CSDL Bài trích Báo - Tạp chí

chủ đề: Tăng trưởng kinh tế

  • Duyệt theo:
151 Tác động của chi tiêu công đến tăng trưởng kinh tế của tỉnh Hưng Yên / Nguyễn Quang Hiệp // Kinh tế & phát triển .- 2019 .- Số 269 .- Tr. 51-62 .- 330

Bài viết này sử dụng mô hình hiệu chỉnh sai số (ECM) phân tích tác động của chi tiêu công đến tăng trưởng kinh tế của tỉnh Hưng Yên. Kết quả ước lượng mô hình thực nghiệm cho thấy: Tổng chi ngân sách có tác động tích cực đến GRDP trong cả ngắn hạn và dài hạn. Cùng với tổng chi ngân sách thì các khoản mục cấu thành tổng chi là chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên cũng được tìm thấy là có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Kết quả cũng cho thấy các biến số còn lại cũng có ảnh hưởng thuận chiều đến GRDP. Đặc biệt, những biến động của CPI trong thời gian qua của tỉnh Hưng Yên được kiểm soát khá tốt, do đó đã có những ảnh hưởng tích cực đến tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

152 Các hàm ý tác động đến sự ổn định thị trường lao động phổ thông, góp phần vào việc tăng trưởng kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh / Lê Thị Vịnh // .- 2018 .- Số 13 .- Tr. 203-207 .- 658

Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ của cả nước, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, có sức thu hút và lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chính trị - kinh tế - xã hội quan trọng của cả nước. Không ai có thể phủ nhận được tính đa dạng, nặng nhọc của lao động phổ thông, nhưng với kinh nghiệm thực tế, năng lực, chuyên môn giỏi, họ đã có những đóng góp nhất định cho nguồn thu phát triển kinh tế - xã hội từ các hoạt động nghề nghiệp: Thợ điện, thợ xây, lao động giúp việc nhà, công nhân các xí nghiệp,... Tuy nhiên, tình hình biến động của thị trường lao động phổ thông hiện nay tại Thành phố Hồ Chí Minh rất đáng lo ngại. Bài viết nghiên cứu về vấn đề các hàm ý tác động đến sự ổn định thị trường lao động phổ thông, góp phần vào việc tăng trưởng kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh.

153 Đề xuất giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam và kinh nghiệm của một số quốc gia / Phạm Thị Trang // .- 2018 .- Số 1 .- Tr. 97-103 .- 658

Công nghiệp hỗ trợ có vai trò hết sức quan trọng đối với phát triển nền kinh tế. Một ngành công nghiệp hỗ trợ kém phát triển sẽ khiến cho các ngành công nghiệp chính thiếu đi sức cạnh tranh, làm cho nhiều công ty sản xuất thành phẩm cuối cùng khác phải phụ thuộc vào nhập khẩu, làm giảm hiệu quả của nhiều dự án đầu tư. Trong quá trình mở cửa hoàn toàn thị trường trong nước, nếu không xây dựng được ngành công nghiệp hỗ trợ tương ứng, đủ sức cạnh tranh quốc tế và có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài thì sẽ có những nhà đầu tư nước ngoài chuyển hướng đầu tư sang các nước khác, có nhiều lợi thế hơn Việt Nam. Bài viết nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia trong việc phát triển công nghiệp hỗ trợ, từ đó có sự phân tích, so sánh và đề xuất một số giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam trong thời gian tới.

154 Ngưỡng chi tiêu công tối ưu cho tăng trưởng kinh tế của các nước phát triển và đang phát triển / Phan Thị Hằng Nga, Huỳnh Thị thanh Hiền // .- 2019 .- Số 3 .- Tr. 57-63 .- 658

Bài nghiên cứu tập trung xác định ngưỡng chi tiêu công tối ưu cho hai nhóm nước phát triển và đang phát triển với mỗi nhóm gồm 20 quốc gia trong giai đoạn 2008 - 2017. Nghiên cứu sử dụng phương pháp định lượng hồi quy với dữ liệu bảng. Kết quả nghiên cứu cho thấy chi tiêu Chính phủ có tác động phi tuyến đến tốc độ tăng trưởng kinh tế tại cả hai nhóm nước phát triển và đang phát triển trong mẫu nghiên cứu, cụ thể mức chi tiêu công tối ưu cho tăng trưởng kinh, tế được tác giả khuyến nghị cho các nước đang phát triển ở mức 20,75% GDP và đối với trường hợp các nước phát triển là 23,70% GDP. Từ kết quả nghiên cứu, tác giả đưa ra một số gợi ý chính sách cho chính phủ các nước nhằm duy trì mức chi tiêu công phù hợp đối với nền kinh tế các quốc gia phát triển và đang phát triển.

155 Tác động của chuyển dịch cơ cấu kinh tế đến tăng trưởng kinh tế vùng đồng bằng sông Cửu Long / Nguyễn Thành Công, Đào Thông Minh // .- 2019 .- Số 9 .- Tr. 95-99 .- 330

Nghiên cứu này tập trung phân tích tác động của chuyển dịch cơ cấu kinh tế đến tăng trưởng kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nghiên cứu sử dụng hàm tuyến tính đa biến được tổng hợp từ các nghiên cứu trước và thực hiện dựa trên nguồn dữ liệu thứ cấp thu thập tại Niên giám thống kê - Cục Thống kê của 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Tổng cục Thống kê Việt Nam giai đoạn 2006-2017. Kết quả ước lượng cho thấy, các yếu tố: vốn vật chất, lực lượng lao động, tỷ trọng nông nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo và cơ sở hạ tầng có tác động đến tăng trưởng kinh tế của vùng; kết quả này phù hợp với cơ sở lý thuyết, các nghiên cứu trước và tình hình thực tế.

156 Ứng dụng phương pháp nhân quả granger nghiên cứu mối quan hệ giữa tiêu thụ năng lượng và tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam / // .- 2019 .- Số 10 .- Tr. 105-111 .- 658

Mối quan hệ giữa tiêu dùng năng lượng và tăng trưởng kinh tế từ lâu đã được quan tâm nghiên cứu vì nó là cơ sở của việc thực hiện các quy hoạch phát hệ thống năng lượng đảm bảo cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội một cách hiệu quả và bền vững. Bài báo sử dụng phương pháp nhân quả được phát triển bởi Granger ứng dụng nghiên cứu mối quan hệ giữa tiêu dùng năng lượng và tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam. Dữ liệu sử dụng trong nghiên cứu bao gồm dữ liệu về tổng thu nhập quốc nội theo giá cố định năm 2010 - biến đại diện cho tăng trưởng kinh tế và tổng mức tiêu thụ năng lượng sơ cấp. Kết quả kiểm định Granger cho thấy tăng trưởng kinh tế có tác động nhân quả đến tiêu thụ năng lượng trong ngắn hạn, trong khi mô hình hiệu chỉnh sai số ECM chỉ ra tồn tại quan hệ nhân quả hai chiều giữa tiêu thụ năng lượng và tăng trưởng kinh tế.

157 Xu hướng thương mại và đầu tư : ảnh hưởng kết hợp đến tăng trưởng kinh tế của ASEAN / Bùi Thị Lý, Phạm Thị Cẩm Anh, Phạm Thị Minh Thủy // .- 2019 .- Số 551 .- Tr. 46-49 .- 658

Phân tích vai trò của xuất khẩu, GDP, FDI trong bối cảnh hội nhập và liên kết sâu rộng của cộng đồng các nước ASEAN trong giai đoạn 1985-2017. Kết quả nghiên cứu chỉ ra xuất khẩu và GDP có tác động dài hạn tới cả FDI vào và FDI ra đối với nhóm nước ASEAN.

158 Tác động của kiều hối đến tăng trưởng GDP của Việt Nam / Nguyễn Phúc Hiền, Hoàng Thanh Hà // Khoa học Thương mại .- 2019 .- Số 132 .- Tr. 24-29 .- 332.1

Kiều hối đã và đang là nguồn tài chính quan trọng cho các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam. Những năm gần đây, Việt Nam liên tục nằm trong top những quốc gia nhận kiều hối lớn trong khu vực và thế giới (World Bank 2017). Đã có nhiều nghiên cứu về tác động vĩ mô của kiều hối bao gổm cả những tác động tích cực và tiêu cực. Vì vây mục đích của nghiên cứu này là xem xét kiều hối tác động như thế nào đến tăng trưởng GDP của Việt Nam trong gần 3 thập kỷ qua. Bằng việc sử dụng mô hình hồi quy OLS với số liệu chuỗi thời gian từ năm 1991 đến năm 2017. Kết quả nghiên cứu cho thấy tác động tiêu cực của kiều hối tới tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong dài hạn. Nghĩa là khi tỷ lệ kiều hối càng tăng thì làm giảm tăng trưởng GDP của Việt Nam và ngược lại. Kết quả nghiên cứu này khác với lý thuyết và thực nghiệm nghiên cứu của một số nghiên cứu các nước khác. Điều này có thể được giải thích bằng hiện tượng “Căn bệnh Hà Lan”.

159 Tác động của phát triển công nghiệp chế biến chế tạo đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam / Vũ Thị Thanh Huyền, Trần Việt Thảo // Khoa học Thương mại .- 2019 .- Số 133 .- Tr. 12-20 .- 658

Trong 10 năm trở lại đây, Công nghiệp chế biến, chế tạo (CN CBCT) luôn được khẳng định là ngành có đóng góp lớn về kim ngạch xuất khẩu, thu hút FDI, là ngành có đóng góp lớn nhất vào tốc độ tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế. Tuy nhiên, sản xuất còn mang tính chất gia công là chủ yếu, sử dụng công nghệ thấp và trung bình, phụ thuộc rất lớn vào nhập khẩu,… khiến cho giá trị gia tăng toàn ngành CN CBCT còn ở mức thấp, chưa có đóng góp đáng kể vào việc nâng cao chất lượng và tính bền vững trong tăng trưởng kinh tế (TTKT) Việt Nam. Sử dụng phương pháp bảng cân đối liên ngành (I - O) và các phương pháp định tính, bài viết sẽ tập trung phân tích thực trạng đóng góp của ngành CN CBCT đối với TTKT Việt Nam những năm vừa qua, từ đó, đưa ra một số kết luận và đề xuất, kiến nghị nhằm thúc đẩy phát triển CN CBCT gắn với thúc đẩy và nâng cao chất lượng TTKT Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo.

160 Tác động của quyền sở hữu trí tuệ đến tăng trưởng kinh tế ở châu á và định hướng tăng trưởng ở Việt Nam / Hà Công Anh Bảo // Kinh tế & phát triển .- 2017 .- Số 239 .- Tr. 10-18 .- 658

Bài viết phân tích tác động của quyền sở hữu trí tuệ (IPR) đối với sự tăng trưỏng kinh tế của 14 nước Châu á dựa trên dữ liệu chuỗi thời gian từ năm 2007 đến năm 2013, đây là những quốc gia có chỉ số về quyền sở hữu trí tuệ tại Châu á. Kết quả nghiên cứu từ mô hình hồi quy bằng phương pháp bình phương tối thiểu (OLS) và dường như không liên quan (cross-section SUR) cho thấy quyền sở hữu trí tuệ có tác động tích cực đối với tăng trưởng kinh tế tại các nước này, trong đó có Việt Nam. Kết quả này phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế ngày nay, khi các dòng vốn tự do lưu thông giữa các quốc gia, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là một trong những yếu tố khuyết khích đầu tư, phát minh và chuyển giao công nghệ, từ đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bài viết đưa ra kiến nghị về Quyền sở hữu trí tuệ và tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam.