CSDL Bài trích Báo - Tạp chí
Khoa Y
1771 Mức độ stress oxy hóa và đứt gãy DNA của tinh trùng ở nam giới vô sinh / Vũ Thị Huyền, Trần Đức Phấn, Nguyễn Thị Trang // .- 2019 .- Số 110(1) .- Tr. 25-31 .- 610
Stress oxy hóa là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây vô sinh nam. Stress oxy hóa gây tổn thương màng tinh trùng, do đó làm giảm khả năng di động và ảnh hưởng đến tính toàn vẹn của tinh trùng. Việc xác định mức độ stress oxy hóa là rất cần thiết trong chẩn đoán và điều trị vô sinh nam. Mục đích của nghiên cứu này là xác định mối liên quan giữa các mức độ stress oxy hóa trong tinh trùng với tỷ lệ đứt gẫy DNA tinh trùng. 50 bệnh nhân nam vô sinh (theo Tổ chức Y tế Thế giới 2010) được xét nghiệm tinh dịch đồ, đo mật độ đứt gãy tinh trùng bằng kit Halosperm và xác định mức độ stress oxy hóa bằng kit Oxisperm của hãng Halotech. Kết quả cho thấy mức độ stress oxy hóa có mối tương quan tỷ lệ nghịch với mật độ (r =- 0.484, p < 0,01 ), độ di động (-0.353, p < 0,01) và hình thái bình thường (-0.4, p < 0,01) của tinh trùng, đồng thời có mối tương quan thuận với tỷ lệ đứt gãy DNA của tinh trùng với hệ số tương quan r = 0,631 (p < 0,01). Nghiên cứu này đã chỉ ra mức độ stress oxy hóa cao có liên quan đến tỷ lệ đứt gãy DNA của tinh trùng. Do đó việc đánh giá mức độ stress oxy hóa trong tinh trùng và tỷ lệ đứt gẫy DNA tinh trùng góp phần quan trọng trong điều trị vô sinh nam và tăng tỷ lệ thành công của các phương pháp hỗ trợ sinh sản.
1772 Nghiên cứu xác định đột biến gen RB1 và phát hiện người lành mang gen bệnh u nguyên bào võng mạc / Trần Vân Anh [et al.] // .- 2018 .- Số 110(1) .- Tr. 39-46 .- 610
U nguyên bào võng mạc là bệnh di truyền lặn trên nhiễm sắc thể thường gây nên do đột biến gen retinoblastoma-1 (RB1), là gen đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành cấu trúc và duy trì chức năng nhận cảm ánh sáng giúp mắt có thể nhìn thấy được. Việc phát hiện đột biến gen RB1 trên bệnh nhân u nguyên bào võng mạc giúp chẩn đoán sớm bệnh để điều trị bệnh kịp thời ngăn ngừa biến chứng cho trẻ, là tiền đề để phát hiện người lành mang gen bệnh cho các thành viên gia đình và chẩn đoán trước sinh nhằm giảm tỷ lệ mắc bệnh. Nghiên cứu được thực hiện với mục tiêu: Xác định đột biến gen RB1 trên bệnh nhân u nguyên bào võng mạc. Phát hiện người lành mang gen bệnh trên các thành viên gia đình bệnh nhân. Lựa chọn 20 bệnh nhân và các thành viên gia đình (bố, mẹ, anh, chị, em) của bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh u nguyên bào võng mạc; Kỹ thuật giải trình tự gen được áp dụng để xác định đột biến trên gen RB1. Kết quả cho thấy đã phát hiện 8/20 (40%) bệnh nhân có đột biến gen RB1, trong đó phát hiện được 2 đột biến mới mất nucleotid trên exon 10 và exon 13; phát hiện 6/8 (75%) người bố và 5/8 (63%) người mẹ là người lành mang gen bệnh, 6/10 (60%) là người lành mang gen bệnh.
1773 Độc tính bán trường diễn và tác dụng điều trị trứng cá của chế phẩm KTD trên thực nghiệm / Đặng Thị Ngọc Mai, Phạm Thị Vân Anh, Trần Thanh Tùng // .- 2018 .- Số 110(1) .- Tr. 47-56 .- 610
Đánh giá độc tính bán trường diễn và tác dụng điều trị trứng cá của chế phẩm KTD (thành phần chính là nghệ - một dược liệu y học cổ truyền đã được chứng minh có tác dụng trong một số bệnh lý da liễu) trên thực nghiệm theo hướng dẫn của OECD và mô hình gây trứng cá bằng acid oleic.
1774 Hiệu quả giảm đau của điện châm kết hợp đắp Paraffin trên thoái hóa khớp gối / Đinh Đăng Tuệ, Đỗ Thị Thanh Hiền // .- 2018 .- Số 110(1) .- Tr. 73-78 .- 610
Paraffin là phương pháp nhiệt ẩm được ứng dụng rộng rãi trong điều trị các chứng đau xương khớp, đặc biệt là đau khớp gối do có tác dụng giữ nhiệt lâu, làm mềm da, cơ và các tổ chức gân, dây chằng, màng hoạt dịch. Việc kết hợp đắp paraffin và phương pháp điện châm trong điều trị thoái hóa khớp gối là một hướng điều trị cần thiết. Đánh giá hiệu quả điều trị thoái hóa khớp gối bằng điện châm kết hợp đắp paraffin. Thử nghiệm lâm sàng, so sánh trước và sau điều trị, có đối chứng. Sau 15 ngày điều trị, mức độ đau nặng theo thang điểm VAS giảm từ 67% xuống 0%; chức năng sinh hoạt hàng ngày ở mức trầm trọng theo thang điểm Léquene giảm từ 42% xuống 12%; tầm vận động trung bình khớp gối tăng từ 97 ± 13,43 độ lên 119,33 ± 12,23 độ với p < 0,05. Các chỉ số này ở nhóm nghiên cứu tốt hơn nhóm chứng với p < 0,05. Kết hợp đắp paraffin với điện châm có hiệu quả tốt trong điều trị thoái hóa khớp gối.
1775 Sức khỏe tâm thần và một số yếu tố liên quan ở thành viên gia đình nam tiêm chích ma túy nhiễm HIV / Đào Thị Diệu Thúy [et al.] // .- 2018 .- Số 110(1) .- Tr. 86-95 .- 610
Nhu cầu cải thiện gánh nặng chăm sóc, nâng cao chất lượng mạng lưới hỗ trợ thành viên gia đình để giảm thiểu nguy cơ stress, lo âu, trầm cảm ở thành viên gia đình.
1776 Kiến thức, thái độ về chính sách y tế của sinh viên năm cuối hệ bác sĩ trường Đại học Y Hà Nội và một số yếu tố liên quan / Phùng Lâm Tới [et al.] // .- 2018 .- Số 110(1) .- Tr. 105-113 .- 615
Mô tả kiến thức, thái độ về chính sách Bảo hiểm y tế và chính sách hành nghề khám chữa bệnh của sinh viên Y khoa năm cuối hệ bác sĩ trường Đại học Y Hà Nội và tìm hiểu một số yếu tố liên quan.
1777 Thực trạng tiêm chủng mở rộng đủ liều, đúng lịch cho trẻ dưới 1 tuổi và một số yếu tố liên quan bà mẹ / Đào Anh Sơn [et al.] // .- 2018 .- Số 110(1) .- Tr. 114-121 .- 610
Tiêm chủng đủ liều là yếu tố đem lại thành công cho chương trình tiêm chủng mở rộng. Nghiên cứu về tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ - đúng lịch ở trẻ còn ít. Nghiên cứu mô tả cắt ngang trên toàn bộ 256 trẻ dưới 1 tuổi dựa trên sổ tiêm chủng và 256 bà mẹ của các trẻ đó ở khu vực phường Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội. Kết quả tỉ lệ trẻ tiêm đủ liều là 70,7%, số trẻ tiêm đúng lịch là 37,9%, số trẻ tiêm đủ liều và đúng lịch thấp chiếm 32,8%. Với một số yếu tố liên quan bà mẹ: Tỉ lệ trẻ tiêm đủ liều đúng lịch ở trẻ đạt mức cao khi bà mẹ có tuổi lớn hơn 30; có trình độ học vấn càng cao; có nghề nghiệp là cán bộ công nhân viên chức; khi bà mẹ biết đầy đủ kiến thức về hoãn tiêm và biết đầy đủ các chống chỉ định tiêm.
1778 Hành vi nguy cơ bệnh không lây nhiễm ở người dân tộc thiểu số / Nguyễn Bá Hoàn, Ngô Trí Tuấn, Nguyễn Bích Nguyệt // .- 2018 .- Số 110(1) .- Tr. 122-129 .- 610
Việt Nam đang phải đối mặt với sự gia tăng các hành vi nguy cơ bệnh không lây nhiễm. Nghiên cứu mô tả cắt ngang thực hiện trên 339 đối tượng người dân tộc thiểu số từ 25 - 64 tuổi tại xã Kim Bình và Xuân Quang, huyện Chiêm Hóa nhằm mô tả thực trạng các hành vi nguy cơ bệnh không lây nhiễm và một số yếu tố liên quan.Tỷ lệ nam giới có sử dụng rượu, bia chiếm 58,6%, hút thuốc lá chiếm 46,5%. Tỷ lệ đối tượng ăn nhiều muối, ăn ít rau, ít hoạt động thể lực lần lượt là 15,2%,16,5% và 82,8%. Có mối liên quan giữa hành vi uống rượu và giới tính, tình trạng tăng huyết áp, hành vi ăn nhiều muối, ăn ít rau với dân tộc, hành vi ít hoạt động thể lực và trình độ học vấn, số lượng hành vi nguy cơ và giới tính. Vì vậy, cần chú ý mối liên quan giữa hành vi nguy cơ bệnh không lây nhiễm ở người dân tộc thiểu số huyện Chiêm Hóa và một số yếu tố nhân khẩu học khi xem xét các giải pháp can thiệp.
1779 Kiến thức, thái độ, thực hành về phản ứng sau tiêm chủng của người chăm sóc trẻ và một số yếu tố liên quan / Lê Thị Hương [et al.] // .- 2018 .- Số 110(1) .- Tr. 130-136 .- 610
Mô tả kiến thức, thái độ, thực hành về phản ứng sau tiêm chủng của người chăm sóc trẻ tại một số trạm y tế xã phường tỉnh Thanh Hóa và mô tả một số yếu tố liên quan đến thực hành theo dõi phản ứng sau tiêm chủng.
1780 Quan điểm về bạo hành y tế của sinh viên các trường đại học / Lê Thị Yến [et al.] // .- 2018 .- Số 110(1) .- Tr. 137-145 .- 610
Bạo hành nhân viên y tế tại Việt Nam có xu hướng gia tăng về số lượng và tính nghiêm trọng của sự việc. So sánh quan điểm bạo hành nhân viên y tế của sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội và sinh viên các trường đại học khác. Nghiên cứu mô tả cắt ngang dựa trên phương pháp phân tích nhân tố khám phá (EFA). Giá trị KMO lần lượt là 0,909 và 0,826 cho hai mô hình sinh viên y và sinh viên ngoài ngành y. Kiểm định Bartlett < 0,001. Nhóm sinh viên trong ngành y cho ba nhân tố, với các hệ số trọng số như sau: nguyên nhân từ phía cơ sở y tế và nhà nước (44,31%), nhân viên y tế (42,90%), xã hội và an ninh trong bệnh viện (12,80%). Nhóm sinh viên ngoài ngành y cho kết quả ba nhân tố, với hệ số trọng số là: nguyên nhân từ phía nhân viên y tế (33,81%), thông tin môi trường và chính sách y tế (33,01%), bệnh nhân và người nhà bệnh nhân (33,09%). Thang đo phù hợp với nghiên cứu. Nghiên cứu đã chỉ ra quan điểm của sinh viên y và sinh viên không thuộc ngành y về bạo hành y tế theo hai hướng khác nhau.