CSDL Bài trích Báo - Tạp chí

Khoa Kinh tế - Tài chính

  • Duyệt theo:
691 Kinh nghiệm quốc tế về phát triển logistics xanh hướng tới chuỗi cung ứng bền vững / Nguyễn Thị Lan Hương // .- 2023 .- Số 814 .- Tr. 96-98 .- 658.7

Do logistics có mối liên quan mật thiết với khí thải thương mại, các yếu tố xã hội và ô nhiễm nên Logistics xanh được xem là mắt xích quan trọng trong việc “xanh hóa” chuỗi cung ứng nhằm thúc đẩy phát triển bền vững. Chính phủ Việt Nam đã có những cam kết với cộng đồng quốc tế trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, giảm phát thải. Trong những năm tới, “Logistics xanh” được xem là xu thế và là yêu cầu tất yếu. Hiện nay, Chính phủ Việt Nam quan tâm đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng theo hướng xanh hoá, phát triển ngành logistics thân thiện với môi trường. Do vậy, việc học hỏi và kết nối kinh nghiệm với các quốc gia có lĩnh vực logistics phát triển, là một bước quan trọng để chúng ta có thể xây dựng những chuỗi cung ứng hiệu quả và bền vững.

692 Giải pháp nâng cao giá trị cà phê xuất khẩu của Việt Nam / Trương Đăng Nghiệp // .- 2023 .- Số 814 .- Tr. 99-101 .- 658

Việt Nam là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ hai trên thế giới. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lượng cà phê xuất khẩu cả năm 2023 ước đạt khoảng 1,72 triệu tấn, giá trị đạt khoảng 4,2 tỷ USD. Tuy nhiên, thực trạng chung ngành Cà phê Việt Nam đang phải đối mặt là các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu tham gia vào những khâu mang lại giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi giá trị. Trong bối cảnh Việt Nam đẩy mạnh các hợp tác kinh tế quốc tế và mở rộng các thị trường xuất khẩu, việc cung ứng các sản phẩm có giá trị gia tăng thấp sẽ làm giảm hiệu quả và lợi thế cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu nói chung và của mặt hàng cà phê nói riêng. Trên cơ sở đánh giá thực trạng chuỗi cung ứng cà phê của Việt Nam, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao giá trị cho cà phê xuất khẩu của nước ta trong thời gian tới.

693 Nhân tố tác động đến quyết định lựa chọn dịch vụ ngân hàng trực tuyến tại Việt Nam / Đoàn Thị Cẩm Thư, Lê Hoàng Anh, Phạm Thị Tình Thương // .- 2023 .- Số 814 .- Tr. 102-105 .- 332.12

Bài viết nghiên cứu tác động của các nhân tố đến quyết định lựa chọn sử dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến của khách hàng cá nhân tại Việt Nam. Trên cơ sở khảo sát 417 khách hàng đã và đang sử dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến ở TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng và TP. Hà Nội, kết quả nghiên cứu cho thấy, Nỗ lực kỳ vọng (EE), Hiệu quả kỳ vọng (PE), Hình ảnh thương hiệu (BIm) và Ảnh hưởng xã hội (SI) có ảnh hưởng tích cực đến ý định hành vi lựa chọn dịch vụ ngân hàng trực tuyến, trong khi đó Rủi ro cảm nhận (PR) và Chi phí cảm nhận (PC) có tác động tiêu cực. Đồng thời, trải nghiệm khách hàng cũng có ảnh hưởng tích cực đến ý định hành vi và quyết định lựa chọn dịch vụ ngân hàng trực tuyến... Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả đưa ra một số hàm ý chính sách cho các ngân hàng thương mại Việt Nam trong việc thúc đẩy dịch vụ ngân hàng trực tuyến của khách hàng cá nhân.

694 Nhân tố ảnh hưởng đến việc áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Tp. Hà Nội / Nguyễn Thanh Trang // .- 2023 .- Só 814 .- Tr. 106-110 .- 332

Với lợi thế hoạt động tại trung tâm văn hóa, kinh tế chính trị quốc gia, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Hà Nội đã lựa chọn việc áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) là một trong những giải pháp quan trọng để thu hút vốn, khách hàng, gia nhập thị trường tài chính quốc tế. Quá trình áp dụng này chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Bài viết sử dụng phương pháp định lượng thông qua phân tích dữ liệu trên SPSS20 để đánh giá về các nhân tố ảnh hưởng tới việc áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế tại các trên địa bàn TP. Hà Nội, từ đó giúp các doanh nghiệp này xác định các giải pháp áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế phù hợp.

695 Phát triển kinh tế - xã hội vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030 / Phạm Thị Thùy Dương // .- 2023 .- Số 814 .- Tr. 111-113 .- 330

Phát triển vùng là chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Đảng ta trong quá trình phát triển đất nước nhằm khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của các vùng và địa phương trong cả nước để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, trong thời gian qua, phát triển vùng rất được Đảng và Nhà nước quan tâm và có nhiều chính sách đầu tư. Là cửa ngõ phía Tây và phía Bắc của quốc gia, vùng Trung du và miền núi Bắc bộ là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Bài viết trao đổi về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030 theo Nghị quyết số 11-NQ/TW, từ đó đưa ra một số giải pháp trọng tâm để tổ chức thực hiện trong thời gian tới.

696 Liên kết vùng Đông Nam Bộ trong phát triển kinh tế / Phạm Thị Kim Ngân // .- 2023 .- Số 814 .- Tr. 121-123 .- 330

Vùng Đông Nam Bộ được xác định là đầu tàu kinh tế lớn nhất cả nước, trung tâm du lịch, phát triển các loại hình dịch vụ công nghiệp, công nghệ thông tin, viễn thông, logistics… với hạt nhân là đô thị đặc biệt TP. Hồ Chí Minh. Đây là vùng kinh tế năng động, sáng tạo, đi đầu trong đổi mới và phát triển, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế của cả nước. Bài viết phân tích thực trạng liên kết vùng Đông Nam Bộ và đưa ra một số giải pháp đẩy mạnh phát triển liên kết Vùng trong phát triển kinh tế.

697 Chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế tại Tp. Hồ Chí Minh tầm nhìn đến năm 2030 / Ngô Công Bình // .- 2023 .- Số 814 .- Tr. 124-128 .- 330

Bài viết đánh giá thực trạng chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế tại TP. Hồ Chí Minh trong giai đoạn từ năm 2000-2022. Kết quả nghiên cứu cho thấy, 22 năm chuyển dịch, cơ cấu kinh tế của TP. Hồ Chí Minh đã có chuyển biến từ nông nghiệp sang công nghiệp, có ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại và có nhiều khởi sắc. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GDRP) theo giá hiện hành trong giai đoạn 2010-2022 đã tăng lên gấp 3,57 lần. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế tại TP. Hồ Chí Minh vẫn còn nhiều bất cập. Do đó, bài viết đề xuất một số khuyến nghị chính sách nhằm thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế của TP. Hồ Chí Minh theo hướng tăng trưởng và phát triển bền vững.

698 Nâng cao hiệu quả thu hút vốn đầu tư vào các khu công nghiệp ở tỉnh Đồng Nai / Đào Văn Dũng // .- 2023 .- Sô 814 .- Tr. 129-131 .- 332.6

Đồng Nai là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về xây dựng, phát triển các khu công nghiệp với 32 khu công nghiệp được xây dựng và đi vào hoạt động. Nhờ vận dụng linh hoạt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực tế của địa phương, các khu công nghiệp của tỉnh Đồng Nai đã đạt được những kết quả quan trọng trong việc thu hút vốn, trở thành điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, góp phần rất quan trọng vào thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng ngày càng tiến bộ, tăng nguồn thu cho ngân sách, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần cho Nhân dân.

699 Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp nhà nước và yêu cầu đặt ra với tập đoàn điện lực quốc gia Lào / Outhone Singdala // .- 2023 .- Số 814 .- Tr. 132-136 .- 658

Thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhà nước nói riêng là một trong các yêu cầu bức thiết đặt ra đặc biệt tại các nước đang trong quá trình hội nhập, mở cửa đất nước như Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Để giúp hệ thống hóa cũng như cung cấp thêm các cơ sở luận nhằm làm rõ hơn những vấn đề này, bài viết đã đưa ra quan niệm và phân tích vai trò của việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhà nước trong bối cảnh hiện nay. Bài viết đã đưa ra những so sánh sự khác biệt giữa thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp nhà nước và thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp tư nhân, đồng thời phân tích những yêu cầu đối với Tập đoàn Điện lực Quốc gia Lào trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp nhà nước.

700 Tạo lập nguồn vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước từ trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh hiện nay / Nguyễn Cảnh Hiệp, Đỗ Thị Thanh Hoa // .- 2023 .- Số 24 - Tháng 12 .- Tr. 3-9 .- 332

Bài viết này nghiên cứu hoạt động tạo lập nguồn vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước từ trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh ở Việt Nam. Thông qua phân tích tình hình phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) trong giai đoạn 2010 - 2022, bài viết chỉ ra những khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến việc huy động vốn từ loại trái phiếu này. Trên cơ sở đó, tác giả gợi ý một số vấn đề cần được xử lí để tạo điều kiện thuận lợi cho việc huy động vốn từ trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, đáp ứng yêu cầu mở rộng quy mô tín dụng đầu tư của Nhà nước trong những năm tới.