản trị tốt cũng góp phần thúc đẩy hiệu quả của khu vực tài chính. Những phát hiện trên giúp cho nhóm nghiên cứu đề xuất một số khuyến nghị cho các bên liên quan nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, đồng thời đề xuất một số hướng nghiên cứu trong tương lai.