CSDL Bài trích Báo - Tạp chí

Khoa Quản Trị Kinh Doanh

  • Duyệt theo:
5321 Tài chính toàn diện – nhận diện vị trí Việt Nam trong khu vực ASEAN / Nguyễn Đặng Hải Yến // Thị trường tài chính tiền tệ .- 2021 .- Số 5 .- Tr. 26-32 .- 332.1

Bài viết sử dụng dữ liệu có sẵn từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhằm đánh giá mức độ tài chính toàn diện của các nước trong khu vực ASEAN, từ đó xác định vị trí của VN trong khu vực trên 4 khía cạnh: sử dụng tài khoản ngân hàng, tiết kiệm, vay mượn, trả lương và các khoản có tính chất như tiền lương. Kết quả cho thấy, chỉ số tài chính toàn diện của Việt Nam đã được cải thiện dần nhưng vẫn ở mức thấp đặc biệt là tính sẵn có của dịch vụ tài chính. Chính phủ Việt Nam cần có những chinyhs sách phù hợp để nâng cao mức độ tài chính toàn diện trên các khía cạnh.

5322 Một số nét chính về thị trường tài chính thế giới năm 2020 và kỳ vọng năm 2021 / Vũ Xuân Thanh // Thị trường tài chính tiền tệ .- 2021 .- Số 5 .- Tr. 40-43,48 .- 330

Một số nét chính trên thị trường tài chính thế giới năm 2020; những vấn đề lớn cần lưu tâm; triển vọng chính sách trong năm 2021.

5323 Chỉ số tiến bộ xã hội và mục tiêu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam / Trần Quang Tuyến, Lê Văn Đạo, Nguyễn Anh Tú // Kinh tế & phát triển .- 2021 .- Số 284 .- Tr. 2-10 .- 330

Nghiên cứu này giới thiệu và phân tích sự phù hợp của chỉ số tiến bộ xã hội (SPI) cho mục tiêu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam. Chỉ số tiến bộ xã hội đánh giá bao quát và toàn diện nhiều khía cạnh cho xây dựng phát triển đất nước. Theo đó, chỉ số này đo lường sự đáp ứng các nhu cầu cơ bản của con người, các nền tảng phúc lợi và cơ hội để phát triển trong dài hạn với 12 cấu phần và 51 chỉ tiêu cụ thể. Chỉ số này không những phù hợp với mục tiêu phát triển của đất nước, theo nghị quyết 432/QĐ-TTg, lấy con người làm trọng tâm, phát triển bao trùm đảm bảo mục tiêu dài hạn mà còn phù hợp với quy luật phát triển và bối cảnh cụ thể ở Việt Nam. Bài nghiên cứu cho rằng cần thiết phải xây dựng và triển khai bộ chỉ số này nhằm hướng đến phát triển bền vững của quốc gia.

5324 Tác động của lạm phát xu hướng tới tính hiệu quả của thực thi chính sách tại Việt Nam / Lê Thanh Hà, Vũ Thị Tuyết Nhung, Phạm Văn Minh, Vũ Mạnh Linh // Kinh tế & phát triển .- 2021 .- Số 284 .- Tr. 11-24 .- 330

Nghiên cứu này tập trung đánh giá ảnh hưởng của sự thay đổi của lạm phát xu hướng tới tính hiệu quả trong thực thi chính sách bằng việc xây dựng mô hình cân bằng động tổng quát (DSGE). Tính hiệu quả được đánh giá qua ba kênh: phản ứng biến vĩ mô tới các cú sốc chính sách tiền tệ và tài khóa, chi phí sự phân tán giá được đo bằng năng suất tổng hợp hiệu quả, và vùng ổn định kinh tế vĩ mô. Chúng tôi giả định rằng SBV sử dụng hai công cụ: lãi suất danh nghĩa và cung tiền. Kết quả chỉ ra rằng lạm phát xu hướng làm tăng tác động tiêu cực của các cú sốc tới các biến vĩ mô, sự sụt giảm của năng suất tổng hợp hiệu quả, và sự thu hẹp của vùng ổn định vĩ mô. Các tác động tiêu cực này trở nên mạnh hơn khi SBV sử dụng công cụ cung tiền để quản lý nền kinh tế. Chúng tôi cũng chỉ ra SBV cần tập trung vào mục tiêu điều tiết lạm phát để nâng cao hiệu quả của chính sách tại Việt Nam.

5325 Giới tính và sự khác biệt trong tiền lương của người lao động tại thành thị và nông thôn Việt Nam / Quách Dương Tử, Trần Thị Anh Thư // Kinh tế & phát triển .- 2021 .- Số 284 .- Tr. 25-33 .- 330

Bài viết áp dụng phương pháp phân rã Oaxaca dựa trên bộ số liệu khảo sát tình hình cư trú năm 2015 của Worldbank nhằm xác định sự khác biệt tiền lương giữa lao động nam và nữ tại thành thị và nông thôn ở 5 tỉnh thành của Việt Nam gồm: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương và Đắk Nông. Kết quả cho thấy có sự chênh lệch tiền lương về giới tính, cụ thể tiền lương của lao động nam cao hơn nhiều so với lao động nữ khi xét ở thành thị lẫn nông thôn. Bên cạnh đó, phương pháp so sánh điểm xu hướng (PSM) cũng được áp dụng nhằm kiểm định độ tin cậy cho kết quả phân giải. Nghiên cứu cũng cho thấy rằng, ở những phân vị tiền lương khác nhau thì chênh lệch tiền lương giữa nam và nữ cũng khác nhau, cụ thể khoảng cách tiền lương về giới sẽ nhỏ ở phân vị thấp và càng mở rộng ở phân vị cao hơn.

5326 Chính sách hỗ trợ dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật ở Việt Nam: Kết quả thực hiện và giải pháp hoàn thiện / Lê Thị Anh Vân // .- 2021 .- Số 284 .- Tr. 34-43 .- 330

Bài viết tập trung phân tích, đánh giá thực trạng thực hiện chính sách hỗ trợ dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật ở Việt Nam. Chính sách được phân tích trong giai đoạn 2016- 2019. Quá trình thực hiện các chính sách này đã góp phần quan trọng vào việc tạo cơ hội học nghề và việc làm cho người khuyết tật, nâng cao chất lượng đời sống của họ và gia đình. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy những hạn chế, bất cập từ việc hoạch định đến tổ chức thực thi chính sách này. Do đó, bài viết đề xuất 05 giải pháp chủ đạo, bao gồm các giải pháp về: Nâng cao năng lực quản lý nhà nước; tuyên truyền chính sách; đánh giá việc thực hiện chính sách; phát huy vai trò của các trung tâm đào tạo nghề; phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động.

5327 Hành vi tránh thuế và chi phí sử dụng nợ: Nghiên cứu thực nghiệm tại Việt Nam / Nguyễn Vĩnh Khương, Nguyễn Thùy Trang // Kinh tế & phát triển .- 2021 .- Số 284 .- Tr. 44-52 .- 658.153

Nghiên cứu được thực hiện nhằm cung cấp bằng chứng thực nghiệm về mức độ tác động của hành vi tránh thuế đến chi phí sử dụng vôn của các công ty niêm yết Việt Nam. Dựa vào dữ liệu từ 125 công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong khoảng thời gian 2010- 2016. Nghiên cứu sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng thông qua mô hình tác động cố định và ngẫu nhiên. Kết quả cho thấy hành vi tránh thuế có tác động nghịch chiều đến chi phí sử dụng nợ thông qua tín hiệu rủi ro. Kết quả nghiên cứu có ý nghĩa đối với doanh nghiệp, cơ quan quản lý trong công tác kiểm soát thuế thu nhập doanh nghiệp và góp phần làm minh bạch thông tin báo cáo tài chính.

5328 Dòng tiền, chất lượng lợi nhuận và nắm giữ tiền mặt : Trường hợp tại Việt Nam / Đặng Ngọc Hùng // Kinh tế & phát triển .- 2021 .- Số 284 .- Tr. 53-64 .- 658

Nghiên cứu này xem xét ảnh hưởng của dòng tiền, chất lượng lợi nhuận ảnh hưởng đến việc nắm giữ tiền mặt của doanh nghiệp. Sử dụng các phương pháp hồi quy cho dữ liệu bảng bao gồm hồi quy OLS, FEM, REM, và OLS-Robust với tập dữ liệu nghiên cứu bao gồm các công ty phi tài chính niêm yết trên thị trường chứng khoán Viêt Nam giai đoạn 2008- 2019, kết quả thực nghiệm cho thấy dòng tiền có quan hệ thuận chiều với mức độ nắm giữ tiền mặt, đồng thời đã chỉ ra sự bất cân xứng trong độ nhạy dòng tiền của việc nắm giữ tiền mặt. Mặt khác nghiên cứu cho thấy sự ảnh hưởng ngược chiều của chất lượng lợi nhuận đến nắm giữ tiền mặt. Trong bối cảnh Việt Nam, so với công ty không bị hạn chế tài chính, các công ty bị hạn chế tài chính có độ nhạy đối với việc nắm giữ tiền mặt nhỏ hơn, đồng thời chất lượng lợi nhuận phản ánh sự bất cân xứng thông tin rõ nét hơn đối với doanh nghiệp có hạn chế tài chính.

5329 Ứng dụng Entropy trong bài toán định giá tài sản tài chính – Trường hợp thị trường chứng khoán Việt Nam / Mai Cẩm Tú, Nguyễn Hồng Nhật // Kinh tế & phát triển .- 2021 .- Số 284 .- Tr. 63-70 .- 332.1

Entropy gần đây được quan tâm nghiên cứu và áp dụng trong nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau ở nhiều nước trên thế giới. Trong lý thuyết thông tin, entropy là thước đo thông tin của một biến số. Trong lĩnh vực tài chính, entropy được sử dụng làm thước đo thông tin về mức độ phân tán của một chuỗi thời gian, do đó có thể ứng dụng entropy trong định giá tài sản nói chung và định giá cổ phiếu nói riêng. Bài viết này ứng dụng entropy để đo lường rủi ro của các cổ phiếu niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) trong khoảng thời gian từ ngày 1 tháng 1 năm 2013 đến ngày 26 tháng 4 năm 2019. Bài viết cũng so sánh và đi đến kết luận rằng khả năng giải thích cho tỷ suất sinh lời của cổ phiếu của entropy tốt hơn hẳn so với hệ số beta truyền thống.

5330 Tác động của chính sách bảo vệ và phát triển đất trồng lúa đến năng suất lao động nông nghiệp ở Việt Nam / Phùng Minh Đức // Kinh tế & phát triển .- 2021 .- Số 284 .- Tr. 71-77 .- 658

Nhằm giảm thiểu các rủi ro đến từ sự thiếu hụt lương thực, Chính phủ đã triển khai các chính sách để bảo vệ quỹ đất dành cho trồng lúa. Những chính sách này có tác động rất lớn đến đời sống nông nghiệp và nông thôn Việt Nam, bởi đã hạn chế quyền lựa chọn sản xuất của người nông dân. Bài viết nhằm đánh giá tác động của Chính sách bảo vệ và phát triển đất trồng lúa (RLPDP) đến năng suất lao động nông nghiệp Việt Nam, trong đó sử dụng số liệu điều tra tiếp cận nguồn lực hộ gia đình (VARHS), giai đoạn 2012-2016. Kết quả nghiên cứu cho thấy, việc chỉ định đất trồng lúa có tác động tiêu cực đến năng suất lao động của các hộ nông nghiệp. Do vậy, cần tính đến điều này trong thực thi Chính sách, cụ thể là cần tính toán lại diện tích đất nông nghiệp cần thiết để đảm bảo mục tiêu về an ninh lương thực, song cũng tạo cơ hội để người nông dân được chủ động trong sản xuất, qua đó cải thiện hiệu quả sản xuất nông nghiệp.