CSDL Bài trích Báo - Tạp chí
Khoa Kinh tế - Tài chính
531 Xu hướng hoạt động ngân hàng Việt Nam năm 2024 : khuyến nghị và giải pháp / Cấn Văn Lực // .- 2024 .- Sô 02 (629) .- Tr. 22 - 31 .- 332
Cùng với đà phục hồi của nền kinh tế và thể chế hoàn thiện hơn (các luật quan trọng như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật các Tổ chức tín dụng... vừa được thông qua và sẽ có hiệu lực trong năm 2024 hoặc đầu năm 2025), hoạt động kinh doanh của ngành Ngân hàng dự báo sẽ thuận lợi hơn trong năm 2024. Mặt bằng lãi suất năm 2024 tiếp tục giữ ở mức thấp, qua đó tạo động lực cho đầu tư và tiêu dùng, giúp tín dụng tăng cao hơn, góp phần tăng nguồn thu tín dụng. Tiêu dùng tăng sẽ giúp tăng tỷ lệ CASA và thu phí dịch vụ như thanh toán, bảo hiểm, dịch vụ thẻ... Mặc dù vậy, nợ xấu là vấn đề cần được quan tâm khi nền kinh tế còn nhiều khó khăn, đặt ra nhiệm vụ nặng nề hơn về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu của ngành. Bài viết đưa ra nhận định một số xu hướng chính ảnh hưởng đến hoạt động ngành Ngân hàng năm 2024 và kiến nghị giải pháp phù hợp.
532 Chuẩn mực an toàn vốn theo Basel III : tình hình triển khai trên thế giới và một số vấn đề cho ngân hàng thương mại tại Việt Nam / Phan Lê Thị Diệu Thảo, Lê Hữu Nghĩa // .- 2024 .- Sô 02 (629) .- Tr. 32 - 41 .- 332
Bằng phương pháp thống kê, so sánh, tổng hợp, phân tích, bài viết nghiên cứu tình hình triển khai chuẩn mực về an toàn vốn theo Basel III của các nước trên thế giới, trong đó có các quốc gia Đông Nam Á như Campuchia, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Qua nghiên cứu thực tiễn thực hiện các chuẩn mực an toàn vốn theo Basel III của các ngân hàng thương mại (NHTM) trên thế giới, bài viết gợi ý một số khuyến nghị nhằm khắc phục một số vấn đề tồn tại trong quá trình triển khai chuẩn mực an toàn vốn theo Basel II, Basel III tại Việt Nam.
533 Bảo mật an toàn trong thanh toán trên môi trường số : một số kinh nghiệm và các khuyến nghị / Đỗ Hoài Linh, Lê Quỳnh Anh, Nguyễn Minh Hòa // .- 2024 .- Sô 02 (629) .- Tr. 42 - 49 .- 332
Bài viết tập trung nghiên cứu về bảo mật an toàn trong thanh toán trên môi trường số tại Việt Nam trên các khía cạnh: Khái quát về thanh toán trên môi trường số và các vấn đề bảo mật của thanh toán trên môi trường số; kinh nghiệm quốc tế về nâng cao bảo mật trong thanh toán trên môi trường số; môi trường số tại Việt Nam - các mối đe dọa về bảo mật, các trường hợp vi phạm an toàn thanh toán số cùng với các giải pháp hiện thời của Chính phủ và ngành Ngân hàng. Dựa trên các phân tích, nhóm tác giả đề xuất một số khuyến nghị chính sách để tăng cường bảo mật an toàn trong thanh toán trên môi trường số tại Việt Nam.
534 Triển khai trí tuệ nhân tạo trong ngân hàng : hướng tới một hệ thống an toàn và trách nhiệm / Nguyễn Hải Yến // .- 2024 .- Sô 02 (629) .- Tr. 50 - 57 .- 332
Trong thời đại công nghệ phát triển vũ bão, trí tuệ nhân tạo (AI) đã nổi lên như một lực lượng biến đổi mạnh mẽ, đặc biệt là trong lĩnh vực ngân hàng. Trên phạm vi toàn cầu, Al đang dần định hình các “sân chơi” kinh tế, cải tổ các quy trình tài chính và góp phần nâng cao năng suất, thúc đẩy tăng trưởng. Xu thế này cũng không ngoại lệ tại Việt Nam, khi việc ứng dụng Al trong lĩnh vực ngân hàng đang tăng trưởng nhanh chóng và mạnh mẽ. Tuy nhiên, sự phát triển công nghệ này cũng đặt ra những lo ngại, đặc biệt xoay quanh vấn đề bảo mật dữ liệu cá nhân, nguy cơ phân biệt đối xử và tính chịu trách nhiệm của AI. Do đó, từ phía cơ quan quản lý, cũng như các ngân hàng phải nhận thức được những nguy cơ này và có những hành động, biện pháp phù hợp và nhanh chóng đảm bảo việc phát triển và triển khai AI có trách nhiệm, an toàn.
535 Nguyên tắc xích đạo trong vấn đề triển khai ESG trong các ngân hàng, định chế tài chính toàn cầu và bài học cho Việt Nam / Hô Fa Tina, Đào Lê Kiều Oanh // .- 2024 .- Sô 02 (629) .- Tr. 58 - 63 .- 332
Bài viết cung cấp cái nhìn toàn diện về tiêu chuẩn và ảnh hưởng của nguyên tắc xích đạo đến hoạt động, quyết định tài trợ của các ngân hàng và định chế tài chính. Đánh giá ESG bao gồm việc xem xét trách nhiệm môi trường, quản lý mối quan hệ xã hội và chính sách quản trị của doanh nghiệp. Các ngân hàng và định chế tài chính tích hợp ESG vào chiến lược kinh doanh để nâng cao hiệu quả quản lý rủi ro, tuân thủ pháp luật và tạo lợi ích kinh tế. Đối với Việt Nam, việc hiểu và áp dụng các nguyên tắc ESG cũng như Nguyên tắc Xích đạo là cực kỳ quan trọng. Việt Nam có thể học hỏi từ thực tiễn quốc tế để cải thiện năng lực quản lý rủi ro, thúc đẩy đầu tư bền vững, đảm bảo phát triển kinh tế mà không gây hại đến môi trường, xã hội. Qua đó, Việt Nam cần chú trọng đến việc xây dựng chính sách, khuyến khích doanh nghiệp áp dụng ESG, nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh và bền vững.
536 Thực trạng triển khai bộ tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG) tại các ngân hàng thương mại Việt Nam / Đào Mỹ Hằng, Phan Thị Hoàng Yến, Vũ Hoàng Trung // .- 2024 .- Sô 02 (629) .- Tr. 64 - 73 .- 332
Bài viết phân tích thực trạng triển khai ESG tại 3 ngân hàng: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), từ đó đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện ESG tại các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam.
537 Yêu cầu xác minh danh tính và một số chính sách phòng, chống gian lận kỹ thuật số tại Thái Lan / Nguyễn Thị Thu // .- 2024 .- Sô 02 (629) .- Tr. 83 - 87 .- 332
Kế hoạch kinh tế 4.0 của Chính phủ Thái Lan nhằm mục đích cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thúc đẩy số hóa và tiến bộ công nghệ của đất nước. Là một phần của chiến lược này, thanh toán kỹ thuật số không tiếp xúc ngày càng trở nên quan trọng và phổ biến tại Thái Lan. Sự gia tăng của thanh toán không tiếp xúc mang lại nhiều lợi ích, chẳng hạn như tăng sự thuận tiện và tốc độ giao dịch, nhưng cũng đặt ra những thách thức mới về rủi ro tội phạm tài chính. Các đối tượng lừa đảo tội phạm liên tục điều chỉnh các kỹ thuật của chúng để khai thác kè hở trong hệ sinh thái số. Tội phạm mạng là một vấn đề cấp bách của Thái Lan khi quốc gia này đứng đầu Đông Nam Á về lừa đảo trực tuyến, với gần 80% tội phạm mạng là xuất phát từ các cuộc tấn công lừa đảo được báo cáo. Trước bối cảnh đó, Chính phủ Thái Lan và các bộ, ngành liên quan, trong đó có Ngân hàng Trung ương Thái Lan đã triển khai nhiều chính sách nhằm nỗ lực bảo vệ người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp khỏi gian lận, lừa đảo và các tội phạm tài chính khác.
538 Điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong bối cảnh lạm phát thế giới tăng cao từ năm 2022 đến nay – Một số khuyến nghị chính sách / Vũ Chi Mai, Phạm Gia Khánh // .- 2024 .- Số 05 - Tháng 3 .- Tr. 3-10 .- 332.04
Trong giai đoạn vừa qua, điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) của ngân hàng trung ương (NHTW) các quốc gia phải ứng phó các cú sốc lạm phát gia tăng hậu Covid-19 với nguyên nhân chủ yếu là giá cả hàng hóa, năng lượng gia tăng do việc tái tổ chức chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu, căng thẳng địa chính trị, biến đổi khí hậu và chủ nghĩa bảo hộ lương thực... Tỷ giá hối đoái được xem là một công cụ đệm của CSTT nhằm hỗ trợ nền kinh tế, đặc biệt, thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát bởi cơ chế truyền dẫn của tỷ giá sẽ tác động trực tiếp tới xuất, nhập khẩu, qua đó ảnh hưởng tới giá cả hàng hóa trong nước. Giai đoạn từ năm 2022 đến nay, trước bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã điều hành tỷ giá tương đối ổn định, đặc biệt là tỷ giá với các ngoại tệ như Đô la Mỹ, Euro và các ngoại tệ khác tại các quốc gia có quan hệ giao thương đáng kể với Việt Nam nhằm duy trì ổn định vĩ mô trong nước, hỗ trợ đầu tư, sản xuất phát triển. Tuy nhiên, trong thời gian tới, tỷ giá hối đoái có thể tiếp tục chịu nhiều áp lực do lạm phát vẫn ở mức cao, xung đột chính trị giữa các quốc gia vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt... tiềm ẩn các nguy cơ ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh và biến động tỷ giá trên thị trường ngoại hối.
539 Nhận định tác động của chính sách tiền tệ toàn cầu năm 2023 đối với nền kinh tế Việt Nam và một số khuyến nghị / Phạm Đức Anh // .- 2024 .- Số 05 - Tháng 3 .- Tr. 11-17 .- 330
Năm 2023 vừa qua đã chứng kiến những biến động mạnh mẽ trong hoạt động điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) trên thế giới, nổi bật là việc các ngân hàng trung ương (NHTW) liên tục tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát. Lạm phát phi mã xuất phát từ nhiều nguyên nhân như giá năng lượng tăng cao, gián đoạn chuỗi cung ứng, bất ổn kinh tế do chiến tranh Nga - Ukraine, Israel - Hamas cùng hệ lụy của đại dịch Covid-19. Bài viết cung cấp bức tranh tổng quan và phân tích cụ thể định hướng điều hành CSTT tại các nền kinh tế lớn (bao gồm: Mỹ, Anh, EU, Canada, khu vực châu A) và diễn biến thị trường ngoại hối. Thông qua đánh giá tác động tiềm tàng đối với kinh tế Việt Nam, bài viết khuyến nghị khung khổ chiến lược với 07 điểm nhấn chính sách dành cho Việt Nam nhằm ứng phó với lạm phát, phục hồi kinh tế và đảm bảo ổn định vĩ mô trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều khó khăn phía trước.
540 Bộ đệm vốn nghịch chu kỳ - Công cụ an toàn theo thông lệ Basel III / Nguyễn Khương, Đào Văn Hà, Nguyễn Thu Hương, Tô Thị Hồng Anh và cộng sự // .- 2024 .- Số 05 - Tháng 3 .- Tr. 18-27 .- 332
Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng (BCBS) (2010) đã thiết kế Bộ đệm vốn nghịch chu kì (CCyB) với mục tiêu an toàn vĩ mô ngân hàng khi tăng trưởng tín dụng vượt mức có tính chu kì (được phản ánh qua sự tăng, giảm của chu kì tài chính) tiềm ẩn rủi ro hệ thống đối với khu vực ngân hàng. Thông qua bộ đệm này, các ngân hàng có thêm lượng đệm vốn chất lượng trong giai đoạn thuận lợi khi rủi ro hệ thống gia tăng, sau đó được sử dụng trong thời kì suy thoái để giảm thiểu rủi ro mà các ngân hàng khuếch đại sự suy thoái bằng cách thắt chặt cho vay quá mức. Thông qua bài viết này, nhóm nghiên cứu: (i) Khái quát về CCyB theo thông lệ Basel III (2010); (ii) Tổng hợp, phân tích một số vấn đề về triển khai thực hiện CCyB như: Cách tiếp cận khác nhau để thực hiện CCyB; độ lệch tín dụng/GDP và một số chỉ số bổ sung; khung chính sách xuyên quốc gia về CCyB; quan điểm nghiên cứu hướng đến vùng đệm CCyB theo ngành. Trên cơ sở đó rút ra một số hàm ý khuyến nghị về CCyB đối với ngân hàng Việt Nam.