CSDL Bài trích Báo - Tạp chí

Khoa Y

  • Duyệt theo:
1081 Giãn động mạch vành do nhiễm Epstein-Barr virus: Tổng quan tài liệu và báo cáo ca bệnh ở trẻ em / Đỗ Thị Đài Trang, Vũ Thu Phương // Nghiên cứu Y học - Trường ĐH Y Hà Nội .- 2022 .- Tập 157 - Số 09 .- Tr. 267-274 .- 610

Giãn động mạch vành là tình trạng giãn lòng mạch động mạch vành vượt quá 1,5 lần đường kính trong đoạn động mạch bình thường liền kề do nhiều nguyên nhân gây ra. Epstein-Barr virus (EBV) là một nguyên nhân hiếm gặp gây giãn động mạch vành. Chúng tôi báo cáo một trường hợp trẻ nam, 7 tuổi, tiền sử khỏe mạnh và chưa mắc COVID-19. Trẻ nhập viện với tình trạng sốt cao liên tục 5 ngày, phát ban, nổi hạch cổ, gan lách to, amidan có giả mạc, tăng men gan và giãn động mạch vành trái. Trẻ có tình trạng nhiễm EBV cấp, sau khi loại trừ bệnh Kawasaki và hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C) chúng tôi quyết định điều trị Acyclovir. Sau điều trị, tình trạng lâm sàng cải thiện và đường kính động mạch vành dần trở về giới hạn bình thường sau 5 tuần.

1082 Xác định đột biến gen TP53 trong mô ung thư da bằng phương pháp giải trình tự gen / Hồ Quang Huy, Phạm Đăng Khoa, Phan Thị Hoan, Trần Đức Phấn // Nghiên cứu Y học - Trường ĐH Y Hà Nội .- 2022 .- Tập 156 - Số 08 .- Tr. 01-10 .- 610

Nghiên cứu đột biến gen TP53 trong mô ung thư da sẽ góp phần tìm hiểu cơ chế gây ung thư và giúp các nhà lâm sàng tìm ra được phương pháp điều trị đặc biệt là liệu pháp xạ trị. Bằng phương pháp giải trình tự gen 63 bệnh nhân ung thư da chúng tôi đã xác định được đột biến ở các đoạn exon chiếm tỷ lệ 27,0%, biến đổi ở các đoạn intron chiếm tỷ lệ 95,2%. Có 52 vị trí biến đổi trên gen TP53 trong đó có 10 đột biến ở các đoạn exon và 42 biến đổi ở các đoạn intron.

1083 Mối liên quan giữa mức độ biểu hiện gen ace2, tmprss2 ở niêm mạc tỵ hầu và mức độ nặng của bệnh COVID-19 / Hà Văn Đại, Vũ Phương Nhung, Nguyễn Thị Thanh Tâm, Lê Thị Ngọc, Nguyễn Hải Hà, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Thị Thanh Hải // Nghiên cứu Y học - Trường ĐH Y Hà Nội .- 2022 .- Tập 156 - Số 08 .- Tr. 11-19 .- 610

Nghiên cứu này khảo sát diễn biến đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng của 297 bệnh nhân COVID-19; và phân tích so sánh tương đối mức độ biểu hiện mRNA của ACE2 và TMPRSS2 bằng phương pháp realtime-PCR của 52 mẫu dịch tỵ hầu lấy lúc nhập viện được chọn ngẫu nhiên từ các bệnh nhân tiến triển nặng và nhẹ điển hình. Kết quả cho thấy mức độ biểu hiện TMPRSS2 ở niêm mạc tỵ hầu cùng một số chỉ số xét nghiệm như CRP, PCT, Ferritin, D-Dimer, LDH có thể là yếu tố tiên lượng diễn biến nặng của bệnh COVID-19 trong khi ACE2 thì không có sự khác biệt giữa hai nhóm và cần được nghiên cứu trên cỡ mẫu lớn hơn.

1084 Đặc điểm khối tế bào gốc phân lập từ tủy xương tự thân hỗ trợ điều trị bệnh teo đường mật bẩm sinh / Nguyễn Thanh Bình, Phạm Duy Hiền, Nguyễn Phạm Anh Hoa, Trần Minh Điển, Hoàng Tuấn Khang, Nguyễn Bảo Ngọc, Hà Thị Phương, Lê Đức Minh, Đặng Thị Hà, Lương Thị Nghiêm, Nguyễn Thị Duyên // Nghiên cứu Y học - Trường ĐH Y Hà Nội .- 2022 .- Tập 156 - Số 08 .- Tr. 20-27 .- 610

Nghiên cứu được thực hiện với mục tiêu mô tả đặc điểm khối tế bào gốc phân lập từ dịch tủy xương hỗ trợ điều trị bệnh teo đường mật bẩm sinh ở trẻ em. Phương pháp nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 30 bệnh nhân chẩn đoán teo đường mật bẩm sinh được điều trị phẫu thuật Kasai kết hợp với truyền tế bào gốc tủy xương tự thân trong mổ tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

1085 Đa hình nucleotid đơn gen oprd1 trong điều trị methadone thay thế ở bệnh nhân nghiện chất dạng thuốc phiện / Nguyễn Thị Xuân, Nguyễn Quỳnh Giao, Trần Văn Chiều, Lê Hoàng Nam, Đặng Thị Ngọc Dung, Trần Khánh Chi // Nghiên cứu Y học - Trường ĐH Y Hà Nội .- 2022 .- Tập 156 - Số 08 .- Tr. 28-34 .- 610

Nghiên cứu thực hiện phân tích phân bố kiểu gen OPRD1 tại vị trí đa hình nucleotid đơn rs2234918, rs581111, rs529520 và đánh giá mối tương quan với liều duy trì methadone trong liệu pháp điều trị thay thế methadone ở bệnh nhân nghiện chất dạng thuốc phiện tại tỉnh Ninh Bình. Nghiên cứu thực hiện trên 400 bệnh nhân được chẩn đoán phụ thuộc vào các chất dạng thuốc phiện, được điều trị Methadone thay thế từ tháng 3 năm 2021 đến tháng 5 năm 2022 tại tỉnh Ninh Bình.

1086 Biểu hiện tổn thương phổi trên cắt lớp vi tính ở những bệnh nhân nhiễm covid-19 giai đoạn sớm theo nhóm tuổi / Phạm Hồng Đức, Đỗ Trường Giang, Nguyễn Kim Sơn, Đoàn Thị Giang, Lương Minh Tuấn // Nghiên cứu Y học - Trường ĐH Y Hà Nội .- 2022 .- Tập 156 - Số 08 .- Tr. 35-42 .- 610

Nghiên cứu nhằm mục đích mô tả các đặc điểm và mức độ tổn thương phổi theo nhóm tuổi (< 18; 18 - 59, và ≥ 60 tuổi) ở trên 197 bệnh nhân nhiễm COVID-19 được chẩn đoán dương tính bằng phương pháp RT - PCR. Độ tuổi mắc bệnh trung bình là 38,7 ± 17,7 (từ 3 - 94 tuổi). Trên cắt lớp vi tính, tổn thương thường gặp nhất là tổn thương kính mờ và kính mờ kết hợp đông đặc. Các tổn thương ít gặp bao gồm dải xơ dưới màng phổi, giãn mạch máu, khí phế đồ, dày thành phế quản, lát đá, dấu hiệu halo đảo ngược, tổn thương dạng hang. Phân bố tổn thương chiếm chủ yếu ở ngoại vi và phần sau, hai bên phổi. Trung bình điểm mức độ nặng trên cắt lớp vi tính lồng ngực là 4,68. So với nhóm trẻ tuổi, nhóm bệnh nhân lớn tuổi thường gặp tổn thương kính mờ và tổn thương hai bên phổi, đồng thời điểm trung bình mức độ nặng trên cắt lớp vi tính cao hơn. Như vậy, chụp cắt lớp vi tính là cần thiết để có thái độ xử trí kịp thời ở những người lớn tuổi mắc Covid-19 có biểu hiện triệu chứng ở giai đoạn sớm.

1087 Rối loạn thần kinh tự chủ ở bệnh nhân parkinson dựa theo thang điểm Scopa - aut / Vũ Thị Hinh, Nguyễn Văn Liệu // Nghiên cứu Y học - Trường ĐH Y Hà Nội .- 2022 .- Tập 156 - Số 08 .- Tr. 43-50 .- 610

Thang điểm SCOPA-AUT là một công cụ có giá trị và đáng tin cậy trong đánh giá rối loạn chức năng thần kinh tự chủ trên bệnh nhân Parkinson. Giá trị của thang điểm SCOPA-AUT đã được nghiên cứu và chứng minh qua nhiều nghiên cứu trên thế giới. Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện vẫn chưa có nghiên cứu nào về việc ứng dụng thang điểm này trong đánh giá một cách đầy đủ chức năng tự chủ ở bệnh nhân Parkinson. Do đó, chúng tôi thực hiện nghiên cứu này với mục tiêu: Nghiên cứu đặc điểm rối loạn thần kinh tự chủ ở bệnh nhân Parkinson dựa theo thang điểm SCOPA-AUT và khảo sát mối liên quan giữa điểm SCOPA-AUT và mức độ nặng của bệnh.

1088 Đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng viêm não kháng thụ thể n-methyl-d-aspartate (nmda) sau viêm não herpes simplex ở trẻ em / Đỗ Thanh Hương, Nguyễn Thị Bích Vân, Cao Vũ Hùng, Đào Thị Nguyệt // Nghiên cứu Y học - Trường ĐH Y Hà Nội .- 2022 .- Tập 156 - Số 08 .- Tr. 51-57 .- 610

Mô tả đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng của 11 bệnh nhân có triệu chứng thần kinh tái phát sau viêm não Herpes simplex (HSV) ở trẻ em. Mô tả cắt ngang hàng loạt các ca bệnh từ tháng 11 năm 2019 đến tháng 12 năm 2021. Ở thời điểm nghiên cứu, tất cả bệnh nhân đều có kháng thể kháng thụ thể NMDA (N-methyl-D-Aspartate) dương tính và Polymerase Chain Reaction (PCR) HSV âm tính trong dịch não tủy.

1089 Tính linh hoạt của vạt đùi trước ngoài trong tạo hình các khuyết lớn vùng gân achilles / Trần Thiết Sơn, Phạm Thị Việt Dung, Tạ Hồng Thuý, Phan Tuấn Nghĩa, Lê Hồng Phúc // Nghiên cứu Y học - Trường ĐH Y Hà Nội .- 2022 .- Tập 156 - Số 08 .- Tr. 58-66 .- 610

Vạt da cân đùi trước ngoài (ALT) có nhiều ưu điểm trong phẫu thuật tái tạo khuyết gân Achilles và phần mềm che phủ. Nghiên cứu trên 6 bệnh nhân từ 12 đến 62 tuổi, đều có tổn thương khuyết gân Achilles và phần mềm vùng gót với tình trạng nhiễm trùng nặng khi vào viện. Kích thước của khuyết phần mềm từ 6 x 4 cm tới 12 x 10 cm.

1090 Hiệu quả phát âm sau phẫu thuật tạo hình thành hầu ở bệnh nhân khe hở vòm miệng có thiểu năng vòm-hầu / Nguyễn Việt Anh, Lâm Hoài Phương, Ngô Thị Quỳnh Lan // Nghiên cứu Y học - Trường ĐH Y Hà Nội .- 2022 .- Tập 156 - Số 08 .- Tr. 67-73 .- 610

Nghiên cứu nhằm đánh giá sự cải thiện phát âm, lành thương sau phẫu thuật tạo hình thành hầu ở bệnh nhân khe hở vòm miệng có tình trạng thiểu năng vòm-hầu. Mẫu nghiên cứu gồm 15 bệnh nhân phẫu thuật tại Bệnh Viện Chuyên Khoa Răng Hàm Mặt - Tạo hình Mỹ Thiện từ tháng 12/2021 - 3/2022.