CSDL Bài trích Báo - Tạp chí

Khoa Học Tự Nhiên

  • Duyệt theo:
91 Nghiên cứu ảnh hưởng của nhiệt độ đến cấu trúc, sự không đồng nhất cấu trúc và động học của silica lỏng / Giáp Thị Thùy Trang, Phạm Hữu Kiên, Dương Thị Lan, Trịnh Văn Hà // Khoa học Công nghệ Việt Nam - B .- 2022 .- Số 3(Tập 64) .- Tr. 43-49 .- 530

Nghiên cứu trình bày ảnh hưởng của nhiệt độ đến cấu trúc, sự không đồng nhất cấu trúc và động học của silica lỏng. Tác giả sử dụng phương pháp mô phỏng động lực học phân tử để khảo sát sự thay đổi cấu trúc và tính chất động học trong vật liệu silica lỏng. Kết quả nghiên cứu hàm phân bố xuyên tâm, số phối trí, các đặc trưng của domain và năng lượng trung bình trên một nguyên tử cho thấy, silica trải qua 3 vùng cấu trúc khác nhau khi nhiệt độ tăng từ 2000 đến 6000 K. Trong đó, quá trình thay đổi cấu trúc xảy ra mạnh nhất ở khoảng nhiệt độ 4500-5000 K. Thêm nữa, các tác giả đã khảo sát hàm liên kết đám của các loại nguyên tử linh động, không linh động và ngẫu nhiên. Kết quả khẳng định, nhiệt độ càng cao thì cấu trúc của silica lỏng càng đồng nhất và hiện tượng không đồng nhất cấu trúc chỉ xảy ra ở nhiệt độ dưới 3500 K. Cuối cùng, nghiên cứu chỉ ra nguyên tử O trong vật liệu có linh động hơn nguyên tử Si.

92 Nghiên cứu chế tạo cảm biến khí ở nhiệt độ phòng trên cơ sở vật liệu polypyrole / Trần Thanh Bình, Luyện Quốc Vương, Hoàng Văn Hán // Khoa học Công nghệ Việt Nam - B .- 2022 .- Số 3(Tập 64) .- Tr. 50-54 .- 530

Trình bày kết quả nghiên cứu tổng hợp polypyrrole (Ppy) biến tính Dodecylbenzen sulfonic axit (DBSA) có cấu trúc nano định hướng ứng dụng cho cảm biến khí NH3 hoạt động ở nhiệt độ phòng. Kết quả phân tích cấu trúc hình thái bề mặt và thành phần hóa học của màng PPy được nghiên cứu lần lượt bằng kính hiển vi điện tử quét phân giải cao (FE-SEM), phổ hồng ngoại biến đổi Fpurier (FT-IR) và UV-Vis. Sản phẩm thu được bằng phương pháp điện hóa với màng PPy có cấu trúc nano, độ dẫn của màng PPy phụ thuộc vào nồng độ chất biến tính DBSA. Các kết quả thu được chứng minh rằng, vật liệu nano PPy là những đối tượng đầy tiềm năng ứng dụng làm lớp vật liệu nhạy cho cảm biến khí.

93 Nghiên cứu khả năng sử dụng xỉ luyện thép làm chất trợ dung khử tạp chất của gang lỏng trong quy trình tiền xử lý / Nguyễn Cao Sơn // Khoa học Công nghệ Việt Nam - B .- 2022 .- Số 3(Tập 64) .- Tr. 55-58 .- 530

Trình bày nghiên cứu khả năng sử dụng xỉ luyện thép làm chất trợ dung khử tạp chất của gang lỏng trong quy trình tiền xử lý. Khử trong gang đạt hiệu quả nếu chất trợ dung có hàm lượng CaO cao và thành phần FeO thích hợp. Xỉ luyện thép lò thổi chứa một lượng CaO cao và thành phần FeO nhất định, do đó xỉ có thể sử dụng để khử tạp chất trong gang lỏng. Tuy nhiên, nghiên cứu khả năng khử tạp chất S trong tiền xử lý gang lỏng sử dụng xỉ luyện thép lò thổi chưa đầy đủ. Đặc biệt, môi trường lò chứa gang lỏng trong tiền xử lý ảnh hưởng đến khử tạp chất S chưa được quan tâm. Bên cạnh đó, quá trình khử tạp chất P trong gang và sự thay đổi thành phần Fe trong xỉ vẫn chưa được đánh giá trong điều kiện môi trường lò khác nhau. Do đó, khử tạp chất trong gang lỏng với công nghệ tiền xử lý bằng xỉ luyện thép cần được nghiên cứu để hiểu rõ về ảnh hưởng của môi trường lò chứa gang lỏng trong tiền xử lý đến khả năng khử tạp chất S và P.

94 Phát triển điện mặt trời tại Việt Nam : hiện trạng và những rào cản / Đặng Hoàng Hợp, Nguyễn Đăng Cường, Nguyễn Xuân Thành, Nguyễn Văn Thành, Lê Thị Thu Hiền // Khoa học và Công nghệ Việt Nam A .- 2022 .- Số 3(756) .- Tr. 23-24 .- 530

Trình bày giải pháp phát triển điện mặt trời tại Việt Nam góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an ninh năng lượng và mục tiêu giảm phát thải nhà kính. Để đảm bảo phát triển điện mặt trời bền vững và hài hòa với các nguồn năng lượng khác, bên cạnh việc tính toán phê duyệt tổng công suất lắp đặt và phát điện phù hợp với mục tiêu từng giai đoạn, chúng ta phải có chiến lược dài hạn về tự chủ công nghệ như: tăng cường tài trợ cho các chương trình R&D, tạo kênh đầu tư và xây dựng các chương trình đào tạo nhằm tạo ra nguồn nhân lực có trình độ cao đáp ứng nhu cầu phát triển ngành công nghiệp điện mặt trời của đất nước. Việc liên tục cập nhật chính sách điện mặt trời sẽ tháo gỡ những khó khăn làm giảm nhịp độ phát triển của điện mặt trời, đồng thời ứng phó với những tình huống phát sinh bất ngờ trong tương lai.

95 Ứng dụng chế phẩm vi sinh để giảm hàm lượng histamine trong nước mắm / Trần Thị Thu Hằng, Nguyễn Hoàng Anh, Bùi Thị Thu Hiền, Nguyễn Thị Lâm Đoàn, Nguyễn Thị Thanh Thủy // Khoa học và Công nghệ Việt Nam A .- 2022 .- Số 3(756) .- Tr. 37-38 .- 570

Cho thấy quy trình sản xuất chế phẩm vi sinh của các nhà khoa học có khả năng phân giải histamine và tạo ra sản phẩm nước mắm an toàn có hàm lượng histamine giảm khoảng 25-30% so với mẫu nước mắm ban đầu. Nước mắm là một loại nước chấm tinh túy không thể thiếu trong bữa ăn của người Việt Nam. Loại gia vị này hấp dẫn bởi hương vị đặc biệt cùng với giá trị dinh dưỡng cao. Khoảng 86% hàm lượng nitơ trong nước mắm là các nitơ hữu cơ và 49% là nitơ của các amino acid tự do. Histamine có vai trò quan trọng với cơ thể khi sử dụng với hàm lượng vừa đủ, nếu quá mức sẽ nguy hại đến sức khỏe con người. Ngộ độc histamine do thực phẩm có thể gây ra các triệu chứng bất lợi trên hệ hô hấp như sổ mũi, hen suyễn do co thắt phế quản; các triệu chứng trên da như nổi mề đay, phát ban, ngứa, phù mí mắt, môi sưng húp; triệu chứng trên mắt như viêm, đỏ kết mạc mắt; triệu chứng trên hệ tiêu hóa như sự tiết quá độ dịch vị ở dạ dày, tiêu chảy hoặc triệu chứng trên hệ tim mạch như giãn mạch, hạ huyết áp, tim đập nhanh, co thắt tim.

96 Nghiên cứu phát triển tổ hợp thiết bị dò tìm bom, mìn, vật nổ sau chiến tranh ở Việt Nam / Vũ Quốc Huy, Phan Văn Quang // Khoa học và Công nghệ Việt Nam A .- 2022 .- Số 3(756) .- Tr. 41-44 .- 530

Trình bày nghiên cứu phát triển tổ hợp thiết bị dò tìm bom, mìn, vật nổ sau chiến tranh ở Việt Nam. Bom mìn còn sót lại sau chiến tranh hiện là vấn đề nhức nhối ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tỷ lệ bom, mìn, vật nổ hiện còn sót lại ở nước ta chiếm từ 2-5% số lượng bom đạn quân đội Mỹ đã sử dụng tại Việt Nam (tương đương khoảng 350-800 nghìn tấn). Số bom, mìn vật nổ này hiện nằm rải rác trên cả nước, có thể phát nổ bất cứ lúc nào khi bị tác động, gây nên hậu quả thương tâm về người, tạo gánh nặng cho xã hội. Để khắc phục vấn đề này, Việt Nam và nhiều nước đã và đang quan tâm nghiên cứu phát triển các tổ hợp thiết bị dò tìm bom, mìn, vật nổ phục vụ mục đích nhân đạo, kết hợp chống khủng bố, góp phần tích cực vào công cuộc giải trừ bom, mìn, vật nổ sau chiến tranh.

97 Alpha Fold : công nghệ của tương lai / Trần Thụy Hương Quỳnh // Khoa học và Công nghệ Việt Nam A .- 2022 .- Số 3(756) .- Tr. 54-56 .- 570

Phân tích khả năng giải quyết những thách thức về tiên đoán cấu trúc của công nghệ Alpha Fold trong tương lai. Protein là nhân tố thiết yếu cho sự sống được hình thành từ các amino axit, sau đó trải qua quá trình gấp xoắn để hình thành cấu trúc 3D phức tạp. Một số ứng dụng Alpha Fold trong thời điểm hiện tại có thể bao gồm tiên đoán một số cấu trúc protein của virut SARS-CoV-2, bao gồm protein ORF3a và gần đây nhất là ORF8. Trong tương lai gần, hiểu biết về chức năng của protein 3D giúp đào sâu vào các chức năng chưa rõ của gen mã hóa protein đó. Trong tương lai xa hơn, Alpha Fold 2 có thể được phát triển để tiên đoán mối tương tác giữa các protein và quá trình hình thành phức hợp protein, mô phỏng vật lý một cách chính xác các hệ thống sinh học (ví dụ như mô phỏng tế bào, cơ quan), vén màn các bí ẩn trong môi trường sinh học và nhân tạo.

98 Phân rã gamma nối tầng bậc hai từ trạng thái hợp phần về trạng thái cơ bản của hạt nhân 182Ta / Nguyễn Ngọc Anh, Nguyễn Xuân Hải, Trần Anh Khôi, Nguyễn Quang Hưng, Lê Tấn Phúc, Phạm Đình Khang, Đinh Thị Tường Quy, Cao Minh Nhân // Khoa học Công nghệ Việt Nam - B .- 2022 .- Số 1(Tập 64) .- Tr. 1-4 .- 530

Nghiên cứu trình bày phân rã gamma nối tầng bậc hai từ trạng thái hợp phần về trạng thái cơ bản của hạt nhân 182Ta. Nghiên cứu sử dụng hệ phổ kế trùng phùng gamma-gamma để nghiên cứu các chuyển dời nối tầng từ trạng thái hợp phần về trạng thái cơ bản của hạt nhân 182Ta, từ đó xác định năng lượng và dải spin khả dĩ của một số mức kích thích trong sơ đồ mức 182Ta. Phương pháp trùng phùng gamma-gamma có ưu điểm về khả năng phân loại bỏ nền phông Compton cao, cũng như khả năng phát hiện rất tốt các cặp chuyển dời gamma có tương quan về mặt thời gian. Điều này mở ra cơ hội phát hiện một số chuyển dời gamma mới mà các nhà nghiên cứu khác chưa ghi nhận được, góp phần bổ sung vào bộ số liệu về sơ đồ mức hạt nhân 182Ta trong ENSDF.

99 Đánh giá tài nguyên nước dưới đất trong các thành tạo bở rời thung lũng Mường Thanh bằng phương pháp mô hình số / Nguyễn Huy Vượng, Nguyễn Bách Thảo, Trần Văn Quang, Nguyễn Thành Công, Phạm Tuấn, Đào Đức Bằng // Khoa học Công nghệ Việt Nam - B .- 2022 .- Số 1(Tập 64) .- Tr. 10-15 .- 363

Phân tích đánh giá tài nguyên nước dưới đất trong các thành tạo bở rời thung lũng Mường Thanh bằng phương pháp mô hình số. Thung lũng Mường Thanh nằm giữa lòng chảo Điện Biên, nước dưới đất là nguồn cấp chủ yếu phục vụ cho nhu cầu ăn uống và sinh hoạt của người dân địa phương. Kết quả khảo sát địa chất thủy văn, quan trắc động thái nước dưới đất cho thấy, nước dưới đất trong các thành tạo này được hình thành chủ yếu từ: nguồn nước mưa, nước sông Nậm Rốm, một tỷ lệ nhỏ nước dưới đất thấm từ bên rìa. Tiềm năng tài nguyên nước trong các thành thạo tạo bở rời thung lũng Mường Thanh được tính toán bằng phương pháp mô hình số. Phần mềm Visual Modflow được sử dụng để mô phỏng vận động và nguồn hình thành trữ lượng của nước dưới đất và tính toán các thành phần tham gia trữ lượng nước dưới đất trong các thành tạo bở rời khu vực thung lũng Mường Thanh.

100 Nghiên cứu đánh giá độ phong phú, tương đồng của loài ve sầu (Hemiptera : Cicadidae) ở khu vực Tây Bắc / Lưu Hoàng Yến, Phạm Hồng Thái, Bùi Thu Quỳnh // .- 2022 .- Số 1(Tập 64) .- Tr. 27-31 .- 363

Nghiên cứu đánh giá độ phong phú, tương đồng của loài ve sầu (Hemiptera : Cicadidae) ở khu vực Tây Bắc. Đã có nhiều công trình nghiên cứu về các loài ve sầu thuộc họ Cicadidae, nhưng mới dừng lại ở phạm vi đánh giá đa dạng loài của một khu bảo tồn thiên nhiên, hay một vườn quốc gia thuộc vùng Tây Bắc nước ta, chưa có nghiên cứu tổng thể về đánh giá đa dạng sinh học của các loài ve sầu thuộc họ Cicadidae. Kết quả cho thấy, loài ve sầu trong họ Cicadidae có sự đa dạng cao nhất ở hệ sinh thái rừng già, giảm dần khi sang hệ sinh thái rừng phục hồi tự nhiên và thấp nhất ở hệ sinh thái rừng phục hồi nhân tạo. Thành phần loài họ Cicadidae ở đai độ cao trên 1.000m đa dạng hơn đai độ cao dưới 1.000m. Ở đai độ cao trên 1.600m, thành phần loài ít, nhưng lại là những loài đặc hữu của vùng Tây Bắc, Việt Nam.