CSDL Bài trích Báo - Tạp chí

Khoa Kinh tế - Tài chính

  • Duyệt theo:
1001 Quản trị rủi ro số tại các ngân hàng thương mại: Kinh nghiệm của Ngân hàng Trung ương Đức và một số khuyến nghị / Bùi Huy Trung // .- 2023 .- Số 18 - Tháng 9 .- Tr. 55-59 .- 332.12

Khi thế giới ngày càng trở nên số hóa và kết nối, cạnh tranh trong cung cấp dịch vụ tài chính, ngân hàng ngày một gia tăng, tạo động lực cho các ngân hàng thích ứng và thực hiện chuyển đổi số. Các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, công nghệ chuỗi khối... đang hỗ trợ và đẩy nhanh tốc độ của quá trình chuyển đổi số, giúp các ngân hàng nâng cao hiệu quả hoạt động và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ đa dạng đáp ứng nhu cầu ngày một cao của khách hàng. Tuy nhiên, sự phổ biến ngày càng nhanh của công nghệ số cũng mang tới những thách thức và mối đe dọa mới, trong đó các ngân hàng đang phải đối mặt với một loại rủi ro mới: Rủi ro số (Digital risk). Bài toán đặt ra cho các ngân hàng là làm thế nào để quản trị tốt rủi ro số, đảm bảo thông tin, dữ liệu của khách hàng luôn được bảo vệ trước những cuộc tấn công từ bên ngoài cũng như vấn đề an ninh, an toàn, bảo mật của ngân hàng.

1002 Nỗ lực giải ngân đầu tư công năm 2023 / Nguyễn Minh Phong // Ngân hàng .- 2023 .- Số 17 - Tháng 9 .- Tr. 3-5 .- 332

Trong những tháng còn lại của năm 2023, dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tác động không nhỏ đến nền kinh tế nước ta trên nhiều lĩnh vực. Để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 được Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội giao, các cấp, các ngành cần quyết liệt chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án để đẩy mạnh hơn nữa việc giải ngân vốn đầu tư công.

1003 ED tăng lãi suất và tác động đến Việt Nam trong bối cảnh hiện nay / Đào Hoàng Tuấn // Ngân hàng .- 2023 .- Số 17 - Tháng 9 .- Tr. 6-14 .- 332.1

Giai đoạn hậu đại dịch Covid-19, nền kinh tế thế giới đối mặt với nhiều khó khăn do chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy trong một thời gian do hậu quả của các biện pháp giãn cách xã hội. Sau đại dịch Covid-19, xung đột Nga - Ukraine khiến cho giá năng lượng thế giới tăng cao kỉ lục. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất lên cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1980. Chính sách tiền tệ thắt chặt của FED xuất phát từ các nỗ lực kiềm chế lạm phát là yếu tố bất lợi cho sự phục hồi của các nền kinh tế đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Đối với thực trạng nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh này, việc thực thi chính sách tiền tệ mở rộng sẽ có thể chỉ mang lại hiệu quả hạn chế và nền kinh tế sẽ phải đánh đổi lớn hơn giữa lạm phát, tỉ giá và tăng trưởng. Thay vào đó, dư địa để thực thi chính sách tài khóa còn nhiều và cần được tận dụng tốt hơn nữa trong giai đoạn tới.

1004 Các nhân tố ảnh hưởng tới sự trung thành với ngân hàng của khách hàng cá nhân gửi tiền tiết kiệm tại BIDV Chi nhánh tỉnh Trà Vinh / Hà Quang Đài, Bùi Văn Trịnh, Nguyễn Thị Mộng Tuyền // .- 2023 .- Số 17 - Tháng 9 .- Tr. 15-19 .- 332.12

Bài viết nhằm mục tiêu phát hiện mức độ ảnh hưởng của các yếu tố đến sự trung thành với ngân hàng của khách hàng cá nhân gửi tiền tiết kiệm. Thống kê ứng dụng và hồi quy đa biến là những phương pháp được sử dụng để phân tích mức độ ảnh hưởng của yếu tố, từ số liệu khảo sát cụ thể 290 khách hàng cá nhân gửi tiền tiết kiệm tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh tỉnh Trà Vinh (BIDV Trà Vinh). Các yếu tố được đưa vào mô hình nghiên cứu, gồm: Chất lượng dịch vụ, lợi ích tài chính, ảnh hưởng người quen, rào cản chuyển đổi, danh tiếng ngân hàng. Kết quả phân tích cho thấy, 4/5 yếu tố có ảnh hưởng là chất lượng dịch vụ, lợi ích tài chính, ảnh hưởng người quen và danh tiếng ngân hàng và 04 yếu tố này giải thích được 63,2% sự trung thành với BIDV Trà Vinh của cá nhân gửi tiền tiết kiệm, còn lại 36,8% chịu ảnh hưởng của các yếu tố khác chưa được đưa vào mô hình nghiên cứu.

1005 Ứng dụng cơ sở sữ liệu dân cư trong đánh giá điểm khả tín khách hàng cá nhân tại các tổ chức tín dụng Việt Nam / Đỗ Thị Thu Hà, Nguyễn Bích Ngọc, Lê Thị Hương Trà // .- 2023 .- Số 17 - Tháng 9 .- Tr. 20-25 .- 332.12

Ứng dụng cơ sở dữ liệu dân cư (CSDLDC) trong đánh giá điểm khả tín khách hàng, đặc biệt là khách hàng cá nhân được đánh giá là giải pháp mang lại nhiều lợi ích cho ngân hàng, khách hàng và nền kinh tế. Bài viết sử dụng phương pháp phân tích văn bản, tổng quan tài liệu để đưa ra đánh giá về ứng dụng CSDLDC trong đánh giá điểm khả tín khách hàng cá nhân tại các tổ chức tín dụng (TCTD). Kết quả phân tích chỉ ra CSDLDC đang được Bộ Công an tích cực hoàn thiện, cùng với các chính sách phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các ngân hàng thương mại (NHTM) khai thác và sử dụng dữ liệu thay thế từ CSDLDC một cách hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ tín dụng cho khách hàng cá nhân, từ đó sẽ mang lại lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro cho NHTM, góp phần phát triển bền vững thị trường tín dụng bán lẻ tại Việt Nam.

1006 Kiểm soát hoạt động bảo hiểm tiền gửi tại ngân hàng và một số kiến nghị hoàn thiện / Trịnh Tường Khiêm, Trần Linh Huân, Đinh Thị Ánh Dương // .- 2023 .- Số 17 - Tháng 9 .- Tr. 26-30 .- 332.12

Kiểm soát hoạt động bảo hiểm tiền gửi trong ngân hàng là vấn đề rất cần thiết bởi điều này góp phần đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, củng cố niềm tin của công chúng đối với hệ thống ngân hàng, giúp cho hệ thống ngân hàng phát triển an toàn và lành mạnh. Tuy nhiên, hiện nay, việc kiểm soát hoạt động bảo hiểm tiền gửi tại các ngân hàng vẫn còn tồn tại những bất cập nhất định cần phải khắc phục, đặc biệt là những bất cập dưới khía cạnh pháp lí. Xuất phát từ đó, bài viết tập trung làm rõ sự cần thiết trong việc kiểm soát hoạt động bảo hiểm tiền gửi tại ngân hàng, đồng thời chỉ ra thực trạng, hạn chế về hoạt động này dưới khía cạnh pháp lí và từ đó đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện.

1007 Nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương góp phần quan trọng thực hiện tín dụng chính sách xã hội / Phạm Thị Túy // .- 2023 .- Số 17 - Tháng 9 .- Tr. 34-38 .- 332

Tín dụng chính sách xã hội là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ vốn cho các hộ gia đình có thu nhập thấp, nhiều khó khăn tự vươn lên, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh nguồn lực từ ngân sách trung ương, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương cũng góp phần quan trọng để thực hiện tốt chính sách nhân văn này. Vậy, đóng góp của nguồn vốn ủy thác trên những phương diện nào và giải pháp nào thúc đẩy những đóng góp thiết thực của nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương để thực hiện tín dụng chính sách xã hội là vấn đề cần quan tâm.

1008 Khủng hoảng ngân hàng và một số khuyến nghị đối với Việt Nam / Nguyễn Thị Thục Hiền // .- 2023 .- Số 17 - Tháng 9 .- Tr. 39-44 .- 332.12

Việc các cuộc khủng hoảng ngân hàng xảy ra liên tiếp gần đây trên thế giới đã dấy lên mối lo ngại về một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu như những gì từng xảy ra hơn một thập kỉ trước. Đứng trước nguy cơ những cuộc khủng hoảng có thể xảy ra do các bất ổn về chính trị và xã hội trên toàn cầu, Việt Nam cần chuẩn bị những gì để tránh khỏi khủng hoảng hệ thống ngân hàng hoặc để sẵn sàng ứng phó nếu khủng hoảng hệ thống ngân hàng xảy ra? Trong bài nghiên cứu này, tác giả bàn về khủng hoảng hệ thống ngân hàng, hậu quả và các nguyên nhân phổ biến dẫn đến khủng hoảng. Tiếp theo là các công cụ để xử lí khủng hoảng ngân hàng, phân tích các rủi ro của hệ thống ngân hàng ở Việt Nam, từ đó đề xuất một số khuyến nghị để tránh khỏi các cuộc khủng hoảng hệ thống ngân hàng.

1009 Chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam / Nguyễn Văn Trọn // Tài chính - Kỳ 2 .- 2023 .- Số 8 (807) .- Tr. 28-32 .- 332

Cơ cấu ngành kinh tế của Việt Nam giai đoạn 1986-2022 đã chuyển dịch theo đúng quy luật của chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, việc chuyển dịch này vẫn còn chậm khi mà nhóm ngành Nông, lâm nghiệp và thủy sản còn chiếm tỷ trọng cao trong GDP và trong tổng lao động xã hội. Ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo và các ngành dịch vụ cao cấp như: Vận tải, Thông tin và truyền thông, Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm… vẫn còn chiếm tỷ trọng thấp trong GDP. Dựa trên số liệu trong thời gian qua của Tổng cục Thống kê, bài viết sử dụng phương pháp thống kê mô tả và mô hình ARIMA trên phần mềm Stata 11 để dự báo phương hướng và đề xuất một số giải pháp nhằm đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế ở Việt Nam đến năm 2030.

1010 Phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam hiện nay / Nguyễn Quang Huy // Tài chính - Kỳ 2 .- 2023 .- Số 8(807) .- Tr. 40-42 .- 332

Trong những năm qua, Ðảng, Nhà nước rất quan tâm thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững. Qua đó, ban hành nhiều chính sách định hướng phát triển kinh tế theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng và hiệu quả đầu tư, chú trọng thu hút các dự án chất lượng cao. Tuy nhiên, trên thực tế ở Việt Nam, xu hướng phát triển kinh tế xanh mới chỉ đang ở xuất phát điểm, quá trình phát triển kinh tế xanh còn thiếu đồng bộ và gặp phải những rào cản về nguồn vốn, nguồn nhân lực, nguồn lực khoa học và công nghệ... Bài viết phản ánh thực trạng và giải pháp phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam hiện nay.