CSDL Bài trích Báo - Tạp chí

Khoa Kinh tế - Tài chính

  • Duyệt theo:
291 Tác động của thuế tối thiểu toàn cầu đến thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam / Lê Quốc Hội, Nguyễn Xuân Hưng, Phùng Tú Uyên, Trần Thu Hương, Trịnh Thị Huyền Minh, Hoàng Thị Phương Anh // .- 2024 .- Số 322 - Tháng 04 .- Tr. 2-11 .- 332

Nghiên cứu này đánh giá tác động của Thuế tối thiểu toàn cầu (GMT) tới thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam. Nhóm tác giả dựa trên khung phân tích của UNCTAD (2022) và các phương pháp thống kê mô tả, so sánh để phân tích và đánh giá về mức độ tác động của GMT đến thu hút FDI. Kết quả nghiên cứu cho thấy, việc áp dụng GMT sẽ ảnh hưởng đến chiến lược thuế, chuyển dịch lợi nhuận, địa điểm đầu tư FDI và quy mô đầu tư FDI theo các mức độ và chiều hướng khác nhau. Từ những phân tích này, nhóm tác giả đề xuất một số khuyến nghị cho chính phủ Việt Nam nhằm hoàn thiện những chính sách liên quan đến GMT.

292 Tác động của đô thị hóa đến bất bình đẳng thu nhập: Nghiên cứu với dữ liệu cấp tỉnh ở Việt Nam / Nguyễn Thị Hoài Thu // .- 2024 .- Số 322 - Tháng 04 .- tR. 12-20 .- 330

Nghiên cứu này đánh giá tác động của đô thị hóa đến bất bình đẳng thu nhập ở Việt Nam với dữ liệu của 63 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương trong giai đoạn 2015-2019. Kết quả từ mô hình tác động cố định cho thấy tồn tại mối quan hệ chữ U ngược giữa mức độ đô thị hóa và bất bình đẳng thu nhập ở Việt Nam. Đô thị hóa trong giai đoạn đầu làm gia tăng bất bình đẳng thu nhập, tuy nhiên sau khi vượt qua một ngưỡng nhất định, đô thị hóa làm giảm bất bình đẳng. Nghiên cứu này cho thấy bất bình đẳng ở các tỉnh của Việt Nam có xu hướng giảm xuống khi tỷ lệ đô thị hóa vượt qua ngưỡng khoảng 35,18%. Tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so với kết quả ở một số nghiên cứu trên thế giới, cho thấy quá trình đô thị hóa ở Việt Nam có tính bao trùm khá cao. Tuy nhiên với tỷ lệ đô thị hóa đang tương đối thấp ở nhiều tỉnh thành, đẩy mạnh đô thị hóa trong thời gian tới có nguy cơ làm gia tăng bất bình đẳng ở Việt Nam. Kết quả có được hàm ý rằng các chính sách hướng tới giảm bất bình đẳng thu nhập cần phù hợp với giai đoạn đô thị hóa ở các địa phương.

293 Tác động của phân cấp tài khóa đến bất bình đẳng thu nhập ở Việt Nam / Phạm Thu Hằng // .- 2024 .- Số 322 - Tháng 04 .- Tr. 21-28 .- 332

Kết quả nghiên cứu này tương đối thống nhất với các kết quả nghiên cứu quốc tế cho nhóm quốc gia phát triển trong giai đoạn những năm 1970 đến trước những năm 2000, đồng thời khá khác biệt so với nghiên cứu trong bối cảnh một số quốc gia đang phát triển trên thế giới. Để thúc đẩy quá trình thực hiện mục tiêu giảm bất bình đẳng thu nhập, chính quyền địa phương cần thực hiện tăng cường phân cấp tài khóa qua tăng nguồn thu; tăng cường minh bạch và kiểm soát tham nhũng tại địa phương; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cần đi kèm với chính sách phân phối thu nhập hợp lý, và kiểm soát gia tăng dân số nhằm thúc đẩy quá trình giảm bất bình đẳng thu nhập ở Việt Nam một cách hiệu quả.

294 Các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển xuất khẩu bền vững hàng dệt may của Việt Nam sang EU / Trần Thùy Linh, Đỗ Đức Bình // .- 2024 .- Số 322 - Tháng 04 .- Tr. 29-39 .- 332

Nghiên cứu phát triển hệ thống tiêu chí đánh giá, phân tích nhân tố ảnh hưởng đến phát triển xuất khẩu bền vững hàng dệt may của Việt Nam sang Liên minh châu Âu (EU) bằng mô hình cấu trúc bình phương nhỏ nhất từng phần (PLS-SEM). Đây là một chủ đề ý nghĩa trong bối cảnh phát triển bền vững đang trở thành xu hướng tất yếu, cũng là cam kết đề ra trong Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) thế hệ mới với thị trường tiềm năng như EU. Phân tích thực nghiệm 286 doanh nghiệp xuất khẩu dệt may Việt Nam tháng 7-8 năm 2023 cho thấy nhân tố quy định về phát triển xuất khẩu bền vững hàng dệt may, khả năng đổi mới công nghệ, vốn nhân lực có tác động thuận chiều. Mức độ cạnh tranh cũng có ảnh hưởng tích cực - trái ngược với nhiều kết quả nghiên cứu trước tại các nước đang phát triển. Nghiên cứu đã khám phá thêm rằng truyền thông đại chúng, cam kết về phát triển bền vững trong FTA thế hệ mới và văn hóa nhân văn có tác động tích cực trong khi yêu cầu về quy tắc xuất xứ lại là một cản trở đáng kể.

295 Đo lường các yếu tố ảnh hưởng đến rủi ro tín dụng tại ngân hàng thương mại Việt Nam / Phan Thị Linh // .- 2024 .- Số 322 - Tháng 04 .- tR. 60-69 .- 332.1

Nghiên cứu này dựa trên bộ dữ liệu của 25 ngân hàng thương mại Việt Nam và dữ liệu kinh tế vĩ mô Việt Nam giai đoạn 2017 – 2023, mô hình tuyến tính tổng quát được sử dụng để xác định các yếu tố đặc trưng của ngân hàng thương mại và yếu tố kinh tế vĩ mô tác động đến rủi ro tín dụng ngân hàng thương mại, cụ thể là nợ xấu (NPL). Kết quả nghiên cứu cho thấy Dự phòng rủi ro tín dụng (LLP), Đòn bẩy hoạt động của ngân hàng (Leverage) có tác động dương đến NPL, NPL không phụ thuộc vào quy mô ngân hàng (Size), hiệu quả hoạt động (Inefficiency), tăng trưởng tín dụng (Creditgrowth) và thu nhập ngoài lãi (Nonintincome), tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) có quan hệ ngược chiều đến NPL, tăng trưởng kinh tế (GDPgrowth) có tác động tích cực đến việc giảm tỷ lệ nợ xấu. Trong khi đó Tỷ giá (Ex), Lãi suất cho vay (IntM) và Lạm phát (Inf) gây áp lực nợ xấu cho ngân hàng.

296 Các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển bền vững trên địa bàn huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu / Bùi Hồng Đăng, Nguyễn Duy Tâm, Phạm Xuân Hưởng, Trần Thị Ngọc Lan, Lê Lương Hiếu, Phạm Thị Ngọc Lý, Nguyễn Thị Tỉnh, Nguyễn Xuân Quyết // .- 2024 .- Số 322 - Tháng 04 .- Tr. 80-91 .- 330

Nghiên cứu sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính thông qua khảo sát các chuyên gia (các lãnh đạo Huyện ủy, chủ tịch, quản lý các phòng ban trực thuộc Ủy ban nhân dân, đại diện tổ chức đoàn thể: Mật trận tổ quốc, hội cựu chiến binh, hội phụ nữ, đoàn thanh niên và đại diện cộng đồng huyện Châu Đức, Bà Rịa Vũng Tàu để xác định các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển bền vững trên địa bàn huyện Châu Đức. Phân tích kết quả khảo sát 109 chuyên gia cho thấy yếu tố phát triển kinh tế (β1=0,354), phát triển xã hội (β2=0,262) và phát triển môi trường (β3=0,229) có ảnh hưởng nhất, tiếp theo là cơ chế chính sách (β4=0,136) và yếu tố điều kiện tự nhiên (β5=0,037) đều có ảnh hưởng đến phát triển bền vững trên địa bàn huyện Châu Đức. Bài viết nghiên cứu thực trạng và các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển bền vững, qua đó đề xuất giải pháp phát triển phát triển bền vững trên địa bàn huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đến năm 2030.

297 Các nhân tố ảnh hưởng đến ý định mua thực phẩm hữu cơ của người tiêu dùng trẻ Hà Nội / Nguyễn Thị Mai Anh, Nguyễn Thị Phương Dung // .- 2024 .- Số 322 - Tháng 04 .- Tr. 92-100 .- 658

Nghiên cứu sử dụng lý thuyết hành vi hoạch định và khảo sát với tổng mẫu là 265, sử dụng phương pháp chọn mẫu thuận tiện. Các công cụ phân tích được dùng bao gồm: thống kê mô tả, kiểm định độ tin cậy thang đo Cronbach’s Alpha, phân tích hồi qui đơn và đa biến cùng kiểm định ANOVA. Kết quả chỉ ra rằng chất lượng cảm nhận về thực phẩm hữu cơ, quan tâm về giá, và hiệu quả cảm nhận đều có tác động đáng kể đến ý định mua thực phẩm hữu cơ. Trên cơ sở các kết quả phát hiện, nhóm tác giả đã đề xuất một số khuyến nghị đối với doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, người tiêu dùng và nhà nghiên cứu để thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng thực phẩm hữu cơ.

298 Thực hiện tăng trưởng xanh - Tiền đề cho phát triển bền vững của Việt Nam / Nguyễn Xuân Khoát // .- 2024 .- Số 07 - Tháng 4 .- Tr. 3 – 9 .- 332

Phát triển bền vững đang là mục tiêu quan trọng của Việt Nam trong những năm qua và trong tương lai, theo đó tăng trưởng xanh với sự kết hợp chặt chẽ, hợp lí, hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường chính là tiền đề để thực hiện mục tiêu này. Đây là cách tiếp cận mới trong tăng trưởng kinh tế, hướng tới sự phát triển hài hòa kinh tế - xã hội với phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên. Việt Nam đang từng bước chuyển dịch mô hình theo hướng tăng trưởng xanh với những kết quả tích cực ban đầu, nhưng cũng đặt ra một số thách thức trong thực tiễn, từ đó cần có những giải pháp phù hợp theo hướng tăng trưởng xanh trong thời gian tới.

299 Hạch toán phái sinh ngoại hối tại các tổ chức tín dụng và công tác quản lý ngoại hối của cơ quan nhà nước / Lê Anh Dũng // .- 2024 .- Số 07 - Tháng 4 .- Tr. 10 – 12 .- 332

Tổng quan về các giao dịch phái sinh; Phương thức hạch toán kế toán hiện hành đối với phái sinh tiền tệ tại các TCTD; Một số đề xuất, kiến nghị.

300 Phát triển ngân hàng xanh nhằm tạo động lực cho phát triển bền vững ở Việt Nam / Phan Chung Thủy // .- 2024 .- Số 07 - Tháng 4 .- Tr. 13 – 18 .- 332

Ngân hàng xanh đóng vai trò quan trọng trong phát triển bền vững. Mục tiêu của bài viết này nhằm nhận diện những khó khăn và thách thức mà ngân hàng xanh ở Việt Nam đang gặp phải thông qua phỏng vấn sâu với 30 lãnh đạo và nhân viên giàu kinh nghiệm tại các ngân hàng thương mại (NHTM). Kết quả nghiên cứu cho thấy, bên cạnh các vấn đề về chính sách, sự hỗ trợ và phối hợp với các cơ quan của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) thì hiệu quả của các dự án đầu tư xanh không cao và năng lực hạn chế trong thực hành ngân hàng xanh cũng là những khó khăn chính. Bên cạnh đó, những hậu quả kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra trở thành thách thức chính khiến cho ngân hàng xanh chưa thể phát triển như kì vọng. Bài viết đề xuất các giải pháp phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam nhằm tạo động lực cho phát triển bền vững.