CSDL Bài trích Báo - Tạp chí

Khoa Quản Trị Kinh Doanh

  • Duyệt theo:
1061 Biến động của thị trường chứng khoán Việt Nam dưới tác động của đại dịch Covid-19 / Nguyễn Mạnh Hà // Tài chính - Kỳ 2 .- 2023 .- Số 802 .- Tr. 68-71 .- 332.632

Nghiên cứu được thực hiện để tìm ra tác động của đại dịch COVID-19 đến biến động của thị trường chứng khoán Việt Nam thông qua mô hình GARCH với các chỉ số chính (VN-Index, VN30-Index, HNX-Index, VN Finance và VN Bất động sản) trong giai đoạn từ 2020 đến tháng 03/2022. Ngoài ra, tác giả ước lượng mô hình GARCH với biến phụ thuộc là VN-Index với các biến khác như giá trị giao dịch, số ca nhiễm, thời gian giãn cách để phân tích các nguyên nhân tác động lên sự thay đổi của chỉ số VN-Index trong bối cảnh diễn ra dịch COVID-19. Kết quả của nghiên cứu chỉ ra rằng mô hình GARCH(1,1) phù hợp để mô tả biến động của thị trường chứng khoán Việt Nam trong đại dịch COVID-19.

1062 Xu thế và tiềm năng phát triển thương mại điện tử / Mai Thị Quỳnh Nhưt // Tài chính - Kỳ 2 .- 2023 .- Số 802 .- Tr. 72-74 .- 381.142

Thương mại điện tử là hoạt động mua bán sản phẩm hoặc dịch vụ trên internet. Xu hướng mua sắm hiện nay đang chuyển dịch từ mua sắm truyền thống sang trực tuyến và thương mại điện tử đang trở thành một phần quan trọng của hoạt động mua sắm. Mua sắm trực tuyến giúp người tiêu dùng tiết kiết kiệm thời gian, có thể tìm thấy nhiều sản phẩm khác nhau với giá cả cạnh tranh, nhiều ưu đãi hấp dẫn hơn so với mua sắm truyền thống.

1063 Giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Việt Nam qua thương mại điện tử thời kỳ hậu Covid-19 / Lưu Quý Nhân, Vũ Thị Minh Ngọc // Tài chính .- 2023 .- Số 802 .- Tr. 75-77 .- 381.142

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, xuất khẩu thông qua các nền tảng thương mại điện tử đang là xu thế được các doanh nghiệp cũng như quốc gia quan tâm, trong đó có Việt Nam, đặc biệt là từ khi xảy ra đại dịch COVID-19. Phương thức này khắc phục được nhiều hạn chế, cũng như tiết kiệm chi phí cho hoạt động xuất khẩu. Nhóm tác giả đánh giá thực trạng của hoạt động xuất khẩu qua các nền tảng thương mại điện tử tại Việt Nam, đồng thời đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển hoạt động này thời kỳ hậu COVID-19.

1064 Chỉ số đo lường và định hướng đảm bảo an ninh tài chính quốc gia / Nguyễn Đình Hoàn // Tài chính - Kỳ 2 .- 2023 .- Số 802 .- Tr. 78-80 .- 658.15

Hiện nay, hệ thống tài chính tiền tệ của Việt Nam đã hình thành khá đầy đủ các cấu phần cần thiết, trong đó có các định chế tài chính, công cụ tài chính và mô hình giám sát, tuy nhiên, rủi ro an ninh tài chính vẫn luôn còn tiềm ẩn. Bài viết này nhận diện các chỉ số đánh giá tình hình an ninh tài chính và đề xuất một số định hướng nhằm đảm bảo an ninh tài chính quốc gia trong thời gian tới.

1065 Người tiêu dùng số và thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam / Phạm Thúy Hồng, Lê Nhữ Diệu Hương, Nguyễn Thị Thùy Dương // Tài chính - Kỳ 2 .- 2023 .- Số 802 .- Tr. 85-87 .- 658.83

Cùng với sự mở rộng của người tiêu dùng số, các doanh nghiệp đã có nhiều thay đổi trong việc tương tác với khách hàng, đáp ứng tối ưu nhu cầu của khách hàng trong suốt hành trình mua sắm của họ. Một trong những khía cạnh giúp kết nối và hoàn tất chu trình tương tác giữa khách hàng và doanh nghiệp là hoạt động thanh toán. Trong môi trường số, sự tương thích giữa mua bán trực tuyến và thanh toán trực tuyến, không dùng tiền mặt sẽ tạo thuận lợi cho khách hàng, giảm chi phí và rủi ro cho khách hàng, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Bài viết này làm rõ một số khía cạnh liên quan đến đặc trưng của người tiêu dùng số và thực trạng thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt của người tiêu dùng số tại Việt Nam.

1066 Tiếp cận tiền kỹ thuật số tại Việt Nam và một số khuyến nghị / Nguyễn Quốc Anh // Tài chính - Kỳ 2 .- 2023 .- Số 802 .- Tr. 88-91 .- 332.1

Tiền kỹ thuật số do các ngân hàng trung ương phát hành, được đánh giá là xu hướng phát triển mới nhưng cũng là thách thức đối với tiền tệ thế giới. Lo ngại về những rủi ro tiềm ẩn của tiền kỹ thuật số đối với nền kinh tế, tài chính đã cản trở sự phát triển của tiền kỹ thuật số ở nhiều quốc gia. Bài viết này tìm hiểu các vấn đề cơ bản về xu hướng phát triển tiền kỹ thuật số do các ngân hàng trung ương phát hành; phân tích lợi ích và thách thức đối với việc thực thi chính sách tiền tệ; đồng thời trình bày kinh nghiệm phát triển tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương ở một số quốc gia trên thế giới với Việt Nam.

1067 Phát triển tài chính xanh dưới tác động của đại dịch Covid-19 / Lê Vũ Thanh Tâm // Tài chính - Kỳ 2 .- 2023 .- Số 802 .- Tr. 92-96 .- 658.15

Tài chính xanh góp phần quan trọng trong việc định hình lại nền kinh tế theo hướng phát triển bền vững. Bài viết hệ thống hóa chiến lược phát triển tài chính xanh hậu COVID-19 của các quốc gia trên thế giới, từ đó rút ra bài học phát triển tài chính xanh với Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy, cả nhóm nước phát triển và đang phát triển đều triển khai gói phục hồi, chương trình thúc đẩy tài chính xanh và tiếp cận nguồn vốn cho các lĩnh vực tăng trưởng xanh, chống biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, từ đó, một số bài học được rút ra với Việt Nam về thiết lập cơ chế hỗ trợ phát triển hệ thống tài chính xanh.

1068 Phát triển ngân hàng số thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam / Nguyễn Thị Lan Anh // Tài chính - Kỳ 2 .- 2023 .- Số 802 .- Tr. 97-99 .- 332.12

Chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng thực chất là phát triển công nghệ ngân hàng số tại tất cả các ngân hàng thương mại, định chế tài chính phi ngân hàng và các loại hình tổ chức tín dụng khác. Công nghệ số thúc đẩy phát triển các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt dựa trên nền tảng của thanh toán điện tử, thanh toán trên các thiết bị di động, thúc đẩy các hoạt động mua sắm hàng hóa, dịch vụ và thanh toán trên mạng Internet của cá nhân, giao dịch điện tử của doanh nghiệp. Thực tế này thấy rất rõ trong những năm qua, nhất là khi nền kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19.

1069 Nghiên cứu sự hài lòng của khách hàng về chất lượng dịch vụ ngân hàng điện tử / Phạm Văn Hiếu, Đỗ Cẩm Hiền // Tài chính - Kỳ 2 .- 2023 .- Số 802 .- Tr. 100-105 .- 332.12

Nghiên cứu này phân tích về sự hài lòng của khách hàng đối với dịch vụ ngân hàng điện tử tại các ngân hàng thương mại Việt Nam gồm: Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Viettinbank) và Ngân hàng TMCP Quân đội (MB). Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 05 nhân tố sau: Sự tin cậy, Sự đáp ứng, Năng lực phục vụ, Sự đồng cảm và Phương tiện hữu hình ảnh hưởng đến sự hài lòng của khách hàng đối với chất lượng dịch vụ ngân hàng điện tử. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, bài viết đưa ra một số khuyến nghị nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và gia tăng sự hài lòng của khách hàng về chất lượng dịch vụ ngân hàng điện tử tại các ngân hàng thương mại.

1070 Ảnh hưởng của nợ xấu đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng niêm yết trên thị trường chứng khoán / Phạm Hiếu, Vương Quốc Duy, Đàng Quang Vắng // Tài chính - Kỳ 2 .- 2023 .- Số 802 .- Tr. 106-110 .- 332.12

Nghiên cứu này đánh giá mức độ ảnh hưởng của nợ xấu đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của 09 ngân hàng thương mại cổ phần được niêm yết tại Việt Nam giai đoạn 2012-2022. Sử dụng mô hình hồi quy tác động ngẫu nhiên, kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ nợ xấu, hệ số rủi ro tín dụng, hiệu quả về chi phí hoạt động, tác động ngược chiều với hiệu quả hoạt động của các ngân hàng thương mại cổ phần. Trong khi đó, tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, quy mô ngân hàng, thu nhập ngoài lãi, tỷ lệ tăng trưởng GDP có tác động cùng chiều với hiệu quả hoạt động của ngân hàng thương mại cổ phần.