CSDL Bài trích Báo - Tạp chí

Khoa Kinh tế - Tài chính

  • Duyệt theo:
991 Xây dựng chỉ tiêu phát triển tài chính tổng hợp và áp dụng cho đánh giá thực nghiệm tại các quốc gia Châu Á / Trần Thị Thúy An, Lê Thanh Tâm, Phạm Thị Hoàng Anh // .- 2023 .- Số 315 - Tháng 9 .- Tr. 2-12 .- 332.1

Bài báo có mục tiêu xây dựng chỉ tiêu đo lường mức độ phát triển tài chính tổng hợp từ các chỉ tiêu riêng lẻ phản ánh các khía cạnh lượng và chất dựa trên phương pháp phân tích thành phần chính (Principal Component Analysis – PCA) do Quỹ Tiền tệ Quốc tế phát triển năm 2016. Dựa trên chỉ tiêu này, nhóm tác giả áp dụng để phân tích và đánh giá mức độ phát triển tài chính của 45 quốc gia Châu Á trong giai đoạn 1980 - 2020. Các phát hiện chính là: (i) Các quốc gia có thu nhập cao hơn có hệ thống tài chính phát triển tốt hơn; (ii) Việc mở rộng quy mô của hệ thống tài chính (mặt lượng) và tăng cường tính thanh khoản, tính hiệu quả và tính đa dạng của hệ thống tài chính (mặt chất) đều có tác động tích cực tới phát triển tài chính, tuy nhiên, sự thay đổi về mặt lượng có tác động lớn hơn; (iii) Chỉ tiêu phát triển tài chính tổng hợp có tương quan thuận chiều với một số chỉ tiêu riêng lẻ đo lường phát triển tài chính truyền thống như tín dụng tư nhân trên GDP, vốn hóa thị trường chứng khoán trên GDP.

992 Mối quan hệ giữa chỉ số phát triển con người, cơ sở hạ tầng công nghệ, năng lượng tái tạo và tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam / Ngô Thái Hưng, Bùi Minh Bảo, Hồ Linh Đan // .- 2023 .- Số 315 - Tháng 9 .- Tr. 13-25 .- 330

Nghiên cứu này đóng góp về lý thuyết thực nghiệm bằng cách xác định mối quan hệ giữa năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng công nghệ, tăng trưởng kinh tế và chỉ số phát triển con người ở Việt Nam trong miền tần số và thời gian khác nhau sử dụng phân tích wavelet và kiểm định nhân quả dạng phổ được giới thiệu bởi Breitung & Candelon (2006). Các phát hiện cho thấy tồn tại quan hệ hai chiều của cơ sở hạ tầng công nghệ, năng lượng tái tạo đối với chỉ số phát triển con người, riêng tăng trưởng kinh tế và chỉ số phát triển con người có mối quan hệ cả tích cực và tiêu cực tại Việt Nam ở trung và dài hạn, từ đó cho thấy đầu tư năng lượng tái tạo, đổi mới cơ sở hạ tầng công nghệ và phát triển kinh tế hỗ trợ quá trình nâng cao chỉ số con người. Kết quả nghiên cứu cung cấp một số hàm ý quan trọng là cải thiện ICT, tăng cường năng lượng tái tạo và phát triển kinh tế nhằm tạo thuận lợi cho phát triển con người tại Việt Nam.

993 Tín dụng ngân hàng và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản / Phạm Duy Tính // .- 2023 .- Số 315 - Tháng 9 .- Tr. 43-51 .- 332.12

Bài báo tiến hành kiểm tra mối quan hệ giữa tín dụng ngân hàng và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản trong điều kiện kiểm soát các yếu tố bên trong và bên ngoài doanh nghiệp. Phương pháp ước lượng moment tổng quát hệ thống hai bước được sử dụng để khám phá các hình mẫu ẩn chứa trong bộ dữ liệu của 49 công ty bất động sản niêm yết trên HOSE trong giai đoạn 2007-2021 với 617 quan sát. Các chỉ số đại diện cho hiệu quả hoạt động dựa trên giá trị kế toán được sử dụng là ROA, ROE và ROIC. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản phụ thuộc vào việc mở rộng tín dụng của hệ thống các ngân hàng. Điều này đồng nghĩa với việc các công ty hoạt động trong lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn do nguồn vốn tín dụng vẫn chưa được khơi thông kể từ giữa năm 2022 cho đến nay.

994 Ảnh hưởng của quản trị vốn luân chuyển và cấu trúc tài chính đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp chế biến niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh / Vũ Thị Thanh Thủy, Nguyễn Văn Đán, Hoàng Thị Hạnh // .- 2023 .- Số 315 - Tháng 9 .- Tr. 73-83 .- 332.1

Nghiên cứu sử dụng dữ liệu bảng được thu thập trong giai đoạn từ 2014 - 2021 của 18 doanh nghiệp. Phương pháp được sử dụng là REM và Pooled OLS. Kết quả nghiên cứu cho thấy cấu trúc tài chính có tác động tiêu cực đến hiệu quả hoạt động, ngoài ra, kết quả cũng chỉ ra mối tương quan âm giữa quản trị vốn luân chuyển (thông qua chu kỳ chuyển đổi tiền mặt) và hiệu quả hoạt động của các công ty. Từ kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả đề xuất một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp chế biến.

995 Đổi mới sáng tạo với phát triển khu đô thị công nghệ cao Việt Nam / Phạm Thị Thanh Bình, Đỗ Quỳnh Anh // Ngân hàng .- 2023 .- Số 18 - Tháng 9 .- Tr. 3-8 .- 330

Đổi mới sáng tạo cùng với phát triển khoa học, công nghệ đóng vai trò đột phá chiến lược trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế và là nhân tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) thúc đẩy sự phát triển các lĩnh vực công nghệ mới. Phát triển khu đô thị công nghệ cao được các nước trên thế giới quan tâm từ đầu thế kỉ XXI, xuất phát từ hai xu hướng: Một là, sự phát triển nhanh các công nghệ mới của cuộc CMCN 4.0 như Internet kết nối vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI); hai là, hơn nửa dân số thế giới (khoảng 4,4 tỉ người) hiện đang sống ở các đô thị và xu hướng di dân từ nông thôn ra thành thị vẫn tăng1. Sự ra đời của các khu đô thị công nghệ cao Việt Nam đã tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư công nghệ cao từ các tập đoàn trong và ngoài nước; tạo sự kết hợp có hiệu quả giữa sản xuất với nghiên cứu, phát triển công nghệ và thu hút đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao.

996 Tín dụng đầu tư của Nhà nước - Sự cần thiết cho đầu tư phát triển quốc gia / Đặng Văn Hùng // Ngân hàng .- 2023 .- Số 18 - Tháng 9 .- Tr.9-15 .- 332.12

Tín dụng đầu tư của Nhà nước là tín dụng do Nhà nước thực hiện để hỗ trợ các dự án đầu tư phát triển của các thành phần kinh tế thuộc một số ngành, lĩnh vực, chương trình kinh tế và các vùng khó khăn cần khuyến khích, nhằm thực hiện định hướng phát triển kinh tế - xã hội từng thời kì. Tại Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) là ngân hàng chính sách của Nhà nước, công cụ của Chính phủ thực hiện chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước và đã có những thành công nhất định. Trong bài viết này, tác giả xin chia sẻ về tính thiết yếu của nguồn vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước đối với đầu tư phát triển quốc gia và đề xuất một số giải pháp trong thời gian tới.

997 Tác động của hệ thống phí bảo hiểm tiền gửi phân biệt đến hoạt động và mức độ sẵn sàng tham gia của tổ chức tín dụng / Nguyễn Đức Trung, Trần Kim Long, Lê Hoàng Anh // Ngân hàng .- 2023 .- Số 18 - Tháng 9 .- Tr. 16-25 .- 332.12

Nghiên cứu nhằm đánh giá tác động của hệ thống tính phí bảo hiểm tiền gửi (BHTG) phân biệt đến hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam và đánh giá mức độ sẵn sàng tham gia của các tổ chức này, thông qua việc sử dụng phương pháp mô phỏng và phương pháp phân tích nhân tố khám phá, phân tích hồi quy trên mẫu dữ liệu 215 tổ chức tín dụng tham gia BHTG. Kết quả cho thấy, hệ thống phí BHTG có vai trò phân loại nhóm các ngân hàng theo rủi ro tương đối chính xác và tồn tại sự khác biệt trong việc ước tính phí theo mức độ rủi ro. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng cho thấy các nhân tố: Thái độ, nhận thức về áp lực xã hội, nhận thức về sự kiểm soát đều có ảnh hưởng tích cực đến mức độ sẵn sàng tham gia phí BHTG phân biệt của các tổ chức tín dụng.

998 Ngân hàng thương mại Việt Nam với hành trình trung hòa carbon / Hạ Thị Thiều Dao, Nguyễn Thị Phương Uyên // Ngân hàng .- 2023 .- Số 18 - Tháng 9 .- Tr. 26-33 .- 332.12

Đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ tài chính thân thiện với môi trường không chỉ giảm thiểu tác động của suy thoái môi trường mà còn là một lợi thế của ngân hàng trong việc tiếp cận nguồn vốn quốc tế và cung cấp các dịch vụ tài chính mới cho khách hàng. Bài viết nghiên cứu về “Hành trình xanh" của các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam. Các NHTM đã đa dạng hóa sản phẩm, tăng cường cung cấp các sản phẩm xanh, nhất là cho vay xanh với tăng trưởng trung bình 23% năm trong giai đoạn 2017 - 2022. Bản thân các ngân hàng đã tích cực thực hiện các cam kết về quản trị môi trường, xã hội và doanh nghiệp (ESG), triển khai số hóa, ứng dụng công nghệ vào dịch vụ ngân hàng chủ động tiết kiệm giấy, mực nhằm giảm thiểu lượng giấy sử dụng, giảm lượng khí thải CO2 vào môi trường. Tuy nhiên, các dịch vụ được cung cấp còn khá khiêm tốn về chủng loại và quy mô. Vào cuối năm 2022, dư nợ tín dụng phân bổ các dự án xanh đạt hơn 500 nghìn tỉ đồng (chiếm hơn 4,2% tổng dư nợ nền kinh tế). Nghiên cứu cũng gợi ý các NHTM cần phải đa dạng hóa sản phẩm, thúc đẩy quản lí rủi ro khí hậu và môi trường cho các khoản tài trợ của mình, đáp ứng các chuẩn xanh của các nhà tài trợ xanh để có thể trở thành ngân hàng xanh và thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

999 Nguồn vốn Agribank hỗ trợ phát triển nông sản sạch, nông sản đạt tiêu chuẩn OCOP / Hải An // Ngân hàng .- 2023 .- Số 18 - Tháng 9 .- Tr. 39-41 .- 332.12

Nông nghiệp nước ta đã và đang phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất, khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia. Sản xuất, kinh doanh nông nghiệp phát triển mạnh theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học, công nghệ, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng. Với vai trò là ngân hàng chủ lực đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đã và đang tích cực hỗ trợ phát triển nông nghiệp nước nhà, đặc biệt là nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đạt tiêu chuẩn OCOP (Chương trình "Mỗi xã, phường một sản phẩm").

1000 Triển khai kinh tế tuần hoàn tại một số quốc gia trên thế giới - Kinh nghiệm đối với các doanh nghiệp Việt Nam / Phạm Ngọc Phong, Trần Thị Mỹ Liên // Ngân hàng .- 2023 .- Số 18 - Tháng 9 .- Tr. 48-54 .- 332

Trong vài năm gần đây, nền kinh tế tuần hoàn (Circular economy - CE) đang ngày càng được chú ý trên toàn thế giới như một cách để khắc phục mô hình sản xuất và tiêu dùng hiện tại dựa trên tăng trưởng liên tục và tăng thông lượng tài nguyên. Bằng cách thúc đẩy việc áp dụng các mô hình sản xuất khép kín trong một hệ thống kinh tế, CE nhằm mục đích nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, đặc biệt tập trung vào chất thải đô thị và công nghiệp, nhằm đạt được sự cân bằng và hài hòa hơn giữa kinh tế, môi trường và xã hội. CE được xem là mô hình kinh doanh mới được kì vọng sẽ hướng đến phát triển bền vững và một xã hội hài hòa. CE thúc đẩy việc sử dụng tài nguyên hợp lí, thân thiện hơn với môi trường nhằm thực hiện một nền kinh tế xanh hơn, đặc trưng bởi mô hình kinh doanh mới với những cơ hội việc làm mới, cũng như cải thiện phúc lợi, tác động rõ ràng đến công bằng trong và giữa các thế hệ về cả việc sử dụng và tiếp cận tài nguyên.