CSDL Bài trích Báo - Tạp chí

chủ đề: Pháp luật

  • Duyệt theo:
1 Pháp luật về kinh tế tuần hoàn của Nhật Bản và một số gợi ý cho Việt Nam / Kiều Thị Phương Hoa, Trần Thị An Tuệ // .- 2024 .- Số 826 - Tháng 6 .- Tr. 181-184 .- 346.5970702632

Nhật Bản là quốc gia thứ hai trên thế giới ban hành luật điều chỉnh kinh tế tuần hoàn. Đến nay, việc thực hiện luật này đã đem lại nhiều thành tựu cho nền kinh tế Nhật Bản, giúp nước này chuyển đổi thành công từ một nền kinh tế tuyến tính để dần dần đạt đến nền kinh tế tuần hoàn. Quá trình chuyển đổi của Nhật Bản đã để lại cho thế giới nhiều bài học trong việc xây dựng chính sách, đặc biệt là trong việc xây dựng hệ thống pháp luật điều chỉnh kinh tế tuần hoàn. Tại Việt Nam, kinh tế tuần hoàn còn khá mới mẻ, vẫn chưa tạo được hành lang pháp lý đảm bảo việc thực hiện hiệu quả mô hình này. Bài viết này cung cấp hiểu biết về hệ thống pháp luật kinh tế tuần hoàn tại Nhật Bản và từ đó đưa ra một số khuyến nghị, gợi ý trong việc xây dựng, hoàn thiện về mô hình kinh tế này tại Việt Nam.

2 Vai trò của thuế sử dụng đất nông nghiệp và những vấn đề đặt ra / Đào Thanh Phương // .- 2024 .- Số 826 - Tháng 6 .- Tr. 73-76. .- 336.2

Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp được ban hành từ năm 1993 thay thế sắc thuế nông nghiệp đã được thực hiện 30 năm. Trong khi nền kinh tế đã có nhiều thay đổi và phát triển mạnh mẽ, đồng thời quá trình cải cách hệ thống thuế cũng đã được thực hiện nhiều lần để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế đất nước trong từng giai đoạn thực tiễn thì đến nay Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp vẫn chưa được sửa đổi hay thay thế. Do đó, cần có sự nhìn nhận, đánh giá vai trò của chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp để có những đề xuất điều chỉnh phù hợp với những thay đổi của nền kinh tế trong thời gian tới đây.

3 Hoàn thiện khung pháp lý nhằm thu hút dòng vốn FDI vào Việt Nam / Nguyễn Tuấn Anh // .- 2024 .- Số 827 - Tháng 6 .- Tr. 42-45 .- 340

Nghiên cứu này phân tích và đề xuất các cải tiến trong hệ thống pháp luật của Việt Nam nhằm tăng cường thu hút và thúc đẩy dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).Trong đó, tập trung vào việc đánh giá hiệu quả các biện pháp và chính sách hiện tại, đồng thời đề xuất các điều chỉnh cần thiết để tối ưu hóa môi trường đầu tư và làm tăng cường sức hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài, góp phần phát triển kinh tế và cải thiện đời sống của người dân.

4 Pháp luật Hàn Quốc về tái sử dụng nước mưa và kinh nghiệm cho Việt Nam / Phan Vĩnh Tuấn Anh // .- 2024 .- Số 4 .- Tr. 124 – 136 .- 340

Trong vấn đề quản lí tài nguyên nước, trách nhiệm tái sử dụng nước thải (bao gồm cả nước mưa) đang được nhiều quốc gia ghi nhận chính thức là một trong những chính sách cơ bản về bảo vệ môi trường và quản lí tài nguyên thiên nhiên. Tại Hàn Quốc, để giải quyết thách thức về sự thiếu hụt nguồn nước quốc gia, ngay từ sớm, các chính sách nhằm tăng cường hiệu quả quản lí, khai thác và tái sử dụng nước mưa đã được thiết lập. Trong bối cảnh Việt Nam đang không ngừng nỗ lực để hoàn thiện pháp luật về quản lí và sử dụng tài nguyên nước, các quy định của pháp luật Hàn Quốc có thể là các kinh nghiệm lập pháp có giá trị về mặt khoa học và thực tiễn. Bài viết giới thiệu, phân tích pháp luật tái sử dụng nước của Hàn Quốc với trọng tâm là quy định về quản lí, vận hành công trình sử dụng nước mưa. Thông qua việc tìm hiểu, phân tích hiện trạng pháp luật Việt Nam, bài viết đề xuất các kiến nghị lập pháp về tái sử dụng nước mưa trong tương lai trên cơ sở học hỏi có chọn lọc kinh nghiệm lập pháp của Hàn Quốc.

5 Bảo vệ đời sống riêng tư, bí mật gia đình, bí mật cá nhân dưới góc độ pháp luật công / Lê Thị Thu Mai, Nguyễn Thùy Trang // .- 2024 .- Số 4 .- Tr. 32 – 44 .- 340

Pháp luật công đóng vai trò quan trọng trong việc xác định giới hạn cầ thiết phải có sự can thiệp của Nhà nước trong việc đảm bảo trật tự chung và quyền con người, đặc biệt đối với các quyền nhân thân dễ bị xâm phạm như đời sống riêng tư, bí mật gia đình, bí mật cá nhân. Bài viết phân tích vai trò và quy định pháp luật công trong việc bảo vệ quyền đối với đời sống riêng tư, bí mật gia đình, bí mật cá nhân, từ đó đưa ra một số đề xuất, kiến nghị hoàn thiện pháp luật liên quan đến việc nhận diện và bảo đảm các quyền này.

6 Các yếu tố ảnh hưởng đến ý thức chấp hành pháp luật thuế của người nộp thuế / Tôn Thất Viên // .- 2024 .- Số 825 - Tháng 5 .- Tr. 73 - 76 .- 340

Bài viết nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến ý thức chấp hành pháp luật thuế của đối tượng nộp thuế ở Việt Nam. Từ cơ sở lý thuyết, phương pháp nghiên cứu thông qua phương trình hồi quy đến kết quả nghiên cứu, bài viết đề xuất các giải pháp để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật thuế của người nộp thuế.

7 Giải thích và hướng dẫn áp dụng pháp luật trong bộ Hoàng Việt luật lệ thời Nguyễn và những giá trị tham khảo / Trần Hồng Nhung, Đoàn Thị Tó Uyên // .- 2024 .- Số 3 .- Tr. 17 – 28 .- 340

Trong lịch sử, thời Nguyễn, song song với việc ban hành pháp luật, Nhà nước cũng chú trọng việc giải thích và hướng dẫn áp dụng pháp luật, thể hiện rõ nét trong bộ Hoàng Việt luật lệ - bộ luật thành văn chính thức của triều Nguyễn thời kì độc lập tự chủ. Nét độc đáo trong kĩ thuật xây dựng các điều khoản của bộ luật này là việc giải thích và hướng dẫn áp dụng pháp luật được thực hiện ngay trong chính bộ luật, vừa làm sáng rõ hơn các quy định, tạo thuận lợi hơn trong quá trình thực hiện, áp dụng pháp luật vừa đảm bảo thống nhất với ý chí, quan điểm của chính cơ quan ban hành luật. Liên hệ với thực tiễn hiện nay, việc giải thích và hướng dẫn áp dụng pháp luật chưa được quan tâm đúng mức đã dẫn đến việc hiểu, áp dụng, thực thi pháp luật chưa thống nhất, hiệu quả chưa cao. Bài viết thông qua việc tìm hiểu cách thức giải thích pháp luật trong bộ Hoàng Việt luật lệ thời Nguyễn nhằm chỉ ra những giá trị tham khảo góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng của hoạt động giải thích pháp luật và hướng dẫn áp dụng pháp luật ở Việt Nam hiện nay.

8 Bảo vệ dữ liệu cá nhân bằng biện pháp tố tụng dân sự ở Việt Nam hiện nay / Trần Phương Thảo // .- 2024 .- Số 3 .- Tr. 39 – 46 .- 340

Trước tác động mạnh mẽ của kỉ nguyên số như hiện nay, nhu cầu bảo vệ dữ liệu cá nhân là rất cấp thiết. Bài viết nghiên cứu về bảo vệ dữ liệu cá nhân bằng biện pháp tố tụng dân sự. Trên cơ sở xác định, đánh giá các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 để bảo vệ dữ liệu cá nhân, bài viết đưa ra một số vấn đề như cần hoàn thiện pháp luật về nguyên tắc, thẩm quyền của toà án, chứng cứ là dữ liệu điện tử để việc bảo vệ dữ liệu cá nhân bằng biện pháp tố tụng dân sự đạt được hiệu quả cao hơn.

9 Pháp luật về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động và một số giải pháp / Đoàn Thị Vượng, Ngô Tấn Tài,Phạm Thị Thúy Hằng Cao Phát Đạt, Nguyễn Đại Nam, Huỳnh Trọng Tín // .- 2024 .- Số 655 - Tháng 3 .- Tr. 96-97 .- 340

Trong bối cảnh hiện nay, quan hệ lao động giữa con người với con người ngày càng trở nên đa dạng, phức tạp hơn bao giờ hết bởi sự tự do đi lại và dịch chuyển lao động giữa các quốc gia trên thế giới ngày càng diễn ra rất sôi động. Để đáp ứng được những yêu cầu và thách thức của thời đại mới, Đảng và Nhà nước cần đưa ra những chủ trương chính sách kịp thời cùng các quy định phù hợp tình hình đất nước nhằm điều chỉnh các mối quan hệ lao động với thực tiễn đang diễn ra để đảm bảo sự công bằng và bình đẳng trong quan hệ lao động đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của nền kinh tế và đời sống xã hội ổn định, và mối quan hệ bền vững giữa người sử dụng lao động và người lao động theo nguyên tắc cộng sinh cùng có lợi.

10 Thực trạng pháp luật và cơ sở hạ tầng để triển khai thị trường các-bon tại Việt Nam / Nguyễn Thị Phương Nhung // .- 2024 .- Số 823 - Tháng 4 .- Tr. 14-17 .- 349.597

Trước những vấn đề cấp bách của hiện tượng thời tiết cực đoan, nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang xây dựng một số công cụ định giá các-bon. Đặc biệt phải kể đến thị trường các-bon nội địa – công cụ được nhiều quốc gia ưu tiên triển khai vì tính hiệu quả của công cụ này. Các định hướng, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội gần đây của Việt Nam đã ghi nhận tầm quan trọng của việc phát triển thị trường các-bon trong nước cùng với việc tham gia thị trường quốc tế để trao đổi và bù trừ tín chỉ các-bon. Bài viết này đánh giá thực trạng pháp luật và cơ sở hạ tầng sẵn có để đánh giá cơ sở triển khai thực hiện và quản lý thị trường các-bon trong nước.