CSDL Bài trích Báo - Tạp chí

Khoa Y

  • Duyệt theo:
641 Xác định đột biến gen EGFR bằng kỹ thuật giải trình tự gen trên mẫu mô ung thư biểu mô phổi không tế bào nhỏ / Nguyễn Văn Duy, Trần Vân Khánh // Nghiên cứu Y học - Trường ĐH Y Hà Nội .- 2022 .- Số 160(12V2) .- Tr. 19-26 .- 610

Ứng dụng kỹ thuật y sinh học phân tử trong xác định đột biến gen EGFR đã đem lại những lợi ích nổi bật trong điều trị đích bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ (UTPKTBN), trong đó kỹ thuật giải trình tự gen và Realtime PCR đang được sử dụng phổ biến ở Việt Nam, cả 2 kỹ thuật đều có những ưu, nhược điểm riêng, có thể phối hợp, hỗ trợ cho nhau. Nghiên cứu này được thực hiện với mục tiêu: 1) Xác định đột biến gen EGFR bằng kỹ thuật giải trình tự gen trên mẫu mô UTPKTBN; 2) So sánh kết quả xác định đột biến gen EGFR giữa kỹ thuật giải trình tự gen và Realtime PCR. Thu thập 78 mẫu DNA của bệnh nhân UTPKTBN đã được xác định có đột biến gen EGFR bằng kỹ thuật Realtime PCR. Kỹ thuật giải trình tự gen đã được áp dụng để xác định đột biến gen EGFR, so sánh kết quả đột biến gen EGFR giữa 2 kỹ thuật Realtime PCR và giải trình tự gen.

642 Xác định đột biến trên gen SNCA, PARK2, PARK7 và LRRK2 ở bệnh nhân Parkinson / Trần Tín Nghĩa, Trần Huy Thịnh, Nguyễn Hoàng Việt, Trần Vân Khánh // Nghiên cứu Y học - Trường ĐH Y Hà Nội .- 2022 .- Số 160(12V2) .- Tr. 35-44 .- 610

Bệnh Parkinson là một bệnh thoái hóa thần kinh trung ương mạn tính tiến triển gây ảnh hưởng đến khả năng cử động, thăng bằng và kiểm soát cơ của bệnh nhân. Với sự phát triển của các kỹ thuật sinh học phân tử đã cho thấy yếu tố di truyền đóng vai trò quan trọng trong sự tiến triển của bệnh Parkinson. Nghiên cứu này nhằm mục đích xác định đột biến trên gen SNCA, PARK2, PARK7 và LRRK2 ở bệnh nhân Parkinson bằng phương pháp giải trình tự gen. Nghiên cứu được tiến hành trên 50 bệnh nhân được chẩn đoán Parkinson. Kỹ thuật giải trình tự gen được sử dụng để xác định đột biến trên gen SNCA, PARK2, PARK7 và LRRK2.

643 Vai trò của cắt lớp vi tính đa dãy trong chẩn đoán vị trí lỗ thủng ở bệnh nhân thủng tạng rỗng / Phạm Thu Huyền, Nguyễn Đình Minh, Đỗ Mạnh Hà, Nguyễn Duy Huề // Nghiên cứu Y học - Trường ĐH Y Hà Nội .- 2022 .- Số 160(12V2) .- Tr. 45-54 .- 610

Đánh giá vai trò của các dấu hiệu trên cắt lớp vi tính đa dãy (CLVT) trong xác định vị trí thủng ở bệnh nhân thủng tạng rỗng. 127 bệnh nhân (BN) được chẩn đoán xác định thủng tạng rỗng trong phẫu thuật, được chụp CLVT ổ bụng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức từ 07/2021 đến 06/2022.

644 Đánh giá kết quả sử dụng vạt tại chỗ tạo hình khuyết da đầu sau cắt bỏ ung thư da tế bào đáy / Nguyễn Hoàng Đăng, Dương Mạnh Chiến, Phạm Thị Việt Dung // Nghiên cứu Y học - Trường ĐH Y Hà Nội .- 2022 .- Số 160(12V2) .- Tr. 55-62 .- 610

Nghiên cứu nhằm đánh giá kết quả sử dụng vạt tại chỗ trong tạo hình che phủ khuyết tổ chức da đầu sau cắt bỏ ung thư biểu mô tế bào đáy. Nghiên cứu can thiệp lâm sàng không nhóm chứng trên 15 bệnh nhân (8 nam và 7 nữ, tuổi từ 56 tới 90), được phẫu thuật tạo hình bằng vạt tại chỗ che phủ khuyết da đầu sau cắt bỏ ung thư biểu mô tế bào đáy tại khoa Ngoại đầu cổ Bệnh viện K từ tháng 5/2018 tới tháng 5/2022.

645 Hình thái học tổn thương tụ máu quanh động mạch cảnh trong chết ngạt treo cổ / Trần Tuấn Anh, Đào Hoàng Diễm, Lưu Sỹ Hùng // Nghiên cứu Y học - Trường ĐH Y Hà Nội .- 2022 .- Số 160(12V2) .- Tr. 63-69 .- 610

Nghiên cứu mô tả cắt ngang 201 trường hợp có kết luận là ngạt treo cổ từ tháng 1/2017 đến 1/2022 tại phòng Kỹ thuật Hình sự - Công an TP. Hồ Chí Minh. Kết quả: Có 81 trường hợp tụ máu quanh động mạch cảnh; đặc điểm như sau: động mạch cảnh đối bên với vị trí nút thắt dễ bị tổn thương nhất (74 trường hợp - 91,4%). Vị trí dễ phát hiện tổn thương động mạch cảnh nhất nằm ngay bên dưới rãnh thắt (72,8% với 59 trường hợp). Trên vi thể, ghi nhận 98 trường hợp xuất huyết trong mô liên kết quanh động mạch cảnh, 7 trường hợp bị rách lớp áo trong, 9 trường hợp bị tổn thương cả lớp áo trong và lớp áo giữa, 4 trường hợp tổn thương ba lớp áo. Các tổn thương trên đại thể có mối quan hệ mật thiết với khả năng quan sát được trên vi thể, cần thu mẫu vi thể để đánh giá đầy đủ tổn thương của động mạch cảnh. Tuổi, tổn thương da, cơ, thể trạng to béo là các biến số có giá trị thống kê cao (p < 0,001) khi dùng phép kiểm định Khi bình phương đánh giá khả năng gây ra tổn thương tụ máu quanh động mạch cảnh.

646 Tình trạng rối loạn đường huyết ở người bệnh cao tuổi đã đặt stent động mạch vành / Hồ Thị Kim Thanh, Lê Văn Cường, Lê Thị Hoài // Nghiên cứu Y học - Trường ĐH Y Hà Nội .- 2022 .- Số 160(12V2) .- Tr. 70-76 .- 610

Nghiên cứu rối loạn đường huyết ở người bệnh cao tuổi đã đặt stent động mạch vành điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa với mục tiêu phân tích tình trạng rối loạn glucose và một số yếu tố liên quan khác. Nghiên cứu mô tả cắt ngang ở 87 người bệnh trên 60 tuổi đã đặt stent động mạch vành năm 2021 cho thấy có 66,6% người bệnh có tiền đái tháo đường, trong đó rối loạn đường máu đói chiếm 19,54%, giảm dung nạp glucose sau nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống chiếm 19,54%; và 51,72% người bệnh có đái tháo đường, trong đó 26,43% đã biết có đái tháo đường từ trước, và 25,28% đái tháo đường mới phát hiện qua xét nghiệm đường máu đói hoặc bằng nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống. Người bệnh chủ yếu là nam giới; nhiều nhất ở nhóm tuổi 60 - 70 tuổi, nhóm người bệnh có đái tháo đường hoặc tiền đái tháo đường có: tỷ lệ hút thuốc lá cao hơn, béo phì nhiều hơn, đa số có rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, số nhánh động mạch vành tổn thương.

647 Khảo sát một số yếu tố liên quan đến tổn thương thận cấp ở bệnh nhân tách thành động mạch chủ cấp type B được can thiệp đặt stent graft / Lê Văn Trường, Phạm Minh Tuấn, Nguyễn Ngọc Quang, Phạm Mạnh Hùng, Lê Xuân Thận // Nghiên cứu Y học - Trường ĐH Y Hà Nội .- 2022 .- Số 160(12V2) .- Tr. 77-85 .- 610

Tách thành động mạch chủ là một cấp cứu tim mạch, bệnh có tỷ lệ tử vong cao. Can thiệp đặt stent graft ở bệnh nhân tách thành động mạch chủ cấp type B là một phương pháp điều trị hiệu quả, ít xâm lấn hơn so với điều trị bằng phương pháp phẫu thuật, tỷ lệ tổn thương thận cấp (AKI) trước và sau can thiệp còn cao, chính vì thế, nghiên cứu nhằm mục tiêu đánh giá diễn biến chức năng thận trước và sau can thiệp cũng như tìm hiểu một số yếu tố liên quan đến tổn thương thận cấp. Nghiên cứu thực hiện tại Viện Tim mạch Việt Nam với 99 bệnh nhân, trong đó tỷ lệ nam/nữ là 8/1, độ tuổi trung bình là 57,9 ± 10,6, tuổi thấp nhất là 31 và cao tuổi nhất là 82. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng tiêu chuẩn KDIGO 2012 để đánh giá tổn thương thận cấp dựa vào sự biến đổi nồng độ creatinin trong vòng 48 giờ trước hoặc sau can thiệp đặt stent graft, tỷ lệ tổn thương thận cấp trong nghiên cứu của chúng tôi là 29,3%, huyết áp tâm thu ≥ 160mmHg là một yếu tố nguy cơ có liên quan đến tổn thương thận cấp với (OR = 4,52, p = 0,008), phản ứng viêm tăng sau can thiệp cũng là một yếu tố nguy cơ liên quan đến tỷ lệ tổn thương thận cấp với (OR = 9,24, p < 0,001).

648 Hội chứng tim thận ở bệnh nhân suy tim cấp và mối liên quan với tỷ lệ tử vong sau điều trị / Nguyễn Khắc Nghiêm, Phạm Minh Tuấn, Tạ Mạnh Cường // Nghiên cứu Y học - Trường ĐH Y Hà Nội .- 2022 .- Số 160(12V2) .- Tr. 95-104 .- 610

Hội chứng tim thận (HCTT) type I thường là tình trạng tổn thương thận cấp (Acute kidney injury - AKI) ở bệnh nhân suy tim cấp nhập viện, có liên quan với tăng tỷ lệ tử vong, kéo dài thời gian điều trị. Việc chẩn đoán sớm hội chứng tim thận là cần thiết. Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định tỷ lệ và giá trị tiên lượng trong quá trình điều trị của HCTT type I trên bệnh nhân suy tim cấp nhập viện. Nghiên cứu thuần tập trên 198 bệnh nhân suy tim cấp có tuổi trung bình 66,6 ± 15,7 cho thấy HCTT type I có tỷ lệ 36,87%. Hầu hết tổn thương thận cấp ở mức độ nhẹ (AKI độ I chiếm tỷ lệ 87,67% theo KDIGO 2012). Trong quá trình điều trị, 12 bệnh nhân suy tim cấp tử vong hoặc nặng xin về, chiếm tỷ lệ 6,06%. Hội chứng tim thận có liên quan với kéo dài thời gian điều trị nhưng không làm tăng tỷ lệ tử vong trên bệnh nhân suy tim cấp trong quá trình điều trị (HR = 1,3; 95%CI: 0,4 - 4,05; p = 0,653).

649 Kết quả điều trị nhịp nhanh kịch phát trên thất có giảm chức năng tâm thu thất trái qua triệt đốt bằng năng lượng sóng có tần số radio tại Bệnh viện Nhi Trung ương / Quách Tiến Bảng, Phạm Hữu Hòa, Nguyễn Thanh Hải, Đặng Thị Hải Vân // Nghiên cứu Y học - Trường ĐH Y Hà Nội .- 2022 .- Số 160(12V2) .- Tr. 105-112 .- 610

Nghiên cứu nhằm đánh giá kết quả điều trị ban đầu nhịp nhanh kịch phát trên thất (NNKPTT) có giảm chức năng tâm thu thất trái ở trẻ em qua triệt đốt bằng năng lượng sóng có tần số radio (NLSCTSR) tại Bệnh viện Nhi Trung ương từ 1/2017 đến 6/2020. Nghiên cứu thực hiện trên 35 bệnh nhân dưới 18 tuổi được chẩn đoán NNKPTT hoặc Wolf-Parkinson-White (WPW) có giảm chức năng tâm thu thất trái được điều trị bằng NLSCTSR. Tuổi trung bình 2,61 năm, cân nặng trung bình 12,4kg. Thăm dò điện sinh lý xác định 25 bệnh nhân tim nhanh vòng vào lại nhĩ thất (TNVVLNT), 9 bệnh nhân tim nhanh nhĩ (TNN), 1 bệnh nhân tim nhanh vòng vào lại nút nhĩ thất (TNVVLNNT).

650 Đánh giá tỉ lệ thiếu máu ở bệnh nhân HIV tiến triển tại các cơ sở điều trị ARV tại Việt Nam / Vũ Quốc Đạt, Lê Thị Họa, Nguyễn Thùy Linh, Nguyễn Thế Hưng, Nguyễn Lê Hiệp // Nghiên cứu Y học - Trường ĐH Y Hà Nội .- 2022 .- Số 160(12V2) .- Tr. 113-119 .- 610

Thiếu máu là tình trạng phổ biến ở bệnh nhân HIV tiến triển, thường liên quan đến tình trạng nhiễm trùng cơ hội hoặc tác dụng phụ của thuốc ARV. Chúng tôi tiến hành nghiên cứu hồi cứu ở 1304 bệnh nhân HIV tiến triển tại 43 cơ sở điều trị ARV thuộc 15 tỉnh, thành phố tại Việt Nam. Tiêu chuẩn lựa chọn gồm những bệnh nhân HIV > 18 tuổi có bệnh HIV tiến triển. Tỉ lệ bệnh nhân có thiếu máu là 53,3% (695/1034). Tỉ lệ thiếu máu mức độ nhẹ, trung bình và nặng lần lượt là 26,2%, 22,4% và 4,7%. Tỉ lệ thiếu máu cao hơn ở bệnh nhân có CD4 thấp (53,4% ở bệnh nhân có CD4 < 100 tế bào/mm3 so với 42,5% ở bệnh nhân có CD4 100 - 200 tế bào/mm3). Bệnh lý nhiễm trùng cơ hội có tỉ lệ thiếu máu nhiều nhất là lao ngoài phổi (66,9%). Kết quả cho thấy thiếu máu là tình trạng phổ biến ở bệnh nhân HIV tiến triển. Việc đánh giá toàn diện và thực hiện gói chăm sóc bệnh HIV tiến triển là cần thiết để đánh giá nguyên nhân thiếu máu và giảm nguy cơ tử vong cho bệnh nhân.