Danh sách bạn đọc tiêu biểu

Trở về
  • TRẦN THỊ KIM NGỌC
  • Mã bạn đọc:1920246662
  • Tiêu biểu tháng:10/2016

 

Trần Thị Kim Ngọc, hiện đang là sinh viên năm thứ tư ngành Quản trị Ngân hàng chuẩn PSU của khoa Đào tạo Quốc tế (Đại học Duy Tân). Trong các năm học vừa qua, Trần Thị Kim Ngọc luôn đạt kết quả rất cao trong học tập, ngoài ra còn dành được nhiều thành tích khác như Giải nhì cuộc thi Tìm hiểu Pháp luật về Sở hữu trí tuệ năm 2016”; Giải nhất cuộc thi Dự án Kinh tế Cộng đồng lần thứ 3; Thực hiện thành công đề tài nghiên cứu khoa học; “Nghiên cứu những yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên Đại học Duy Tân”. Trần Thị Kim Ngọc là một trong số những gương mặt bạn đọc tiêu biểu của Thư viện Đại học Duy Tân.

Lý do nào bạn quyết định tham dự cuộc thi Dự án Kinh tế Cộng đồng lần thứ 3?
Kim Ngọc: Như bạn bè cùng trang lứa, khi bước vào giảng đường Đại học, em đã ấp ủ nhiều ước mơ, hoài bão, khám phá nhiều điều trong cuộc sống. Nhưng kết thúc hai năm học đầu, bạn bè xung quanh tìm thấy niềm đam mê của họ, còn mình ngoại trừ việc tham gia một đề tài nghiên cứu khoa học thì hầu như bản thân mình không có hoạt động gì nổi bật. Em thực sự cảm thấy lo lắng về tương lai khi không biết bản thân mình muốn gì, thích làm gì. Em nghĩ mình cần phải thay đổi bản thân. Cùng thời điểm đó cuộc thi Dự án Kinh tế Cộng đồng lần 3 được tổ chức và em đã quyết định tham gia.

 

Em có thể cung cấp thêm một số thông tin về đề tài đã giúp em đạt giải nhất tại cuộc thi Dự án Kinh tế Cộng đồng lần thứ 3?

Kim Ngọc: Em đã chọn đề tài "Phục hồi làng nghề chiếu truyền thống Cẩm Nê và sử dụng lao động khiếm thị tại Tp. Đà Nẵng” để dự thi.  Một lần tình cờ, em xem được chương trình Cặp lá yêu thương của VTV, câu chuyện về một gia đình 5/7 người bị khiếm thị. Hoàn cảnh hết sức thương tâm, hình ảnh những đứa trẻ ở vùng quê nghèo khó khăn trong tìm kiếm con chữ, hình ảnh những người phụ nữ trong gia đình phải gánh vác tất cả trách nhiệm, hình ảnh người đàn ông không nghề nghiệp. Ngay lúc đó, em nghĩ rằng cần phải đóng góp một điều gì đó cho người khiếm thị. Sau khi thành lập được nhóm nghiên cứu, chúng em đã tìm hiểu về các công việc, mô hình làm việc dành cho người khiếm thị. Chúng em tìm đến làng nghề truyền thống Cẩm Nê. Đến thăm và tìm hiểu thông tin từ những người làm nghề tại đây thì mình mới biết được những khó khăn, vất vả của những nghệ nhân này. Qua đó, chúng em biết được làng nghề truyền thống có lịch sử 500 năm này của Đà Nẵng có nguy cơ bị thất truyền. Qua những trải nghiệm trên, chúng em quyết định chọn đề tài “Phục hồi làng nghề chiếu truyền thống Cẩm Nê và sử dụng lao động khiếm thị tại Tp. Đà Nẵng” với mong muốn đóng góp vào việc bảo tồn làng nghề truyền thống của dân tộc và giải quyết việc làm cho lao động khiếm thị tại Tp. Đà Nẵng.

 

Thư viện có đóng góp như thế nào vào thành công của bạn?

Kim Ngọc: Qua đây, em cũng xin cảm ơn những Thầy cô làm việc tại thư viện đã giúp đỡ cho em về việc khai thác thông tin, tài liệu để phục vụ cho học tập và nghiên cứu. Nguồn tài liệu tại thư viện đã hỗ trợ em rất nhiều trong quá trình hình thành và thực hiện dự án của mình. Đặc biệt là nguồn học liệu điện tử đã phục vụ đắc lực cho sinh viên chúng em.

 

Em có thể chia sẻ điều gì đó cho các bạn sinh viên trong trường?
Kim Ngọc: Có một câu nói rất hay mà em muốn chia sẻ đến các bạn sinh viên, đó là: "Opportunities don't happen, you create them." (Chris Grosser), nghiã là “Đừng bao giờ chờ đợi cơ hội, chính bạn hãy tạo ra nó, tạo ra cơ hội dành riêng cho bản thân”. Chúc các bạn thành công trên con đường mình chọn.

 

Kim Ngọc còn chia sẻ thêm về ước mơ sẽ tiếp tục học sau đại học với mong muốn được làm việc và cống hiến trong ngành giáo dục. Kim Ngọc cho rằng Thư viện sẽ là bạn đồng hành giúp Kim Ngọc thực hiện ước mơ đó.

 Đinh Thị Thu Hồng (thực hiện)