Nghiên cứu này nhằm xác định tác động của văn hóa tổ chức đối với lòng trung thành của nhân viên thông qua vai trò trung gian của các yếu tố thúc đẩy - duy trì, sự hài lòng và sự gắn kết của nhân viên trong ngành F&B ở Thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả phân tích số liệu khảo sát 306 nhân viên ngành này tại Thành phố Hồ Chí Minh bằng phần mềm SmartPLS 4 cho thấy, văn hóa tổ chức tác động tích cực trực tiếp cũng như gián tiếp đến lòng trung thành của nhân viên.
Mục đích của nghiên cứu là đo lường năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) xanh cấp tỉnh ở Việt Nam theo tiếp cận chỉ số Malmquist-Luenberger toàn cầu (GML) và đánh giá TFP xanh cấp tỉnh trong mối tương quan với lan tỏa FDI và CO2 cấp tỉnh tại Việt Nam. Sử dụng dữ liệu cấp tỉnh tại Việt Nam giai đoạn 2012-2021, nghiên cứu đã đo lường tăng trưởng TFP xanh được phân rã thành hai thành phần là tăng trưởng tiến bộ công nghệ xanh và tăng trưởng hiệu quả công nghệ xanh. Kết quả nghiên cứu cho thấy chỉ 23/63 tỉnh, thành phố có xu hướng tăng trưởng TFP xanh, các tỉnh còn lại phản ánh sự suy giảm TFP xanh. Trong đó, có 8 tỉnh thành có cả thành phần hiệu quả công nghệ và tiến bộ công nghệ xanh đều tăng trưởng âm. Nghiên cứu cũng khẳng định nhiều tỉnh thu hút nhiều đầu tư FDI đang cho thấy tăng trưởng TFP xanh giảm như các tỉnh thuộc khu vực Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ.
Trong bối cảnh chuyển đổi số trong ngành ngân hàng tài chính diễn ra hết sức mạnh mẽ cũng là động lực để các ngân hàng thương mại (NHTM) tích cực trong việc cải tiến, đổi mới quy trình cho vay theo hướng ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm tăng tiện ích thuận lợi cho khách hàng mà vẫn đảm bảo an toàn tuyệt đối và mang lại hiệu quả cho ngân hàng. Cùng với xu hướng tất yếu đó, các quy định pháp lý điều chỉnh quy trình cho vay cũng có rất nhiều sự thay đổi phù hợp, tạo cơ sở pháp lý cho các NHTM xây dựng quy trình cho vay an toàn, hiệu quả và phù hợp với mục tiêu hoạt động của ngân hàng mình. Bài viết sẽ tiến hành hệ thống hóa các quy định pháp lý liên quan đến quy trình cho vay tại các NHTM Việt Nam, phân tích các điểm mới trong từng giai đoạn. Kết quả của nghiên cứu khẳng định các thay đổi trong pháp lý điều chỉnh quy trình cho vay là hoàn toàn phù hợp và góp phần nâng cao sự an toàn, hiệu quả trong hoạt động cho vay của các NHTM. Nghiên cứu cũng đưa ra một số khuyến nghị đối với các NHTM Việt Nam trong bối cảnh đổi mới các quy định pháp lý liên quan.
Trong nhiều thập kỷ, các nhà quản lý ngân hàng đã tập trung vào việc ra quyết định cho vay cẩn trọng và giám sát kỹ lưỡng sau khi cho vay nhằm quản lý rủi ro danh mục cho vay. Tuy nhiên, các rủi ro liên quan đến các danh mục cho vay trong các ngân hàng thương mại (NHTM) đã chỉ ra rằng các công cụ quản lý rủi ro hiện tại chưa đủ để đối phó với những rủi ro hệ thống gia tăng trong nền kinh tế. Trước đây, các công cụ quản lý rủi ro thường tập trung vào các chỉ báo như nợ quá hạn, nợ dưới chuẩn, hay xếp hạng tín dụng, nhưng các chỉ báo này không đủ để giúp ngân hàng hành động kịp thời trước rủi ro tín dụng. Do đó, quản lý rủi ro danh mục cho vay hiệu quả không chỉ yêu cầu kiểm soát chất lượng khoản vay mà còn đòi hỏi sự phát triển và áp dụng các công cụ mới dựa trên công nghệ và hệ thống thông tin đa chiều. Dù vậy, thực tế cho thấy rất ít NHTM đã áp dụng được các công cụ quản lý rủi ro hiện đại này. Nghiên cứu này sẽ phân tích thực trạng sử dụng công cụ quản lý rủi ro tại các NHTM Việt Nam và đề xuất các giải pháp nhằm cải thiện hiệu quả quản lý rủi ro danh mục cho vay.
Một tập đoàn kinh tế luôn hướng tới mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững. Muốn thực hiện mục tiêu đó, tập đoàn sẽ đòi hỏi phải bổ sung thêm vốn cho hoạt động trong tương lai. Để đảm bảo đủ vốn cho hoạt động của tập đoàn thì cần thiết phải dự báo và lập kế hoạch tài chính, đó là nhiệm vụ rất quan trọng của nhà quản trị tài chính trong tập đoàn. Kế hoạch tài chính là bản tổng hợp dự kiến trước nhu cầu tài chính cho hoạt động của một doanh nghiệp hay một tập đoàn trong tương lai. Nội dung của kế hoạch tài chính gồm: Dự kiến được báo cáo kết quả kinh doanh và dự kiến chính sách phân phối lợi nhuận; dự kiến nhu cầu tài chính thông qua thiết lập bảng cân đối kế toán mẫu; dự kiến kế hoạch lưu chuyển tiền tệ; lựa chọn các biện pháp tổ chức, điều chỉnh đảm bảo nguồn lực tài chính được sử dụng hiệu quả. Trên cơ sở ý nghĩa của việc lập kế hoạch tài chính trong tập đoàn, nhóm tác giả minh hoạ một tình huống cụ thể lập kế hoạch tài chính cho tập đoàn Vingroup (VIC).
Nghiên cứu thực nghiệm về hiệu quả hoạt động kinh doanh (HQHĐKD) của các doanh nghiệp điện niêm yết (DNĐNY) từ năm 2016 đến năm 2023 cho thấy: các doanh nghiệp sản xuất thủy điện có HQHĐKD cao hơn các doanh nghiệp sản xuất nhiệt điện; các nhân tố: quy mô doanh nghiệp, cơ cấu nguồn vốn tài trợ, tỷ trọng đầu tư tài sản cố định (TSCĐ), khả năng thanh toán, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế, tỷ lệ lạm phát có tác động đến HQHĐKD của DNĐNY theo các mức độ khác nhau, từ kết quả nghiên cứu thực nghiệm, nhóm tác giả đề xuất giải pháp nâng cao HQHĐKD của các DNĐNY tại Việt Nam thời gian tới.
Việt Nam đang thực hiện chương trình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và cam kết về chống biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc. Trong bối cảnh đó, thị trường tín chỉ carbon được xem là một công cụ tài chính giúp doanh nghiệp hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, đồng thời là giải pháp quan trọng để giảm phát thải khí nhà kính (KNK). Việt Nam đã tham gia vào thị trường tín chỉ carbon toàn cầu từ những năm 2000 thông qua các dự án thuộc Cơ chế Phát triển Sạch (CDM) của Nghị định thư Kyoto; tuy nhiên, những nỗ lực ban đầu này gặp phải nhiều khó khăn do giá tín chỉ biến động và thiếu hỗ trợ pháp lý vững chắc. Nghiên cứu sẽ chỉ rõ cơ chế hoạt động của thị trường tín chỉ carbon và đưa ra các giải pháp hoàn thiện khung pháp lý giúp đẩy mạnh hiệu quả hoạt động của thị trường tín chỉ carbon Việt Nam.
Mua sắm công bền vững là một trong những thành phần của các mục tiêu phát triển bền vững mà Việt Nam đã cam kết thực hiện. Bài báo này bổ sung những luận giải về mua sắm công bền vững và phân tích thực trạng chính sách mua sắm công bền vững tại Việt Nam thời gian qua. Chính sách về mua sắm công xanh đã được đề cập trong các chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Các quy định pháp luật về mua sắm công xanh đã được lồng ghép trong các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường, đầu tư công, đấu thầu, mua sắm công của Việt Nam. Tuy nhiên, khâu triển khai thực hiện các chính sách và quy định này chưa đạt như kỳ vọng, mua sắm công chưa tạo được động lực dẫn dắt thị trường mua sắm xanh/ bền vững của Việt Nam. Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và tư duy đột phá là những khuyến nghị quan trọng để phát triển hoạt động mua sắm công bền vững tại Việt Nam.
Bài viết dựa trên nguồn dữ liệu thứ cấp được thu thập từ các cơ quan ban ngành trong giai đoạn 2010-2023, đồng thời dựa trên bối cảnh kinh tế xã hội và đặc điểm tăng trưởng của Việt Nam nhằm đánh giá tình hình tăng trưởng kinh tế xanh của Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng kinh tế đáng ghi nhận thông qua chỉ tiêu tổng thu nhập quốc dân và thu nhập bình quân đầu người gia tăng.
Cơ cấu GDP đã sự thay đổi theo hướng gia tăng tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ và ngành công nghiệp, đồng thời giảm dần tỷ trọng đóng góp của ngành nông nghiệp và ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu GDP của cả nước; năng suất lao động, thu nhập bình quân đầu người, hệ số GINI, hệ số HDI, trình độ học vấn của lao động Việt Nam đều có sự cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, thu nhập bình quân đầu người, trình độ học vấn, năng suất lao động vẫn còn thấp nhất là khi so sánh với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.
Việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật (ĐMKTKT) dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực y tế giúp đảm bảo hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước, tối ưu hóa nguồn lực và nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh. Bài viết này sẽ phân tích thực trạng hiện nay, chỉ ra những hạn chế và đề xuất giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả dịch vụ y tế công lập.