CSDL Bài trích Báo - Tạp chí
chủ đề: Bất bình đẳng thu nhập
1 Cải thiện bất bình đẳng thu nhập thông qua phát triển tài chính và kiểm soát tham nhũng địa phương tại một số tỉnh, thành Việt Nam / Kim Hương Trang, Từ Lê Mai, Phan Thị Huyền Anh, Nguyễn Văn Hiệp, Đoàn Thị Phương Ly, Mạc Thị Thanh Vân // .- 2024 .- Số 12 - Tháng 6 .- Tr. 3-8 .- 332
Bài nghiên cứu được thực hiện nhằm phân tích, đánh giá về thực trạng của phát triển tài chính, tham nhũng địa phương và bất bình đẳng thu nhập tại 53 tỉnh, thành Việt Nam. Nghiên cứu sử dụng dữ liệu của các tỉnh, thành từ các nguồn thứ cấp trong 7 năm không liên tục, từ năm 2014 đến năm 2022. Thông qua các phương pháp nghiên cứu định tính và tổng hợp so sánh, nghiên cứu đã chỉ ra sự thay đổi của phát triển tài chính, tham nhũng địa phương và bất bình đẳng thu nhập, đồng thời, ghi nhận tác động cùng chiều của phát triển tài chính đến bất bình đẳng thu nhập và ảnh hưởng của tham nhũng địa phương đến mối quan hệ này. Từ đó, nghiên cứu đề xuất một số hàm ý chính sách nhằm cải thiện bất bình đẳng thu nhập thông qua phát triển tài chính và kiểm soát tham nhũng địa phương trong tương lai cho các tỉnh, thành nói riêng và Việt Nam nói chung.
2 Tác động của phát triển công nghệ thông tin và truyền thông đến bất bình đẳng thu nhập: Bằng chứng thực nghiệm ở Việt Nam / Nguyễn Thị Hoài Thu // .- 2024 .- Số 324 - Tháng 06 .- Tr. 2-10 .- 330
Nghiên cứu này sử dụng dữ liệu cấp tỉnh trong giai đoạn 2012-2020 và mô hình tác động cố định để đánh giá tác động của phát triển công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) đến bất bình đẳng thu nhập ở Việt Nam. Bằng cách xem xét phát triển ICT ở các địa phương thông qua các chỉ số khác nhau, kết quả cho thấy sự phát triển hạ tầng kỹ thuật ICT có tác động làm giảm chênh lệch thu nhập giữa nhóm dân số giàu nhất và nghèo nhất. Tuy nhiên, mức độ triển khai ứng dụng công nghệ thông tin của khu vực công lại đang làm gia tăng bất bình đẳng thu nhập. Nghiên cứu này không tìm thấy bằng chứng cho thấy mức độ phát triển hạ tầng nhân lực xã hội có tác động đến bất bình đẳng thu nhập. Bên cạnh ảnh hưởng của phát triển ICT ở các địa phương, tăng trưởng kinh tế và thay đổi cơ cấu ngành kinh tế cũng đang có tác động đến chênh lệch giàu nghèo ở Việt Nam.
3 Tác động của đô thị hóa đến bất bình đẳng thu nhập: Nghiên cứu với dữ liệu cấp tỉnh ở Việt Nam / Nguyễn Thị Hoài Thu // .- 2024 .- Số 322 - Tháng 04 .- tR. 12-20 .- 330
Nghiên cứu này đánh giá tác động của đô thị hóa đến bất bình đẳng thu nhập ở Việt Nam với dữ liệu của 63 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương trong giai đoạn 2015-2019. Kết quả từ mô hình tác động cố định cho thấy tồn tại mối quan hệ chữ U ngược giữa mức độ đô thị hóa và bất bình đẳng thu nhập ở Việt Nam. Đô thị hóa trong giai đoạn đầu làm gia tăng bất bình đẳng thu nhập, tuy nhiên sau khi vượt qua một ngưỡng nhất định, đô thị hóa làm giảm bất bình đẳng. Nghiên cứu này cho thấy bất bình đẳng ở các tỉnh của Việt Nam có xu hướng giảm xuống khi tỷ lệ đô thị hóa vượt qua ngưỡng khoảng 35,18%. Tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so với kết quả ở một số nghiên cứu trên thế giới, cho thấy quá trình đô thị hóa ở Việt Nam có tính bao trùm khá cao. Tuy nhiên với tỷ lệ đô thị hóa đang tương đối thấp ở nhiều tỉnh thành, đẩy mạnh đô thị hóa trong thời gian tới có nguy cơ làm gia tăng bất bình đẳng ở Việt Nam. Kết quả có được hàm ý rằng các chính sách hướng tới giảm bất bình đẳng thu nhập cần phù hợp với giai đoạn đô thị hóa ở các địa phương.
4 Tác động của FDI, độ mở thương mại và di cư đến bất bình đẳng thu nhập tại các quốc gia đang phát triển / Tô Thị Hồng Gấm, Nguyễn Mậu Bá Đăng, Nguyễn Vũ Duy // Tài chính .- 2023 .- Số 805 .- Tr. 171-173 .- 332.6
Nghiên cứu nhằm đánh giá tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), độ mở thương mại và di cư đến bất bình đẳng thu nhập ở các nền kinh tế đang phát triển thông qua dữ liệu mẫu 36 quốc gia đang phát triển trong giai đoạn 2008-2020 theo cách tiếp cận Bayes. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, FDI di cư có tác động cùng chiều với bất bình đẳng thu nhập trong khi mối quan hệ giữa độ mở thương mại và bất bình đẳng thu nhập là ngược chiều. Từ đó, nghiên cứu đưa ra một số hàm ý chính sách đối với các quốc gia đang phát triển trong việc cải thiện tình trạng bất bình đẳng thu nhập khi theo đuổi chính sách thu hút vốn FDI.
5 Kinh nghiệm giải quyết bất bình đẳng thu nhập ở một số quốc gia trên thế giới và bài học cho Việt Nam / Khuất Thị Bình // .- 2023 .- Số 238 .- Tr. 85-88 .- 330
Bất bình đẳng thu nhập (BBĐTN) là chênh lệch thu nhập và tài sản giữa các cá nhân, nhóm trong xã hội hay giữa các quốc gia. Bất bình đẳng thu nhập xuất hiện tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Gần đây, bất bình đẳng thu nhập gia tăng nhanh chóng tại nhiều nước đang phát triển ở Đông Á đang đe dọa nền tảng tăng trưởng kinh tế trong khu vực. Bài viết sẽ nêu khái quát về vấn đề bất bình đẳng thu nhập và kinh nghiệm giải quyết bất bình đẳng thu nhập ở một số quốc gia trên thế giới và bài học cho Việt Nam.
6 Ảnh hưởng của COVID-19 đến lao động phi chính thức và bất bình đẳng thu nhập tại Việt Nam / Hoàng Thị Huệ, Nguyễn Quang Huy, Phạm Thị Thục Hiền, Nguyễn Thị Thu Huyền, Phạm Ngọc Anh // Kinh tế & phát triển .- 2022 .- Số 303 .- Tr. 13-23 .- 330
Bài viết nghiên cứu mối quan hệ giữa đại dịch Covid-19, lao động phi chính thức và bất bình đẳng thu nhập tại Việt Nam thông qua bộ dữ liệu Điều tra Lao động Việc làm trong 3 quý đầu năm 2021. Sử dụng mô hình probit, nghiên cứu chỉ ra Covid-19 làm giảm xác suất trở thành lao động phi chính thức. Đồng thời, thông qua chỉ số Theil’s L, kết quả cũng khẳng định lao động phi chính thức là nguyên nhân chính gây nên bất bình đẳng thu nhập. Bên cạnh đó, nghiên cứu sử dụng phân rã Blinder-Oaxaca phân tích các yếu tố gây nên sự bất bình đẳng thu nhập giữa lao động phi chính thức và chính thức. Kết quả cho thấy nhóm đặc điểm cá nhân góp phần tăng bất bình đẳng thu nhập, trong khi nhóm đặc điểm lao động – việc làm và địa lý có xu hướng ngược lại. Từ đó, nghiên cứu cung cấp một số khuyến nghị làm giảm rủi ro và cân bằng phân phối thu nhập của lao động phi chính thức trong bối cảnh Covid-19.
7 Bất bình đẳng thu nhập ở Việt Nam / Hồ Thị Hòa, Nguyễn Anh Quang // Nghiên cứu Tài chính Kế toán .- 2022 .- Soos(230) .- Tr. 21-24 .- 330
Thông qua các chỉ tiêu đo lường bất bình đẳng thu nhập gồm: hệ số chênh lệch thu nhập giữa nhóm dân cư giàu nhất và nghèo nhất; đường cong Lorenz; và hệ số Gini cho thấy bất bình đẳng thu nhập ở Việt Nam giai đoạn 2010-2020 có xu hướng gia tăng. Tuy nhiên, sự gia tăng này là xu hướng chung thời kỳ đầu của quá trình phát triển kinh tế.
8 Nhân tố tác động đến bất bình đẳng thu nhập / Phạm Thái Hà // Nghiên cứu Tài chính Kế toán .- 2021 .- Số 219 .- Tr. 33 - 37 .- 330
Bất bình đẳng thu nhập là chênh lệch giữa các cá nhân, các nhóm trong xã hội hay giữa các quốc gia trong việc phân phối các tài sản, sự giàu có, hay thu nhập. Các vấn đề bất bình đẳng thu nhập liên quan đến công bằng, bình đẳng về kết quả, bình đẳng về cơ hội và tuổi thọ. Bất bình đẳng thu nhập chính là việc phân phối thu nhập không công bằng diễn ra giữa các cá nhân hộ gia đình trong nền kinh tế. Bài viết này đề cập đến những nhân tố chủ quan và khách quan tác động đến bất bình đẳng thu nhập.
9 Từ quan niệm công bằng của Mác nhìn nhận bất bình đẳng thu nhập tại Việt Nam hiện nay / Nguyễn Thị Phương Sang // Nghiên cứu kinh tế .- 2019 .- Số 3 .- Tr. 31-40 .- 658
Bất bình đẳng về thu nhập quá cao giữa các nhóm hộ gia đình, giữa các vùng miền có thể gây ra những tác động tiêu cực tới phát triển kinh tế, nghiêm trọng hơn có thể dẫn tới khủng hoảng và bất ổn xã hội. Chính vì vậy, tăng trưởng kinh tế và công bằng thu nhập luôn là mục tiêu hàng đầu mà các quốc gia mong muốn đạt được trong dài hạn. Trên thế giới, có rất nhiều nghiên cứu liên quan tới chủ đề bất bình đẳng về thu nhập cả ở khía cạnh lý thuyết và thực tế. Bài viết xuất phát từ quan niệm công bằng của Mác, trên cơ sở đó phân tích thực trạng tăng trưởng kinh tế, bất bình đẳng về thu nhập được kiểm soát khá tốt, tuy nhiên, vẫn tồn tại khoảng cách giữa các nhóm thu nhập, đặc biệt là ở những vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này là do sự khác biệt về vị trí địa lý, về cơ hội tiếp cận các dịch vụ công và tiếp cận thị trường.
10 Bất bình đẳng chi tiêu công cho giáo dục và thu nhập tại Việt Nam / Võ Hồng Đức, Võ Thế Anh, Hồ Minh Chí // Kinh tế & phát triển .- 2020 .- Số 272 .- Tr. 2-12 .- 330
Chi tiêu công cho giáo dục là vấn đề nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội ở các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm cung cấp các kết quả định lượng cho hai mục tiêu nghiên cứu sau đây. Thứ nhất, nghiên cứu xác định mức độ chênh lệch chi tiêu công cho giáo dục tại Việt Nam, dựa trên phương pháp mới được phát triển bởi Vo (2008, 2009, 2010). Thứ hai, nghiên cứu xây dựng và xác định mối tương quan giữa chênh lệch chi ngân sách cho giáo dục và phân phối thu nhập tại Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy bất bình đẳng chi tiêu công cho giáo dục làm tăng bất bình đẳng thu nhập tại Việt Nam. Bên cạnh đó, chi ngân sách đảm bảo an ninh xã hội lại làm giảm bất bình đẳng thu nhập. Nghiên cứu này chỉ ra rằng giảm chênh lệch giữa mức độ chi tiêu công cho giáo dục giữa các đơn vị trong cả nước và trong mỗi địa phương sẽ góp phần làm giảm bất bình đẳng về thu nhập tại Việt Nam.