CSDL Bài trích Báo - Tạp chí
chủ đề: Xuất khẩu
51 Tác động của hoạt động xuất khẩu đến năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP): bằng chứng từ doanh nghiệp tại Việt Nam doanh nghiệp tại Việt Nam / Hoàng Thanh Hiền // Kinh tế & phát triển .- 2021 .- Số 289 .- Tr. 74-82 .- 658
Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) là một trong những chỉ số quan trọng đo lường hiệu quả của nền kinh tế cũng như doanh nghiệp. Bài viết này nghiên cứu tác động của việc tham gia vào hoạt động xuất khẩu đến TFP của các doanh nghiệp tại Việt Nam với dữ liệu điều tra của Ngân hàng Thế giới năm 2015. Để phân tích mối quan hệ trên, chúng tôi đã tiến hành tính toán giá trị TFP của các doanh nghiệp trong mẫu nghiên cứu dựa trên 2 phương pháp bán tham số là phương pháp của Olley & Pakes (1996) và phương pháp của Levinsohn & Petrin (2003). Nghiên cứu cho thấy việc tham gia vào hoạt động xuất khẩu có tác động tích cực đến năng suất của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài cũng có năng suất cao hơn các doanh nghiệp khác. Ngược lại, các doanh nghiệp tư nhân lại thể hiện kém hơn so với các đối tác của mình.
52 Gian lận hoá đơn trong thương mại quốc tế ở Việt Nam / Đoàn Ngọc Thắng, Nguyễn Thị Diệu Linh, Nguyễn Thị Huyền Trang // Kinh tế & phát triển .- 2021 .- Số 291 .- Tr. 34-44 .- 657
Bài viết này nghiên cứu thực trạng gian lận hoá đơn trong thương mại quốc tế ở Việt Nam và xác định các nhân tố chính tác động tới gian lận thương mại. Gian lận hóa đơn được thực hiện qua việc khai sai giá trị hàng xuất khẩu và nhập khẩu nhằm chuyển vốn phi pháp giữa các nước. Nhóm tác giả sử dụng số liệu mảng về xuất nhập khẩu của Việt Nam theo mã HS2 từ năm 2000 - 2017 để đo lường gian lận hoá đơn, sau đó sử dụng phương pháp hồi quy để ước lược tác động của các nhân tố tới gian lận hoá đơn của Việt Nam. Kết quả nghiên cứu định lượng cho thấy khi lãi suất và tính ổn định chính trị ở quốc gia đối tác càng cao thì càng làm tăng gian lận khai thiếu hoá đơn xuất khẩu. Trong khi đó, thặng dư cán cân vãng lai và tỷ giá có tác động cùng chiều tới gian lận khai thừa hoá đơn nhập khẩu, nhưng các nhân tố về lạm phát, lãi suất và tính ổn định chính trị ở quốc gia đối tác của Việt Nam lại làm giảm gian lận thông qua khai báo hoá đơn nhập khẩu. Những kết quả nghiên cứu này có hàm ý chính sách quan trọng trong việc định vị và định hướng chính sách của chính phủ nhằm kiểm soát và ngăn chặn kịp thời gian lận hóa đơn xuất nhập khẩu.
53 Đánh giá tác động của xuất khẩu đến tăng trưởng kinh tế / Lê Hằng Mỹ Hạnh // Tài chính - Kỳ 2 .- 2021 .- Số 757 .- Tr. 20-23 .- 382
Trong nghiên cứu này, trên cơ sở tổng quan lý thuyết về xuất khẩu tác động đến tăng trưởng kinh tế, tác giả xây dựng được mô hình hiệu chỉnh sai số dạng vector (VECM) để ước lượng mối quan hệ giữa xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam, cùng với yếu tố truyền dẫn là tỷ giá hối đoái, các biến ngoại sinh là lao động và đầu tư trực tiếp nước ngoài nhằm tăng chất lượng của mô hình.
54 Hoạt động xuất nhập khẩu trong bối cảnh đại dịch covid-19 / Nguyễn Hữu Nguyên Xuân // Tài chính - Kỳ 2 .- 2021 .- Số 755 .- Tr.33 - 35 .- 330
Hoạt động xuất nhập khẩu có mối liên hệ khá chặt chẽ với các chỉ số tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch covid-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu, hoạt động xuất nhập khẩu của các quốc gia trên thế giới đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong đó có Việt Nam. Nghiên cứu thực trạng xuất nhập khẩu của Việt Nam, bài viết đưa ra các hàm ý chính sách nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh đến hoạt xuất khẩu, góp phần cải thiện tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
55 Cơ hội và thách thức của Hiệp định EVFTA đối với ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam / Đỗ Thị Thơ // Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương .- 2021 .- Số 587 .- Tr. 119-120 .- 658
EVFTA là một Hiệp định thương mại tự do (FTA) toàn diện thế hệ mới và cũng là FTA đầu tiên của EU với một quốc gia có mức thu nhập trung bình như Việt Nam. Với những cam kết về ưu đãi thuế quan ở mức cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong các hiệp định FTA đã được ký kết, EVFTA sẽ là “cú huých” rất lớn cho xuất khấu nóng, lâm sản của Việt Nam, trong đó có ngành gỗ. Khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) được thực hiện sẽ mang lại nhiều lợi ích, đồng thời cũng đặt ra những thách thức cho doanh nghiệp ngành công nghiệp gỗ trong nước. Trên cơ sở đó, bài viết đưa ra những khái quát về EVFTA, chi ra những cơ hội và thách thức đối với ngành xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam khi EVFTA có hiệu lực.
56 Tác động của bảo hộ thương mại đến doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xuất khẩu nông sản Việt Nam / Dương Hoàng Anh // Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương .- 2021 .- Số 589 .- Tr. 105-107 .- 658
Bảo hộ thương mại là hành động của một chính phủ, thông qua việc sử dụng các công cụ trong chính sách thương mại quốc tế (TMQT), tạo nên các hàng rào ngăn chặn hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài, nhằm bảo vệ cho các ngành/doanh nghiệp (DN) sản xuất trong nước. Trong bảo hộ, chính phủ thường sử dụng chính sách thuế quan và chính sách phi thuế. Bài viết là sản phẩm của đề tài nhánh thuộc đề tài cấp nhà nước “Phát triển bền vững xuất khẩu (XK) hàng nông sản Việt Nam trong bối cảnh bảo hộ thương mại”. Bài viết sẽ làm rõ một số vấn đề lý luận về tác động của bảo hộ thương mại đến DN sản xuất, XK nông sản và một số hàm ý chính sách giúp DN Việt Nam vượt qua rào cản bảo hộ, phát triển bền vững XK nông sản.
57 Thúc đẩy hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào Ả-rập Xê-Út / Trịnh Thị Lan Anh // Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương .- 2021 .- Số 587 .- Tr. 31-33 .- 658
Việt Nam và Ả-rập Xê-Út thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 21/10/1999. Trải qua 20 năm, quan hệ song phương giữa hai nước đã đạt được nhiều thành công, trong đó có quan hệ hệ thương mại hai chiều. Ả-rập Xê-Út là quốc gia có GDP lớn thứ 18 trên thế giới, là thị trường tiềm năng tiêu thụ lượng lớn về các sản phẩm nông sản và thủy sản của Việt Nam. Tuy nhiên, một thời gian dài, hoạt động xuất khẩu thủy sản vào thị trường này của Việt Nam bị tạm ngừng bởi các quy định khắt khe về kiểm dịch động vật và vệ sinh an tòa thực phẩm của Ả-rập Xê-Út. Tháng 9 năm 2020, Tổng cục Thực phẩm và Dược phẩm Ả rập Xê út (SFDA) cho phép 12 doanh nghiệp của Việt Nam được xuất khẩu trở lại một số mặt hàng thủy sản đánh bắt vào thị trường Ả rập Xê út. Điều này đã mở ra những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này.
58 Một số giải pháp hoàn thiện chính sách thương mại nhằm phát triển xuất khẩu bền vững sản phẩm da giày của Việt Nam / Nguyễn Thị Phượng // Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương .- 2021 .- Số 584 .- Tr.69 - 71 .- 332
Ngành công nghiệp da giày định hướng xuất khẩu đã phát triển khá nhanh trong thời gian qua. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu theo phương thức gia công, tỷ lệ nội địa hoá và giá trị gia tăng của SPXK còn thấp, năng lực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của da giày còn hạn chế, quá trình sản xuất còn gây ô nhiễm môi trường, trình độ và thu nhập của người lao động trong ngành chưa cao. Để PTXK bền vững sản phẩm da giày, rấy cần sự hỗ trợ của hệ thống chính sách nhà nước, trong đó có CSTM. Vì vậy, việc nghiên cứu và đề xuất giải pháp hoàn thiện chính sách thương mại nhằm phát triển xuất khẩu bền vững sản phẩm da giày của Việt Nam là rất cấp thiết.
59 Sử dụng mô hình trọng lực đánh giá hoạt động xuất khẩu giữa ASEAN và Trung Quốc trong khuôn khổ ACFTA / Bùi Tiến Thịnh, Trần Văn Hùng // Phát triển & Hội nhập .- 2020 .- Số 55(65) .- Tr. 96-102 .- 658
Bài viết sử dụng mô hình trọng lực thương mại để đánh giá tác động của ACFTA đến giá trị xuất khẩu của các thành viên ASEAN và Trung Quốc trong khuôn khổ ACFTA trong khoảng thời gian từ 2001 – 2018. Kết quả nghiên cứu cho thấy ACFTA mang đến hiệu ứng tạo lập thương mại và chuyển hướng thương mại tích cực lên thương mại hàng hóa xuất khẩu của các quốc gia thành viên. Cụ thể Các biến có tác động tích cực đến xuất khẩu của ASEAN và Trung Quốc là: GDP của nước xuất khẩu, GDP nước nhập khẩu, chung đường biên giới, chung ngôn ngữ, biến giả ACFTA. Các biến có tác động âm đến xuất khẩu của ASEAN và Trung Quốc là: Dân số của nước xuất khẩu, dân số nước nhập khẩu, khoảng cách hai quốc gia.
60 Xuất khẩu qua sàn thương mại điện tử: Doanh nghiệp tự tin vào năng lực, sản phẩm / Hồng Loan // Tài chính doanh nghiệp .- 2021 .- Số 1+2 .- Tr. 44-46 .- 658
Thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới phát triển mạnh và là cánh cửa mới cho các doanh nghiệp Việt xuất khẩu trực tuyến. Để không bỏ lỡ cơ hội lớn, doanh nghiệp xuất khẩu cần tự tin vào chính năng lực sản xuất, kinh doanh và chất lượng sản phẩm, đám bảo giao hàng đúng hẹn cho các đơn hàng lớn. Doanh nghiệp cũng cần quan tâm đến việc xây dựng lại việc nhận diện thương hiệu, cần có hình ảnh chỉn chu và thông tin nội dung của sản phẩm phù hợp, chính xác, đầy đủ và chi tiết... Từ đó giúp người mua tìm kiếm về sản phẩm tốt hơn, tin tưởng vào sản phẩm của doanh nghiệp nhiều hơn.