CSDL Bài trích Báo - Tạp chí
Khoa Kinh tế - Tài chính
281 Thực thi ESG tại BIDV: Thuận lợi, khó khăn và một số đề xuất, kiến nghị / Lê Ngọc Lâm // .- 2024 .- Số đặc biệt .- Tr. 46-53 .- 332
Thời gian gần đây, phát triển bền vững và thực hành ESG (E - Environmental: Môi trường; S - Social: Xã hội và G - Governance: Quản trị) đang là một trong những trọng tâm, trụ cột ưu tiên hàng đầu của Chiến lược phát triển trung, dài hạn của các quốc gia, ngân hàng trên thế giới. Tại Việt Nam, Chính phủ và các bộ, ngành nói chung và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) nói riêng ngày càng quan tâm, triển khai nhiều hoạt động để thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng xanh, bền vững. Trong xu hướng chung đó, nhu cầu phát triển xanh, bền vững và thực hành ESG đã được các doanh nghiệp tại Việt Nam, đặc biệt là các tổ chức tín dụng (TCTD) nhận thức và từng bước triển khai. Tuy nhiên, việc phát triển các hoạt động liên quan tại các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam còn nhiều khó khăn. Bài viết này nghiên cứu:(i) Bối cảnh, xu hướng phát triển ngân hàng xanh, bền vững và thực hành ESG trên thế giới và tại Việt Nam; (ii) Thực trạng thực thi ESG tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), nhận định những thuận lợi - khó khăn; từ đó (iii) Gợi mở một số đề xuất, kiến nghị đối với các cấp có thẩm quyền.
282 Cơ sở hạ tầng phục vụ cho tài chính xanh, tín dụng xanh trong các ngân hàng tại Việt Nam / Khúc Thế Anh // .- 2024 .- Số đặc biệt .- Tr. 54-60 .- 332
Bài viết đánh giá thực trạng cơ sở hạ tầng tài chính tín dụng xanh tại Việt Nam. Đối với hệ thống pháp luật, các quy định, định nghĩa cụ thể về các danh mục, ngành, lĩnh vực xanh vẫn chưa được thống nhất để có thể áp dụng chung trên cả nước. Lĩnh vực xanh hiện vẫn thiếu khung khổ pháp lí, các tiêu chí đánh giá công cụ đo lường tác động đến môi trường để hỗ trợ xây dựng chính sách, sản phẩm phát triển tín dụng xanh; các phương án kinh doanh cũng cần phải đáp ứng được các điều kiện khắt khe về bảo vệ môi trường, các thủ tục vay vốn phức tạp. Đối với nguồn lực và hệ thống giám sát thực thi, nhận thức và năng lực của các tổ chức tín dụng trong phát triển các sản phẩm tín dụng xanh mới ở bước đầu và còn hạn chế. Mô hình giám sát tài chính phân tán theo chuyên ngành nhưng thiếu sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan trong mạng lưới an toàn tài chính, chưa có đầu mối mang tính tích hợp để giám sát toàn diện hoạt động của thị trường tài chính, theo dõi sự luân chuyển của dòng tiền, của các hoạt động đầu tư chéo, sở hữu chéo và các giao dịch ngân hàng ngầm.
283 Công bố trách nhiệm xã hội và hiệu quả tài chính: Tiếp cận theo hồi quy Bayes / Phan Thị Minh Huệ // .- 2024 .- Số 217 - Tháng 4 .- Tr. 5-22 .- 332.1
Bài viết phân tích ảnh hưởng của công bố trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) lên hiệu quả tài chính (HQTC) của doanh nghiệp ở Việt Nam. Sử dụng dữ liệu của 83 doanh nghiệp phi tài chính niêm yết ở Việt Nam, bài viết đóng góp một kênh mới để liên kết mối quan hệ này thông qua hồi quy Bayes. Kết quả cho thấy các doanh nghiệp có điểm công bố CSR cao hơn (thông qua điểm ESG) thì có HQTC lớn hơn. Cụ thể, điểm công bố CSR có tác động cùng chiều với xác suất cao đến ROA và tác động cùng chiều nhưng xác suất thấp hơn đối với ROE và Tobin’s Q. Bên cạnh đó, kết quả cho thấy ba thành phần của môi trường (E) – xã hội (S) – quản trị (G) cũng có ảnh hưởng cùng chiều lên ROA và ROE. Tuy nhiên, với chỉ tiêu Tobin’s Q, tác động riêng lẻ từng thành phần là không đồng bộ. Nhìn chung, các phát hiện của bài viết này cho thấy công bố CSR có tác động cùng chiều đến HQTC doanh nghiệp.
284 Tác động của hợp đồng phái sinh và sức mạnh thị trường đến hiệu quả hoạt động ngân hàng tại Việt Nam / Phạm Nhật Tuấn, Lê Vũ Hội, Dương Đăng Khoa // .- 2024 .- Số 217 - Tháng 4 .- Tr. 23-37 .- 332.12
Nghiên cứu này xem xét tác động của hợp đồng phái sinh (HĐPS) và sức mạnh thị trường (SMTT) đến hiệu quả hoạt động (HQHĐ) ngân hàng tại Việt Nam. Nhóm tác giả phân tích mẫu 25 ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam giai đoạn 2010–2020 bằng mô hình tuyến tính tổng quát. Bài viết phát hiện ra rằng HQHĐ được cải thiện bằng cách sử dụng HĐPS. Hơn nữa, SMTT có tác động tích cực đến HQHĐ khi nó ở dưới mức tối ưu. Ngoài ra, kết quả xác nhận mối quan hệ phi tuyến tính giữa SMTT và HQHĐ ngân hàng. Những kết quả chính này vẫn vững chắc sau khi sử dụng phương pháp bình phương tối thiểu và nhất quán với lý thuyết Đa dạng và SMTT. Cuối cùng, những phát hiện này có giá trị thực tiễn đối với các nhà quản lý ngân hàng và cơ quan hoạch định chính sách trong việc điều hành hệ thống ngân hàng Việt Nam.
285 Tác động của chuyển đổi số và chất lượng thể chế đến thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam / Võ Thị Kim Thư, Nguyễn Thị Diễm Quỳnh, Nguyễn Lương Ngân // .- 2024 .- Số 217 - Tháng 4 .- Tr. 38-50 .- 332.64
Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là kênh tài chính quan trọng để tăng cường các nguồn lực đầu vào và tạo ra xung lực phát triển mới cho nền kinh tế. Mục đích của nghiên cứu là phác hoạ một bức tranh tổng thể về tác động của chuyển đổi số (CĐS) và chất lượng thể chế (CLTC) đến thu hút FDI vào Việt Nam ở các vùng phân vị khác nhau. Kết quả thu được từ phương pháp tự hồi quy phân phối trễ (ARDL) cho thấy CĐS có tác động cùng chiều với FDI, trong khi tác động của CLTC là không rõ ràng. Đồng thời, kết quả từ phương pháp ước lượng phân vị dựa trên phân vị (QoQ) cũng chỉ ra CĐS có tác động mạnh đến FDI ở các vùng phân vị trên 50%, trong khi tác động của CLTC là yếu và trung bình trong toàn vùng phân vị. Từ đó, nghiên cứu đề xuất một số hàm ý chính sách để nâng cao hiệu quả thu hút FDI cho Việt Nam trong thời gian tới.
286 Các yếu tố ảnh hưởng đến việc nắm giữ tiền mặt của các doanh nghiệp phi tài chính tại Việt Nam / Vũ Thị Anh Thư, Nguyễn Hoàng Việt // .- 2024 .- Số 217 - Tháng 4 .- Tr. 51-65 .- 332.4
Nghiên cứu này phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến việc nắm giữ tiền (NGT) mặt của các doanh nghiệp phi tài chính tại Việt Nam. Hai biến kinh tế vĩ mô là bất định chính sách kinh tế toàn cầu và Việt Nam được sử dụng trong phân tích tác động bổ sung dựa trên mẫu nghiên cứu 337 doanh nghiệp phi tài chính đã phát hành chứng khoán ra công chúng được giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE), Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và thị trường công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCOM – Unlisted public company market) trong giai đoạn 2015–2021. Kết quả nghiên cứu cho thấy tính bất định chính sách kinh tế Việt Nam, tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản, chính sách cổ tức và lưu chuyển tiền ròng tác động cùng chiều đến tỷ lệ NGT; trong khi đó, ảnh hưởng từ đòn bẩy tài chính, vốn lưu động phi tiền và quy mô doanh nghiệp góp phần làm suy giảm dự trữ tiền của doanh nghiệp.
287 Tác động của vốn đầu tư, lao động, hạ tầng đến tăng trưởng kinh tế Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam / Lâm Mỹ Hạnh, Đoàn Thanh Hà // .- 2024 .- Số 217 - Tháng 4 .- Tr. 66-78 .- 332.64
Bài viết nghiên cứu về tác động của vốn đầu tư, lao động và hạ tầng đến tăng trưởng kinh tế Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (KTTĐPN) giai đoạn 2005–2021. Kết quả từ mô hình bình phương bé nhất (OLS), mô hình tác động cố định (FEM), mô hình tác động ngẫu nhiên (REM) và mô hình bình phương tối thiểu tổng quát (GLS) đều cho thấy vốn Nhà nước (VNN) và vốn tư nhân (VTN) có tác động cùng chiều đến tổng sản phẩm nội địa (GDP) trong khi đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có tác động yếu đến tăng trưởng kinh tế. Điều này liên quan đến khả năng hấp thụ lan tỏa công nghệ và kinh nghiệm quản lý vốn FDI của từng khu vực. Ngược lại, biến lao động có tác động yếu đến GDP. Các biến đại diện cho hạ tầng như biến công nghệ thông tin (CNTT) được tính từ số lượng thuê bao điện thoại và internet không có tác động mạnh đến tăng trưởng kinh tế, trong khi biến vận chuyển hàng hóa (VCHH) gồm khối lượng VCHH đường bộ và đường thủy có tác động đến GDP.
288 Kiểm định lại mô hình tăng trưởng Mankiw–Romer–Weil (MRW): Bằng chứng và hàm ý chính sách / Nguyễn Thị Ngọc Nga // .- 2024 .- Số 217 - Tháng 4 .- Tr.79-87 .- 330
Nghiên cứu này nhằm kiểm định lại mô hình tăng trưởng Mankiw–Romer–Weil (MRW) bằng việc sử dụng hồi quy phi tuyến Bayes với tiên nghiệm có thông tin đặc thù cho hệ số co giãn của vốn. Nghiên cứu cho thấy, cách tiếp cận Bayes ưu việt hơn so với cách tiếp cận tần suất khi linh hoạt kết hợp thông tin tiên nghiệm về các tham số với thông tin từ dữ liệu, nhờ đó, mang lại kết quả tin cậy hơn. Kết quả ước lượng lại mô hình tăng trưởng MRW cho thấy giá trị của hệ số co giãn của vốn thực thể (VTT) tương đồng qua ba nhóm nước nhưng nhỏ hơn so với kết quả của MRW, trong khi giá trị hệ số co giãn của vốn nhân lực (VNL) tương đồng trong hai mẫu nhóm nước không xuất khẩu dầu và nhóm nước trung gian, đồng thời cũng lớn hơn kết quả của MRW. Ngoài ra, hệ số co giãn của VNL cao hơn hệ số của VTT ở cả ba nhóm nước.
289 Ảnh hưởng của vốn trí tuệ đến cấu trúc tài chính: Cách tiếp cận theo phương pháp Bayes / Bùi Đan Thanh, Nguyễn Thị Thu Thảo // .- 2024 .- Số 217 - Tháng 4 .- Tr. 88-99 .- 332.1
Nghiên cứu phân tích ảnh hưởng của vốn trí tuệ (VTT) đến cấu trúc tài chính (CTTC) của các ngân hàng thương mại cổ phần (NHTM cổ phần) Việt Nam trong thời gian 2012–2022 thông qua dữ liệu từ báo cáo tài chính kiểm toán hàng năm của 26 ngân hàng và phương pháp hồi quy tuyến tính Bayes. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các biến có tác động ngược chiều đến CTTC là hiệu quả sử dụng vốn cấu trúc, hiệu quả sử dụng vốn con người, hiệu quả sử dụng vốn quan hệ, khả năng sinh lời và cấu trúc tài sản. Ngược lại, quy mô ngân hàng có tác động cùng chiều đến biến phụ thuộc. Nghiên cứu này không chỉ mang lại hiểu biết sâu sắc về VTT mà còn giúp ngân hàng đưa ra quyết định và chiến lược kinh doanh phù hợp để phát triển bền vững.
290 Các nhân tố tác động đến quyết định tiếp tục sử dụng ứng dụng đặt đồ ăn trực tuyến: Bằng chứng thực nghiệm trên ứng dụng ShopeeFood tại Thành phố Hồ Chí Minh / Trần Dục Thức, Tấn Lộc Louis, Trương Thị Minh Thu // .- 2024 .- Số 217 - Tháng 4 .- Tr. 100-118 .- 658
Nghiên cứu xác định và đo lường mức độ tác động của các nhân tố đến việc quyết định tiếp tục sử dụng ứng dụng (SDUD) đặt đồ ăn trực tuyến. Phương pháp phân tích SEM trên Smart PLS được sử dụng trong bài nghiên cứu để đánh giá dữ liệu phản hồi từ 199 người dùng ứng dụng ShopeeFood tại Thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM). Kết quả phân tích cho thấy các nhân tố: giá cả, ảnh hưởng xã hội, sự tiện lợi và tin cậy đóng vai trò then chốt trong việc tác động đến quyết định tiếp tục sử dụng dịch vụ ShopeeFood tại địa bàn TP. HCM. Dựa trên kết quả phân tích, nghiên cứu đề xuất một số hàm ý quản trị nhằm tác động đến việc tiếp tục sử dụng dịch vụ đặt đồ ăn trực tuyến và điều này giúp củng cố năng lực cạnh tranh của ShopeeFood trong ngành.