CSDL Bài trích Báo - Tạp chí
Khoa Học Tự Nhiên
81 Đặc điểm sinh học các loài thực vật họ kim giao (Podocarpaceae) tại khu bảo tồn Thiên nhiên Bà Nà – Núi Chúa, Đà Nẵng / Đặng Hoàng Đức, Đỗ Thu Hà // .- 2022 .- Số 1 (50) .- Tr. 80-90 .- 660.6
Đề tài xác định thành phần loài và đặc điểm sinh học của các loài thực vật họ Kim giao tại Bà Nà – Núi Chúa. Đây là nơi có tính đa dạng sinh học cao với 795 loài thực vật bậc cao có mạch, trong đó có nhiều loài thực vật có giá trị bảo tồn cao không chỉ trong phạm vi quốc gia mà còn trên phạm vi toàn cầu.
82 Nghiên cứu hiệu lực ức chế vi khuẩn khử sunphat của một số nano kim loại / Hoàng Anh Sơn, Cồng Hồng Hạnh, Nguyễn Hồng Nhung, Vũ Hồng Sơn, Phạm Duy Khánh, Trần Thị Hương, Trần Quế Chi // Khoa học Công nghệ Việt Nam - B .- 2022 .- Số 1(Tập 64) .- Tr. 32-37 .- 543
Nghiên cứu hiệu lực ức chế vi khuẩn khử sunphat của một số nano kim loại. Vi khuẩn khử sunphat là nhóm vi khuẩn kỵ khí có khả năng sinh ra khí H2S làm chua hóa chất dầu thô, gây ăn mòn các thiết bị kim loại và hệ thống đường ống, thậm chí tạo thành các màng biofilm gây bít nhét vỉa, làm giảm khả năng tiếp nhận của nước bơm ép trong khai thác dầu khí. Hiện nay, các chất diệt khuẩn đang được sử dụng chủ yếu là andehit hoặc amin vòng kết hợp với chất hoạt động cation, rất độc hại đối với con người và môi trường. Sự phát triển của khoa học và công nghệ đã tạo ra vật liệu mới có kích thước nano, với khả năng thay thế các chất diệt khuẩn truyền thống và thân thiện với môi trường. Nghiên cứu này đã cho thấy, các nano kim loại bạc, đồng với kích thước trung bình 50nm, nồng độ sử dụng từ 500ppm có khả năng ức chế và diệt cả 2 chủng vi khuẩn khử sunphat bơi lội, bám dính trong các điều kiện nhiệt độ thường và cao.
83 Đặc điểm kiểu gen của đa hình MTHFR C677T, MTHFR A1298C, MTR A2756G và MTRR A66G ở phụ nữ sảy thai liên tiếp / Trần Ngọc Thảo My, Triệu Tiến Sang, Nguyễn Ngọc Thất, Trần Văn Tuấn, Nguyễn Thanh Tùng, Nguyễn Minh Phương, Trịnh Thế Sơn // Khoa học Công nghệ Việt Nam - B .- 2022 .- Số 2(Tập 64) .- Tr. 1-4 .- 570
Nghiên cứu nhằm đánh giá mối liên quan giữa các kiểu gen của đa hình đơn nucleotide MTHFR C677T, MTHFR A1298C, MTR A2756G và MTRR A66G ở phụ nữ sảy thai liên tiếp. Nguyên nhân chính gây ra sảy thai liên tiếp rất đa dạng, chúng có thể phụ thuộc vào một hoặc nhiều yếu tố như độ tuổi mang thai của người mẹ, đặc điểm giải phẫu, miễn dịch, nhiễm khuẩn và kể cả các đặc điểm về mặt di truyền. Mặc dù vậy, hơn 50% trường hợp sảy thai là chưa thể xác định rõ nguyên nhân, điều này khiến cho quá trình nghiên cứu về sảy thai liên tiếp còn gặp nhiều khó khăn. Nghiên cứu được thực hiện theo phương pháp bệnh – chứng trên nhóm bệnh gồm những phụ nữ có tiền sảy thai liên tiếp không rõ nguyên nhân và nhóm chứng là những phụ nữ thai sản khỏe mạnh. Nghiên cứu cho thấy, đa hình MTHFR C677T là yếu tố nguy cơ gây sảy thai liên tiếp ở những phụ nữ tham gia nghiên cứu. Đối với những đa hình MTHFR A1298C, MTR A2756G và MTRR A66G cần mở rộng quy mô nghiên cứu để tiếp tục đánh giá nguy cơ gây bệnh.
84 Nghiên cứu bảo quản táo cắt tươi bằng màng bao ăn được alginate có bổ sung cao chiết rong nâu Sargassum polycystum / Trần Thị Ngọc Mai, Huỳnh Phương Quyên, Nguyễn Công Danh, Lê Thị Giang, Lê Hoàng Tính, Nguyễn Thái Ngọc Uyên // Khoa học Công nghệ Việt Nam - B .- 2022 .- Số 2(Tập 64) .- Tr. 43-47 .- 570
Nghiên cứu đánh giá hiệu quả của lớp phủ ăn được alginate có bổ sung glycerol và cao chiết rong nâu Sargassum polycystum (màng A-G-S) lên quả táo cắt tươi, có khả năng kháng oxy hóa là một giải pháp cho vấn đề hóa nâu làm giảm giá trị cảm quan của sản phẩm táo cắt tươi. Khi gọt vỏ hoặc cắt miếng táo, các không bào trong tế bào quả bị phá vỡ, các hợp chất phenol được giải phóng. Các phenol này bị chuyển hóa bởi enzyme polyphenol oxidase để tạo thành ortho-quinone trong điều kiện có oxy. Các ortho-quinone kết hợp với nhau tạo thành sắc tố nâu melanin, làm giảm giá trị cảm quan của sản phẩm. Nghiên cứu này ứng dụng lên dòng sản phẩm cắt tươi, nhằm giữ được nhiều nhất tính chất tự nhiên và kéo dài thời gian bảo quản sản phẩm trái cây cắt tươi, một dòng sản phẩm tiện lợi phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội công nghiệp hiện nay.
85 Ngưỡng mật độ Streptococcus agalactiae gây bệnh Streptococcosis ở cá rô phi (Oreochromis sp.) nuôi ao nước ngọt / Trương Thị Mỹ Hạnh, Nguyễn Thị Hạnh, Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phạm Thị Yến, Lê Thị Mây, Võ Văn Nha, Đặng Thị Lụa // Khoa học Công nghệ Việt Nam - B .- 2022 .- Số 2(Tập 64) .- Tr. 54-59 .- 570
Nghiên cứu nhằm xác định ngưỡng mật độ Streptococcus agalactiae gây bệnh Streptococcosis ở cá rô phi (Oreochromis sp.) nuôi ao nước ngọt. Cá rô phi là loài cá có giá trị kinh tế, thương mại và dinh dưỡng, có nhiều ưu điểm như sinh trưởng nhanh, dễ nhân giống, có thể sinh trưởng và phát triển ở biên độ dao động môi trường lớn, dễ chuyển đổi thức ăn bổ sung. Biểu hiện chính bắt gặp cá nhiễm S. agalactiae là cá giảm ăn, bơi không định hướng, vơi vòng tròn, đục mắt, lồi mắt, giải phẫu nội tạng ghi nhận gan, lách sưng, bụng tích nhiều dịch lỏng. Bệnh xuất hiện ở cá khi có sự tương tác giữa động vật thủy sản, mầm bệnh và môi trường sống, đồng thời mất cân bằng giữa 3 yếu tố này như cá yếu, giảm sức đề kháng, mật độ mầm bệnh gia tăng hay điều kiện môi trường bất lợi. Kết quả nghiên cứu là cơ sở khoa học có ý nghĩa giúp xác định thời điểm áp dụng giải pháp kỹ thuật đê giảm thiểu mật độ Streptococcus agalactiae cũng như cải thiện chất lượng môi trường nhằm hạn chế bùng phát bệnh.
86 Nghiên cứu các đặc tính quang học và vật lý của sol khí tại một khu vực đô thị ở Hà Nội / Nguyễn Đức Lượng, Bùi Thị Hiếu, Văn Hùng Vỹ, Phạm Thị Thùy // Khoa học Công nghệ Việt Nam - B .- 2022 .- Số 3(Tập 64) .- Tr. 1-6 .- 530
Nghiên cứu nhằm phân tích, đánh giá các đặc tính quang học và vật lý của sol khí tại một khu vực đô thị ở Hà Nội dựa trên việc phân tích các sản phẩm số liệu đặc tính sol khí thu thập từ quang phổ kế đặt ở trạm đo mặt đất và từ vệ tinh viễn thám MODIS cho 3 mùa (mua khô, mùa mưa và mùa chuyển tiếp) trong giai đoạn 2010-2018. Kết quả phân tích dữ liệu các điểm cháy ở khu vực Đông Nam Á thu thập từ số liệu vệ tinh MODIS và phân tích quỹ đạo chuyển động ngược của các khối không khí di chuyển đến địa điểm nghiên cứu ở Hà Nội cho một số giai đoạn của năm 2016 cho thấy, các hoạt động đốt sinh khối ở phạm vi vùng (miền Trung của Việt Nam và các quốc gia lân cận bao gồm Thái Lan, Lào, Campuchia) có thể là nguồn tác động đáng kể tới sự biến đổi đặc tính quang học và vật lý của sol khí trong giai đoạn cuối mùa khô và mùa chuyển tiếp tại khu vực nghiên cứu ở Hà Nội.
87 Nghiên cứu thành phần hóa học nguồn nước phục vụ bảo tồn gen và phát triển chuỗi giá trị bò H’mông ở miền núi phía Bắc / Vũ Thị Minh Hồng, Đỗ Thị Hải // Khoa học Công nghệ Việt Nam - B .- 2022 .- Số 3(Tập 64) .- Tr. 7-10 .- 540
Nhằm nghiên cứu thành phần hóa học nguồn nước phục vụ bảo tồn gen và phát triển chuỗi giá trị bò H’mông ở miền núi phía Bắc. Đây là khu vực được định hướng phát triển đàn bò hạt nhân bảo tồn gen giống tốc bò H’mông. Trong chăn nuôi bò, nguồn nước đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự sinh trưởng và phát triển của đàn bò. Ở khu vực triển khai dự án, nước sinh hoạt thường được lấy từ nguồn nước giếng khoan hoặc nguồn nước mặt từ các khe núi đá, các nguồn này thường có độ cứng cao và có thể bị ô nhiễm kim loại nặng, NO2 hay E. coli cao. Quá trình xâm nhập của vi khuẩn, các kim loại nặng hay các chất hữu cơ có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước đã và đang được Trung tâm sử dụng làm nguồn nước nuôi dưỡng và chăm sóc bò, tình trạng ô nhiễm này có thể gia tăng mạnh vào mùa mưa hàng năm.
88 Nghiên cứu xác định các vùng EST-SSR đặc trưng của loài sâm Ngọc Linh (Panax vietnamensis Ha & Grushv) bằng phương pháp giải trình tự gen thế hệ mới / Nguyễn Thị Phương Trang, Nguyễn Hùng Mạnh, Bùi Thu Hà // Khoa học Công nghệ Việt Nam - B .- 2022 .- Số 3(Tập 64) .- Tr. 16-20 .- 570
Nghiên cứu nhằm xác định các vùng EST-SSR đặc trưng của loài sâm Ngọc Linh (Panax vietnamensis Ha & Grushv) bằng phương pháp giải trình tự gen thế hệ mới. Sâm Ngọc Linh do có nhiều công dụng nên giá thành cao và xuất hiện nhiều mẫu làm giả loài sâm này. Phân loại học truyền thống chỉ dựa vào hình thái là khó thực hiện trong thực tế do việc thu mẫu không phải lúc nào cũng thu được mẫu tiêu chuẩn, vì vậy cần có sự hỗ trợ của các kỹ thuật sinh học phân tử. Đây là cơ sở quan trọng trong việc thiết kế mồi đặc hiệu cho các vùng SSR đặc trưng của sâm Ngọc Linh, giúp ích cho công tác xác định chính xác loài sâm này, cũng như để khám phá các gen mới liên quan đến sự hình thành và phát triển của loài sâm Ngọc Linh đặc hữu của Việt Nam.
89 Nghiên cứu chế tạo thử nghiệm máy phát điện ma sát nano dựa trên hai vật liệu Teflon và nhôm công nghiệp / Phan Hải, Phan Nguyễn Hòa, Hồ Anh Trâm, Nguyễn Hữu Đức, Phạm Đức Thắng // Khoa học Công nghệ Việt Nam - B .- 2022 .- Số 3(Tập 64) .- Tr. 32-36 .- 530
Nhằm nghiên cứu chế tạo thử nghiệm máy phát điện ma sát nano dựa trên hai vật liệu Teflon và nhôm công nghiệp. Máy phát nano dựa trên hiệu ứng ma sát điện là thiết bị có khả năng chuyển đổi năng lượng từ cơ năng thành điện năng nhờ sự kết hợp của hiện tượng nhiễm điện cọ sát và cảm ứng tĩnh điện. Điều này giúp mở ra một trang mới cho năng lượng nhân tạo để tiến tới chế tạo nguồn năng lượng tích hợp cho các thiết bị tự cấp nguồn, cảm biến chủ động hay thậm chí là phát triển mạng lưới năng lượng quy mô lớn. Nghiên cứu đã thử nghiệm thành công máy phát điện ma sát nano (Triboelectric nanogenerator – TENG) cấu hình tiếp xúc dọc sử dụng vật liệu Potyletrafluoroethylene (PTFE) và nhôm công nghiệp.
90 Đánh giá hoạt tính sinh học của cao chiết lá trầu không (Piper betle L.) thu nhận bằng phương pháp chiết siêu âm / Hoàng Kiều Dương, Nguyễn Kim Thanh Kiều, Ngô Hồng Loan // Khoa học Công nghệ Việt Nam - B .- 2022 .- Số 3(Tập 64) .- Tr. 37-42 .- 570
Nghiên cứu đánh hoạt tính sinh học của cao chiết lá trầu không (Piper betle L.) thu nhận bằng phương pháp chiết siêu âm nhằm bổ sung cơ sở dữ liệu về phương pháp trích ly hoạt chất từ lá trầu không bản địa. Cao chiết lá trầu không trong 3 loại dung môi (nước, ethanol 70 và 96%) được thu nhận bằng phương pháp sử dụng sóng siêu âm. Hoạt chất sinh học của cao chiết được xác định qua hàm lượng phenolic và flavonoid tổng. Hoạt tính kháng vi khuẩn, nấm bệnh được đánh giá thông qua phương pháp khuếch tán trên đĩa thạch và đồng nuôi cấy. Công nghệ chiết xuất, ly trích hiện nay được phát triển nhằm khắc phục các nhược điểm của các phương pháp truyền thống. Một số kỹ thuật được sử dụng phổ biến như: chiết xuất có sự hỗ trợ của sóng siêu âm, vi sóng, dung môi dưới áp lực, siêu tới hạn CO2. Trong đó, phương pháp chiết xuất có sự hỗ trợ của sóng siêu âm được sử dụng nhiều nhất nhờ thao tác đơn giản, chi phí thấp và dễ thực hiện trên quy mô lớn.