CSDL Bài trích Báo - Tạp chí
Khoa Y
961 Đánh giá hiệu quả của phác đồ bốn thuốc có Bismuth trong điều trị loét dạ dày tá tràng có nhiễm Helicobacter pylori ở trẻ em / Nguyễn Thị Việt Hà, Nguyễn Thị Hồng Nhân, Phan Văn Nhã // Nghiên cứu Y học - Trường ĐH Y Hà Nội .- 2022 .- Số 1(Tập 149) .- Tr. 172-178 .- 610
Nghiên cứu nhằm đánh giá hiệu quả điều trị loét dạ dày tá tràng có nhiễm Helicobacter pylori (H. pylori) ở trẻ em bằng phác đồ phác thuốc gồm Esomeprazol; Amoxicillin; Metronidazol và Bismuth subcitrat. Phác đồ điều trị diệt H. pylori có Bismuth chưa được nghiên cứu nhiều ở trẻ em Việt Nam bị loét dạ dày tá tràng. Hiệu quả tiệt trừ H. pylori của phác đồ là 80,3%, 87% trẻ liền sẹo hoàn toàn, 13,7% trẻ còn tồn tại ổ loét nhưng kích thước ổ loét thu nhỏ hơn. Nhóm trẻ tiệt trừ H. pylori có tỷ lệ lành ổ loét cao hơn có ý nghĩa thống kê so với nhóm còn vi khuẩn. Kết quả cho thấy phác đồ bốn thuốc có Bismuth điều trị diệt H. pylori có hiệu quả điều trị tiệt trừ vi khuẩn và lành ổ loét tương đối cao.
962 Đặc điểm lâm sàng của nang ruột đôi ở trẻ điều trị tại Khoa ngoại Bệnh viện Nhi Trung ương giai đoạn 2010-2020 / Đinh Anh Đức, Phạm Duy Hiền // Nghiên cứu Y học - Trường ĐH Y Hà Nội .- 2022 .- Số 1(Tập 149) .- Tr. 179-186 .- 610
Nhằm mô tả đặc điểm lâm sàng của nang ruột đôi ở trẻ điều trị tại Khoa ngoại Bệnh viện Nhi Trung ương giai đoạn 2010-2020. Nhóm tuổi gặp nhiều nhất là 13-60 tháng (45,7%). Tuổi trung bình của nhóm nghiên cứu là 26,5+-24,8 (tháng). Thường gặp nhất là trẻ nam (67,4%). Phần lớn trẻ có triệu chứng đau bụng (58,7%), tiếp đó là triệu chứng nôn (39,1%) và chướng bụng (8,7%). Trong đó triệu chứng đau bụng và chướng bụng chủ yếu ở vị trí ruột non (96,3% và 50%). Có khoảng 13% trẻ không có triệu chứng và không có trường hợp nào sờ thấy khối ở bụng. Trung bình một trẻ có khoảng 1,35+-0,5 triệu chứng. Phần lớn nang ruột đôi xuất hiện ở vị trí hồi tràng và hồi manh tràng với tỉ lệ lần lượt là 45,7 và 43,5. Nghiên cứu cung cấp thêm về hình thái lâm sàng của nang ruột đôi – một trường hợp hiếm gặp.
963 Đặc điểm hình ảnh cắt lớp vi tính và cộng hưởng từ của u cuộn nhĩ / Nguyễn Thị Quỳnh Trâm, Lê Văn Khảng, Đàm Thủy Trang, Vũ Đăng Lưu // .- 2022 .- Số 1(Tập 149) .- Tr. 187-194 .- 610
Mô tả đặc điểm hình ảnh cắt lớp vi tính và cộng hưởng từ của u cuộn nhĩ. U cuộn nhĩ thuộc nhóm u cuộn cảnh đầu cổ lành tính, là khối u hiếm gặp, tiến triển chậm. U nằm dọc đường đi dây thần kinh Jacobson (IX) hoặc dây thần kinh Arnord (nhánh tai của dây X). Bệnh nhân thường có triệu chứng sớm, trên hình ảnh nội soi cho thấy một khối mô mềm màu đỏ hồng nằm sau màng nhĩ. Khi u phát triển quanh chuỗi xương con, u có thể làm đầy hòm nhĩ, gây tắc vòi nhĩ và lan vào hang chũm, rất ít trường hợp gây bào mòn xương. U đồng hoặc tăng tín hiệu so với cơ lân cận trên chuỗi xung T1W và T2W. Chẩn đoán hình ảnh trước mổ đánh giá vị trí u, liên quan với các cấu trúc lân cận là rất quan trọng để định hướng đường đi trong phẫu thuật. Cắt lớp vi tính đánh giá tốt trong phần lớn các trường hợp. Cộng hưởng từ nên được sử dụng kết hợp trong các trường hợp khi u có dịch đi kèm, không xác định được vị trí trên cắt lớp vi tính.
964 Đặc điểm hỉnh ảnh của nang giáp lưỡi thể lưỡi trên cộng hưởng từ / Nguyễn Thị Huyền, Lê Văng Khảng, Phạm Tuấn Cảnh, Đàm Thủy Trang, Vũ Đăng Lưu // Nghiên cứu Y học - Trường ĐH Y Hà Nội .- 2022 .- Số 1(Tập 149) .- Tr. 195-202 .- 610
Nhằm mô tả hình ảnh cộng hưởng từ của nang giáp lưỡi thể lưỡi. Nang giáp lưỡi là nguyên nhân gây khối bất thường bẩm sinh vùng cổ thường gặp nhất, chiếm khoảng 70%. Nó có thể nằm bất kỳ vị trí nào trên đường di chuyển của mầm tuyến giáp, trong đó nang nằm ở vị trí đáy lưỡi tương ứng với lỗ tịt được gọi là nang giáp lưỡi thể lưỡi chỉ chiếm khoảng 0,6-3%. Phần lớn các nang giáp lưỡi thể lưỡi có đặc điểm của nang không biến chứng. Nang thường có tín hiệu cao trên T1W do dịch giàu protein. Các nang thường phát triển vào hố lưỡi – thanh thiệt, đè lên nắp thanh môn. Dấu hiệu mỏ nhọn thường gặp, dấu hiệu tiếp xúc xương móng và dấu hiệu hình ống ít gặp – đây là các dấu hiệu hữu ích trong chẩn đoán và quyết định hướng điều trị.
965 Đặc điểm hình ảnh và kết quả điều trị lấy huyết khối cơ học ở bệnh nhân nhồi máu não cấp do tắc đoạn M2 động mạch não giữa / Trần Tất Hiến, Nguyễn Quang Anh, Trần Anh Tuấn // Nghiên cứu Y học - Trường ĐH Y Hà Nội .- 2022 .- Số 1(Tập 149) .- Tr. 203-210 .- 610
Mô tả đặc điểm hình ảnh và kết quả điều trị lấy huyết khối cơ học ở bệnh nhân nhồi máu não cấp do tắc đoạn M2 động mạch não giữa. Hiệu quả của can thiệp lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học điều trị nhồi máu não cấp do tắc đoạn lớn đã được đề cập như động mạch cảnh trong, động mạch thân nền, động mạch não sau. Trong đó tỉ lệ mắc đoạn M1 động mạch não giữa luôn chiếm số lượng lớn nhưng với tắc đoạn M2 động mạch não giữa được thống kê với số lượng còn khiêm tốn. Yếu tố đến viện sớm trong vòng 3 giờ đầu và điểm NIHSS ảnh hưởng đến khả năng phục hồi lâm sàng tốt sau 3 tháng. Điều trị lấy huyết khối cơ học có hiệu quả trong điều trị nhồi máu não cấp do tắc đoạn M2 của động mạch não giữa.
966 Mối liên quan giữa bụi mịn PM2.5 và kết quả sinh con nhẹ cân đủ tháng tại thành phố Hồ Chí Minh / Lê Thủy Lợi, Lê Trường Vĩnh Phúc, Trần Ngọc Đăng // Nghiên cứu Y học - Trường ĐH Y Hà Nội .- 2022 .- Số 1(Tập 149) .- Tr. 211-221 .- 610
Nghiên cứu nhằm xác định nồng độ bụi mịn PM2.5 trung bình và mối liên quan bụi mịn PM2.5 và kết quả sinh con nhẹ cân tại Thành phố Hồ Chí Minh (Tp. HCM) năm 2020. Tiếp xúc với ô nhiễm không khí xung quanh trong thời kỳ mang thai có thể ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi. Theo các kết quả của nghiên cứu dịch tễ học còn cho thấy mối liên quan giữa phơi nhiễm ô nhiễm không khí trước khi sinh và kết quả bất lợi, bao gồm: sinh non, nhẹ cân, mang thai và chậm phát triển phôi thai. Các chất ô nhiễm không khí có thể là một phần của một loạt các yếu tố phức tạp làm tăng nguy cơ sinh non hoặc nhẹ cân thông qua các quá trình liên quan đến viêm, oxy hóa, rối loạn nội tiết và suy giảm vận chuyển oxy qua nhau thai. Nghiên cứu cho thấy rằng tiếp xúc nồng độ PM2.5cao trong thai kỳ của bà mẹ là một yếu tố nguy cơ dẫn đến nguy cơ sinh con nhẹ cân đủ tháng với OR là 1,01. Cần có những biện pháp giảm thiểu tác hại và ô nhiễm bụi mịn PM2.5 tại Tp. HCM.
967 Yếu tố liên quan tới chất lượng cuộc sống liên quan đến sức khỏe của trẻ bị động kinh tại Bệnh viện Nhi Trung ương / Nguyễn Thị Thanh Mai, Phạm Thị Bình, Đào Thị Nguyệt // Nghiên cứu Y học - Trường ĐH Y Hà Nội .- 2022 .- Số 1(Tập 149) .- Tr. 222-228 .- 610
Nhằm khảo sát mức độ và những yếu tố liên quan tới chất lượng cuộc sống liên quan đến sức khỏe của trẻ bị động kinh tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Dữ liệu được thu thập bằng phỏng vấn phu huynh và xem xét hồ sơ y tế. Chất lượng cuộc sống liên quan sức khỏe tổng quát được đánh giá bằng Pediatric Quality of Life Inventory TM 4.0 Generic Core Scale phiên bản tiếng Việt. Các yếu tố liên quan làm giảm chất lượng cuộc sống của trẻ bị động kinh bao gồm tình trạng học tập hiện tại, tuổi khởi phát, thời gian bị bệnh, số thuốc chống động kinh, tần suất điều trị nội trú, thời gian nằm viện, đáp ứng điều trị, học vấn và nghề nghiệp của cha mẹ. Nhận thức được điều này sẽ hãu ích cho các nhà chuyên khoa trong việc điều trị bệnh và cải thiện chất lượng cuộc sống của trẻ bị động kinh.
968 Giá trị của trắc nghiệm đánh giá trạng thái tâm thần tối thiểu (MMSE) trong sàng lọc sa sút trí tuệ ở người cao tuổi tại cộng đồng / Cao Mạnh Long, Hồ Thị Kim Thanh, Trần Khánh Toàn // Nghiên cứu Y học - Trường ĐH Y Hà Nội .- 2022 .- Số 1(Tập 149) .- Tr. 229-236 .- 610
Nghiên cứu nhằm đánh giá giá trị của trắc nghiệm đánh giá trạng thái tâm thần tối thiểu (MMSE) trong sàng lọc sa sút trí tuệ ở người cao tuổi tại cộng đồng. Kết quả cho thấy diện tích dưới đường cong ROC của trắc nghiệm MMSE là 0,89. Điểm cắt tối ưu để chẩn đoán sa sút trí tuệ dựa vào trắc nghiệm MMSE là 19/20 với độ nhạy 0,75 và độ đặc hiệu 0,93. Tại điểm cắt 23/24, trắc nghiệm MMSE có độ nhạy, và độ đặc hiệu lần lượt là 0,88 và 0,72 với 32,4% người cao tuổi có khả năng mắc sa sút trí tuệ. Tỷ lệ mắc sa sút trí tuệ theo tiêu chuẩn DSM – 5 là 7,2%. MMSE có giá trị cao trong sàng lọc sa sút trí tuệ ở người cao tuổi tại cộng đồng ở Việt Nam với ngưỡng điểm 23/24.
969 Kiến thức, thực hành phòng lây nhiễm viêm gan B của người bệnh mới vào điều trị tại khoa nghiên cứu và điều trị viêm gan, Bệnh viện Chợ Rẫy / Lê Minh Thi, Trần Thị Diễm // Nghiên cứu Y học - Trường ĐH Y Hà Nội .- 2022 .- Số 1(Tập 149) .- Tr. 237-247 .- 610
Nghiên cứu nhằm mô tả kiến thức, thực hành phòng lây nhiễm viêm gan B của người bệnh mới vào điều trị tại khoa nghiên cứu và điều trị viêm gan, Bệnh viện Chợ Rẫy. Kết quả nghiên cứu cho thấy người bệnh có kiến thức đạt về phòng lây nhiễm virus viêm gan B là 48,1% và thực hành đạt 37,2%. Người bệnh có kiến thức đạt thì có thực hành về phòng lây nhiễm virus viêm gan B đạt cao gấp 2,6 lần so với người có kiến thức không đạt. Kiến thức và thực hành dự phòng virus viêm gan B có mối liên quan chặt với người bệnh từ tỉnh khác ngoài thành phố Hồ Chí Minh, trình độ học vấn thấp, nghề nghiệp và thu nhập của người bệnh. Nghiên cứu khuyến nghị khoa Viêm gan của bệnh viện xây dựng kế hoạch và thực hiện công tác tư vấn phòng chống lây nhiễm virus viêm gan B cho toàn bộ người bệnh, chú trọng tư vấn về chế độ dinh dưỡng, đường lây, về xét nghiệm và tiêm phòng vắc xin.
970 Mối liên quan giữa đa hình đơn gen IL-17F RS763780, IL-17RA RS4819554 và HLA-CW6 trên bệnh vảy nến thông thường ở Việt Nam / Phạm Thị Uyển Nhi, Nguyễn Văn Thường, Nguyễn Trọng Hào, Hoàng Anh Vũ, Dương Bích Trâm // Nghiên cứu Y học - Trường ĐH Y Hà Nội .- 2022 .- Số 2(Tập 150) .- Tr. 1-13 .- 610
Trình bày mối liên quan giữa đa hình đơn gen IL-17F RS763780, IL-17RA RS4819554 và HLA-CW6 trên bệnh vảy nến thông thường ở Việt Nam. Vảy nến là một bệnh lý viêm mạn tính, tái phát, thường gặp trong da liễu. Vảy nến không chỉ gây tổn thương da mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống người bệnh, gồm 3 yếu tố tác động: di truyền, miễn dịch, môi trường, tuy nhiên, phức hợp này biểu hiện nhiều thể lâm sàng, tiên lượng và bệnh đồng mắc khác nhau giữa mỗi bệnh nhân. Kết quả cho thấy có sự phân bố các genotype khác nhau trên mỗi vị trí khác nhau. Gen IL-17F đoạn rs763780 có tỉ lệ AA cao nhất trên nhóm bệnh nhân vảy nến chiếm 58,7%. GA chiếm 38,0%. Gen IL-17RA đoạn rs4819554 genotype GA có tỉ lệ là 53,7% và AA là 27,3%. Tuy nhiên, có mối liên quan giữa IL-17F RS763780 lại có mối liên quan với độ nặng của bệnh.