Nghiên cứu này đánh giá ảnh hưởng của ứng dụng công nghệ du lịch thông minh đến ý định quay lại Thành phố Cần Thơ của du khách. Lý thuyết kích thích-chủ thể-phản ứng (Stimulus-Organism-Response) và lý thuyết trọng dịch vụ được áp dụng trong nghiên cứu này với bối cảnh là Thành phố Cần Thơ. Bằng phương pháp nghiên cứu định lượng được thực hiện thông qua một khảo sát gồm 502 khách du lịch, kết quả cho thấy 4 thuộc tính của ứng dụng công nghệ du lịch thông minh bao gồm: (1) Hệ thống thông tin thông minh; (2) Hệ thống tham quan thông minh; (3) Hệ thống thương mại điện tử; (4) Giao thông thông minh đều có ảnh hưởng tích cực đến hình ảnh điểm đến nhận thức được, sự hài lòng và ý định quay lại Cần Thơ của du khách. Từ đó, các hàm ý chính sách đối với các bên liên quan cũng được thảo luận và đề xuất nhằm duy trì khả năng cạnh tranh và tính bền vững của điểm đến.
Kết quả khảo sát từ 400 doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Thanh Hoá, kết quả phân tích dữ liệu với mô hình SEM đã chỉ ra rằng các nhân tố thuộc về lãnh đạo số, bao gồm tầm nhìn lãnh đạo số, năng lực lãnh đạo số, khả năng dự báo của lãnh đạo số và kinh nghiệm lãnh đạo số đều có tác động tích cực đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp thông qua chuyển đổi số. Bên cạnh đó, các nhân tố này cũng có tác động trưc tiếp đến hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp trừ khả năng dự báo. Kết quả nghiên cứu nhấn mạnh tầm quan trọng của lãnh đạo số trong việc thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, mang lại hiệu quả kinh doanh cao cho doanh nghiệp. Tác giả cũng đã đề xuất một số kiến nghị đối với lãnh đạo doanh nghiệp nhằm thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, từ đó nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Phân tích phân phối lợi ích giữa các tác nhân tham gia chuỗi giá trị cá bè vẫu nuôi lồng nổi trên biển tại khu vực Nam Trung Bộ. Nghiên cứu tiến hành khảo sát trực tiếp 230 mẫu cho 6 tác nhân tham gia gồm hộ nuôi, thương lái, nhà bán buôn, nhà bán lẻ đại diện cho 05 tỉnh gồm: Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên và Bình Định trong giai đoạn 2020-2022. Kết quả nghiên cứu cho thấy thị trường tiêu thụ cá bè vẫu hiện nay 100% tiêu thụ trong nước, và việc phân phối lợi ích giữa các tác nhân trong chuỗi chưa cân xứng, đặc biệt giữa hộ nuôi và thương lái, cụ thể hộ nuôi có đóng góp giá trị tăng thêm cao hơn so với thương lái nhưng tỷ suất lợi nhuận thu được so với chi phí bỏ ra thấp hơn nhiều. Nghiên cứu đề xuất giải pháp giúp chuỗi giá trị sản phẩm cá bè vẫu phát triển bền vững trên cơ sở điều chỉnh dòng chảy lợi ích tương xứng sự đóng góp giữa các tác nhân.
Kết quả cho thấy nếu chỉ số đo lường hạn chế tài chính (KZ) và tỷ lệ lưu chuyển tiền thuần từ đầu tư trên tài sản cố định hữu hình có mối quan hệ nghịch biến với dòng tiền đầu tư thì biến độ trễ bậc 1 của dòng tiền đầu tư cùng với tỷ lệ doanh thu thuần trên tài sản cố định hữu hình lại biểu thị quan hệ tích cực với biến phụ thuộc. Kết quả thảo luận còn mang hàm ý quan trọng trong công tác định hướng những chính sách quản lý tài chính công ty phù hợp với điều kiện thực tiễn và mục tiêu phát triển thị trường bất động sản Việt Nam giai đoạn 2030 - 2045.
Nghiên cứu này xem xét ảnh hưởng của nhận thức môi trường đến hành vi thực tế về bảo vệ môi trường của doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam thông qua mô hình lý thuyết hành vi có kế hoạch (TPB). Tác giả thu thập 160 mẫu khảo sát từ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp khởi nghiệp trên khắp cả nước Việt Nam. Kết quả cho thấy, nhận thức về môi trường ảnh hưởng đến hành vi thực tế về bảo vệ môi trường của doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam thông qua ba yếu tố của mô hình TPB. Tuy nhiên, chuẩn chủ quan không có ảnh hưởng đến hành vi thực tế bởi trong bối cảnh kinh tế hiện nay các yếu tố áp lực từ thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh đóng vai trò thứ yếu đối với doanh nghiệp khởi nghiệp. Từ kết quả nghiên cứu này, tác giả đưa ra một số kiến nghị nhằm cải thiện những hạn chế của doanh nghiệp để thúc đẩy hành vi thực tế về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam.
Nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá sự tác động của công bố thông tin ESG đến khả năng sinh lời bằng mô hình cụ thể với hai chỉ số ROA và ROE tại các ngân hàng thương mại hoạt động tại thị trường Việt Nam trong giai đoạn 2018-2023. Quá trình nghiên cứu được chia làm 2 giai đoạn nghiên cứu: (i) Giai đoạn 1 sử dụng phương pháp Disclosure Index Analysis để đo lường mức độ minh bạch của công bố thông tin ESG; và (ii) Giai đoạn 2 sử dụng mô hình kinh tế lượng nhằm nghiên cứu tác động của công bố thông tin ESG đến khả năng sinh lời của các ngân hàng thương mại. Kết quả chỉ ra rằng công bố thông tin ESG một cách đầy đủ, minh bạch sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm về phát triển bền vững của các ngân hàng, hỗ trợ các ngân hàng nâng cao vị thế cạnh tranh và gia tăng lợi nhuận.
Phân tích sự không phù hợp giữa ngành học và việc làm tới tiền lương của người lao động tốt nghiệp đại học ngành nông nghiệp ở Việt Nam sử dụng dữ liệu từ điều tra lao động việc làm các năm 2018-2020. Kết quả thống kê mô tả và thống kê suy luận cho thấy tiền lương trung bình cao hơn cho nhóm làm trái ngành so với nhóm làm đúng ngành. Hơn nữa, phân tích kinh tế lượng cho thấy kết quả tương tự sau khi đã kiểm soát các đặc điểm của cá nhân người lao động và đặc điểm vùng miền. Kết quả này có thể phản ánh thực thế rằng các công việc đúng ngành có mức lương thấp đáng kể, hàm ý rằng người lao động tự lựa chọn các công việc trái ngành để có mức lương cao hơn.
Nghiên cứu này phân tích tác động của quản trị nguồn nhân lực định hướng trách nhiệm xã hội đến kết quả làm việc của người lao động thông qua động lực làm việc và sự tin tưởng đối với tổ chức. Kết quả ước lượng mô hình cấu trúc tuyến tính (SEM) dựa trên dữ liệu khảo sát từ 300 người lao động chỉ ra rằng động lực làm việc và sự tin tưởng của họ đối với tổ chức đóng vai trò trung gian trong mối quan hệ giữa quản trị nguồn nhân lực định hướng trách nhiệm xã hội và kết quả làm việc của người lao động. Từ những phát hiện trên, các hàm ý quản trị được thảo luận làm cơ sở để các doanh nghiệp nâng cao kết quả làm việc của người lao động thông qua thực hành quản trị nguồn nhân lực định hướng trách nhiệm xã hội nhằm nâng cao động lực làm việc và sự tin tưởng đối với tổ chức.
Mục tiêu nghiên cứu của bài báo là tìm hiểu sự tác động của hành vi khiếm nhã mạng tới tình trạng kiệt quệ về cảm xúc của nhân viên. Nghiên cứu thực hiện khảo sát với 326 nhân viên làm việc trực tuyến tại các doanh nghiệp ở Việt Nam. Kết quả phân tích PLS-SEM cho thấy hành vi khiếm nhã mạng đã ảnh hưởng tích cực đến xung đột về vai trò, mơ hồ về vai trò và tác động cùng chiều với tình trạng kiệt quệ về cảm xúc của nhân viên. Từ những kết quả nghiên cứu được, nhóm nghiên cứu đề xuất các giải pháp dựa trên lý thuyết tự quyết, lý thuyết về bảo toàn nguồn lực.
Chỉ ra những giá trị công việc mà sinh viên khối ngành kinh doanh và quản lý ưu tiên khi tìm kiếm việc làm, đồng thời chỉ ra những khác biệt về giá trị công việc giữa những sinh viên này và doanh nghiệp tại Việt Nam. Nghiên cứu được xây dựng dựa trên Lý thuyết Thế hệ, thang đo giá trị công việc từ các nghiên cứu trước, kiểm định Welch được sử dụng để so sánh sự khác biệt của mẫu gồm 513 quan sát bao gồm cả sinh viên và doanh nghiệp. Kết quả nghiên cứu cho thấy có sự khác biệt đáng kể trong giá trị xã hội và thời gian nghỉ ngơi giữa sinh viên và doanh nghiệp tại Việt Nam. Nghiên cứu đã làm phong phú thêm hiểu biết về giá trị công việc, kết nối giữa doanh nghiệp và những người sắp bước chân vào doanh nghiệp. Bên cạnh đó là đưa ra hàm ý cho nhà quản trị trong việc thu hút, đào tạo phát triển và giữ chân nhân tài.