CSDL Bài trích Báo - Tạp chí

Khoa Y

  • Duyệt theo:
951 Đặc điểm lâm sàng và kiểu gen HLA-B, HLA-DRB1 ở bệnh nhân nhược cơ / Phạm Kiểu Anh Thơ, Lê Đình Tùng, Phạm Văn Phương, Trần Văn Đệ, Nguyễn Thanh Bình // Nghiên cứu Y học - Trường ĐH Y Hà Nội .- 2022 .- Số 3(Tập 151) .- Tr. 144-152 .- 610

Trình bày đặc điểm lâm sàng và kiểu gen HLA-B, HLA-DRB1 ở bệnh nhân nhược cơ. Bệnh nhược cơ là một rối loạn tự miễn hiếm gặp với tỉ lệ lưu hành thấp, gây ra bởi sự tự sản sinh kháng thể kháng thụ thể Acetylcholin ở màng sau synap trong khớp nối thần kinh – cơ. Kết quả nghiên cứu đặc điểm lâm sàng và kiểu gen HLA-B, HLA-DRB1 trên 15 bệnh nhân nhược cơ tại Bệnh viện Đa khoa Thành phố Cần Thơ từ tháng 1/2020 đến tháng 10/2020 ghi nhận: có 53,3% bệnh nhân nhược cơ phân độ nhẹ (độ I và II); 46,7% bệnh nhân nhược cơ độ nặng (từ độ III và IV), 60% bệnh nhân nhược cơ có kháng thể kháng thụ thể Acetylcholin dương tính. Nghiên cứu bước đầu ghi nhận allele HLA-B*18 chỉ xuất hiện trên những bệnh nhân có sự hiện diện của kháng thể thụ thể Acetylcholin, allele HLA-B*40 chỉ xuất hiện ở nhóm tuổi khởi phát muộn (>=50 tuổi) và allele HLA-B*46 chỉ xuất hiện trên những bệnh nhân có tuổi khởi phát sớm (<50 tuổi).

952 Nghiên cứu giá trị điểm cắt của NT-ProBNP huyết tương trong chẩn đoán suy tim ở trẻ em / Ngô Anh Vinh, Phạm Hữu Hòa // Nghiên cứu Y học - Trường ĐH Y Hà Nội .- 2022 .- Số 3(Tập 151) .- Tr. 153-161 .- 610

Nhằm nghiên cứu giá trị điểm cắt của NT-ProBNP huyết tương trong chẩn đoán suy tim ở trẻ em. Chẩn đoán suy tim ở trẻ em chủ yếu dựa vào triệu chứng lâm sàng và các biểu hiện chung của suy tim là tình trạng giảm cung lượng tim và ứ máu ở hệ thống tuần hoàn (tuần hoàn chủ và phổi). Nồng độ NT-ProBNP của nhóm suy tim cao hơn nhóm không suy tim có ý nghĩa thống kê, p<0,001. Điểm cắt tối ưu của nồng độ NT-ProBNP huyết tương là 314,5 pg/ml có giá trị chẩn đoán suy tim cho trẻ em từ 1 tháng đến 15 tuổi với độ nhạy là 88,2%, độ đặc hiệu là 66,7% và diện tích dưới đường cong là 0,81.

953 So sánh kết quả trưởng thành noãn giữa hCG trigger và dual trigger trên những trường hợp đáp ứng buồng trứng kém / Dương Hoàng Long, Hồ Sỹ Hùng // Nghiên cứu Y học - Trường ĐH Y Hà Nội .- 2022 .- Số 3(Tập 151) .- Tr. 162-169 .- 610

Nhằm so sánh kết quả trưởng thành noãn giữa hCG trigger và dual trigger trên những trường hợp đáp ứng buồng trứng kém. Các nghiên cứu hiệu quả của dual trigger trên nhóm bệnh nhân đáp ứng buồng trứng kém cho tới hiện tại là không nhiều. Mặc khác, điều trị bệnh nhân đáp ứng buồng trứng kém hiện vẫn là thách thức đối với các bác sĩ lâm sàng. Các nghiên cứu đã ước tính trong các trường hợp làm thụ tinh trong ống nghiệm, 10%-24%. Trưởng thành noãn bằng dual trigger bước đầu cho thấy làm tăng số lượng noãn thu được, số lượng noãn trưởng thành, và số lượng phôi thu được so với trưởng thành noãn bằng hCG đơn thuần, qua đó cải thiện kết quả IVF trên các bệnh nhân đáp ứng buồng trứng kém.

954 Một số yếu tố liên quan đến thực trạng sâu răng của sinh viên năm thứ nhất trường Đại học Y Hà Nội năm học 2020-2021 / Trịnh Minh Báu, Hồng Thúy Hạnh, Nguyễn Thị Khánh Huyền, Đỗ Sơn Tùng, Phùng Lâm Tới, Khúc Thị Hồng Hạnh, Hoàng Bảo Duy // Nghiên cứu Y học - Trường ĐH Y Hà Nội .- 2022 .- Số 3(Tập 151) .- Tr. 170-178 .- 610

Nhằm mô tả một số yếu tố liên quan đến thực trạng sâu răng của sinh viên năm thứ nhất trường Đại học Y Hà Nội năm học 2020-2021. Với mục tiêu sinh viên trường Y sẽ trở thành những bác sĩ không chỉ giỏi chuyên môn mà còn có một thể lực khỏe mạnh, trí tuệ sáng suốt thì công tác đào tạo cũng như giáo dục sức khỏe nói chung và sức khỏe răng miệng nói riêng là một yêu cầu cần thiết đối với trường Đại học Y Hà Nội. Các yếu tố được tìm thấy làm tăng nguy cơ sâu răng của đối tượng nghiên cứu bao gồm thói quen chăm sóc vệ sinh răng miệng: thời gian chải răng dưới 2 phút mỗi lần, không súc miệng bằng dung dịch nước súc miệng, không có thói quen thăm khám nha khoa, không lấy cao răng định kỳ, thói quen ăn vặt. Tình trạng chen chúc răng cũng được tìm thấy là yếu tố làm tăng nguy cơ sâu răng.

955 Đánh giá tính giá trị và độ tin cậy của thang đo hài lòng cha mẹ trẻ sinh non đối với chất lượng dịch vụ tại khoa sơ sinh / Nguyễn Thị Bình An, Nguyễn Thị Kim Ngân // Nghiên cứu Y học - Trường ĐH Y Hà Nội .- 2022 .- Số 3(Tập 151) .- Tr. 179-187 .- 610

Nhằm đánh giá tính giá trị và độ tin cậy của thang đo hài lòng cha mẹ trẻ sinh non đối với chất lượng dịch vụ tại khoa sơ sinh. Kết quả cho thấy thang đo hài lòng cha mẹ trẻ sơ sinh với dịch vụ y tế sau khi chuẩn hóa có 11 câu với tỉ lệ giải thích sự biến thiên của thang đo là 56,4% ở ngưỡng tốt. Cronbach’s alpha của 3 nhân tố và cả thang đo kiến thức nhằm trong khoảng từ 0,73-0,88, là ngưỡng rất tốt. Điều này khẳng định thang đo đánh giá hài lòng cha mẹ trẻ sinh non do chúng tôi xây dựng đảm bảo tính giá trị và độ tin cậy để áp dụng trên địa bàn nghiên cứu. Để có thể sử dụng thang đo này ở các địa bàn có bối cảnh khác như các cơ sở y tế tuyến thấp hơn cần cân nhắc tới các đặc thù với cơ sở vật chất cũng như các dịch vụ y tế với trẻ sinh non mà các cơ sở này được phép thực hiện trước khi áp dụng.

956 Hội chứng sảng ở người bệnh cao tuổi điều trị nội trú tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương / Hoàng Thị Phương Nam, Trần Nguyễn Ngọc // Nghiên cứu Y học - Trường ĐH Y Hà Nội .- 2022 .- Số 1(Tập 149) .- Tr. 126-134 .- 610

Nhằm mô tả một số tỉ lệ về hội chứng sảng ở người bệnh cao tuổi điều trị nội trú tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương. Hội chứng sảng rất đa dạng và biến thiên liên tục theo từng giờ, từng ngày, có thể dễ dàng bỏ sót hoặc chẩn đoán nhầm trong lần thăm khám đầu tiên. Tỉ lệ sảng thường gặp ở nhóm tuổi 60-69 tuổi. Tỉ lệ nữ cao hơn nam. Tỉ lệ giảm khả năng tập trung chú ý ở nam giới cao hơn nữ giới (p=0,04). Tỉ lệ nam giới mắc nhồi máu cơ tim cao, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư và có sảng cao hơn nhiều so với tỉ lệ nữ giới (p<0,05).

957 Giá trị tiên lượng của thang điểm WFNS đối với kết quả xấu sau chảy máu dưới nhện do vỡ phình động mạch não / Vương Thị Thu Hiền, Lương Quốc Chính // Nghiên cứu Y học - Trường ĐH Y Hà Nội .- 2022 .- Số 1(Tập 149) .- Tr. 135-142 .- 610

Trình bày giá trị tiên lượng của thang điểm WFNS đối với kết quả xấu sau chảy máu dưới nhện do vỡ phình động mạch não. Nghiên cứu nhằm xác định mối quan hệ giữa hai thang điểm Hiệp hội Phẫu thuật Thần kinh Thế giới (WFNS) và Hunt – Hess (H&H) với kết quả thực tế và so sánh độ chính xác trong tiên lượng của hai thang điểm này. Chảy máu dưới nhện có một loạt các dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng bao gồm: đau đầu, sợ ánh sáng, buồn nôn và nôn, gáy cứng, suy giảm ý thức và các dấu hiệu thần khu trú. Cả hai thang điểm WFNS và H&H đều có độ chính xác cao trong dự báo kết quả chức năng thần kinh. Bởi vì OR của thang điểm WFNS tăng không đều hơn cho nên nó không ưu thế hơn thang điểm H&H trong tiên lượng bệnh nhân.

958 Giãn bạch mạch ruột tiên phát ở một trẻ có tiền sử u bạch huyết mạc treo đã phẫu thuật / Mai Thành Công, Lê Thị Lan Anh, Lê Văn Khảng, Nguyễn Thành Nam // Nghiên cứu Y học - Trường ĐH Y Hà Nội .- 2022 .- Số 1(Tập 149) .- Tr. 143-150 .- 610

Phân tích giãn bạch mạch ruột tiên phát ở một trẻ có tiền sử u bạch huyết mạc treo đã phẫu thuật. Giãn bạch mạch ruột tiên phát (PIL) là một rối loạn giãn bạch mạch ruột bẩm sinh, hiếm gặp. Các triệu chứng lâm sàng của bệnh gây ra do mất quá nhiều dịch bạch huyết vào lòng ruột, bao gồm protein, chất béo và tế bào lympho. Giãn bạch mạch ruột tiên phát (PIL) là một dị dạng bạch mạch ruột bẩm sinh gây giãn bạch mạch và mất các thành phần dịch bạch huyết vào lòng ruột, thường khởi phát từ nhỏ. Bệnh có thể có liên quan đến các dị dạng bạch mạch khác của đường tiêu hóa như u bạch huyết trong ổ bụng hoặc ngoài đường tiêu hóa như phù bạch mạch ở chi. Tuy hiếm gặp, giãn bạch mạch ruột tiên phát cần được chuẩn xác và điều trị bằng các phương pháp thích hợp để tránh ảnh hưởng đến sự tăng thưởng thể chất và khả năng miễn dịch của trẻ.

959 Kết quả phẫu thuật nội soi sửa van hai lá điều trị bệnh hở van hai lá đơn thuần / Phạm Thành Đạt, Nguyễn Công Hựu, Ngô Thành Hưng, Nguyễn Hoàng Nam, Lê Ngọc Thành, Đoàn Quốc Hưng // Nghiên cứu Y học - Trường ĐH Y Hà Nội .- 2022 .- Số 1(Tập 149) .- Tr. 151-161 .- 610

Trình bày kết quả phẫu thuật nội soi sửa van hai lá điều trị bệnh hở van hai lá đơn thuần. Sửa van là phương pháp được ưu tiên trong phẫu thuật điều trị bệnh hở van hai lá nặng. Phẫu thuật tim hở nội soi trong những năm trở lại đây đang dần thay thế cách tiếp cận truyền thống qua đường xương ức. Nghiên cứu đánh giá tính khả thi, an toàn của phẫu thuật sửa van hai lá nội soi trong điều trị bệnh hở van hai lá đơn thuần tại Bệnh viện E. Kết quả cho thấy tính khả thi, an toàn của phương pháp nội soi trong phẫu thuật sửa van điều trị bệnh hở van hai lá đơn thuần, tỉ lệ tử vong sau mổ thấp, giảm sang chấn, ít đau, ít chảy máu, giảm thời gian thở máy, hồi sức và nằm viện, tính thẩm mỹ cũng như giảm thiểu tỉ lệ nhiễm trùng vết mổ.

960 Khảo sát nồng độ PSA ở những nam giới có triệu chứng đường tiểu dưới trên 45 tuổi tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội / Nguyễn Hoài Bắc, Hạ Hồng Cường // Nghiên cứu Y học - Trường ĐH Y Hà Nội .- 2022 .- Số 1(Tập 149) .- Tr. 162-171 .- 610

Nhằm khảo sát nồng độ PSA ở những nam giới có triệu chứng đường tiểu dưới trên 45 tuổi tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. PSA là một kháng nguyên đặc hiệu của tuyến tiền liệt. Tuy nhiên PSA lại không đặc hiệu cho ung thư tuyến tiền liệt. Vì vậy, để cá thể hóa nồng độ PSA trong thực hành lâm sàng thì việc tìm hiểu phân bổ nồng độ PSA của người bệnh là điều quan trọng. Kết quả cho thấy nồng độ PSA trung bình là 1,85ng/ml, phần lớn các trường hợp có giá trị PSA dưới 4 ng/ml. Nồng độ PSA tăng theo các nhóm tuổi, nhóm triệu chứng tống suất, nhóm thể tích tuyến tiền liệt. Ngoài ra, tuổi và kích thước tuyến là hai yếu tố có giá trị tiên lượng nồng độ PSA. Khi tăng 1 tuổi thì nồng độ PSA tăng lên 0,09ng/ml và khi tăng 1ml thể tích tuyến tiền liệt thì nồng độ PSA tăng lên 0,1ng/ml.