CSDL Bài trích Báo - Tạp chí
Khoa Xây Dựng
11 Chuẩn đoán bệnh học công trình và giải pháp phù hợp để sửa chữa, gia cường kết cấu cầu yếu sử dụng dầm T bê tông cốt thép tiền áp dạng bụng cá / Trịnh Minh Hải, Vũ Thị Nga // Giao thông vận tải .- 2025 .- Số 1+2 .- Tr. 84 - 87 .- 624
Để thực hiện một dự án sửa chữa, gia cường cầu yếu thì việc chuẩn đoán đúng nguyên nhân gây hư hỏng kết cấu, từ đó lựa chọn giải pháp công nghệ và vật liệu phù hợp đóng vai trò then chốt. Chuẩn đoán kết cấu hư hỏng cần được đánh bởi các chuyên gia về kết cấu xây dựng, vật liệu, địa chất nền móng và có bề dày kinh nghiệm. Với các hư hỏng có tính phức tạp, không phổ biến, ngoài việc đánh giá, nhận định các hư hỏng của kết cấu bằng phương pháp khảo sát thu thập dữ liệu, mô phỏng phân tích theo các giả thiết thì còn cần kiểm tra lại bằng phương pháp đo đạc thực nghiệm trực tiếp trên kết cấu công trình để kiểm chứng các giả thiết đặt ra. Kết quả chỉ có thể tin cậy được khi những phân tích và mô phỏng phải phù hợp với hư hỏng thực tế và phù hợp với kết quả đo đạc kiểm chứng. Trong bài báo này, tác giả phân tích một số bất cập trong hồ sơ thiết kế (HSTK) sửa chữa của một dự án cầu yếu, đưa ra cơ sở khoa học để xác định nguyên nhân gây hư hỏng và đề xuất điều chỉnh thiết kế để chọn giải pháp phù hợp. Hiệu quả của việc điều chỉnh thiết kế được đánh giá bằng kết quả thử tải sau sửa chữa và gia cường.
12 Nghiên cứu sự phân bố tải trọng của cầu dầm Super-T có chiều cao lớn / Lê Bá Khánh, Nguyễn Hữu Phước // Giao thông vận tải .- 2025 .- Số 1+2 .- Tr. 81 - 83 .- 624
Nghiên cứu này tập trung vào việc phân tích sâu hơn về cách phân bố tải trọng lên kết cấu nhịp dầm Super T. Bằng việc kết hợp phương pháp phần tử hữu hạn và phương pháp dầm đơn, nghiên cứu đã đánh giá ảnh hưởng của chiều cao dầm vượt quá phạm vi áp dụng trong Tiêu chuẩn TCVN 11823-2017 lên hệ số phân bố hoạt tải. Sử dụng phần mềm Midas Civil và mô hình tải trọng HL-93, nghiên cứu đã tiến hành mô phỏng và tính toán chi tiết. Kết quả thu được cho thấy, đối với dầm Super T có chiều cao 1.750 mm, công thức tính hệ số phân bố hoạt tải cho mô-men trong các dầm giữa theo TCVN 11823-2017 vẫn có thể áp dụng một cách hiệu quả, đặc biệt trong giai đoạn thiết kế sơ bộ hoặc khi cần các kết quả ước tính nhanh chóng.
13 Nghiên cứu khả năng ứng dụng bê tông nhựa graphen oxit làm lớp mặt trên của kết cấu áo đường mềm cấp cao tại Việt Nam / Hoàng Thị Hương Giang // Giao thông vận tải .- 2025 .- Số 1+2 .- Tr. 77 - 80 .- 624
Bài báo tập trung nghiên cứu khả năng ứng dụng bê tông nhựa (BTN) sử dụng graphen oxit (GO) làm lớp mặt trên của kết cấu áo đường mềm (KCAĐM) cấp cao tại Việt Nam. Mục tiêu của nghiên cứu là đánh giá hiệu quả kỹ thuật và tiềm năng ứng dụng thực tế của BTN_GO thông qua việc kiểm toán các kết cấu áo đường sử dụng loại vật liệu này theo Tiêu chuẩn TCCS 38:2022/TCĐBVN. Kết quả nghiên cứu đưa ra các đánh giá khoa học và định hướng ứng dụng BTN_GO trong việc cải thiện hiệu suất kết cấu đường bộ, đặc biệt tại các khu vực có yêu cầu cao về thiết kế và thi công.
14 Nghiên cứu ảnh hưởng của thời gian giữa các đợt đổ bê tông đến nhiệt độ tối đa và nguy cơ nứt trong bê tông khối lớn / Lê Văn Hưng, Nguyễn Trọng Chức, Hoàng Quốc Long // Giao thông vận tải .- 2025 .- Số 1+2 .- Tr. 73 - 76 .- 624
Trong kết cấu bê tông khối lớn (BTKL), việc xác định nhiệt độ lớn nhất và nguy cơ nứt nhiệt ở tuổi sớm ngày có vai trò hết sức quan trọng, từ đó đưa ra các biện pháp phù hợp để kiểm soát vết nứt nhiệt ở tuổi sớm ngày trong quá trình xây dựng công trình. Bài báo này, tác giả đánh giá nguy cơ nứt nhiệt trong kết cấu BTKL được chia làm hai đợt đổ bê tông và khoảng cách thời gian giữa các đợt đổ bê tông thay đổi. Mô hình phần tử hữu hạn được sử dụng để dự đoán nhiệt độ, ứng suất nhiệt, chỉ số và xác suất nứt trong khối BTKL. Kết quả thu được cho thấy ảnh hưởng của thời gian giữa các đợt đổ bê tông tới nhiệt độ lớn nhất, ứng suất nhiệt, chỉ số và xác suất nứt nhiệt trong khối BTKL là rất rõ ràng, từ đó có thể giúp các đơn vị thi công tối ưu hóa tiến độ thi công, đề xuất thời gian tiến hành đổ bê tông đợt sau so với đợt trước một cách phù hợp để kiểm soát vết nứt nhiệt một cách hiệu quả
15 Đánh giá ổn định mái dốc đất có xét đến quá trình biến dạng lâu dài của nền đất sét pha / Phạm Kiên, Trần Văn Thiện // Giao thông vận tải .- 2025 .- Số 1+2 .- Tr. 69 - 72 .- 624
Sự ổn định của mái dốc đất là vấn đề quan tâm lớn trong xây dựng công trình và khai thác, đặc biệt tại khu vực miền núi Tây Nguyên. Khu vực này có đất nền chủ yếu là sét pha mang đặc tính dính nhão của sét kết hợp tính cứng của cát. Sạt trượt mái dốc bao gồm mái dốc tự nhiên và cả mái dốc nhân tạo (công trình xây dựng) là hiện tượng phổ biến ở khu vực này trong mùa mưa. Do đó, bài báo thực hiện xây dựng bài toán mô phỏng đánh giá sự ổn định của mái dốc tự nhiên chịu tác động của tải trọng bản thân và yếu tố thời tiết trong thời gian dài. Thông qua các thông số biến dạng chủ yếu quyết định đến độ ổn định là mô-đun biến dạng, lực dính c và góc ma sát trong φ của đất sét pha, sau đó hệ số an toàn FS được tính toán để đảm bảo tính hợp lý của bài toán khi đánh giá ổn định mái dốc. Kết quả cho thấy, đất sét pha sau mưa có sự suy giảm lực dính đơn vị c và góc ma sát trong φ, cùng với sự suy giảm hệ số an toàn FS, dẫn đến nguy cơ mất ổn định mái dốc.
16 Nghiên cứu đánh giá sự suy giảm cường độ của nền móng mặt đường cứng sân bay sử dụng phương pháp không phá hủy (NDT) bằng thiết bị SHWD / Ngô Văn Quân, Phạm Huy Khang, Nguyễn Trọng Hiệp, Nguyễn Đình Chung, Đào Xuân Hoạch // Giao thông vận tải .- 2025 .- Số 1+2 .- .- 624
Bài báo nghiên cứu đánh giá sự suy giảm cường độ của nền móng mặt đường cứng sân bay sử dụng phương pháp không phá hủy (NDT) bằng thiết bị thí nghiệm tĩnh (SHWD) thông qua việc đánh giá các hốc rỗng dưới mặt đường cứng sân bay tại các vị trí góc tấm bê tông xi măng (BTXM) trên đường cất hạ cánh (CHC) của Cảng Hàng không (CHK) Phù Cát. Kết quả cho thấy, 80% điểm đo tại các góc tấm BTXM được đánh giá là có hốc rỗng, làm thay đổi tình trạng tiếp xúc của tấm với nền móng, khi đó tấm BTXM không được tiếp xúc hoàn toàn với móng, hốc rỗng tạo khe hở cho các nguồn ẩm xâm nhập vào hệ kết cấu “mặt đường - nền đường”, từ đó trực tiếp gây ra suy giảm cường độ của nền móng mặt đường cứng sân bay.
17 Bê tông dẻo trong xây dựng công trình giao thông và nghiên cứu định hướng ứng dụng cho đường sắt tốc độ cao / Nguyễn Thanh Sang, Mai Tiến Chinh, Lê Quang Hưng // Giao thông vận tải .- 2025 .- Số 1+2 .- .- 624
Vật liệu bê tông xi măng có những thành tựu vượt bậc trong những thập kỷ gần đây. Các thành tựu điển hình là bê tông cường độ cao (HSC), tính năng cao (HPC), tự đầm (SCC), siêu tính năng (UHPC)… và hướng đến vật liệu bê tông có ứng xử cơ học gần tương tự như vật liệu kim loại (tính dẻo, chịu va đập). Vật liệu bê tông composite gốc xi măng được biết với tên gọi là ECC (Engineered Cementitious Composite) với các tính năng vượt trội như: Độ chảy cao, cấu trúc hạt mịn dễ tạo hình, cường độ chịu kéo cao nên không cần bố trí hoặc rất ít cốt thép cho các cấu trúc thanh mảnh. Các ứng dụng ECC đã được khẳng định trong các công trình thực tế ở nước ngoài, tuy nhiên ở Việt Nam mới chỉ bước đầu tiếp cận nghiên cứu. Bài báo giới thiệu một số đặc điểm cơ bản của ECC và ứng dụng của nó trong xây dựng công trình giao thông, đồng thời định hướng nghiên cứu ứng dụng ECC xây dựng đường sắt tốc độ cao theo điều kiện ở Việt Nam gắn với mục tiêu phát triển bền vững.
18 Nghiên cứu ứng dụng kết cấu dầm lai thép-bê tông cốt thép trong cầu dây văng nhịp lớn - ứng dụng ở Việt Nam / Hoàng Hà // Giao thông vận tải .- 2025 .- Số 1+2 .- Tr. 46 - 49 .- 624
Cầu dây văng (CDV) dầm lai thép-bê tông là dạng kết cấu có dầm chủ được tích hợp các phần dầm chủ bằng thép và bê tông theo phương dọc của cầu. Nhờ phần dầm thép có trọng lượng nhẹ hơn nên giảm được nội lực và biến dạng, đồng thời tăng khả năng vượt nhịp. Cấu tạo đoạn dầm thép có thể dạng hộp thép hay kết cấu liên hợp. Bài báo phân tích mức độ ảnh hưởng của cấu tạo đoạn dầm thép đến các hiệu ứng nội lực và biến dạng do hoạt tải trong CDV có dầm lai, áp dụng cho một công trình CDV thực tế ở Việt Nam.
19 Giao thông tương lai : mô hình và giải pháp cho phát triển đô thị hiện đại / Ninh Khôi Nguyên // Khoa học và công nghệ Việt Nam .- 2025 .- Số 2A .- Tr. 41 - 43 .- 624
Thông qua việc thực hiện thành công nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) theo Nghị định thư “Giao thông tương lai: Mô hình và giải pháp cho phát triển đô thị hiện đại”, mã số NĐT/DE/21/30, TS Lê Thu Huyền và các cộng sự thuộc Trường Đại học Giao thông Vận tải (GTVT) đã xây dựng và phát triển thành công mô hình đánh giá hệ thống giao thông đô thị bền vững cho các đô thị điển hình ở Việt Nam, phục vụ phát triển giao thông đô thị bền vững trong tương lai.
20 Chế phẩm probiotic an toàn dùng cho người / Nguyễn La Anh, Đặng Thu Hương // Khoa học và công nghệ Việt Nam .- 2025 .- Số 2A .- Tr. 38 - 40 .- 610
Dưới sự hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) thông qua đề tài độc lập cấp nhà nước “Nghiên cứu đặc điểm kháng kháng sinh nội tại của các chủng Lactobacillus để tạo chế phẩm probiotic an toàn dùng cho người”, mã số ĐTĐL.CN-59/19 thuộc Chương trình phát triển khoa học cơ bản trong lĩnh vực hóa học, khoa học sự sống, khoa học trái đất và khoa học biển giai đoạn 2017-2025, các nhà khoa học của Viện Công nghiệp Thực phẩm (Bộ Công Thương) đã lựa chọn được 4 chủng có tiềm năng và an toàn nhất để sản xuất chế phẩm probiotic; đồng thời xây dựng công nghệ sản xuất chế phẩm probiotic với mật độ tế bào sống cao (1010CFU/g), ổn định và tạo được chế phẩm probiotic an toàn dùng cho người, với mật độ trên 109CFU/lọ, tỷ lệ sống trên 90% sau 12 tháng bảo quản.