Trong quá khứ, đã có không ít phê bình đi trước sáng tác. Phong trào siêu thực khởi đầu từ Tuyên ngôn siêu thực ra đời vào năm 1924, ở đó chủ trương thực tại đích thực nằm trong vô thức, và bổn phận tối thượng của nghệ thuật là biểu hiện chúng ra trong tác phẩm nghệ thuật, đã dẫn đạo sáng tác siêu thực gần mươi năm sau đó. Trước đó, phê bình của Aristotle (Poetics), của Horace (The Art of Poetry), hay ở phương Đông với lý thuyết “thi ngôn chí” hay “văn dĩ tải đạo”, hoặc mới đây: “văn học phục vụ đời sống”, phê bình đã là ánh sáng soi đường cho sáng tác. Chính nó được dùng làm thước đo để thẩm định giá trị tác phẩm.
Tác phẩm Vũ Trọng Phụng và cả con người tác giả, lúc sinh thời và cả sau lúc nằm xuống để đường hoàng đi vào cõi bất diệt của văn xuôi Việt Nam, rất nhiều người đọc hay bận tâm về cái khía dâm trong bất cứ trứ tác nào của Vũ Trọng Phụng. Bận tâm đến cái mức độ ngộ nhận những văn phẩm có chân giá của hiện thực phê phán kia đều là những dâm thư. Những đoạn gọi là dâm ấy mà có vì sự cần thiết của cơ cấu một truyện dựng thì đấy cũng chỉ là những hiện tượng. Thực chất của văn phẩm Vũ Trọng Phụng là vượt lên những hiện tượng ấy để nói một cái gì rất lớn và nói lên cái hoài bão rất lành, rất đẹp của tác giả...