CSDL Bài trích Báo - Tạp chí

Khoa Quản Trị Kinh Doanh

  • Duyệt theo:
1311 Chuyển đổi báo cáo tài chính sang chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS): Vấn đề cần hoàn thiện về thông tin báo cáo bộ phận trên báo cáo tài chính / Nguyễn Thị Hồng Vân, Đỗ Đình Duy // Nghiên cứu Tài chính Kế toán .- 2023 .- Số 238 .- Tr. 63-66 .- 658.15

Trong kế hoạch chuyển đổi VAS sang IFRS, để nâng cao chất lượng thông tin công bố trên BCTC và đáp ứng nhu cầu và lợi ích của các đối tượng sử dụng thông tin thì việc công bố thông tin BCBP trên BCTC cần thực hiện trước hết từ nguyên tắc hoàn thiện trên giác độ hoàn thiện chuẩn mực và chế độ kế toán doanh nghiệp hiện hành cũng như tuân thủ quy định mang tính thông lệ quốc tế, hội tụ theo chuẩn mực kế toán về BCBP.

1312 Kế toán doanh thu bảo hiểm nhân thọ dưới góc độ kế toán tài chính / Nguyễn Thị Thảo Anh // .- 2023 .- Số 238 .- Tr. 72-74 .- 657

Những năm gần đây, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng trở nên sâu rộng, các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á nói riêng và Châu Á nói chung ngày càng trở lên có vị thế trong nền kinh tế thế giới. Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ đã đem lại nhiều cơ hội mới cho phát triển kinh tế ở các quốc gia đang và kém phát triển. Để đóng góp cho thành công của các quốc gia trong đó có Việt Nam thì ngành Bảo hiểm đặc biệt là Bảo hiểm Nhân thọ (BHNT) đóng vai trò rất quan trọng. Trong đó, Kế toán doanh thu BHNT có những điểm khác biệt đối với kế toán doanh thu các lĩnh vực khác, giúp xác định chính xác doanh thu thực tế phát sinh, làm cơ sở để xác định được kết quả của hoạt động kinh doanh. Xác định chính xác kết quả kinh doanh góp phần cung cấp thông tin, giúp doanh nghiệp nghiên cứu, xây dựng mức giá phí BHNT phù hợp cho từng sản phẩm. Bài viết này, tác giả phân tích về kế toán doanh thu bảo hiểm nhân thọ dưới góc độ của kế toán tài chính.

1313 Khả năng phục hồi của doanh nghiệp Việt Nam trong đại dịch Covid-19: Vai trò của ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông / Phạm Dương Phương Thảo, Phan Nguyễn Phúc Ngân // .- 2023 .- Số 238 .- Tr. 75-80 .- 658

Sự xuất hiện và lây lan nhanh chóng của dịch bệnh COVID-19 đã tác động lớn đến tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác nhau: nhiều công ty bị tổn thất nghiêm trọng bởi chính sách giãn cách xã hội, trong khi đó một số công ty thuộc các ngành công nghệ cao thậm chí đã phát triển vượt trội trong thời gian này. Công nghệ thông tin - truyền thông (ICT) trở thành mối quan tâm của các nhà nghiên cứu chính sách cũng như nhà quản lý doanh nghiệp với vai trò hỗ trợ doanh nghiệp chống đỡ trước các cú sốc mang tính hệ thống. Bài viết này đánh giá tác động của mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông lên khả năng phục hồi của 317 công ty trên thị trường chứng khoán Việt Nam, trong giai đoạn diễn ra đại dịch COVID-19.

1314 Xuất khẩu nông sản vào thị trường Trung đông - Kinh nghiệm quốc tế và gợi ý chính sách cho Việt Nam / Trịnh Thị Lan Anh // .- 2023 .- Số 238 .- Tr. 81-84 .- 330

Xuất khẩu hàng nông sản là một trong những thế mạnh của Việt Nam, đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu hằng năm. Thị trường Trung Đông với 16 quốc gia và vùng lãnh thổ là thị trường tiêu thụ lớn với nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ, tính thanh khoản của thị trường cao. Đây cũng là thị trường nhập khẩu một lượng lớn hàng nông sản do điều kiện tự nhiên không thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Trong khi đó, Việt Nam có lợi thế trong việc sản xuất các sản phẩm nông nghiệp do được thiên nhiên ưu ái. Sự thâm nhập của nông sản Việt Nam vào thị trường Trung Đông khá muộn nên kim ngạch xuất khẩu còn ở quy mô nhỏ.

1315 Kinh nghiệm giải quyết bất bình đẳng thu nhập ở một số quốc gia trên thế giới và bài học cho Việt Nam / Khuất Thị Bình // .- 2023 .- Số 238 .- Tr. 85-88 .- 330

Bất bình đẳng thu nhập (BBĐTN) là chênh lệch thu nhập và tài sản giữa các cá nhân, nhóm trong xã hội hay giữa các quốc gia. Bất bình đẳng thu nhập xuất hiện tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Gần đây, bất bình đẳng thu nhập gia tăng nhanh chóng tại nhiều nước đang phát triển ở Đông Á đang đe dọa nền tảng tăng trưởng kinh tế trong khu vực. Bài viết sẽ nêu khái quát về vấn đề bất bình đẳng thu nhập và kinh nghiệm giải quyết bất bình đẳng thu nhập ở một số quốc gia trên thế giới và bài học cho Việt Nam.

1316 Giải pháp thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư Việt Nam - Pháp trong bối cảnh mới / Nguyễn Thị Thanh Tuyền // .- 2023 .- Số 238 .- Tr. 89-91 .- 327

Pháp là một trong những đối tác hàng đầu của châu Âu tại Việt Nam và là thị trường xuất khẩu tiềm năng trong tương lai. Đặc biệt, sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực, quan hệ thương mại đầu tư giữa Việt Nam và Pháp được kỳ vọng sẽ bước sang trang mới đầy hứa hẹn để khai thác hết tiềm năng của hai bên. Bài viết đánh giá thực trạng thương mại, đầu tư của Pháp và Việt Nam trong thời gian quan, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư Việt Nam - Pháp trong bối cảnh mới.

1317 Kinh nghiệm giải quyết hài hòa lợi ích trong phát triển năng lượng tái tạo của một số nước trên thế giới và bài học cho Việt Nam / Hoàng Thị Thinh // .- 2023 .- Số 238 .- Tr. 92-96 .- 363

Phát triển năng lượng tái tạo là một xu thế tất yếu không chỉ góp phần quan trọng nhằm ứng phó ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu toàn cầu mà còn mang lại những lợi ích to lớn, thúc đẩy sự phát triển bền vững của các quốc gia. Để giải quyết bài toán phát triển năng lượng tái tạo trong tổng thể an ninh năng lượng thì việc áp dụng các chính sách kinh tế liên quan đến thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, đảm bảo cân đối với phát triển kinh tế bền vững, hài hòa quan hệ lợi ích, phù hợp với điều kiện cụ thể của mỗi quốc gia chính là đòn bẩy quyết định đến thành công của việc phát triển ngành năng lượng tái tạo. Do đó, việc nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế trong việc giải quyết hài hòa lợi ích giữa các chủ thể trong phát triển năng lượng tái tạo có ý nghĩa cấp thiết đối với Việt Nam. Trong phạm vi bài viết, tác giả lựa chọn nghiên cứu kinh nghiệm giải quyết vấn đề lợi ích trong phát triển năng lượng tái tạo của Trung Quốc, Hàn Quốc và Cộng hòa Liên bang Đức, trên cơ sở đó rút ra những bài học nhằm thúc đẩy sự phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam.

1318 Vai trò của công nghệ đối với thương mại quốc tế hàng công nghệ cao của Việt Nam / Huỳnh Thị Diệu Linh // Khoa học Công nghệ Việt Nam - B .- 2023 .- Số 65(4) .- Tr. 11-16. .- 330

Tập trung vào khía cạnh xuất khẩu của TMQT, nghiên cứu này phân tích tác động của thành tựu công nghệ quốc gia đến xuất khẩu sản phẩm CNC của nước ta. Mô hình trọng lực mở rộng (Augmented gravity model - AGM) được áp dụng đối với Việt Nam và 49 đối tác thương mại lớn trong giai đoạn 2009-2018. Kết quả ước lượng cho thấy, giá trị xuất khẩu hàng CNC của Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn từ thành tựu công nghệ của nước ta, trong khi không chịu tác động từ thành tựu công nghệ của nước đối tác.

1319 Ngành dệt may Việt Nam vượt qua đại dịch COVID-19: Thực trạng và giải pháp / Nguyễn Quốc Phóng // Khoa học Công nghệ Việt Nam - B .- 2023 .- Số 65(4) .- Tr. 17-20 .- 650

Dịch bệnh COVID-19 đã có những tác động rất lớn đến ngành dệt may Việt Nam, nhưng ngành đã từng bước vượt qua khó khăn và đạt được hiệu quả sản xuất kinh doanh tốt. Tuy nhiên, bối cảnh quốc tế hiện đang có nhiều thay đổi với cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine đã làm ảnh hưởng rất lớn tới kinh tế toàn cầu, nhiều doanh nghiệp dệt may (DNDM) rơi vào hoàn cảnh khó khăn do số lượng đơn hàng sụt giảm. Để làm rõ hơn về vấn đề này, bài báo phân tích bối cảnh, thực trạng, cơ hội và thách thức của ngành dệt may Việt Nam trong những năm qua, từ đó gợi ý một số kiến nghị, giải pháp nhằm thúc đẩy ngành này phát triển trong thời gian tới.

1320 Nghiên cứu đánh giá thực trạng phát triển sản phẩm OCOP của TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh / Vũ Quỳnh Nam, Vũ Quyết Tiến, Nguyễn Thị Thu Hồng // Khoa học Công nghệ Việt Nam - B .- 2023 .- Số 65(4) .- Tr. 21-25 .- 650

Bài báo phân tích, đánh giá thực trạng phát triển sản phẩm OCOP của thành phố (TP) Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016-2020 và các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng tham gia Chương trình OCOP của các chủ thể sản xuất kinh doanh sản phẩm chủ lực của TP này thông qua mô hình hồi quy Binary logistic. Từ đó đề xuất các giải pháp nhằm phát triển bền vững sản phẩm OCOP trên địa bàn TP Móng Cái nói riêng, tỉnh Quảng Ninh nói chung.