CSDL Bài trích Báo - Tạp chí
Khoa Xây Dựng
21 Khả năng kháng chọc thủng của liên kết sàn phẳng bê tông cốt thép - cột ống thép nhồi bê tông theo aci 318-14 và eurocode 2 / // Khoa học công nghệ xây dựng .- 2025 .- Số g 1V .- Tr. 13 - 23 .- 624
Nghiên cứu này phân tích hiệu quả kháng chọc thủng của các phương pháp gia cường kháng cắt được khảo sát trong các nghiên cứu thực nghiệm gần đây. Sau đó, các kết quả khảo sát thực nghiệm về khả năng kháng chọc thủng của liên kết được so sánh với công thức dự đoán trong các tiêu chuẩn ACI 318-14 và Eurocode 2. Các phân tích và so sánh cho thấy có một số chênh lệch đáng kể giữa kết quả dự đoán theo công thức trong tiêu chuẩn với các kết quả khảo sát thực nghiệm do các công thức chưa xem xét một cách đầy đủ sự ảnh hưởng của các thông số của liên kết. Do đó, một công thức hiệu chỉnh thông số chu vi tháp chọc thủng dựa trên tiêu chuẩn Eurocode 2 được đề xuất để dự đoán khả năng kháng chọc thủng của liên kết sàn phẳng bê tông cốt thép – cột ống thép nhồi bê tông. Kết quả so sánh với dữ liệu thực nghiệm cho thấy công thức đề xuất có thể dự đoán khả năng kháng chọc thủng của liên kết tốt hơn so với các công thức trong tiêu chuẩn ACI 318-14 và Eurocode 2.
22 Nghiên cứu xác định ứng suất cắt lớn nhất ở tầng mặt bê tông nhựa trong kết cấu áo đường mềm bằng phương pháp phần tử hữu hạn / Nguyễn Văn Bích, Trần Đức Anh, Bùi Phú Doanh // Khoa học công nghệ xây dựng .- 2025 .- Số 1V .- Tr. 24 - 33 .- 624
Thực trạng hằn lún vệt bánh xe trên mặt đường bê tông nhựa các công trình giao thông trong 10 năm gần đây đã trở nên rất nghiêm trọng, dù đã có nhiều giải pháp từ quản lý tới kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải. Nguồn gốc của hiện tượng hằn lún thì có thể đến từ nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân quan trọng đến từ sức kháng cắt của hỗn hợp bê tông nhựa. Thực tế hiện nay, trong các quy trình hiện hành không có tiêu chuẩn hướng dẫn cụ thể về phương pháp xác định sức kháng cắt của hỗn hợp bê tông nhựa dẫn đến công tác thiết kế kết cấu áo đường không kiểm toán nội dung này. Bài báo này tập trung nghiên cứu giải pháp xác định ứng suất cắt lớn nhất ở tầng mặt bê tông nhựa trong kết cấu áo đường mềm bằng phương pháp phần tử hữu hạn từ đó đưa ra những kiến nghị để hướng dẫn tính toán hằn lún vệt bánh xe trong công tác thiết kế. Kết quả bài báo đã chỉ ra rằng, có thể tính được chiều sâu lún vệt bánh xe lớp bê tông nhựa trong kết cấu áo đường thông qua phần mềm Abaqus. Bên cạnh đó, nghiên cứu này cũng gợi ý có thể tối ưu hóa thiết kế dựa trên kết quả mô phỏng, giúp định hướng việc cải thiện thiết kế áo đường bằng cách điều chỉnh độ dày lớp bê tông nhựa, thay đổi vật liệu, và xem xét lại cấu trúc của lớp nền nhằm giảm thiểu ứng suất cắt và tăng độ bền lâu dài.
23 Nghiên cứu dao động kết cấu nhịp cầu dầm đơn giản sử dụng vật liệu bê tông chất lượng siêu cao (UHPC) / // Khoa học công nghệ xây dựng .- 2025 .- Số 1V .- Tr. 46 - 59 .- 624
Bê tông chất lượng siêu cao (Ultra High Performance Concrete - UHPC) với cường độ và độ bền vượt trội so với bê tông thông thường ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực xây dựng công trình nói chung và kết cấu cầu nói riêng. Để áp dụng vật liệu UHPC một cách hiệu quả, nghiên cứu ứng xử của kết cấu dầm UHPC dưới tác động của các loại tải trọng trong đó có tải trọng động là rất cần thiết. Bài báo này nghiên cứu dao động của kết cấu nhịp dầm I-UHPC cầu An Thượng (thành phố Hưng Yên) bằng phương pháp thực nghiệm và phân tích phần tử hữu hạn sử dụng phương pháp lịch sử thời gian (Time History Analysis). Phương pháp phân tích lý thuyết này được áp dụng nghiên cứu dao động của kết cấu nhịp hai phương án so sánh của cầu An Thượng là cầu dầm thép liên hợp bản bê tông và cầu dầm bản bê tông cốt thép dự ứng lực. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, nhịp cầu dầm thép liên hợp và nhịp cầu dầm UHPC rất tương đồng về mặt dao động và tần số dao động đầu tiên theo phương đứng lớn hơn nhịp cầu dầm bản BTCT.
24 Nghiên cứu tính toán kết cấu cầu cảng dạng khung không gian theo lý thuyết cơ học phá huỷ dựa trên phần mềm SAP 2000 / Trần Long Giang // Khoa học và công nghệ Việt Nam .- 2025 .- Số 5 .- Tr. 61 - 66 .- 624
SAP 2000 là phần mềm cho phép mô hình hóa chính xác kết cấu khung không gian phức tạp dưới tác dụng của nhiều loại tải trọng phức tạp; hỗ trợ nhiều loại phân tích như tĩnh học, động học và phi tuyến; giúp đánh giá toàn diện khả năng chịu lực của kết cấu dưới các tải trọng khác nhau. Giao diện trực quan và dễ sử dụng của phần mềm này giúp người dùng dễ dàng nhập dữ liệu; tiết kiệm thời gian nhờ tự động hóa quá trình tính toán và cho kết quả chi tiết (biểu đồ nội lực, ứng suất, biến dạng). Trong nghiên cứu này, tác giả sử dụng phần mềm SAP 2000 để tính toán nội lực cho kết cấu cầu cảng dạng khung không gian, sau đó dựa theo lý thuyết cơ học phá huỷ để tính toán vết nứt cho công trình cầu cảng tại Quy Nhơn (Bình Định). Qua đó, khẳng định SAP 2000 là công cụ hiệu quả để thiết kế và phân tích kết cấu cầu cảng bê tông cốt thép dạng khung không gian làm việc trong điều kiện tự nhiên và khai thác khắc nghiệt. Đồng thời, kiến nghị sử dụng lý thuyết cơ học phá huỷ vào thiết kế cầu cảng để đảm bảo an toàn và hiệu quả kinh tế cao nhất.
25 Nghiên cứu hiện tượng tắc nghẽn của bê tông rỗng thoát nước sử dụng cốt liệu tái chế từ phế thải xây dựng / // Khoa học công nghệ xây dựng .- 2025 .- Số 1V .- Tr. 1 - 12 .- 624
Bê tông rỗng thoát nước đang được ứng dụng rộng rãi trong thực tế với ưu điểm nổi bật về tính thấm nước và khả năng thoát nước bề mặt qua cấu trúc rỗng của bê tông. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, khả năng thoát nước của bê tông rỗng bị suy giảm theo thời gian do các tác nhân gây tắc nghẽn làm giảm hệ số thấm. Đây được xem là một trong những nhược điểm chính của bê tông rỗng thoát nước. Bài báo này trình bày các nguyên nhân gây ra hiện tượng tắc nghẽn, được xác định bằng thực nghiệm khi sử dụng các tác nhân tắc nghẽn phổ biến như đất sét và cát. Kết quả nghiên cứu cho thấy hiện tượng tắc nghẽn phụ thuộc vào độ rỗng thiết kế và đặc tính độ rỗng của bê tông rỗng, chiều dày của bê tông rỗng thoát nước theo phương thấm nước và kích thước hạt của tác nhân tắc nghẽn. Hệ số thấm giảm mạnh ở những lần bổ sung tác nhân gây tắc nghẽn đầu tiên, trạng thái tác nhân tắc nghẽn xâm nhập vào trong cấu trúc rỗng sẽ quyết định sự ảnh hưởng đến hệ số thấm cũng như khả năng loại bỏ và các biện pháp bảo dưỡng, duy trì khả năng thoát nước của bê tông rỗng.
26 Đặc trưng dao động của tấm fgm đàn hồi-điện-từ có vi bọt rỗng đặt trên nền đàn hồi Kerr / Vũ Văn Thẩm // Khoa học công nghệ xây dựng .- 2025 .- Số .- Tr. 134 - 151 .- 624
Bài báo xây dựng lời giải giải tích theo lý thuyết tấm bậc nhất đơn giản để phân tích dao động của tấm được chế tạo từ vật liệu FGM đàn hồi-điện-từ có vi bọt rỗng trong cấu tạo vật liệu (Po-FGMEE), tấm được đặt trên nền đàn hồi Kerr. Vật liệu Po-FGMEE được giả thiết có cơ tính biến thiên tuân theo quy luật hàm lũy thừa. Các phương trình cân bằng được thiết lập từ nguyên lý Hamilton và được giải bằng phương pháp giải tích sử dụng dạng nghiệm Navier. Độ tin cậy của mô hình và chương trình tính toán được kiểm chứng qua so sánh với các kết quả đã công bố. Các khảo sát số được thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của các tham số nền đàn hồi, chỉ số tỷ lệ thể tích của vật liệu Po-FGMEE, điện áp - từ trường bên ngoài, kiểu phân bố vi bọt rỗng, hệ số vi bọt rỗng và các kích thước hình học đến tần số dao động của tấm Po-FGMEE đặt trên nên đàn hồi.
27 Nghiên cứu tính ứng dụng của cốt thép có mũ trong công trình bê tông cốt thép bán lắp ghép tại Việt Nam / Nguyễn Văn Hùng // Khoa học công nghệ xây dựng .- 2025 .- Số 1V .- Tr. 109 - 123 .- 624
Nghiên cứu này tập trung vào đánh giá tính ứng dụng của cốt thép có mũ trong kết cấu bê tông cốt thép (BTCT) bán lắp ghép tại Việt Nam để giải quyết các vấn đề về độ bền và khả năng chống phá hủy lũy tiến. Kết quả nghiên cứu cho thấy cốt thép có mũ mang lại nhiều lợi ích so với cốt thép truyền thống, như giảm chiều dài neo và tăng cường khả năng chịu lực. Qua thí nghiệm kéo, cốt thép có mũ sử dụng phương pháp hàn nối ‘T’ thấu hoàn toàn đã chứng tỏ tính khả thi với giới hạn chảy và độ bền đáp ứng yêu cầu. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng làm rõ cơ chế chống phá hủy lũy tiến của nút dầm-cột trong BTCT bán lắp ghép dưới kịch bản mất cột giữa, khẳng định hiệu suất vượt trội của cốt thép có mũ trong việc truyền tải trọng, đặc biệt ở giai đoạn biến dạng lớn. Mặc dù việc sử dụng cốt thép có mũ làm cốt thép dọc trong các cấu kiện BTCT chưa phổ biến ở Việt Nam do thiếu tiêu chuẩn hướng dẫn, chúng có thể đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao an toàn và độ bền của các công trình. Nghiên cứu này đề xuất thúc đẩy tiêu chuẩn hóa và ứng dụng cốt thép có mũ trong ngành xây dựng tại Việt Nam.
28 Khảo sát mô hình số của dầm bê tông cốt thép tiết diện chữ t được gia cường uốn-cắt bằng CFRP / Nguyễn Đăng Nguyên, Đặng Tùng Lâm, Nguyễn Ngọc Tân // Khoa học công nghệ xây dựng .- 2025 .- Số 1V .- Tr. 94 - 108 .- 624
Bài báo giới thiệu phương pháp mô hình phần tử hữu hạn (PTHH) ba chiều cho dầm bê tông cốt thép (BTCT) chữ T chịu tải không đối xứng được gia cường uốn-cắt đồng thời bằng các dải CFRP ở đáy dầm và các dải CFRP chữ U dán trên bụng dầm. Mô hình PTHH dự đoán chính xác biểu đồ tải trọng–chuyển vị, sơ đồ vết nứt và dạng phá hủy (cắt, bong tách) của bốn dầm thí nghiệm (2 dầm đối chứng và 2 dầm gia cường). Một số tham số như cường độ chịu nén của bê tông, hàm lượng cốt thép dọc, hàm lượng cốt thép đai, số lượng lớp dán của CFRP chữ U và bề rộng cánh chữ T đã được khảo sát trong một nghiên cứu trước của chính tác giả. Trong nghiên cứu này, khảo sát tham số được mở rộng nhằm đánh giá đầy đủ hơn các yếu tố ảnh hưởng đến sự làm việc của dầm BTCT chữ T được gia cường bằng CFRP, bao gồm: sơ đồ gia cường CFRP, số lượng dải CFRP chữ U, góc dán của dải CFRP chữ U, và tính chất cơ học của CFRP (cường độ chịu kéo, mô đun đàn hồi).
29 Nghiên cứu ảnh hưởng của hệ số khuếch đại đến ứng xử chịu xoắn thuần túy của dầm hộp bê tông cốt thép / Nguyễn Vĩnh Sáng, Nguyễn Anh Dũng, Nguyễn Ngọc Thắng // Khoa học công nghệ xây dựng .- 2025 .- Số 1V .- Tr. 79 – 93 .- 624
Mô hình màng hóa mềm chịu xoắn (SMMT) được phát triển dựa trên mô hình màng hóa mềm (SMM) cho cấu kiện chịu cắt. Mô hình SMMT được hiệu chỉnh khi xem xét ứng xử kéo của bê tông và hệ số ảnh hưởng của hiện tượng Poission thông qua hệ số khuếch đại Hsu/Zhu. Ban đầu, mô hình SMMT được áp dụng để dự báo ứng xử chịu xoắn cho dầm đặc BTCT, tiếp đến các hiệu chỉnh để sử dụng dự báo cho dầm hộp BTCT chịu xoắn thông qua các hệ số khuyếc đại của bê tông gồm: ứng suất kéo, ứng suất nén và mô đun đàn hồi. Ngoài ra, ảnh hưởng của chiều dày thực của thành dầm hộp cũng được xem xét. Các hiệu chỉnh này, mô hình SMMT đã dự báo toàn bộ đường cong mô men xoắn - góc xoắn của dầm hộp BTCT chịu xoắn thuần túy. Tuy nhiên, các hệ số khuếch đại liên quan đến vật liệu bê tông được đề xuất bởi các nghiên cứu khác nhau, điều này ảnh hưởng đến ứng xử trước và sau nứt của dầm. Mô hình SMMT hiệu chỉnh mô hình hai đoạn thẳng chảy dẻo lý tưởng của cốt thép theo TCVN 5574:2018 và ảnh hưởng của hệ số khuếch đại Hsu/Zhu tại điểm phân giới 0,002 được sử dụng. Mô hình SMMT sửa đổi này cho dự báo tốt về ứng xử chịu xoắn ở giai đoạn đàn hồi và khá tốt về mô men xoắn nứt và mô men xoắn cực hạn so với các nghiên cứu thực nghiệm trước đây. Cuối cùng, ảnh hưởng của các hệ số khuếch đại bê tông cho dầm hộp BTCT được xem xét và đánh giá.
30 Ứng dụng điện thoại thông minh và phép đo gián tiếp khảo sát dao động công trình cầu / Nguyễn Hướng Dương // Khoa học công nghệ xây dựng .- 2025 .- Số 1V .- Tr. 60-68 .- 624
Bài báo này sẽ trình bày ứng dụng cảm biến gia tốc trong điện thoại xác định tần số dao động riêng của hệ kết cấu. Điện thoại được gắn lên mô hình thí nghiệm cầu dầm thép nhịp giản đơn. Kỹ thuật phân tích trên miền tần số được sử dụng để phân tích dữ liệu đo dao động. Thêm vào đó, công nghệ đo dao động công trình cầu bằng phương pháp đo gián tiếp cũng được trình bày trong bài báo này. Thay vì đặt trực tiếp trên hệ kết cấu, điện thoại được đặt trên mô hình xe đo dao động. Kết quả phân tích tần số dao động riêng của mô hình cầu thí nghiệm nhận thấy rằng cảm biến trên điện thoại thông minh có độ chính xác cao, có thể xác định chính xác tần số dao động của ba dạng dao động riêng đầu tiên của mô hình cầu. Phép đo gián tiếp đáng tin cậy, sai số so với phép đo trực tiếp nhỏ hơn 1% và có thể ứng dụng trong thực tế. Việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến hiện nay như kết hợp giữa cảm biến điện thoại thông minh và phép đo gián tiếp giúp đưa ra một giải pháp quan trắc cầu dễ lắp đặt, áp dụng, giá thành thấp.