CSDL Bài trích Báo - Tạp chí

  • Duyệt theo:
1 Nghiên cứu khả năng ứng dụng bê tông nhựa graphen oxit làm lớp mặt trên của kết cấu áo đường mềm cấp cao tại Việt Nam / Hoàng Thị Hương Giang // Giao thông vận tải .- 2025 .- Số 1+2 .- Tr. 77 - 80 .- 624
Bài báo tập trung nghiên cứu khả năng ứng dụng bê tông nhựa (BTN) sử dụng graphen oxit (GO) làm lớp mặt trên của kết cấu áo đường mềm (KCAĐM) cấp cao tại Việt Nam. Mục tiêu của nghiên cứu là đánh giá hiệu quả kỹ thuật và tiềm năng ứng dụng thực tế của BTN_GO thông qua việc kiểm toán các kết cấu áo đường sử dụng loại vật liệu này theo Tiêu chuẩn TCCS 38:2022/TCĐBVN. Kết quả nghiên cứu đưa ra các đánh giá khoa học và định hướng ứng dụng BTN_GO trong việc cải thiện hiệu suất kết cấu đường bộ, đặc biệt tại các khu vực có yêu cầu cao về thiết kế và thi công.
2 Nghiên cứu ảnh hưởng của thời gian giữa các đợt đổ bê tông đến nhiệt độ tối đa và nguy cơ nứt trong bê tông khối lớn / Lê Văn Hưng, Nguyễn Trọng Chức, Hoàng Quốc Long // Giao thông vận tải .- 2025 .- Số 1+2 .- Tr. 73 - 76 .- 624
Trong kết cấu bê tông khối lớn (BTKL), việc xác định nhiệt độ lớn nhất và nguy cơ nứt nhiệt ở tuổi sớm ngày có vai trò hết sức quan trọng, từ đó đưa ra các biện pháp phù hợp để kiểm soát vết nứt nhiệt ở tuổi sớm ngày trong quá trình xây dựng công trình. Bài báo này, tác giả đánh giá nguy cơ nứt nhiệt trong kết cấu BTKL được chia làm hai đợt đổ bê tông và khoảng cách thời gian giữa các đợt đổ bê tông thay đổi. Mô hình phần tử hữu hạn được sử dụng để dự đoán nhiệt độ, ứng suất nhiệt, chỉ số và xác suất nứt trong khối BTKL. Kết quả thu được cho thấy ảnh hưởng của thời gian giữa các đợt đổ bê tông tới nhiệt độ lớn nhất, ứng suất nhiệt, chỉ số và xác suất nứt nhiệt trong khối BTKL là rất rõ ràng, từ đó có thể giúp các đơn vị thi công tối ưu hóa tiến độ thi công, đề xuất thời gian tiến hành đổ bê tông đợt sau so với đợt trước một cách phù hợp để kiểm soát vết nứt nhiệt một cách hiệu quả
3 Đánh giá ổn định mái dốc đất có xét đến quá trình biến dạng lâu dài của nền đất sét pha / Phạm Kiên, Trần Văn Thiện // Giao thông vận tải .- 2025 .- Số 1+2 .- Tr. 69 - 72 .- 624
Sự ổn định của mái dốc đất là vấn đề quan tâm lớn trong xây dựng công trình và khai thác, đặc biệt tại khu vực miền núi Tây Nguyên. Khu vực này có đất nền chủ yếu là sét pha mang đặc tính dính nhão của sét kết hợp tính cứng của cát. Sạt trượt mái dốc bao gồm mái dốc tự nhiên và cả mái dốc nhân tạo (công trình xây dựng) là hiện tượng phổ biến ở khu vực này trong mùa mưa. Do đó, bài báo thực hiện xây dựng bài toán mô phỏng đánh giá sự ổn định của mái dốc tự nhiên chịu tác động của tải trọng bản thân và yếu tố thời tiết trong thời gian dài. Thông qua các thông số biến dạng chủ yếu quyết định đến độ ổn định là mô-đun biến dạng, lực dính c và góc ma sát trong φ của đất sét pha, sau đó hệ số an toàn FS được tính toán để đảm bảo tính hợp lý của bài toán khi đánh giá ổn định mái dốc. Kết quả cho thấy, đất sét pha sau mưa có sự suy giảm lực dính đơn vị c và góc ma sát trong φ, cùng với sự suy giảm hệ số an toàn FS, dẫn đến nguy cơ mất ổn định mái dốc.
4 Nghiên cứu đánh giá sự suy giảm cường độ của nền móng mặt đường cứng sân bay sử dụng phương pháp không phá hủy (NDT) bằng thiết bị SHWD / Ngô Văn Quân, Phạm Huy Khang, Nguyễn Trọng Hiệp, Nguyễn Đình Chung, Đào Xuân Hoạch // Giao thông vận tải .- 2025 .- Số 1+2 .- .- 624
Bài báo nghiên cứu đánh giá sự suy giảm cường độ của nền móng mặt đường cứng sân bay sử dụng phương pháp không phá hủy (NDT) bằng thiết bị thí nghiệm tĩnh (SHWD) thông qua việc đánh giá các hốc rỗng dưới mặt đường cứng sân bay tại các vị trí góc tấm bê tông xi măng (BTXM) trên đường cất hạ cánh (CHC) của Cảng Hàng không (CHK) Phù Cát. Kết quả cho thấy, 80% điểm đo tại các góc tấm BTXM được đánh giá là có hốc rỗng, làm thay đổi tình trạng tiếp xúc của tấm với nền móng, khi đó tấm BTXM không được tiếp xúc hoàn toàn với móng, hốc rỗng tạo khe hở cho các nguồn ẩm xâm nhập vào hệ kết cấu “mặt đường - nền đường”, từ đó trực tiếp gây ra suy giảm cường độ của nền móng mặt đường cứng sân bay.
5 Bê tông dẻo trong xây dựng công trình giao thông và nghiên cứu định hướng ứng dụng cho đường sắt tốc độ cao / Nguyễn Thanh Sang, Mai Tiến Chinh, Lê Quang Hưng // Giao thông vận tải .- 2025 .- Số 1+2 .- .- 624
Vật liệu bê tông xi măng có những thành tựu vượt bậc trong những thập kỷ gần đây. Các thành tựu điển hình là bê tông cường độ cao (HSC), tính năng cao (HPC), tự đầm (SCC), siêu tính năng (UHPC)… và hướng đến vật liệu bê tông có ứng xử cơ học gần tương tự như vật liệu kim loại (tính dẻo, chịu va đập). Vật liệu bê tông composite gốc xi măng được biết với tên gọi là ECC (Engineered Cementitious Composite) với các tính năng vượt trội như: Độ chảy cao, cấu trúc hạt mịn dễ tạo hình, cường độ chịu kéo cao nên không cần bố trí hoặc rất ít cốt thép cho các cấu trúc thanh mảnh. Các ứng dụng ECC đã được khẳng định trong các công trình thực tế ở nước ngoài, tuy nhiên ở Việt Nam mới chỉ bước đầu tiếp cận nghiên cứu. Bài báo giới thiệu một số đặc điểm cơ bản của ECC và ứng dụng của nó trong xây dựng công trình giao thông, đồng thời định hướng nghiên cứu ứng dụng ECC xây dựng đường sắt tốc độ cao theo điều kiện ở Việt Nam gắn với mục tiêu phát triển bền vững.
6 Nghiên cứu ứng dụng kết cấu dầm lai thép-bê tông cốt thép trong cầu dây văng nhịp lớn - ứng dụng ở Việt Nam / Hoàng Hà // Giao thông vận tải .- 2025 .- Số 1+2 .- Tr. 46 - 49 .- 624
Cầu dây văng (CDV) dầm lai thép-bê tông là dạng kết cấu có dầm chủ được tích hợp các phần dầm chủ bằng thép và bê tông theo phương dọc của cầu. Nhờ phần dầm thép có trọng lượng nhẹ hơn nên giảm được nội lực và biến dạng, đồng thời tăng khả năng vượt nhịp. Cấu tạo đoạn dầm thép có thể dạng hộp thép hay kết cấu liên hợp. Bài báo phân tích mức độ ảnh hưởng của cấu tạo đoạn dầm thép đến các hiệu ứng nội lực và biến dạng do hoạt tải trong CDV có dầm lai, áp dụng cho một công trình CDV thực tế ở Việt Nam.
7 Khuyến nghị thực hiện trách nhiệm xã hội tại các ngân hàng thương mại Việt Nam / Nguyễn Đình Hoàn, Ngô Quốc Hưng, Hồ Thị Ngọc, Nguyễn Thủy Chi // Nghiên cứu Tài chính Kế toán .- 2025 .- Số 2A .- Tr. 120-122 .- 332.12
Thông qua hoạt động tín dụng cho doanh nghiệp và người dân, ngành ngân hàng đã tạo ra những thay đổi tích cực cho xã hội, tác động to lớn đến sự phát triển bền vững của hoạt động sản xuất kinh doanh. Do đó, khi các ngân hàng không chỉ theo đuổi mục tiêu kinh tế mà còn quan tâm đến các vấn đề xã hội, môi trường thì tác động của ngành ngân hàng đến nền kinh tế, xã hội sẽ toàn diện và nhân văn hơn. Bài viết trình bày thực trạng trách nhiệm xã hội (CSR) của các ngân hàng thương mại tại Việt Nam hiện nay, qua đó đề xuất một số giải pháp cho các ngân hàng thương mại và cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội.
8 Ảnh hưởng của truyền thông nội bộ đến hạnh phúc và kết quả làm việc của nhân viên tại các ngân hàng thương mại ở Hà Nội / Bùi Thị Thu Hà, Bùi Tuấn Thành // Khoa học và công nghệ Việt Nam .- 2025 .- Số 4 .- Tr. 1-7 .- 332.12
Nghiên cứu phân tích ảnh hưởng của truyền thông nội bộ đến hạnh phúc và kết quả làm việc của nhân viên tại các ngân hàng thương mại ở Hà Nội. Số liệu thu thập từ 309 phiếu điều tra nhân viên ngân hàng được xử lý qua phần mềm SmartPLS4 cho thấy, sự tác động của truyền thông nội bộ đến hạnh phúc của nhân viên là mạnh nhất. Tiếp đến là sự tác động của hạnh phúc đến kết quả làm việc và cuối cùng là sự tác động trực tiếp của truyền thông nội bộ đến kết quả làm việc của nhân viên. Nghiên cứu còn khẳng định, hạnh phúc của nhân viên đóng vai trò trung gian một phần trong mối quan hệ giữa truyền thông nội bộ và kết quả làm việc của nhân viên các ngân hàng thương mại trên địa bàn Hà Nội. Nghiên cứu cũng đề xuất một số khuyến nghị cho các nhà quản trị tại các ngân hàng thương mại nhằm cải thiện hoạt động truyền thông nội bộ để gia tăng hạnh phúc và kết quả làm việc của nhân viên. Tuy nhiên, nghiên cứu mới chỉ dừng lại ở việc đề xuất các hình thức giao tiếp nội bộ và tăng cường sự tham gia của nhân viên vào hoạt động giao tiếp nội bộ. Do vậy, hướng nghiên cứu trong tương lai nên tập trung vào việc tối ưu hóa hệ thống truyền thông nội bộ nhằm tăng cường hạnh phúc và cải thiện kết quả làm việc của nhân viên ngân hàng thương mại.
9 Bảo đảm quyền con người trong đại dịch COVID-19 và những vấn đề pháp lý đặt ra cho Việt Nam / Nguyễn Linh Giang // Khoa học và công nghệ Việt Nam .- 1 .- Số 4 .- Tr. 47-52 .- 340
Trong thời gian từ năm 2020 đến năm 2023, đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng lớn đến đời sống con người và đặt các quốc gia trên thế giới vào một tình huống chưa từng có tiền lệ với nhiều vấn đề pháp lý cần phải giải quyết. Trong bối cảnh phải thực thi các biện pháp đối phó với đại dịch, ưu tiên quyền được chăm sóc sức khỏe và quyền được sống của con người, các quốc gia buộc phải đưa ra các biện pháp hạn chế một số quyền con người khác. Từ việc đánh giá các ảnh hưởng của COVID-19 đến các quyền con người như: quyền được chăm sóc sức khỏe, quyền có mức sống thỏa đáng, quyền tự do đi lại, quyền giáo dục, quyền tự do ngôn luận, quyền riêng tư, quyền không bị phân biệt đối xử, quyền làm việc, bài viết phân tích những vấn đề pháp lý đặt ra trong đại dịch liên quan đến hạn chế quyền con người và chế tài xử lý các vi phạm trong phòng chống dịch, từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong lĩnh vực xây dựng và thực thi pháp luật để có sự chuẩn bị tốt hơn cho các tình huống tương tự có thể xảy ra trong tương lai.
10 Góp phần minh định cách diễn đạt “Khủng hoảng truyền thông” tại Việt Nam qua khảo sát một số tài liệu về truyền thông / Nguyễn Xuân Hồng // Khoa học và công nghệ Việt Nam .- 2025 .- Số 4 .- Tr. 61-68 .- 658.8
Ở Việt Nam, khoảng gần hai thập niên trở lại đây, cụm từ “khủng hoảng truyền thông” được sử dụng rộng rãi với hàm ý chỉ tất cả những vụ việc “ồn ào” xuất hiện trên các kênh truyền thông, bao gồm các nền tảng mạng xã hội và báo chí. Tuy nhiên, về mặt học thuật trong lĩnh vực truyền thông của thế giới, cho đến nay không tồn tại thuật ngữ “communication crisis” (cách dịch sát nhất sang tiếng Anh cho cụm từ “khủng hoảng truyền thông”) mà chỉ phổ biến thuật ngữ “crisis communication” (dịch sang tiếng Việt là “truyền thông xử lý khủng hoảng”). Bài báo này bước đầu làm rõ sự tồn tại hay không của thuật ngữ “khủng hoảng truyền thông” thông qua khảo sát một số nghiên cứu, tài liệu học thuật về quản trị và truyền thông xử lý khủng hoảng của các tác giả trên thế giới, có sự so sánh, đối chiếu với Việt Nam để làm rõ và chuẩn hóa cách sử dụng thuật ngữ chuyên ngành trong tiếng Việt. Đồng thời, bài báo cũng vận dụng một số lý thuyết, mô hình liên quan đã được các học giả quốc tế đề xuất để làm cơ sở lý giải cho cách diễn đạt “khủng hoảng truyền thông” ở Việt Nam.