CSDL Bài trích Báo - Tạp chí

Khoa Luật

  • Duyệt theo:
231 Thoả thuận di tặng tài sản để hỗ trợ nuôi dưỡng trọn đời trong Bộ luật Dân sự Trung Quốc và gợi mở cho Việt Nam / Nguyễn Phúc Thiện // .- 2023 .- Số 12 .- Tr. 30-42 .- 340

Bên cạnh hai hình thức thừa kế điển hình là thừa kế theo pháp luật và thừa kế theo di chúc, Điều 1158 Bộ luật Dân sự Trung Quốc năm 2020 có quy định về thỏa thuận di tặng tài sản để hỗ trợ nuôi dưỡng trọn đời (“thoả thuận di tặng phù dưỡng”) giữa thể nhân với cá nhân, tổ chức khác không phải là người thừa kế. Theo giới học giả Trung Quốc, đây là một phương thức chuyển di sản độc đáo, giúp giải quyết những khó khăn thiết thực trong cuộc sống và bù đắp những thiếu sót của hệ thống an sinh xã hội truyền thống tại Trung Quốc trong bối cảnh dân số bị già hoá. Bài viết phân tích các khía cạnh pháp lí của thoả thuận di tặng phù dưỡng theo quy định của Bộ luật Dân sự Trung Quốc năm 2020, trong đó làm rõ khái niệm thoả thuận di tặng phù dưỡng, chỉ ra sự khác biệt giữa thoả thuận di tặng phù dưỡng với di chúc, hợp đồng tặng cho,... cũng như điều kiện để các bên xác lập một thoả thuận di tặng phù dưỡng hợp pháp theo quy định của pháp luật dân sự Trung Quốc; đưa ra những gợi mở hoàn thiện pháp luật Việt Nam.

232 Thực thi quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường số và những vướng mắc trong xác định thẩm quyền của toà án Việt Nam / Nguyễn Thu Thủy // .- 2023 .- Số 12 .- Tr. 43-55 .- 340

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư đã có tác động đáng kể đến xã hội và nền kinh tế ở mọi cấp độ. Đồng thời, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kĩ thuật cũng khiến các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng trở nên phức tạp và không còn bị giới hạn trong phạm vi lãnh thổ của quốc gia, điển hình là các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường số. Để ngăn chặn và xử lí các hành vi này, các chủ thể quyền có thể khởi kiện tại toà án quốc gia. Tuy nhiên, các chủ thể này gặp không ít khó khăn trong việc áp dụng biện pháp này tại Việt Nam. Những khó khăn đó một phần là do những bất cập trong các quy định của pháp luật Việt Nam về thẩm quyền của toà án trong giải quyết các vụ việc liên quan đến hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường số. Bài viết chỉ ra những điểm còn tồn tại trong quy định của pháp luật Việt Nam về thẩm quyền xét xử dân sự quốc tế của toà án Việt Nam và đưa ra một số khuyến nghị nâng cao hiệu quả của việc áp dụng thủ tục tố tụng dân sự quốc tế nhằm thực thi quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường số.

233 Pháp luật Việt Nam về bảo hiểm hưu trí và một số kiến nghị sửa đổi / Trần Thị Thúy Lâm // .- 2023 .- Số 12 .- Tr. 56-65 .- 340

Sau gần 10 năm thực hiện, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đang trong quá trình sửa đổi. Một trong những nội dung trọng tâm được Nhà nước, xã hội và người lao động đặc biệt quan tâm trong sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội lần này, đó chính là bảo hiểm hưu trí bởi tình trạng người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần, rời khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội ngày càng có xu hướng gia tăng. Điều này không chỉ khiến người lao động tự tước đi quyền được tham gia, thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, đặc biệt là các chế độ dài hạn như hưu trí, tử tuất, dẫn đến rủi ro đối với chính người lao động trong tương lai mà còn tạo ra những thách thức lớn trong việc thực hiện mục tiêu mở rộng bảo hiểm xã hội và đảm bảo an sinh xã hội đất nước theo Nghị quyết số 28/NQ-TW. Bài viết phân tích quy định của pháp luật, thực tiễn và những vướng mắc chủ yếu trong thực hiện pháp luật về bảo hiểm hưu trí bắt buộc. Trên cơ sở đó đề xuất những kiến nghị sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, góp phần hoàn thiện Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) về bảo hiểm hưu trí.

234 Quyền làm việc của người khuyết tật trong bối cảnh phát triển kinh tế số ở Việt Nam / Trần Thị Thúy Lâm // .- 2023 .- Số 12 .- Tr. 66-76 .- 340

Là nhóm xã hội dễ bị tổn thương, người khuyết tật cần được nhà nước và các chủ thể khác bảo đảm quyền bình đẳng về cơ hội thụ hưở ng tất cả các quyền con người, trong đó có quyền làm việc. Sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế số hiện nay đã đặt ra yêu cầu bảo đảm quyền làm việc của người khuyết tật ở Việt Nam có những thay đổi mới . Nhiều nghề nghiệp mới xuất hiện và sự giảm dần của các nghề nghiệp cũng như cách tuyển dụng truyền thống có thể tạo ra nguy cơ không có việc làm đối với mọi người và càng trở thành vấn đề thách thức hơn đối với người khuyết tật. Nhận diện người khuyết tật là lực lượng lao động quan trọng và thành phần không thể thiếu của nền kinh tế, bài viết phân tích những thuận lợi, thách thức và đưa ra một số giải pháp trong việc bảo đảm quyền làm việc của người khuyết tật trong bối cảnh phát triển kinh tế số ở Việt Nam hiện nay.

235 Hạn chế của các phương pháp định giá đất tính bồi thường và giải pháp hoàn thiện / Phan Trung Hiền, Nguyễn Đắc Thắng // .- 2023 .- Số 12 .- Tr. 77-90 .- 340

Bài viết phân tích các vấn đề lí luận và thực tiễn về định giá đất khi nhà nước thu hồi đất trên cơ sở làm rõ tiêu chí cần đảm bảo của các phương pháp định giá đất tính bồi thường theo giá thị trường. Khác với định giá đất trong các lĩnh vực khác, định giá đất trong thu hồi đất là một chế định pháp lí đặc thù khi tồn tại đồng thời cả hai quan hệ hành chính và dân sự trong quá trình xác định giá trị thị trường của đất đai. Do đó, cần có một cơ chế pháp lí không những phải đảm bảo tính khách quan về mặt kĩ thuật định giá theo thị trường mà còn phải đảm bảo tính khả thi về mặt hành chính. Qua đó, bài viết đề xuất các giải pháp như sau: 1) Chỉ ra các phương pháp phù hợp trong xác định giá đất tính bồi thường khi nhà nước thu hồi đất; 2) Đề xuất giải pháp đảm bảo tính chính xác của cơ sở dữ liệu đất đai ở Việt Nam; 3) Đề xuất thay đổi cách tiếp cận của pháp luật hợp đồng Việt Nam về hiệu lực pháp lí của giao dịch “giả tạo” nhằm thúc đẩy sự minh bạch của thị trường đất đai nói chung và bất động sản nói riêng; 4) Đưa ra các gợi mở về mặt cơ chế nhằm bảo đảm tính khả thi khi xây dựng khung pháp lí về xác định giá tính bồi thường trên cơ sở của quan hệ hành chính - dân sự.

236 Đảm bảo việc tuân thủ nghĩa vụ của quốc gia thành viên theo các điều ước môi trường đa phương / Phạm Hồng Hạnh // .- 2023 .- Số 12 .- Tr. 91-107 .- 340

Nguyên tắc Pacta sunt servanda quy định cho các quốc gia nghĩa vụ phải tận tâm, thiện chí thực hiện các cam kết quốc tế. Nhằm tăng cường hiệu quả trong việc tuân thủ các điều ước quốc tế về môi trường, nhiều điều ước đã có những quy định về cơ chế đảm bảo việc tuân thủ nghĩa vụ của các quốc gia thành viên với mục đích để đánh giá quá trình tuân thủ các điều khoản trong điều ước cũng như cung cấp những hỗ trợ cần thiết cho các thành viên gặp khó khăn trong quá trình thực hiện. Nội dung bài viết nhằm làm rõ cơ chế đảm bảo tuân thủ được quy định phổ biến hiện nay trong các điều ước quốc tế môi trường đa phương cũng như xem xét hiệu quả trên thực tế của cơ chế này.

237 Các tiếp cận lí luận đối với việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân và hình phạt đối với pháp nhân trên thế giới / Đỗ Nhật Ánh // .- 2023 .- Số 12 .- Tr. 108-120 .- 340

Trách nhiệm hình sự và hình phạt luôn song hành với nhau, là mối quan hệ giữa cái chung và cái riêng trong thể hiện chính sách hình sự của nhà nước ta đối với tội phạm. Các học giả tiên phong trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu theo các hướng khác nhau để từ đó hình thành các thuyết có tính chất làm nền tảng, cơ sở cho việc xây dựng những điều luật về trách nhiệm hình sự, hình phạt áp dụng đối với pháp nhân trong văn bản pháp luật hình sự. Bài viết đề cập các học thuyết - cơ sở lí luận của việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân, hình phạt đối với pháp nhân trên thế giới.

238 Thực trạng và một số khuyến nghị hoàn thiện pháp luật về chia di sản thừa kế theo di chúc theo Bộ luật Dân sự năm 2015 / Nguyễn Nhật Huy // .- 2023 .- Số 11 .- Tr. 36-50 .- 340

Phân chia di sản thừa kế theo di chúc là hoạt động do chủ thể được trao quyền hoặc có thẩm quyền thực hiện theo các nguyên tắc nhất định nhằm chia di sản thừa kế theo di chúc theo những cách thức khác nhau, phù hợp với căn cứ phân chia mà luật quy định, đồng thời nhằm xác lập quyền sở hữu đối với di sản thừa kế sau khi đã thực hiện nghĩa vụ tài sản từ di sản, chấm dứt tình trạng nhiều người cùng có quyền được hưởng di sản từ một hoặc nhiều tài sản do người chết để lại. Bài viết phân tích thực trạng pháp luật về chia di sản thừa kế theo di chúc liên quan đến: 1) việc thanh toán nghĩa vụ về tài sản; 2) việc xác định kỉ phần của những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc và việc trích trừ để bù đủ kỉ phần của những người này; qua đó, bài viết đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật cho vấn đề này.

239 Xây dựng cơ chế bảo hộ riêng đối với dữ liệu lớn nằm ngoài quyền tác giả - Kinh nghiệm của EU / Lê Thị Minh // .- 2023 .- Số 11 .- Tr. 51-63 .- 340

Dữ liệu lớn (Big Data) có vai trò quan trọng trong thời đại kĩ thuật số và có khả năng được bảo hộ dưới góc độ quyền tác giả theo Công ước Bern, Hiệp định TRIPS và Hiệp ước WCT. Tuy nhiên, không phải dữ liệu lớn nào cũng có thể được bảo hộ vì hai lí do: 1) Bản quyền chỉ bảo hộ trật tự sắp xếp của toàn bộ cơ sở dữ liệu, không bảo hộ thông tin thuần tuý trong cơ sở dữ liệu và 2) Dữ liệu lớn gặp khó khăn trong việc đáp ứng tiêu chuẩn về tính sáng tạo, tính định hình. Điều này làm ảnh hưởng đến kết quả đầu tư của người sản xuất dữ liệu lớn. Bài viết phân tích Chỉ thị cơ sở dữ liệu của EU trong việc tạo ra quyền riêng (Sui Generis) đối với cơ sở dữ liệu, khắc phục những hạn chế của bản quyền trong việc bảo hộ cơ sở dữ liệu. Từ đó, bài viết gợi mở khuyến nghị hoàn thiện pháp luật Việt Nam trong việc xây dựng quyền riêng để bảo vệ dữ liệu lớn.

240 Pháp luật Việt Nam về bảo hiểm xã hội tự nguyện và một số kiến nghị hoàn thiện / Phạm Thị Thúy Nga // .- 2023 .- Số 11 .- Tr. 64-77 .- 340

Bảo hiểm xã hội tự nguyện là một bộ phận cấu thành hệ thống an sinh xã hội của quốc gia. Phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện góp phần hoàn thiện chính sách an sinh xã hội. Hiện nay pháp luật về bảo hiểm xã hội tự nguyện Việt Nam đã đạt được một số kết quả tích cực. Trong thời gian qua, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng nhanh nhưng độ bao phủ bảo hiểm xã hội tự nguyện vẫn thấp, số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng gia tăng. Trên cơ sở phân tích thực trạng quy định pháp luật và những vướng mắc chủ yếu trong thực tiễn thực hiện pháp luật bảo hiểm xã hội tự nguyện, bài viết đề xuất kiến nghị sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 góp phần hoàn thiện Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) về bảo hiểm xã hội tự nguyện.