CSDL Bài trích Báo - Tạp chí
Khoa Quản Trị Kinh Doanh
1331 Ứng dụng mô hình ARDL trong phân tích tác động của cơ cấu xuất khẩu tới tăng trưởng kinh tế Việt Nam / Nguyễn Thị Thu Thủy // Kinh tế & phát triển .- 2023 .- Số 310 .- Tr. 23-33 .- 658
Ứng dụng mô hình tự hồi quy phân phối trễ (ARDL), nghiên cứu đánh giá tác động của cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tới tăng trường kinh tế Việt Nam giai đoạn 2010-2019. Các thước đo cơ cấu hàng hóa xuất khẩu khác nhau đã được sử dụng để có góc nhìn đầy đủ, đa chiều về tác động này. Kết quả nghiên cứu chỉ ra: (i) Trong ngắn hạn, đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu nói chung và đa dạng hóa theo chiều rộng có tác động ngược chiều, trong khi chưa thấy bằng chứng rõ nét về tác động của sự thay đổi thành phần xuất khẩu và đa dạng hóa theo chiều sâu tới tăng trưởng kinh tế. (ii) Trong dài hạn, đa dạng hóa, cả theo chiều rộng và theo chiều sâu cùng thể hiện rõ vai trò động lực với tăng trưởng kinh tế. Nghiên cứu cũng tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của xuất khẩu hàng hóa nói chung với tăng trưởng kinh tế, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu. Từ kết quả trên, một số luận giải và hàm ý đã được đề xuất.
1332 Ảnh hưởng của khác biệt vùng miền tới phong cách lãnh đạo trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam / Lê Tiến Đạt // Kinh tế & phát triển .- 2023 .- Số 310 .- Tr. 34-43 .- 658
Khác biệt vùng miền được cho là ảnh hưởng mạnh mẽ tới phong cách của nhà lãnh đạo, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam khi khác biệt văn hóa miền Bắc và miền Nam là rõ nét. Bằng tiếp cận định tính, sử dụng kỹ thuật phỏng vấn bán cấu trúc, nghiên cứu điều tra chuyên sâu nhận thức, phản ánh sự lý giải cụ thể của 54 nhà quản trị doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam về ảnh hưởng của khác biệt vùng miền tới tính cách và phong cách lãnh đạo. Với tính cách quyết liệt, ưa thích quyền lực, lãnh đạo miền Bắc thường sử dụng phong cách chuyên quyền còn phong cách dân chủ tự do thường thấy ở lãnh đạo miền Nam. Bài viết đưa ra một số hàm ý cho các lãnh đạo để tận dụng thế mạnh, khắc phục điểm yếu trong phong cách đặc trưng của vùng miền mình. Nghiên cứu đóng góp về mặt lý thuyết khi làm rõ ảnh hưởng của các yếu tố khác biệt vùng miền tới phong cách lãnh đạo trong bối cảnh văn hóa của một quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam.
1333 Ứng dụng phương pháp học máy trong dự báo rủi ro phá sản của các doanh nghiệp Việt Nam / Trương Thị Thùy Dương, Lê Hải Trung // Kinh tế & phát triển .- 2023 .- Số 310 .- Tr. 44-53 .- 658
Dự báo rủi ro phá sản của doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra các cảnh báo sớm cho các doanh nghiệp. Các nghiên cứu đánh giá rủi ro phá sản sử dụng các phương pháp thống kê truyền thống và mô hình học máy. Trong nghiên cứu này sử dụng hồi quy logistic và các mô hình học máy để dự báo rủi ro phá sản của các doanh nghiệp Việt Nam. Nghiên cứu đi kiểm chứng tính hiệu quả của các mô hình học máy so với thống kê truyền thống và kiểm tra tính hiệu quả của các mô hình học máy. Kết quả cho thấy sự ưu thế của mô hình XGBoost và Random Forest so với logistic và các phương pháp khác.
1334 Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến quản lý của chính quyền tỉnh Thanh Hóa đối với du lịch biển / Nguyễn Hoài Nam, Trần Thị Hoàng Mai, Phạm Nguyên Hồng, Trịnh Thị Liên // Kinh tế & phát triển .- 2023 .- Số 310 .- Tr. 54-63 .- 658
Nghiên cứu này được thực hiện nhằm khám phá các nhân tố ảnh hưởng đến quản lý của chính quyền tỉnh Thanh Hóa đối với du lịch biển. Dựa trên các nghiên cứu đã có, nhóm tác giả đề xuất thang đo sơ bộ ban đầu và sử dụng phương pháp phỏng vấn chuyên gia để điều chỉnh, hoàn thiện thành các thang đo chính thức. Dựa vào số liệu sơ cấp thu thập từ 256 cán bộ quản lý nhà nước về du lịch và cán bộ quản lý doanh nghiệp du lịch tại tỉnh Thanh Hóa, các tác giả tiến hành phân tích Cronbach’s Alpha, phân tích nhân tố khám phá (EFA) và hồi quy tuyến tính để khám phá ảnh hưởng của các nhân tố tới công tác quản lý của chính quyền cấp tỉnh đối với du lịch biển, bao gồm: môi trường kinh tế xã hội của địa phương; cơ chế chính sách của Nhà nước, mức độ cải cách thủ tục hành chính; đội ngũ cán bộ công chức quản lý du lịch biển; nhận thức người dân, doanh nghiệp; cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ quản lý.
1335 Các yếu tố quyết định nhu cầu tín dụng và khả năng tiếp cận các nguồn tín dụng chính thức của nông hộ: Nghiên cứu ở tỉnh Hòa Bình, Việt Nam / Nguyễn Thế Kiên // Kinh tế & phát triển .- 2023 .- Số 310 .- Tr. 64-72 .- 332.1
Bài viết nghiên cứu các yếu tố quyết định đến nhu cầu tín dụng và quyết định vay vốn từ các tổ chức tín dụng chính thức của nông hộ tại tỉnh Hòa Bình. Chúng tôi tập trung vào sáu đặc điểm nội tại chính mà các tổ chức tín dụng có thể kiểm soát bao gồm lãi suất, yêu cầu tín dụng, quy trình cho vay, chất lượng dịch vụ, thời gian ân hạn và khoảng cách. Sử dụng phương pháp PLS-SEM phân tích dữ liệu thu thập từ 389 nông hộ tại Hòa Bình, kết quả cho thấy lãi suất không làm thay đổi nhu cầu tín dụng nhưng có thể làm giảm ý định vay vốn của hộ nông nghiệp. Bên cạnh đó, các yêu cầu tín dụng thường không có tác động đến cả nhu cầu tín dụng và quyết định của hộ gia đình trong khi chất lượng dịch vụ và thời gian ân hạn luôn có tác động tích cực đến nhu cầu tín dụng và quyết định vay vốn. Kết quả nghiên cứu này giúp các tổ chức tín dụng chính thức có các chính sách để thu hút khách hàng nông hộ.
1336 Các nhân tố ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa / Đỗ Tuấn Vũ // Kinh tế & phát triển .- 2023 .- Số 310 .- Tr. 73-83 .- 658
Nghiên cứu này tập trung phân tích định lượng các nhân tố ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá thông qua kết quả phân tích mô hình cấu trúc tuyến tính (SEM). Kết quả nghiên cứu từ mẫu khảo sát 500 doanh nghiệp nhỏ và vừa cho thấy bảy nhân tố được xác định đều có ảnh hưởng tích cực đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó thứ tự tác động của các nhân tố đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp theo mức độ giảm dần đó là: Nguồn nhân lực; Nguồn lực tài chính; Trình độ công nghệ cảu doanh nghiệp; Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của địa phương; Chiến lượng marketing; Khả năng chuyển đổi số; Khả năng quản lý và điều hành của lãnh đạo doanh nghiệp. Từ kết quả nghiên cứu, tác giả đã đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao kết quả kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong thời gian tới.
1337 Các nhân tố ảnh hưởng đến ý định lựa chọn nhà hàng của thực khách: nghiên cứu ứng dụng mô hình PLS-SEM / Nguyễn Thị Loan, Mai Anh Vũ, Hà Đình Hùng // Kinh tế & phát triển .- 2023 .- Số 310 .- Tr. 84-93 .- 658
Nghiên cứu tập trung phân tích nhân tố ảnh hưởng đến ý định lựa chọn nhà hàng của thực khách trên cơ sở kế thừa và phát triển các thang đo nghiên cứu phù hợp với tình hình và bối cảnh hiện tại. Mẫu nghiên cứu gồm 183 phản hồi của thực khách đã trải nghiệm nhà hàng trên địa bàn thành phố Thanh Hoá đủ điều kiện đưa vào phân tích bằng phần mềm thống kê Smart PLS 4.0 và mô hình cấu trúc PLS - SEM. Kết quả cho thấy, chất lượng đồ ăn, chất lượng dịch vụ, giá cả và vị trí nhà hàng là các nhân tố có mức độ tác động mạnh nhất đến ý định lựa chọn nhà hàng. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, tác giả khuyến nghị một số giải pháp giúp các nhà hàng có định hướng phù hợp đáp ứng tốt hơn nhu cầu khách hàng và phát triển hoạt động kinh doanh trong thời gian tới.
1338 Nghiên cứu ảnh hưởng của các yếu tố kích hoạt EWOM đến ý định sử dụng ngân hàng số: sử dụng kết hợp mô hình ELM và TPB / Trương Đình Chiến, Nguyễn Việt Hà // Kinh tế & phát triển .- 2023 .- Số 310 .- Tr. 94-104 .- 658
Bài báo này đã khảo sát 694 khách hàng cá nhân của các ngân hàng thương mại để nghiên cứu tác động của các yếu tố kích hoạt eWOM tích cực đến ý định sử dụng ngân hàng số bằng cách sử dụng kết hợp giữa mô hình TPB và mô hình truyền thông thuyết phục (ELM). Các yếu tố Sự tin cậy của nguồn tin, Chất lượng thông tin, Mức độ thân thiết giữa người gửi và người nhận eWOM và Xu hướng liên kết cá nhân giữa người nhận và người gửi là các yếu tố eWOM có ảnh hưởng tích cực đến các yếu tố của mô hình TPB và qua đó tới ý định sử dụng Ngân hàng số của các khách hàng cá nhân của ngân hàng thương mại. Từ kết quả nghiên cứu, bài báo đưa ra một số khuyến nghị về phương thức sử dụng eWOM tích cực để thúc đẩy người tiêu dùng sử dụng ngân hàng số cho các ngân hàng thương mại.
1339 Ảnh hưởng của eWOM trên các phương tiện truyền thông xã hội đến ý định mua sắm – Nghiên cứu tại Thành phố Hồ Chí Minh / Nông Thị Như Mai // Jabes - Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh châu Á .- 2023 .- Số 2 .- Tr. 4-21 .- 658
Nghiên cứu sử dụng kết hợp phương pháp định tính và định lượng. Số liệu được đánh giá độ tin cậy bằng Cronbach’s Alpha, phân tích khám phá EFA, phân tích nhân tố khẳng định CFA và mô hình cấu trúc tuyến tính SEM. Kết quả nghiên cứu khẳng định Độ tin cậy và Chất lượng thông tin tác động tích cực một cách trực tiếp lên cả Tính hữu ích và Sự chấp nhận eWOM. Một khi người tiêu dùng đã chấp nhận eWOM thì họ sẽ có ý định mua sắm nhiều hơn. Đồng thời, nghiên cứu cũng đề xuất một số hàm ý nhằm gia tăng ý định mua sắm dựa trên kết quả nghiên cứu.
1340 Tác động gián tiếp của quản trị nguồn nhân lực định hướng trách nhiệm xã hội đến kết quả làm việc của người lao động thông qua cam kết tổ chức / Nguyễn Minh Cảnh, Phạm Thái Bảo, Ong Quốc Cường, Châu Thị Lệ Duyên, Nguyễn Thị Phương Dung, Lê Thị Tú Quyên // Jabes - Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh châu Á .- 2023 .- Số 2 .- Tr. 39-56 .- 658
Kết quả phân tích cho thấy, SRHRM có tác động tích cực đến cả ba thành phần của cam kết tổ chức là: Cam kết tình cảm, cam kết chuẩn mực, và cam kết liên tục. Thêm vào đó, cam kết tình cảm và cam kết chuẩn mực có tác động tích cực đến kết quả làm việc của người lao động. Tuy nhiên, cam kết liên tục không tác động đến kết quả làm việc của người lao động. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy SRHRM có tác động gián tiếp đến kết quả làm việc của người lao động thông qua cam kết tình cảm và cam kết chuẩn mực. Từ những phát hiện trên, các hàm ý quản trị được thảo luận làm cơ sở để các doanh nghiệp nâng cao kết quả làm việc của người lao động.