CSDL Bài trích Báo - Tạp chí

Khoa Quản Trị Kinh Doanh

  • Duyệt theo:
5541 Kiệt quệ tài chính và chiến lược tái cấu trúc theo chu kỳ sống của các công ty Việt Nam / Huỳnh Thị Cẩm Hà // Khoa học Thương mại .- 2020 .- Số 144 .- Tr. 19-29 .- 332.1

Bài viết kiểm định tác động của kiệt quệ tài chính đến các chiến lược tái cấu trúc theo chu kỳ sống; và khả năng hồi phục của công ty Việt Nam bằng mô hình hồi quy Logit với hiệu ứng tác động ngẫu nhiên. Bài viết tìm thấy kiệt quệ tài chính có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn nào trong chu kỳ sống, nhiều nhất là ở giai đoạn suy thoái. Kết quả cho thấy kiệt quệ tài chính xảy ra khiến các công ty tăng cường sử dụng chiến lược tái cấu trúc nhân sự quản lý, cắt giảm cắt giảm hoạt động đầu tư và cắt giảm lao động. Ở giai đoạn bão hòa công ty kiệt quệ tài chính hạn chế sử dụng chiến lược tái cấu trúc từ thương vụ M&A. Chiến lược tái cấu trúc hoạt động từ việc cắt giảm đầu tư mang lại khả năng hồi phục cho công ty kiệt quệ tài chính, nhưng hiệu quả phục hồi của công ty ít ảnh hưởng bởi chu kỳ sống.

5542 Nghiên cứu tác động của chính sách của tổ chức và các nhân tố thuộc về lao động người cao tuổi đến sử dụng hiệu quả lao động người cao tuổi Việt Nam / Doãn Thị Mai Hương // Khoa học Thương mại .- 2020 .- Số 144 .- Tr. 30-40 .- 658

Bài viết nghiên cứu tác động của chính sách của tổ chức và các nhân tố thuộc về lao động người cao tuổi đến sử dụng hiệu quả lao động người cao tuổi Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy các chính sách của tổ chức có tác động lớn đến sử dụng hiệu quả lao động người cao tuổi. Các nhân tố thuộc về lao động người cao tuổi cũng tác động đến sử dụng hiệu quả lao động người cao tuổi. Sau khi lao động người cao tuổi tìm được việc làm thì chính sách của tổ chức là biến có tác động nhiều nhất đến cải thiện cuộc sống của lao động người cao tuổi. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, tác giả đề xuất một số gợi ý giải pháp nhằm sử dụng hiệu quả lao động người cao tuổi Việt Nam trong thời gian tới.

5543 Phát triển kênh phân phối tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính trực thuộc ngân hàng thương mại ở Việt Nam / Nguyễn Thị Phương Liên, Tô Thanh Hương // Khoa học Thương mại .- 2020 .- Số 144 .- Tr. 41-50 .- 332.12

Nghiên cứu thực trạng phát triển kênh phân phối tín dụng tiêu dùng (TDTD) của các công ty tài chính (CTTC) trực thuộc ngân hàng thương mại (NHTM) ở Việt Nam giai đoạn từ 2014 đến đầu năm 2020, trong đó, tập trung nghiên cứu 4 trường hợp điển hình, gồm: (i) Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei (MCredit); (ii) Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit); (iii) Công ty Tài chính TNHH HD Saison (HD Saison); và (iv) Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB Finance) là những công ty đã và đang triển khai hoạt động TDTD trên thị trường Việt Nam. Trên cơ sở phân tích thực trạng, chỉ ra những hạn chế trong phát triển kênh phân phối TDTD của các CTTC này, tác giả bài viết đề xuất một vài giải pháp về phát triển kênh phân phối TDTD nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đa dạng của cá nhân và hộ gia đình thời gian tới.

5544 Quản trị quan hệ đối tác trong hoạt động kinh doanh của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam / Phạm Văn Thanh // Khoa học Thương mại .- 2020 .- Số 144 .- Tr.51-58 .- 658

Quá trình kinh doanh của các doanh nghiệp xăng dầu đòi hỏi phải xây dựng, củng cố và phát triển quan hệ với các đối tác liên quan. Quan hệ đối tác chiếm giữ một vị trí rất quan trọng trong hoạt động của doanh nghiệp. Nó đảm bảo sự thông suốt về số lượng và tiến độ lưu chuyển sản phẩm. Đặc biệt, quan hệ đối tác có ảnh hưởng quyết định đến chất lượng và giá cả sản phẩm xăng dầu cũng như tính ổn định và phát triển bền vững của doanh nghiệp. Trong lĩnh vực xăng dầu, Petrolimex tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trên thị trường nội địa, bảo đảm đầy đủ và kịp thời các chủng loại xăng dầu phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm an ninh quốc phòng và nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Có được kết quả này là do Petrolmex đã, đang và tiếp tục thực hiện quản trị quan hệ đối tác trong hoạt động kinh doanh.

5545 Hoạt động đầu tư trái phiếu của các ngân hàng thương mại Việt Nam - Thực trạng và một số định hướng, giải pháp / Đinh Thị Phương Anh // Khoa học Thương mại .- 2020 .- Số 144 .- Tr. 59-67 .- 332.12

Nghiên cứu tổng quan về hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam và hoạt động đầu tư trái phiếu của các ngân hàng (từ năm 2015-2019), theo các khía cạnh quy mô và cơ cấu đầu tư. Trên cơ sở phân tích, đánh giá thực trạng, chỉ ra những hạn chế, bất cập và nguyên nhân của hạn chế trong đầu tư trái phiếu, tác giả bài viết đề xuất một vài định hướng về hoạt động đầu tư trái phiếu và các khuyến nghị giải pháp đối với ngân hàng thương mại (NHTM), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đầu tư trái phiếu của các NHTM Việt Nam thời gian tới.

5546 Nghiên cứu các yếu tố tác động đến thực hiện đối thoại xã hội tại các doanh nghiệp May ở Việt Nam / Nguyễn Thị Minh Nhàn, Bùi Thị Thu Hà // Khoa học Thương mại .- 2020 .- Số 144 .- Tr. 68-80 .- 658

Phân tích sự tác động của các yếu tố môi trường đến thực hiện đối thoại xã hội tại các doanh nghiệp may ở Việt Nam. Số liệu thu thập được từ 176 doanh nghiệp May qua bảng hỏi được thiết kế sẵn. Nghiên cứu sử dụng phần mềm SPSS và AMOS phiên bản 21 để: kiểm định độ tin cậy của thang đo, phân tích nhân tố khám phá EFA, phân tích nhân tố khẳng định CFA, phân tích cấu trúc tuyến tính SEM, kiểm định 04 giả thuyết nghiên cứu kế thừa từ các nhà nghiên cứu và 01 giả thuyết đề xuất trong bối cảnh nghiên cứu ở Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy các giả thuyết nghiên cứu đều được chấp nhận và các yếu tố tác động đến thực hiện đối thoại xã hội tại các doanh nghiệp May bao gồm: Pháp luật lao động, năng lực cơ quan quản lý nhà nước về lao động, năng lực chủ thể quan hệ lao động, văn hóa doanh nghiệp và thỏa ước lao động tập thể ngành dệt may. Trong đó, yếu tố năng lực chủ thể quan hệ lao động có tác động mạnh nhất đến thực hiện đối thoại xã hội tại các doanh nghiệp may ở Việt Nam. Đồng thời nghiên cứu cũng đưa ra một số giải pháp nhằm cải thiện điều kiện thúc đẩy đối thoại xã hội tại các doanh nghiệp may ở Việt Nam hiện nay.

5547 Những đóng góp của khu công nghiệp đối với sự phát triển nhân lực ngành công nghiệp trên địa bàn thành phố Hải Phòng : Thực trạng và vấn đề / Mai Ngọc Cường, Phạm Minh Lộc // Khoa học Thương mại .- 2020 .- Số 144 .- Tr. 81-88 .- 658

Phân tích những đóng góp của khu công nghiệp (KCN) đến việc gia tăng số lượng, nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế - xã hội của nhân lực ngành công nghiệp thành phố Hải Phòng. Đồng thời cũng chỉ ra những vấn đề cần tiếp tục giải quyết để tăng cường vai trò KCN đối với sự phát triển nhân lực ngành công nghiệp trên địa bàn thành phố những năm tới. Trong đó, nhấn mạnh các vấn đề cần tập trung giải quyết là tăng cường thu hút lao động, đảm bảo tính ổn định về công ăn việc làm cho người lao động, tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo, khắc phục tình trạng mất cân đối về trình độ chuyên môn của lao động và bồi dưỡng tác phong công nghiệp của lao động trong khu công nghiệp.

5548 Ảnh hưởng của các bên liên quan đến chiến lược xuất khẩu xanh và lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam / Đỗ Thị Bình // Khoa học Thương mại .- 2020 .- Số 145 .- Tr. 2-13 .- 658

Bài nghiên cứu là một trong những nghiên cứu của chúng tôi về chiến lược kinh doanh xanh với mục đích nghiên cứu ảnh hưởng của các bên liên quan đến việc theo đuổi loại hình chiến lược này cũng như những lợi thế cạnh tranh đạt được đối với các DN xuất khẩu Việt Nam từ góc độ tiếp cận các bên liên quan. Bằng việc điều tra 275 nhà quản lý thuộc 75 DN xuất khẩu nông sản, thủy sản và dệt may, bài nghiên cứu khẳng định rằng thái độ, nhận thức, quan điểm của các nhà quản lý cấp cao; sự quan tâm của khách hàng trên thị trường nước ngoài; sức ép của các cơ quan quản lý và chính phủ các quốc gia xuất khẩu; sức ép của các bên liên quan xã hội về vấn đề môi trường có tác động tích cực đến việc theo đuổi chiến lược xuất khẩu xanh của các DN xuất khẩu Việt Nam. Ngoài ra, việc theo đuổi chiến lược này giúp các DN điều tra đạt được lợi thế cạnh tranh khác biệt hóa chứ không phải lợi thế chi phí thấp. Kết quả nghiên cứu là gợi ý để tác giả đưa ra hàm ý, kiến nghị đối với các nhà hoạch định chính sách công và các DN xuất khẩu Việt Nam để thúc đẩy hơn nữa việc áp dụng chiến lược xuất khẩu xanh.

5549 Tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài đến một số chỉ tiêu phát triển kinh tế tỉnh Thái Nguyên / Nguyễn Thị Hằng, Phạm Minh Đạt, Nguyễn Văn Huân // Khoa học Thương mại .- 2020 .- Số145 .- Tr. 14-24 .- 332.63

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một nguồn vốn quan trọng, tác động vào các chỉ số kinh tế, thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Nghiên cứu này cung cấp các kết quả định lượng cho hai mục tiêu nghiên cứu sau đây. Thứ nhất, nghiên cứu đánh giá và phân tích kết quả phát triển kinh tế nhờ hoạt động thu hút FDI trên cơ sở các chỉ số kinh tế như tổng sản phẩm, giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất khẩu. Thứ hai, nghiên cứu phân tích và xác định mối tương quan giữa FDI và các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu. Kết quả nghiên cứu sẽ khẳng định rằng vốn FDI có ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế, đặc biệt là tác động lớn tới giá trị của các chỉ tiêu phát triển kinh tế. Nghiên cứu này còn kiến nghị một số giải pháp thu hút FDI cho địa phương khác dựa trên nghiên cứu trường hợp điển hình thu hút FDI Thái Nguyên giai đoạn 2010-2019.

5550 Tác động của nợ công đến tăng trưởng kinh tế : nghiên cứu thực nghiệm ở Việt Nam / Vũ Xuân Thủy, Nguyễn Thị Trang // Khoa học Thương mại .- 2020 .- Số 145 .- Tr. 25-35 .- 330

Bài viết tìm hiểu về tác động của nợ công đối với tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam trong giai đoạn 1999-2018 bằng phương pháp phân tích hồi quy mô hình tuyến tính (OLS). Kết quả phân tích nghiên cứu cho thấy rằng các biến nợ công (EXP_GR, DEBT) có tác động tiêu động tiêu cực và đáng kể đến tăng trưởng kinh tế (GR). Trong khi đó, INV, OPEN có tác động tích cực đến tăng trưởng GDP hàng năm (GR). Nghiên cứu cũng cho thấy rằng thấy các năm gần đây Việt Nam tương đối kiểm soát được nợ công trong ngưỡng an toàn, cụ thể là dưới 65% (theo Luật quản lý nợ công tại Việt Nam). Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng chỉ ra nếu việc chi tiêu dùng của Chính phủ tăng trong khả năng ngân sách có thể đáp ứng mà không làm tăng mức nợ công thì việc chi tiêu dùng này sẽ có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, các yếu tố khác như đầu tư công, xuất nhập khẩu có tác động kích thích tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam. Cuối cùng, dựa trên các kết quả thu được, nhóm nghiên cứu cũng đưa ra một số khuyến nghị về chính sách quản lý nợ công cho Việt Nam.