CSDL Bài trích Báo - Tạp chí
Khoa Luật
391 Bảo vệ nhóm yếu thế trong pháp luật Việt Nam thời Nguyễn và những bài học kinh nghiệm / Trần Hồng Nhung, Nguyễn Thị Thủy // .- 2023 .- Tháng 07 .- Tr. 13-24 .- 341.48
Pháp luật Việt Nam thời Nguyễn (1802 - 1884) đã dành sự quan tâm nhất định đến những đối tượng được coi là yếu thế trong xã hội như phụ nữ, người già, trẻ em, người tàn tật, người dân tộc thiểu số, tù nhân, nô tì, những người có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa. Không chỉ ghi nhận những quyền lợi nhất định và dành những ưu đãi về vật chất và tinh thần cho nhóm người yếu thế, Nhà nước thời Nguyễn còn thực hiện các biện pháp để đảm bảo quyền được thực thi trên thực tế. Bài viết nghiên cứu về những quy định và biện pháp bảo vệ quyền của nhóm yếu thế ở Việt Nam thời Nguyễn nhằm chỉ ra một số giá trị đương đại, những bài học kinh nghiệm để xây dựng và hoàn thiện hơn pháp luật về bảo vệ nhóm yếu thế cũng như tăng cường hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến, thực hiện pháp luật nhằm bảo vệ quyền con người trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay.
392 Một số chính sách tác động của Nhà Nước vào nền kinh tế / Đậu Công Hiệp // .- 2023 .- Tháng 07 .- Tr. 25-36 .- 343.59707
Bài viết trình bày một số chính sách nhà nước có thể sử dụng để tác động vào nền kinh tế, bao gồm: chính sách sở hữu, các chính sách tăng trưởng và chính sách phân phối giá trị của nền kinh tế. Các chính sách đó được đặt vào bối cảnh là các mô hình kinh tế, bao gồm chủ nghĩa tự do, kinh tế chỉ huy, chủ nghĩa tư bản phúc lợi và mô hình kiến tạo phát triển đề phần nào phân biệt được các đặc trưng của từng mô hình cũng như đưa ra ý nghĩa phương pháp luận trong việc tìm hiểu và đánh giá thực tiễn ở Việt Nam.
393 Hoàn thiện quy định về đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án nhằm bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội / Vũ Gia Lâm // .- 2023 .- Tháng 07 .- Tr. 25-36 .- 340
Bài viết nghiên cứu nội dung nguyên tắc suy đoán vô tội và việc thực hiện nguyên tắc này trong quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án để đánh giá mức độ hoàn thiện, sự thống nhất, đồng bộ giữa nội dung nguyên tắc suy đoán vô tội với các quy định này; từ đó đề xuất việc hoàn thiện quy định về đình chỉ điều tra trong giai đoạn điều tra, đình chỉ vụ án trong giai đoạn truy tố và giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự của Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành nhằm bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội.
394 Tư pháp phục hồi trong pháp luật hình sự Đức và kinh nghiệp cho Việt Nam / Nguyễn Văn Tròn // .- 2023 .- Tháng 07 .- Tr. 37-48 .- 340.9
Tư pháp phục hồi tiếp cận “công lí” tập trung vào việc sửa chữa những tổn hại do hành vi phạm tội và xung đột gây ra, thấu hiểu và đáp ứng yêu cầu của các bên liên quan (trong phạm vi có thể) với sự tham gia của cộng đồng, nhằm mục đích khôi phục, chữa lành những tổn thương và mang lại hạnh phúc cho những người bị ảnh hưởng, trả lại sự an toàn cho cộng đồng. Tư pháp phục hồi ưu tiên áp dụng hoà giải, lấy nạn nhân và người phạm tội làm trung tâm trong quá trình giải quyết xung đột. Mô hình này áp dụng khá phổ biến ở các quốc gia châu Âu, đặc biệt là ở Đức. Bài viết phân tích tư pháp phục hồi trong pháp luật hình sự của Đức mà trọng tâm là hoà giải giữa nạn nhân và người phạm tội. Trên cơ sở đó, bài viết chỉ ra những ưu điểm của mô hình tư pháp phục hồi thông qua hòa giải, bồi thường ở Đức; thẩm quyền áp dụng, đối tượng, phạm vi, tiêu chí, điều kiện áp dụng tư pháp phục hồi đồng thời phân tích sự phù hợp và đề xuất bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
395 Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của pháp nhân do hành vi của người của pháp nhân, người làm công, học nghề gây ra / Nguyễn Thị Phương Châm, Đào Trọng Khôi // .- 2023 .- Tháng 07 .- Tr. 49-64 .- 340
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của pháp nhân do người của pháp nhân, người làm công, học nghề gây ra là chế định quan trọng trong pháp luật tại nhiều quốc gia trên thế giới, buộc pháp nhân phải chịu trách nhiệm cho thiệt hại do hành vi của nhân viên, người làm công, học nghề xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể khác. Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 2015 đã tích hợp chế định này tại Điều 597 và Điều 600, tuy nhiên bản chất pháp lí, điều kiện cấu thành của loại trách nhiệm này vẫn chưa được xác định rõ, gây ra những khó khăn và bất cập trong thực tiễn xét xử. Từ góc nhìn lí thuyết và pháp luật so sánh với hai nền tài phán là Anh quốc và Đức, bài viết phân tích lí luận chung về trách nhiệm này dựa trên hai cách tiếp cận về bản chất pháp lí là trách nhiệm tự thân và trách nhiệm thay thế. Từ đó, bài viết bình luận pháp luật thực định cùng thực tiễn áp dụng tại Việt Nam và đề xuất các phương hướng hoàn thiện khung pháp lí của chế định này trong tương lai.
396 Hỗ trợ tài chính cho việc phục hồi và phát triển ngành hàng không – Một số bình luận dưới góc độ pháp luật / Phạm Thị Giang Thu // .- 2023 .- Tháng 07 .- Tr. 65-81 .- 343.03
Đầu năm 2020 trở lại đây, dịch COVID-19 trên phạm vi toàn cầu làm đứt gãy nhiều lĩnh vực kinh tế trong và ngoài nước, trong đó ngành hàng không là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tuy nhiên, với vị thế của ngành hàng không, yêu cầu cấp thiết đặt ra là sớm khôi phục khả năng hoạt động của ngành, với những hỗ trợ cụ thể. Bài viết này đề cập khía cạnh hỗ trợ tài chính cho ngành hàng không và được xem xét ở góc độ pháp luật với các nội dung: Sự khác biệt của ngành hàng không trong nền kinh tế; nội dung của hỗ trợ tài chính; khó khăn nội tại trong lĩnh vực tài chính hỗ trợ cho ngành hàng không và vấn đề pháp luật điều chỉnh; một số gợi mở về mặt pháp luật nhằm hỗ trợ tài chính cho ngành hàng không.
397 Kỹ thuật văn bản trong Luật Doanh nghiệp năm 2020 – Thực trạng và kiến nghị / Trần Ngọc Dũng // .- 2023 .- Tháng 07 .- Tr. 82-92 .- 343.07 597
Bài viết trình bày những vấn đề lí luận về kĩ thuật lập pháp trong Luật Doanh nghiệp năm 2020, thực trạng kĩ thuật lập pháp trong Luật Doanh nghiệp năm 2020, chỉ ra những ưu điểm cũng như những hạn chế của kĩ thuật lập pháp. Trên cơ sở đó, bài viết đưa ra các kiến nghị nhằm hoàn thiện kĩ thuật lập pháp của Luật Doanh nghiệp năm 2020, gồm: việc dùng từ ngữ; kết cấu các chương, mục, điều, khoản; việc tham khảo đầy đủ và áp dụng phù hợp các kinh nghiệm lập pháp của các nước khác; điều chỉnh việc tổ chức, hoạt động một cách đồng đều, bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp, giữa các cơ quan có cùng chức năng trong các loại hình doanh nghiệp; những quy định cụ thể, rõ ràng, tránh mâu thuẫn, có tính khả thi trong thực tiễn.
398 Nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật về hỗ trợ thông tin, tư vấn và pháp lí đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa / Nguyễn Tiến Khoa // .- 2023 .- Tháng 07 .- Tr. 93-107 .- 343.07 597
Doanh nghiệp nhỏ và vừa được xem là lực lượng quan trọng phục vụ việc duy trì, phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội của mỗi quốc gia. Trong đó, việc triển khai thực hiện pháp luật về hỗ trợ thông tin, tư vấn và pháp lí cho doanh nghiệp nhỏ và vừa có ảnh hưởng rất lớn trong đảm bảo các doanh nghiệp này nhận thức và thực hiện đúng quy định của pháp luật, hạn chế tối đa các sai phạm, giảm thiểu gián đoạn trong sản xuất, kinh doanh cũng như thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển. Mặc dù trong thời gian qua công tác hỗ trợ thông tin, tư vấn và pháp lí cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam đã được quan tâm nhưng vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề bất cập và hạn chế. Bài viết phân tích một số vấn đề lí luận và thực tiễn liên quan đến việc thực hiện các quy định pháp luật có liên quan; đánh giá những ưu điểm đạt được và chỉ ra những tồn tại; đồng thời đưa ra các kiến nghị, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện công tác thông tin, tư vấn, hỗ trợ pháp lí cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam trong thời gian tới.
399 Đối xử đặc biệt và khác biệt dành cho các quốc gia đang phát triển trong cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO / Ngô Trọng Quân // .- 2023 .- Tháng 07 .- Tr. 108-121 .- 346.5970702632
Thuật ngữ đối xử đặc biệt và khác biệt được sử dụng xuyên suốt trong các hiệp định của WTO để mô tả một số điều khoản hướng đến việc dành ưu đãi hơn cho các nước thành viên đang phát triển và kém phát triển nhất trong hệ thống thương mại đa phương. Hiệp định về giải quyết tranh chấp của WTO thừa nhận sự hạn chế về trình độ phát triển của nhóm các quốc gia này, từ đó đặt ra các ưu đãi và trợ giúp pháp lí cho họ nhằm thúc đẩy sự tham gia tích cực và hiệu quả hơn vào cơ chế giải quyết tranh chấp. Bài viết hệ thống các quy định về đối xử đặc biệt và khác biệt trong Hiệp định về giải quyết tranh chấp của WTO; phân tích thực tiễn giải thích và áp dụng chúng; đưa ra một số khuyến nghị cho Việt Nam để tận dụng các ưu đãi này với tư cách một nước thành viên WTO đang phát triển.
400 Xử lý kỷ luật lao động: phương thức quản trị nhân sự của người sử dụng lao động / Bùi Thái Hà // .- 2023 .- Số 639 - Tháng 07 .- Tr. 45 - 47 .- 340
Trong số các công cụ quản lý lao động, các hình thức xử lý kỷ luật lao động là công cụ phản ánh rõ nét nhất bản chất vốn có trong quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động. Một mặt, xử lý kỷ luật lao động là công cụ giúp người sử dụng lao động giữ kỷ cương tại nơi làm việc và phục vụ tôn chỉ của doanh nghiệp. Mặt khác, biện pháp này đòi hỏi phải nằm trong khuôn khổ pháp luật cho phép, đảm bảo thiết lập những cơ chế bảo vệ người lao động trước khả năng lạm dụng ưu thế của người sử dụng lao động trong mối quan hệ này. Bộ Luật Lao động 2019 đã ghi nhận một số điều chỉnh so với quy định trước đây, tuy nhiên, qua thực tiễn áp dụng, các quy định hiện hành cho thấy một số thực tế còn tồn tại, yêu cầu được hoàn thiện trong tương lai.