CSDL Bài trích Báo - Tạp chí

Khoa Luật

  • Duyệt theo:
21 Đại diện khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước / Lê Vũ Nam, Nguyễn Huy Hoàng // .- 2024 .- Số 9 (488) - Kỳ 1 - Tháng 5 .- Tr. 42 – 51 .- 340

Trong bài viết này, các tác giả phân tích vấn đề xác định các chủ thể được pháp luật quy định có quyền khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước; thực tiễn áp dụng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về đại diện khởi kiện và tham gia vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước tại Việt Nam; so sánh với các quy định tương ứng của pháp luật một số nước để từ đó đánh giá tính khả thi của các quy định của pháp luật điều chỉnh những quan hệ phát sinh có liên quan. Qua việc xác định khái niệm và bản chất của đại diện trong tố tụng dân sự, trên cơ sở nhận diện những hạn chế, bất cập trong các quy định hiện hành, các tác giả đề xuất giải pháp hoàn thiện các quy định của pháp luật Việt Nam theo hướng bổ sung chủ thể tham gia đại diện khởi kiện các vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước.

22 Người đại diện ẩn danh - So sánh quy định tại Luật Công ty Anh năm 2006 và Luật Doanh nghiệp Việt Nam năm 2020 / Nguyễn Thị Dịu Hiền, Nguyễn Võ Tuyết Trinh // .- 2024 .- Số 9 (488) - Kỳ 1 - Tháng 5 .- Tr. 52 – 56 .- 340

Người đại diện của doanh nghiệp đóng một vai trò quan trọng trong hoạt động của doanh nghiệp. Trên thực tế, ở nhiều doanh nghiệp, ngoài người đại diện hợp pháp, có những người đứng đằng sau, điều hành, chi phối hoạt động của doanh nghiệp - người đại diện ẩn danh. Trên cơ sở các quy định về người đại diện ẩn danh theo Luật Công ty Anh năm 2006 và Luật Doanh nghiệp Việt Nam năm 2020, các tác giả so sánh, phân tích, bình luận các quy định này; từ đó, đề xuất giải pháp liên quan đến người đại diện ẩn danh, nhằm hoàn thiện pháp luật doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

23 Tiếp tục hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước đối với chính quyền đô thị không tổ chức Hội đồng nhân dân ở quận, phường / Hoàng Minh Hội // .- 2024 .- Số 9 (488) - Kỳ 1 - Tháng 5 .- Tr. 57 – 64 .- 340

Sau gần ba năm, việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị không tổ chức Hội đồng nhân dân ở một số địa phương đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, việc không tổ chức Hội đồng nhân dân cũng đang đặt ra những yêu cầu và nhiệm vụ cần hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước. Trong bài viết này, tác giả phân tích, đánh giá thực trạng cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước đối với chính quyền địa phương ở đô thị nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân và đề xuất một số kiến nghị.

24 Quyền định đoạt di chúc và xung đột pháp luật về thừa kế có yếu tố nước ngoài / Nguyễn Tiến Lâm // .- 2024 .- Số 10 (489) - Kỳ 2- Tháng 5 .- Tr. 3 – 11 .- 340

Về mặt nguyên tắc, pháp luật của mỗi quốc gia điều chỉnh các quan hệ trong lãnh thổ của mình. Tuy nhiên, với xu hướng toàn cầu hoá trong giai đoạn hiện nay, các quan hệ sở hữu của một cá nhân đặt ra nhiều thách thức cho pháp luật với việc nó đã không còn bị giới hạn trong lãnh thổ của riêng một quốc gia. Vụ án mới đây được xét xử bởi Tòa án Hoa Kỳ đã cho thấy sự xung đột pháp luật trong giải quyết thừa kế mà người quá cố để lại di chúc. Điều này được xuất phát từ hai học thuyết trái ngược về quyền định đoạt di sản theo di chúc: nguyên tắc thừa kế bắt buộc và nguyên tắc tự do di chúc. Trong bài viết này, các tác giả tập trung phân tích một số vấn đề pháp lý trong giải quyết xung đột pháp luật về thừa kế theo di chúc từ vụ án Walker v. Ryker, làm rõ nguyên nhân xung đột từ sự khác biệt trong hai hệ thống dân luật và thông luật đối với việc định đoạt theo di chúc. Cuối cùng, các tác giả đưa ra những đánh giá và gợi mở cho Việt Nam đối với việc giải quyết xung đột pháp luật về thừa kế theo di chúc có yếu tố nước ngoài.

25 Góp ý quy định của Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên về các biện pháp xử lý chuyển hướng / Lê Huỳnh Tấn Duy // .- 2024 .- Số 10 (489) - Kỳ 2- Tháng 5 .- Tr. 12 – 21 .- 340

Xử lý chuyển hướng là một biện pháp xử lý rất phù hợp đối với người chưa thành niên không thông qua thủ tục tố tụng hình sự thông thường. Trong bài viết này, tác giả phân tích, đánh giá một số quy định có liên quan đến xử lý chuyển hướng của Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên trên cơ sở so sánh với các tiêu chuẩn quốc tế; từ đó, tác giả đưa ra một số đề xuất góp phần hoàn thiện các quy định này.

26 Khung lý thuyết về công chứng điện tử / Lê Tấn Quan, Ninh Thị Hiền // .- 2024 .- Số 10 (489) - Kỳ 2- Tháng 5 .- Tr. 22 – 29 .- 340

Hệ thống thông tin công chứng là thành phần quan trọng trong Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử. Hoạt động công chứng truyền thống sẽ tích hợp dần những thay đổi từ hệ thống thông tin mạng quốc gia nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ công về công chứng trong việc phòng ngừa tranh chấp và ổn định trật tự xã hội. Trong bài viết này, các tác giả cung cấp một số khía cạnh khác nhau về công chứng điện tử dựa vào đặc trưng về bản chất, vai trò của hệ thống công chứng Latin, cùng với kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia trong cùng hệ thống; từ đó đưa ra những kiến nghị góp phần hoàn thiện Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi).

27 Hoàn thiện khung pháp lý về cơ sở dữ liệu công chứng / Nguyễn Thị Thơ // .- 2024 .- Số 10 (489) - Kỳ 2- Tháng 5 .- Tr. 30 – 38 .- 340

Cơ sở dữ liệu công chứng là một trong những nội dung quan trọng được đề nghị sửa đổi, bổ sung trong Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi). Trong bài viết này, tác giả nêu lên những vấn đề cơ bản của cơ sở dữ liệu công chứng; đánh giá thực trạng ứng dụng cơ sở dữ liệu công chứng tại Việt Nam và tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới; trên cơ sở đó, kiến nghị một số giải pháp đối với việc xây dựng các quy định về cơ sở dữ liệu công chứng trong Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi).

28 Thúc đẩy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp thông qua thực hành kinh doanh có trách nhiệm ở Việt Nam / Nguyễn Mạnh Tuân // .- 2024 .- Số 10 (489) - Kỳ 2- Tháng 5 .- Tr. 39 – 45 .- 340

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và thực hành kinh doanh có trách nhiệm đã trở thành những tiêu chuẩn và mối quan tâm toàn cầu. Trong bài viết này, tác giả đưa ra sự nhận diện về nội hàm, khái quát hoá, phân tích so sánh những tiêu chuẩn quốc tế về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và thực hành kinh doanh có trách nhiệm. Trên cơ sở đó, tác giả liên hệ, đánh giá và đưa ra một số gợi mở để xây dựng, thực hiện có hiệu quả Kế hoạch hành động quốc gia về thực hành kinh doanh có trách nhiệm ở Việt Nam.

29 Bàn về quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và thay đổi địa vị tố tụng trong vụ án dân sự sơ thẩm / Bùi Ai Giôn // .- 2024 .- Số 10 (489) - Kỳ 2- Tháng 5 .- Tr. 46 – 49 .- 340

Quyết định đình chỉ yêu cầu của nguyên đơn” và “Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án” là hai quyết định khác nhau. Quyết định đình chỉ yêu cầu của nguyên đơn chưa kết thúc hoàn toàn vụ án mà chỉ đình chỉ đối với yêu cầu của nguyên đơn. Sau đó, Tòa án sẽ căn cứ vào khoản 2 Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 để giải quyết cho từng trường hợp cụ thể. Đối với quyết định đình chỉ giải quyết vụ án thì vụ án đã kết thúc và Tòa án không còn đối tượng để xét xử. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử cho thấy, việc ban hành quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và thay đổi địa vị tố tụng trong vụ án dân sự sơ thẩm tại điểm b, c khoản 2 Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 vẫn còn vướng mắc, khó khăn. Trong bài viết này, tác giả tập trung phân tích về những khó khăn, vướng mắc đó và đưa ra các kiến nghị khắc phục.

30 Kiểm soát hành chính đối với hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung và định hướng hoàn thiện / Cao Vũ Minh, Nguyễn Nhật Khanh // .- 2024 .- Số 12 (491) - Kỳ 2- Tháng 6 .- Tr.10 – 16 .- 340

Hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung đều có điểm chung là được tiêu chuẩn hóa và mang tính chất áp đặt từ một phía. Bên còn lại không được quyển yêu cầu thay đổi bất kỳ nội dung nào trong đó mà chỉ được quyền chấp nhận toàn bộ nếu muốn giao kết. Chính vì sự tự do trong hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung không được thể hiện trọn vẹn nên sự kiểm soát hành chính đối với hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung là rất cần thiết. Trong bài viết này, các tác giả trình bày vấn đề kiểm soát hành chính đối với hợp đồng theo mẫu điều kiện giao dịch chung, đánh giá các hạn chế và đề xuất kiến nghị hoàn thiện.