CSDL Bài trích Báo - Tạp chí
chủ đề: Hành vi--Người tiêu dùng
41 Động cơ và kết quả của hành vi mua sắm trên mạng xã hội trực tuyến tại Việt Nam / Nguyễn Hữu Khôi, Hồ Huy Tựu, Lê Nhật Hạnh // Kinh tế & phát triển .- 2019 .- Số 261 .- Tr. 40-49 .- 658
Mua sắm trên mạng xã hội trực tuyến là một khuynh hướng mua sắm mới, mang đến một môi trường kinh doanh đáng quan tâm để khám phá các vấn đề tâm lý người tiêu dùng như động cơ, hành vi và kết quả. Nghiên cứu này nhằm xem xét một cách hệ thống các loại động cơ (tiện ích, tiêu khiển và xã hội) và các hình thái của sự hài lòng (về mặt nhận thức và tình cảm) cũng như mối quan hệ động cơ – hành vi – hài lòng trong bối cảnh mua sắm xã hội trực tuyến. Kết quả chính của nghiên cứu cho thấy, động cơ xã hội có tác động lớn nhất tới hành vi mua sắm xã hội trực tuyến, sau đó là động cơ tiện ích, và cuối cùng là động cơ tiêu khiển. Hành vi mua sắm xã hội trực tuyến dẫn tới cả sự hài lòng về mặt nhận thức và tình cảm, trong đó kết quả hài lòng về mặt nhận thức cao hơn. Vì vậy, nghiên cứu này đóng góp vào kiến thức chung bằng việc mở rộng hiểu biết trước đây về mối quan hệ động cơ – hành vi – hài lòng của người tiêu dùng trong bối cảnh mua sắm xã hội trực tuyến. Đồng thời, nghiên cứu cung cấp một số hàm ý cho nhà quản trị để phát triển chiến lược marketing hiệu quả.
42 Các nghiên cứu về lý thuyết hành vi có kế hoạch ảnh hưởng đến ý định mua hàng của người tiêu dùng / Lê Thị Hải Hà // Kinh tế Châu á - Thái Bình Dương (Điện tử) .- 2018 .- Số 518 .- Tr. 99-101 .- 658
Lý thuyết hành vi có kế hoạch là một lý thuyết marketing được sử dụng rất phổ biến trong nghiên cứu ý định mua hàng. Trên cơ sở đó, tác giả thực hiện nghiên cứu tổng quan nhằm tổng kết lại những nghiên cứu điển hình vận dụng lý thuyết hành vi có kế hoạch ảnh hưởng ý định mua hàng nội địa, hàng ngoại nhập cảu người tiêu dùng trên thế giới.
43 Chủ nghĩa vật chất và ý định mua xanh: Nghiên cứu với người tiêu dùng thành thị Việt Nam / Nguyễn Thị Tuyết Mai, Nguyễn Vũ Hùng, Nguyễn Hoàng Linh, Nguyễn Hoàng Minh // .- 2019 .- Số 259 tháng 1 .- Tr. 46-55 .- 658.4
Nghiên cứu này tập trung xem xét tác động của ba thành tố thuộc chủ nghĩa vật chất lên ý định mua sản phẩm xanh của người tiêu dùng thành thị ở nền kinh tế mới nổi Việt Nam. Lý thuyết Hành vi có kế hoạch mở rộng được áp dụng làm khung lý thuyết trong nghiên cứu. Các giả thuyết được kiểm định bằng dữ liệu điều tra thu được từ người tiêu dùng tại Hà Nội. Kết quả hồi quy ủng hộ hầu hết các giả thuyết. Cụ thể, phát hiện của nghiên cứu cho thấy thành tố “thành công” có mối quan hệ ngược chiều với ý định mua xanh, trong khi đó, thành tố “hạnh phúc” có mối quan hệ thuận chiều với ý định mua. Cả ba tiền tố trong mô hình TPB, gồm thái độ đối với mua sản phẩm xanh, chuẩn chủ quan và nhận thức khả năng kiểm soát hành vi được chứng minh là có tác động thuận chiều đến ý định mua. Từ đó, nghiên cứu thảo luận các kết quả và đưa ra hàm ý cho các nhà quản lý và hoạch định chính sách.
44 Lý thuyết tìm kiếm của người mua trên thị trường nhà ở: Tác động của tâm lý lo sợ thua lỗ lên hành vi người mua nhà / Trương Thanh Hiệp, Nguyễn Thị Bích Hồng // Nghiên cứu Kinh tế - Jabes .- 2018 .- Số 8 tháng 8 .- Tr. 18-35 .- 658
Hiện tượng suy giảm khối lượng giao dịch và thời gian rao bán kéo dài trên thị trường nhà ở trong điều kiện giá nhà giảm khi thị trường nhà ở đi xuống đã được nhiều nhà nghiên cứu thực nghiệp phát hiện. Sau đó, một số mô hình lý thuyết đã được phát triển để tìm ra nguyên nhân của hiện tượng này như là mô hình giới hạn tiền đặt cọc của Stein (1995), tâm lý đánh giá cao hiện tại của Sun và Seiler (2013) và trong đó quan trọng nhất là lập luận về tâm lý lo sợ thua lỗ do Genesove và Mayer (2001) đưa ra dự trên lý thuyết triển vọng của Kahneman và Tversky (1979, 1991). Tuy nhiên, Buisson (2016) không đồng ý với lập luận này của Genesove và Mayer (2001), ông đã phát triển mô hình lý thuyết tìm kiếm của người bán chứng minh rằng tâm lý lo sợ thua lỗ không phải là nguyên nhân của hiện tượng sụt giảm khối lượng giao dịch nhà ở và khi thị trường có sự sụt giảm giá nhà, và ông đề nghị tìm một nguyên nhân khác cho hiện tượng này. Trong bài nghiên cứu này, tác giả mở rộng kết quả của Buisson (2016) bằng cách phát triển một mô hình tìm kiếm của người mua nhà với tâm lý lo sợ thua lỗ nhằm xem xét tác động của tâm lý này lên hành vi của người mua nhà. Kết quả mô hình cho thấy rằng khi thị trường nhà ở tăng trưởng hoặc chỉ giảm nhẹ thì hành vi của người mua nhà không chịu ảnh hưởng của yếu tố tâm lý lo sợ thua lỗ. Ngược lại, khi thị trường sụt giảm mạnh thì yếu tố tâm lý so sợ thua lỗ lại có tác động khuyến khích người mua dễ tính hơn trong việc mua nhà và rút ngắn thời gian tìm kiếm. Nguyên nhân do giả định không cho phép tái thương lượng nên kéo dài việc tìm kiếm sẽ làm cho người mua nhà mất đi những cơ hội đầu tư tốt khi căn nhà là đáng mua (lợi ích vượt ngưỡng) và giá đang thấp. Như vậy, cùng với kết quả của Buisson (2016), bài nghiên cứu kết luận rằng tâm lý lo sợ thua lỗ không phải là nguyên nhân của hiện trường suy giảm khối lượng giao dịch trên thị trường nhà ở khi giá nhà sụt giảm trong giai đoạn thị trường nhà ở đi xuống, và do đó cần phải tìm một nguyên nhân khác cho hiện tượng này.
45 Từ sự thay đổi tâm lý đến các xu hướng hành vi tiêu dùng của người Việt Nam / Đỗ Thị Lan Anh // Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương .- 2018 .- Số 526 tháng 10 .- Tr. 16-18 .- 658.4
Trình bày cơ sở lý luận về sự ảnh hưởng của tâm lý đến hành vi tiêu dùng, sự thay đổi tâm lý đến các xu hướng hành vi tiêu dùng của người Việt Nam.
46 Hành vi lựa chọn khu vực làm việc của lao động trẻ tốt nghiệp giáo dục bậc cao: Kết quả từ một cuộc khảo sát cấp quốc gia ở Việt Nam / Bạch Ngọc Thắng // Kinh tế & phát triển .- 2018 .- Số 253 tháng 7 .- Tr. 50-58 .- 658.4
Các nghiên cứu trước đây chủ yếu nhìn nhận khu vực không chính thức là nơi tập trung nhiều lao động có trình độ chuyên môn thấp. Có rất ít các nghiên cứu đề cập đến hành vi lựa chọn khu vực làm việc này của lao động trẻ mới tốt nghiệp giáo dục bậc cao ở Việt Nam. Bằng việc sử dụng bộ số liệu quốc gia điều tra lao động và việc làm trong năm 2015, trong đó có kiểm soát cho những sai lệch trong lựa chọn vốn phổ biến trong nghiên cứu về thị trường lao động, nghiên cứu này cho thấy lao động trẻ tốt nghiệp cao đẳng và đại học có khuynh hướng làm việc ở khu vực không chính thức thấp hơn đáng kể so với nhóm tốt nghiệp trung học phổ thông. Tuy nhiên, khuynh hướng này không phải là do sự phân mảnh trên thị trường lao động do luật lệ hay chi phí gia nhập, mà là do lựa chọn tự do theo lý thuyết nguồn vốn con người của người lao động. Kết quả này đã cũng cấp bằng chứng quan trọng liên quan đến đóng góp của giáo dục bậc cao đến hành vi lựa chọn khu vực làm việc của lao động trẻ ở Việt Nam.
47 Tác động của bao bì sản phẩm đến giá trị cảm nhận và ý định tiếp tục tiêu dùng đặc sản địa phương / Hoàng Thị Phương Thảo, Lê Thị Tú Trâm // Phát triển kinh tế - Jabes .- 2018 .- Tr. 30-47 .- 658
Đặc sản địa phương không chỉ là một nét đẹp văn hóa mà còn là một nguồn lực kinh tế quan trọng. Một trong những yếu tố tạo nên giá trị cho các đặc sản địa phương chính là bao bì sản phẩm. Mục tiêu của nghiên cứu này là xác định các thuộc tính của bao bì sản phẩm và tác động của chúng đến giá trị cảm nhận và ý định tiếp tục mua đặc sản của người tiêu dùng. Nghiên cứu sử dụng phương pháp phân tích cấu trúc tuyến tính (SEM) với mẫu khảo sát gồm 259 người tiêu dùng tại TP.HCM, Hà Nội, Vũng Tàu, và Đà Lạt. Kết quả nghiên cứu cho thấy nhận thức về bao bì có ba khía cạnh đo lường theo cảm nhận của người tiêu dùng, đó là: (1) Sự hấp dẫn thị giác, (2) thông tin đầy đủ, và (3) tính tiện lợi. Các khía cạnh cảm nhận này có mối quan hệ đồng biến đối với giá trị cảm nhận, từ đó tác động tích cực đến ý định tiếp tục tiêu dùng. Từ kết quả nghiên cứu, các hàm ý quản trị được đề xuất nhằm nâng cao nhận thức về bao bì sản phẩm, làm tăng giá trị cảm nhận và thúc đẩy hành vi tiêu dùng các mặt hàng đặc sản.
48 Hành vi tiêu dùng thực phẩm của người Hàn Quốc : gợi ý cho các doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm Việt Nam / Hoàng Thị Chuyên // Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương .- 2018 .- Số 516 tháng 5 .- Tr. 77-78 .- 658.4
Những ảnh hưởng của hành vi tiêu dùng đến hoạt động của doanh nghiệp; Xu hướng tiêu dùng thực phẩm của người Hàn Quốc; Một số gợi ý đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm Việt Nam.
49 Kiểm định mô hình đo lường khái niệm lòng yêu nước của người tiêu dùng tại các nước đang phát triển : nghiên cứu trường hợp Việt Nam / Chu Nguyễn Mộng Ngọc, Hoàng Trọng, Đỗ Thị Cúc // Kinh tế & phát triển .- 2018 .- Số 247 tháng 01 .- Tr. 63-72 .- 658.4
Nghiên cứu này kiểm định mô hình đo lường khái niệm lòng yêu nước của người tiêu dùng tại một nước đang phát triển là Việt Nam, tìm hiểu mối liên hệ giữa lòng yêu nước của người tiêu dùng với tính vị chủng và với đầu óc cởi mở của họ. Phương pháp CFA được dùng để kiểm tra chất lượng đo lường các khái niệm, sau đó SEM để kiểm tra các giả thuyết nghiên cứu. Kết quả cho thấy mô hình đo lường khái niệm lòng yêu nước của người tiêu dùng phù hợp với dữ liệu. Lòng yêu nước của người tiêu dùng bị chi phối tăng bởi lòng yêu nước thuần túy của họ, sau đó đến lượt lòng yêu nước làm gia tăng tính vị chủng của người tiêu dùng Việt Nam. Đầu óc cởi mở cũng được xác nhận quan hệ nghịch chiều với tính vị chủng tiêu dùng.
50 Phân tích các nhân tố ảnh hưởng tới ý định hành vi tiêu dùng xanh: Trường hợp khách du lịch quốc tế đến Nha Tran / Lê Chí Công // Kinh tế & phát triển .- 2017 .- Số 241 tháng 7 .- Tr. 96-104 .- 658.403
Nghiên cứu này phân tích ảnh hưởng của các nhân tố khác nhau đến hành vi tiêu dùng xanh trong lĩnh vực du lịch. Một mẫu nghiên cứu thuận tiện với 390 du khách quốc tế đã được thu thập. Bằng cách mở rộng mô hình lý thuyết hành vi tiêu dùng dự định (TPB) và áp dụng phương pháp phân tích CFA, SEM để đánh giá độ tin cậy, giá trị phân biệt, giá trị hội tụ của thang đo, kiểm định mối quan hệ giữa các khái niệm trong mô hình đo lường, kết quả nghiên cứu cho thấy vai trò quan trọng của thái độ, chuẩn chủ quan, kiểm soát hành vi nhận thức, đặc biệt kiến thức và sự quan tâm đến tiêu dùng xanh đã giải thích tốt hơn hành vi tiêu dùng xanh của du khách quốc tế. Kết quả nghiên cứu cung cấp thông tin thực sự hữu ích cho các công ty, quản lý ngành du lịch không chỉ trong việc xây dựng chính sách khuyến khích du khách thực hiện tốt hơn hành vi tiêu dùng xanh mà còn giúp du lịch Nha Trang - Khánh Hòa phát triển bền vững.