CSDL Bài trích Báo - Tạp chí
chủ đề: FDI
1 Thu hút FDI vào tỉnh Vĩnh Phúc theo hướng bền vững / Vương Thanh Tú // .- 2024 .- Số 827 - Tháng 6 .- Tr. 141-143 .- 330
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc. Cùng với việc hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và sẵn sàng về nguồn nhân lực, mặt bằng, trong những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã thu hút nhiều dự án mới, đặc biệt là các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tuy nhiên, hoạt động thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của tỉnh Vĩnh Phúc thời gian qua vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, chính vì vậy, cần có những giải pháp đồng bộ khắc phục để đẩy mạnh thu hút nguồn vốn này theo hướng bền vững
2 Ảnh hưởng của đầu tư nước ngoài, công nghiệp hóa, tài nguyên và đổi mới công nghệ đến tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam / Trần Văn Hưng // .- 2024 .- Số 323 - Tháng 05 .- Tr. 45-56 .- 332.63
Để ước lượng mối quan hệ phức tạp này, mô hình hồi qui phân vị và kiểm định nhân quả quang phổ được sử dụng nhằm phân tích tác động của các biến độc lập lên biến phụ thuộc trên các điều kiện kinh tế và tần số khác nhau. Kết quả cho thấy, phần lớn phân vị của các biến nghiên cứu, FDI, TEC, NAR, IDV tác động dương đến tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam. Hơn nữa, kiểm định nhân quả Granger cũng cho rằng tồn tại mối quan hệ hai chiều giữa các biến nghiên cứu trên các tần số khác nhau. Kết quả này cung cấp thông tin hữu ích cho nhà chính sách hoạch định chiến lược ngắn hạn và dài hạn nhằm đạt phát triển kinh tế ổn định.
3 Quản lý nhà nước về thu hút vốn FDI tại Bình Dương / Phan Thị Cúc, Nguyễn Thị Tuyết Nhung // .- 2024 .- Số 823 - Tháng 4 .- Tr. 203-206 .- 332
Bình Dương là địa phương quản lý nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Bài viết phân tích thực trạng thực hiện chính sách quản lý nhà nước về thu hút vốn FDI trên địa bàn tỉnh Bình Dương qua đó, đề xuất 3 nhóm giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách quản lý nhà nước trong thu hút FDI vào tỉnh Bình Dương: (1) Nhóm giải pháp hoàn thiện chính sách hiệu quả đến hoàn thiện môi trường đầu tư; (2) Nhóm giải pháp hoàn thiện chính sách hấp dẫn đối với thu hút FDI; (3) Nhóm giải pháp hoàn thiện chính sách xúc tiến đầu tư nước ngoài.
4 Nhân tố tác động đến cường độ sử dụng năng lượng tại các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam / Nguyễn Thị Phương Thảo // .- 2024 .- Số 824 - Tháng 5 .- Tr. 122-125 .- 658
Nghiên cứu này phân tích định lượng các nhân tố tác động đến hiệu quả sử dụng năng lượng trong các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam bằng phương pháp hồi quy tác động ngẫu nhiên. Do ảnh hưởng có thể xảy ra hiệu ứng nội sinh của biến xuất khẩu đến tiêu dùng năng lượng, nghiên cứu sử dụng các biến công cụ trong mô hình GMM. Tác giả đã sử dụng hai nguồn dữ liệu trong giai đoạn 2013- 2017: Dữ liệu điều tra doanh nghiệp và dữ liệu điều tra tiêu dùng năng lượng trong các doanh nghiệp. Nghiên cứu chỉ ra rằng, xuất khẩu có tác động âm đến tiết kiệm năng lượng và các doanh nghiệp nước ngoài có xu hướng sử dụng nhiều năng lượng hơn các doanh nghiệp trong nước. Qua đó, tác giả đề xuất hàm ý chính sách về quản lý và thu hút các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
5 Tác động của thuế tối thiểu toàn cầu đến thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam / Lê Quốc Hội, Nguyễn Xuân Hưng, Phùng Tú Uyên, Trần Thu Hương, Trịnh Thị Huyền Minh, Hoàng Thị Phương Anh // .- 2024 .- Số 322 - Tháng 04 .- Tr. 2-11 .- 332
Nghiên cứu này đánh giá tác động của Thuế tối thiểu toàn cầu (GMT) tới thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam. Nhóm tác giả dựa trên khung phân tích của UNCTAD (2022) và các phương pháp thống kê mô tả, so sánh để phân tích và đánh giá về mức độ tác động của GMT đến thu hút FDI. Kết quả nghiên cứu cho thấy, việc áp dụng GMT sẽ ảnh hưởng đến chiến lược thuế, chuyển dịch lợi nhuận, địa điểm đầu tư FDI và quy mô đầu tư FDI theo các mức độ và chiều hướng khác nhau. Từ những phân tích này, nhóm tác giả đề xuất một số khuyến nghị cho chính phủ Việt Nam nhằm hoàn thiện những chính sách liên quan đến GMT.
6 Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và thu hút FDI tại các tỉnh vùng Đồng bằng Sông Hồng / Đỗ Thu Hương // .- 2024 .- Số 823 - Tháng 4 .- Tr. 155-158 .- 332.6
Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là một chỉ tiêu đóng vai trò quan trọng trong quá trình thu hút đầu tư trong nước cũng như nước ngoài đối với các địa phương. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng, chưa chắc một địa phương có chỉ số PCI cao thì luôn thu hút được nhiều FDI và ngược lại. Do vậy, mục đích của nghiên cứu này là xác định và đánh giá xem chỉ số PCI tốt có thực sự ảnh hưởng đến việc thu hút vốn FDI đối với các địa phương trong vùng Đồng bằng Sông Hồng trong giai đoạn 2018-2022 hay không và trong các chỉ số thành phần của PCI thì đâu là chỉ số tạo ra tác động chủ yếu trong việc thu hút FDI vào các địa phương.
7 Ảnh hưởng tương tác giữa bất định tỷ giá hối đoái và phát triển tài chính đến đầu tư trực tiếp nước ngoài: Bằng chứng quốc tế / Lê Thông Tiến, Phạm Thị Tuyết Trinh, Nguyễn Minh Sáng // .- 2024 .- Số (214+215) - Tháng (1+2) .- Tr. 27-57 .- 332
Nghiên cứu này được thực hiện nhằm kiểm tra ảnh hưởng tương tác giữa bất định tỷ giá hối đoái (TGHĐ) và phát triển tài chính (PTTC) đến đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở những chế độ TGHĐ khác nhau với bộ dữ liệu bao gồm 114 quốc gia giai đoạn 2000–2021 và được phân loại thành nhóm quốc gia có theo chế độ neo mềm và nhóm quốc gia có theo chế độ thả nổi. Thông qua phương pháp hồi quy tuyến tính Bayes cho mô hình hiệu ứng ngẫu nhiên, kết quả cho thấy ở nhóm các quốc gia có chế độ neo mềm, ảnh hưởng tương tác làm giảm ảnh hưởng ngược chiều của bất định TGHĐ, thậm chí làm đảo chiều ảnh hưởng này đối với FDI; đồng thời PTTC của một quốc gia càng cao thì gia tăng xác suất cùng chiều của tác động biên của bất định TGHĐ. Đối với nhóm các quốc gia có chế độ thả nổi, ảnh hưởng tương tác làm giảm ảnh hưởng cùng chiều của bất định TGHĐ đối với FDI và PTTC của một quốc gia cao thì tác động biên cùng chiều có xu hướng giảm. Từ đó, các gợi ý chính sách được đề xuất để thu hút FDI. Đối với chế độ neo mềm, các quốc gia cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ bất định TGHĐ và đẩy mạnh sự phát triển của thị trường tài chính và các định chế tài chính. Đối với chế độ thả nổi, các quốc gia nên tiếp tục nới lỏng TGHĐ và tập trung duy trì sự ổn định hệ thống tài chính.
8 Mối quan hệ giữa FDI, toàn cầu hóa, tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng xanh và khí thải CO2 tại Việt Nam / Trần Văn Hưng // .- 2024 .- Số 321 - Tháng 03 .- Tr. 41-51 .- 332
Nghiên cứu này nhằm mục tiêu đánh giá tác động của FDI, toàn cầu hóa, tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng xanh đến lượng khí thải CO2 ở Việt Nam giai đoạn 1998-2022 bằng phân tích wavelet. Kết quả chỉ ra rằng FDI, GG và GLO tác động tích cực đến chất lượng môi trường ở các tần số và thời gian khác nhau. Đặc biệt, trong ngắn hạn và trung hạn, GDP ảnh hưởng tích cực đến lượng khí thải CO2, trong khi đó chúng lại ảnh hưởng tiêu cực đến lượng khí thải CO2 trong dài hạn. Nhìn chung phân tích wavelet cho thấy GLO, GG và FDI không cải thiện môi trường ở Việt Nam trong ngắn hạn. Vì vậy, Chính phủ nên cung cấp các biện pháp khuyến khích tăng trưởng xanh, toàn cầu hóa để tăng dòng vốn FDI sử dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất.
9 Phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm thu hút vốn FDI tại Bắc Ninh / Vương Thị Minh Đức, Phan Thị Hồng Thảo, Trần Thị Thắng, Nguyễn Minh Loan, Đào Thị Sao // .- 2024 .- Số 820 - Tháng 3 .- .- 658
Công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy sự phát triển ngành sản xuất công nghiệp ở Việt Nam hiện nay. Trong bối cảnh sản xuất công nghiệp ở Việt Nam, nhiều ngành sản xuất công nghiệp còn thiếu công nghiệp hỗ trợ đi kèm, phải phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu nên bị động, chi phí cao. Bắc Ninh là địa phương có nhiều lợi thế trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Bài viết phân tích thực trạng thu hút FDI tại tỉnh Bắc Ninh và vấn đề phát triển công nghiệp hỗ trợ, từ đó đưa ra khuyến nghị nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ.
10 FDI góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu / Nguyễn Hoài Phương Anh // .- 2024 .- Số 820 - Tháng 3 .- Tr. 46-48 .- 658
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giữ vai trò quan trọng, thực hiện nhiệm vụ tiên phong và chính yếu kết nối với chuỗi giá trị toàn cầu. Sự gia tăng gần đây của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông, bán lẻ và trung gian tài chính... có thể mang lại cơ hội cho Việt Nam khi tham gia vào các nấc giá trị cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Vì vậy, cần có sự chuyển hướng để đón dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong lĩnh vực này. Trên cơ sở đánh giá thực trạng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, bài viết đề xuất giải pháp để dòng vốn này góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.