Danh sách bạn đọc tiêu biểu

Trở về
  • NGUYỄN THỊ DIỄM PHÚC
  • Mã bạn đọc:132737885
  • Tiêu biểu tháng:3/2010

         Giản dị nhưng không giản đơn, nhẹ nhàng nhưng sâu lắng, bình dị nhưng không bình thường. Những điều đặc biệt gợi lên trong ta biết bao nhiêu nổi niềm, suy nghĩ  sâu lắng.

 

NHỮNG ĐIỀU ĐẶC BIỆT…

Nó ngồi thừ  mặt ra, không nói gì. Cô em gái học bài bàn bên có hiểu nổi những tâm tư nặng trĩu của nó không nhỉ? Trong lòng nó rối bời, buồn bã. Nó miên man nghĩ về những chuyện đã qua. Cả những chuyện sắp tới.

            Ngày ấy…

            Tuổi thơ của nó không có những đồ chơi cao cấp, những con búp bê môi son, tóc nâu hay thú nhồi bông đắt tiền, chỉ có những con thú bằng bột mì xanh đỏ; không có những lần được ba mẹ chở đi chơi công viên sang trọng như các bạn nhỏ ở trong thành phố nhưng lại có những chuyến "du hành" thú vị trên chiếc thúng lúa của mẹ. Nó vắt vẻo ngồi một bên, bên kia mẹ đựng lúa. Mẹ đưa nó qua những cánh đồng xanh mượt, những rặng tre ngút ngàn, mẹ bưng nó qua những dòng song trong veo để đến với phiên chợ quê. Mẹ dắt nó qua những bãi ngô xanh biếc, những bãi sông vàng rực hoa cải.Tâm hồn nó giàu lên từ những chiều nắng nhẹ thoảng mùi thơm của rơm rạ và tiếng trẻ chăn trâu nô đùa. Thế giới của nó thật đẹp đẽ vô cùng, giàu có vô cùng. Và nó hãnh diện lắm lắm.

            Ngày ấy…

            Nó lên 3, ba đi gánh lúa về ướt sũng mồ hôi. Mệt quá, ba ngã xuống, ngất đi. Nó cũng khóc ngất, không có ba, nó không sống nổi. Ba mẹ là cả thế giới của nó.

Lên 5, nó như con cóc ghẻ, sài chốc đầy người, không ai dám bồng bế. Chỉ có ba thường xuyên tắm gội cho nó. Ba là bác sỹ đặc biệt của nó.

            Cuộc sống mưu sinh, cơm áo gạo tiền buộc ba nó phải làm xa. Nhớ ba, nó khóc sưng mắt. Ngày ba về bị một con thập tử nhất sinh. Nó với mẹ thức đến vàng mắt. May mắn thay, ba nó qua khỏi.

            Nó lớn lên, đi học xa nhà, trường huyện cách nhà nó gần hai mươi cây số. Ngày đi nhập học, mẹ mang cái bụng to tướng tiễn nó ra ngõ. Nó bình tĩnh không khóc, chỉ khi đi được nữa đường, nó mới cay xòe con mắt. Nó nhớ mẹ, nhớ ba và các em. Mỗi tuần nó về thăm nhà một lần. Nghe mẹ nói, ba cũng nhớ nó, có lần ba còn khóc nữa. Nó thấy vui vui, ai có thể nghỉ được gương mặt lúc nào cũng lạnh như tiền của ba nó lại có lúc phải rơi nước mắt. Những sáng sớm, sợ nó đi một mình nguy hiểm, khi nào mẹ cũng tiễn nó đi cho đến sáng trắng rồi mẹ mới quay về. Mẹ là vệ sĩ đặc biệt của nó.

Ngày nó đỗ đại học, ba đang trở rơm dưới trời nắng gắt, gương mặt hốc hác, nhăn nhúm bỗng sáng rỡ lên. Ba chở nó đi nhập học bằng cái xe cà tàng. Rồi ba cũng đi làm để nuôi nó. Những khi hết tiền, nó đạp xe xuống ba. Ba móc túi đưa nó 200 ngàn, bàn tay nhem nhuốc dầu nhớt, mặt mũi lắm lem vẫn cười tươi với nó. Ba là ngân hàng đặc biệt của nó. Biết thân biết phận mình, nó không dám đòi, chỉ chú tâm học thôi. Nó biết nếu phung phí một đồng nào thì có nghĩa là ba nó phải đổ thêm từng ấy mồ hôi. Với sự cố gắng nổ lực hết mình, nó trở thành niềm tự hào của ba má. Nhận học bổng nó mua cho má nó bộ quần áo hay đôi dép, mua cho ba cái áo ấm hay đôi găng tay để mùa đông ba chạy xe khỏi bị lạnh. Thế đấy, nó lớn lên từ những điều giản dị. Gia đình là hạnh phúc giản dị của nó.

Học phí và mọi sinh hoạt của nó, ba má phải lo. Và thế là, ba phải đi làm. Nó buồn. Nhưng chấp nhận.

            Mùa hè thiêu đốt, nhìn khuôn mặt ba đen sạm. người ướt sũng mồ hôi, nó im lặng không nói gì. Nhìn căn phòng ba ở tồi tàn, cũ mèm, nó buồn không tả nổi. Biết ba mất tiền – những đồng tiền mồ hôi nước mắt của ba bị ai đó tàn nhẫn cướp đi, nó cúi đầu không khóc. Nghe ba khoe cái áo mới: "Cái áo đẹp quá, ba mới mua đó" lòng nó đau thắt. Hình như đã lâu rồi, nó không quan tâm đến ba thích gì nữa. Cuộc sống khiến nó quay cuồng, mệt mỏi, mệt mỏi vì nhưng mối quan hệ  mà nó ước gì có thể làm ngơ để cho đi thoảng qua  như cơn gió, mệt mỏi vì hình như nó chưa quen với sự ghẻ lạnh của cuộc đời bên ngoài gia đình nó, và cả những ngày căng thẳng quay cuồng bên đóng sách vỡ kia…Nó đã quên đi nhiều điều mà lẽ ra nó phải nhớ. Ngẫm lại cuộc đời của nó có gì ngoài những điều giản dị: những bữa cơm sắn nhiều hơn cơm, tô canh nhạt nhẽo mà nghĩa tình mặn chát, những ngày ấm áp bên ba mẹ dẫu đầu tắt mặt tối và những phút giây doàn tụ ngắn ngủi. Gia đình là tất cả của nó, nó không được phép quên.

Ngày mai…

 

            Cả ba, mẹ lại tiếp tục chắt chiu từng đồng để lo học phí cao ngất cho nó. Cuộc sống vẫn chảy trôi như không hề biết đến sự muộn phiền của  con người. Nó vươn đôi vai bé nhỏ gầy guộc để chống chọi với cuộc sống không êm đềm như lúc nhỏ nó nghĩ, nó cũng phải cố gắng khẳng định bản thân nó vì nó lớn rồi mà. Đã có lúc nó đuối sức và muốn khụy ngã. Nhưng cái dáng khắc khổ của ba nhắc nhở nó: đứng dậy đi con. Nó tự bảo mình không được phép buông xuôi dù chỉ một ngày. Nó có gia đình – tổ ấm bình yên và thiêng liêng. Nó cần phải sống tốt để làm chỗ dựa cho các em, phải kiên cường để không hổ thẹn với đôi vai chai sạn của bam bàn tay gầy của mẹ. Ba là liều thuốc đặc biệt của nó. Và nó tin vào ngày mai.

            Ngày mai…

Mùa đông, nó không còn phải lo ba ngủ lạnh.

Mùa hè, nó không còn pải lo ba chịu nóng.

            Ngày mai…

Ba nó không đi làm nữa, ở nhà nuôi gà và chăm sóc vườn rau cùng mẹ.

Nó thì hãnh diện với một công việc như nó hằng mơ ước.

Nó về thăm nhà trong niềm hân hoan, không áp lực, không vướng bận, lo âu.

            Ngày mai…

Nó mỉm cười nhìn gia đình thân yêu, gương mặt ai ai cũng rạng người hạnh phúc.

Ngày mai đó ơi, còn xa không.

 

(Bài dự thi của Nguyễn Thị Diễm Phúc - Lớp K13QHQT - Khoa Xã hội nhân văn, nhân Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11)