CSDL Bài trích Báo - Tạp chí

chủ đề: Môi trường

  • Duyệt theo:
21 Thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam trong việc thực thi các cam kết môi trường theo EVFTA và một số đề xuất khắc phục / Trần Linh Huân // Khoa học pháp lý .- 2023 .- Số 01(161) .- Tr. 106 – 114 .- 340

Bài viết tập trung phân tích các cam kết về môi trường trong Hiệp định EVFTA, các yêu cầu đặt ra đối với việc thực thi cam kết này, cũng như làm rõ một số tác động của các cam kết về môi trường trong Hiệp định EVFTA đối với doanh nghiệp Việt Nam; từ đó đưa ra một số định hướng hoàn thiện về mặt chính sách, pháp luật trên cơ sở đáp ứng được các yêu cầu thực thi cam kết bảo vệ môi trường trong Hiệp định EVFTA.

22 Thực trạng kế toán tài chính môi trường và giải pháp hoàn thiện / Trần Hải Long, Ngô Văn Lượng // .- 2023 .- Số 238 .- Tr. 20-25 .- 657

Kế toán môi trường (KTMT) là một công cụ quan trọng và cần thiết, không chỉ giúp các doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường mà còn cải thiện hiệu quả kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Hiện nay, kế toán môi trường đang còn là vấn đề rất mới ở nước ta. Do vậy, nghiên cứu thực trạng kế toán môi trường có ý nghĩa quan trọng trong việc đề xuất các giải pháp hoàn thiện và vận dụng trong thực tiễn, góp phần quản lý chi phí, gia tăng lợi nhuận, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, tạo lập bước đi vững chắc cho các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.

23 Tác động của toàn cầu hóa kinh tế và già hóa dân số đến lượng phát thải khí CO2 ở các quốc gia có thu nhập cao / Trần Thùy Linh // .- 2023 .- Số 628+629 .- Tr. 7-9 .- 330

Bài viết đánh giá tác động của toàn cầu hóa kinh tế và già hóa dân số đến lượng phát thải khí CO2 ở các quốc gia có thu nhập cao. Kết quả nghiên cứu cho thấy toàn cầu hóa kinh tế và già hóa dân số làm giảm lượng khí thải CO2 ở các nước có thu nhập cao. Ngoài ra sử dụng năng lượng góp phần cải thiện chất lượng môi trường giảm lượng khí phát thải CO2. Nghiên cứu cũng cho thấy mức độ phong phú của tài nguyên thiên nhiên và tăng trưởng kinh tế là những yếu tố làm tăng lượng phát thải CO2 tại quốc gia có thu nhập cao.

24 Tác động của các tai biến môi trường tới an ninh lương thực khu vực ven sông Hậu/Lê Thị Hoa / Lê Thị Hoa // Nghiên cứu địa lý nhân văn .- 2022 .- Số 4 (39) .- Tr. 22 - 29 .- 363

Dưới góc nhìn an ninh lương thực, những tai biến môi trường đã khiến khu vực ven sông Hậu phải đối mặt với những khó khăn, rủi ro nhất định trong sản xuất lương thực. Các tai biến môi trường tự nhiên như xâm nhập mặn, hạn hán, sự bất thường của lũ, sự thay đổi dòng chảy, sạt lở bờ sông, xói lở bò biển đã có những tác động nhất định làm giảm diện tích và năng suất sản xuất lương thực tại khu vực ven sông Hậu. Ngoài ra, các tai biến môi trường còn tác động ảnh hưởng làm tăng chi phí lao động, chi phí đầu tư trong gieo trồng, sản xuất luá, diện tích gieo trồng lương thực đang trong tương lai ở vùng đồng bằng ven sông Hậu và khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Thực tiễn trên đặt ra nhu cầu cấp thiết cần nhận diện, nghiên cứu xây dựng và nhân rộng các mô hình sinh kế bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, thiên tai khu vực ven sông Hậu hiện nay và trong thời gian tới.

25 Hoàn thiện pháp luật để thực hiện các cam kết về môi trường theo các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới / Bùi Hải Thiêm, Trần Thị Quang Hồng // Nghiên cứu Lập pháp .- 2022 .- Số 14(462) .- Tr. 10-16 .- 340

Quốc hội có vai trò quan trọng trong việc hoàn thiện pháp luật nhằm thực hiện các cam kết của Việt Nam theo các Hiệp định thương mại tự do. Các cam kết về môi trường theo hai Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, điển hình là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đang đặt ra cho Quốc hội nhiều yêu cầu cao hơn ở phương diện “nội luật hoá” để pháp luật tương thích với các cam kết, đóng góp vào việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện các cam kết quốc tế đó.

26 Ảnh hưởng của một số yếu tố trong quá trình hấp phụ ion Niken bởi phụ phẩm nông nghiệp / Trần Thị Kiều Ngân, Lê Văn Thuận // Khoa học & Công nghệ Đại học Duy Tân .- 2022 .- Số 4(53) .- Tr. 72-79 .- 363

Trong nghiên cứu này, ba dạng phế phẩm nông nghiệp là vỏ đậu phụng (VĐP), vỏ trấu (VT), và bã cà phê (CF) đã được sử dụng để xử lý ion niken (Ni(II)) trong môi trường nước. Kết quả phân tích bằng phương pháp SEM và FTIR cho thấy vật liệu VĐP, VT và CF sở hữu các đặc trưng về hình thái và các nhóm chức thuận lợi cho quá trình hấp phụ ion Ni(II). Ở điều kiện tối ưu pH 6, thời gian hấp phụ 90 phút (đối với VĐP), 60 phút (đối với VT, bã CF), và liều lượng hấp phụ là 10g/L, hiệu suất loại bỏ ion Ni(II) lần lượt là 89.05%, 59.00% và 60.00%. Theo tính toán thực nghiệm, dung lượng hấp phụ cực đại của VĐP, VT, bã CF đối với Ni(II) lần lượt đạt 106.59mg/g, 51.30mg/g và 45.23mg/g. Kết quả nghiên cứu khẳng định rằng vật liệu VĐP, VT, và bã CF là những vật liệu hấp phụ giá rẻ, thân thiện với môi trường và có triển vọng cao trong ứng dụng xử lý các kim loại nặng trong nước thải.

27 Một cách tiếp cận đánh giá kết quả thực hiện chiến lược trong khu vực công tại Việt Nam / Đặng Thị Phương Hà, Hoàng Thanh Thương, Mai Thanh Dung, Lê Văn Nga // Tài nguyên & Môi trường .- 2022 .- Số 15(389) .- Tr. 17-20 .- 363

Bài viết tập trung vào cách tiếp cận đánh giá kết quả chiến lược dựa trên lý thuyết về sự thay đổi và đánh giá dựa trên kết quả, nhằm góp phần làm rõ về mặt cơ sở lý thuyết cũng như rút ra một số bài học kinh nghiệm trong hoạt động đánh giá kết quả chiến lược tại Việt Nam, bao gồm đánh giá kết quả thực hiện các chiến lược của ngành Tài nguyên và Môi trường.

28 Sàng lọc và nghiên cứu khả năng sinh tổng hợp lignin peroxidase (LIP) từ nấm trên môi trường lên men lỏng / Vũ Đình Giáp, Đặng Thu Quỳnh, Đỗ Hữu Nghị // Công nghệ Sinh học .- 2021 .- Số 4(Tập 19) .- Tr. 771-778 .- 570

Phân tích sàng lọc và nghiên cứu khả năng sinh tổng hợp lignin peroxidase (LIP) từ nấm trên môi trường lên men lỏng. Nấm lớn được biết đến có khả năng sinh tổng hợp nhiều enzyme khác nhau như enzyme thủy phân ngoại bào và oxy hóa để tấn công hiệu quả các cấu trúc lignocellulose trong thành tế bào thực vật. Enzyme có khả năng oxy hóa các hợp chất có tiềm năng oxy hóa các hợp chất có tiềm năng oxy hóa khử cao khi có mặt H2O2 dẫn đến quá trình oxy hóa electron các hợp chất khác nhau bao gồm phenol, amin thơm. Thông qua phản ứng trùng hợp, các hợp chất có vòng phenol giảm khả năng phản ứng và độ hòa tan, do đó làm giảm độc tính. Vì vậy, LiP được ứng dụng để làm sạch nguồn chất thải có hàm lượng phenol cao và độc tố phenol halogen với thành phần chính là các hợp chất hydroxyl phenol.

29 Độc lực và ảnh hưởng của một số yếu tố môi trường lên sự phát triển của Aeromonas hydrophila gây bệnh trên cá rô phi và biến đổi mô bệnh học trên cá nhiễm bệnh / Đoàn Thị Nhinh, Vũ Đức Mạnh, Nguyễn Thị Hương Giang, Đặng Thị Lụa, Trương Đình Hoài // Khoa học Công nghệ Việt Nam - B .- 2022 .- Số 5(Tập 64) .- Tr. 51-57 .- 570

Nhằm đánh giá độc lực và ảnh hưởng của một số yếu tố môi trường lên sự phát triển của Aeromonas hydrophila gây bệnh trên cá rô phi và biến đổi mô bệnh học trên cá nhiễm bệnh. Kết quả cho thấy, liều gây chết 50% (LD50) cá thí nghiệm của A. hydrophila trung bình là 4,6x105 CFU/cá, cá cảm nhiễm thể hiện các dấu hiệu bệnh giống khi mắc bệnh tự nhiên (xuất huyết gốc vây, da, hậu môn, xuất huyết, mô nội quan như: gan, thận, lách, ruột). Các đặc điểm bệnh lý vi thể gồm mang tăng sinh, xuất huyết, mô nội quan như: gan, thận, lách xung huyết, xuất huyết và thoái hóa, não xâm nhiễm vi khuẩn gây bệnh. Các chủng vi khuẩn A. hydrophila gây bệnh trên cá rô phi có sức kháng rất mạnh với yếu tố bất lợi trong môi trường nuôi, chúng có thể tồn tại và phát triển ở khoảng nhiệt rộng (15-45%), độ mặn 0-60%o, pH 5-10. Kết quả nghiên cứu là cơ sở khoa học nhằm xây dựng chiến lược và hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh do A. hydrophila cho cá rô phi nói riêng và các loài cá nước ngọt nói chung.

30 Đánh giá lượng phát thải khí nhà kính của hộ gia đình ở thành phố Cần Thơ / Nguyễn Thị Hồng Điệp, Phan Kiều Diễm, Phạm Thị Bích Thảo, Nguyễn Thanh Giao, Đinh Thị Cẩm Nhung, Nguyễn Kiều Diễm, Hồ Ngọc Linh, Nguyễn Minh Nghĩa // Khoa học Công nghệ Việt Nam - B .- 2022 .- Số 4(Tập 64) .- Tr. 54-59 .- 363

Nghiên cứu đánh giá lượng phát thải khí nhà kính từ các hoạt động dân sinh tại quận Ninh Kiều, Cái Răng và Bình Thủy của TP Cần Thơ. Phương pháp tính toán lượng phát thải dựa trên công thức và hệ số phát thải ô nhiễm ABC EIM (2013) cho 3 loại khí nhà kính gồm CO, CH4 và N2O. Việc phát thải khí nhà kính ngày càng lớn vào khí quyển đã và đang gây tác động nghiêm trọng đến ô nhiễm môi trường, làm thay đổi thành phần và chất lượng không khí; sự nóng lên của khí quyển Trái đất làm nhiệt độ tăng ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Kết quả ước tính và kiểm kê khí nhà kính hàng năm là rất cần thiết nhằm xác định các nguồn và lượng khí phát thải để hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách xây dựng kịch bản giảm nhẹ và giải pháp giảm thiểu lượng phát thải khí nhà kính nhằm cải thiện chất lượng môi trường tại địa phương.