Danh sách bạn đọc tiêu biểu

Trở về
  • NGUYỄN THỊ DIỆU ÁI
  • Mã bạn đọc:132737803
  • Tiêu biểu tháng:2/2010

Với câu chuyện đầy cảm động,  câu từ mộc mạc và cách hành văn trong sáng. "Hơi ấm người thầy" đã dành được nhiều tình cảm và đánh giá cao của Ban giám khảo. Là một trong bốn bài đạt giải trong cuộc thi viết bài nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20/11. "Hơi ấm người thầy" giúp bạn đọc cảm nhận được sự cao cả, sự quan tâm, chăm sóc và nâng đỡ những tâm hồn nhỏ bé của những "người đưa đò"

Hơi ấm người thầy!

 

            Cuộc đời của mỗi người tựa hồ như một quyển sách, có chương vui, chương buồn, có đoạn vần được tô đậm, có khúc cần được xóa đi, có trang phải nhớ, có dòng nên quên… Với tôi, có lẽ còn quá trẻ và quá ít để là một quyển sách toàn vẹn nhưng mỗi lúc lật giở từng trang nhật ký tôi nghẹn ngào bắt gặp những gương mặt quen, những bài học lớn lên theo cùng năm tháng… Là những giọt mồ hôi ngày xưa đó vọng về tiếng nói bao la của thầy… Là sự xấu hổ khi nhìn lại mình, là sự thức tỉnh, sự đứng lên là lòng biết ơn vô bờ bến về tất cả. Vâng, cuộc sống chẳng bao giờ theo ý của chúng ta, con người có thể lựa chọn cho mình tất cả mọi thứ thuộc về mình trừ nơi mình được sinh ra và cái tên ba mẹ đặt cho từ ngày thơ bé ta mang theo suốt cuộc đời… và sống là phải biết cố gắng, không từ bỏ, phải biết ơn và trân trọng những gì tạo hóa đã ban cho. Vậy mà đã có lúc tôi căm ghét cuộc sống này và muốn từ bỏ… cái siết tay của thầy cái vỗ về ấm áp đã mang tôi trở lại cuộc sống một lần nữa… tự đáy lòng này em xin cảm ơn thầy!

            Thầy nhớ không? Em là đứa học giỏi nhưng rụt rè, nhút nhát thầy nhỉ? Cho đến bây giờ em vẫn nhớ: em – cô bé cấp hai nhỏ xíu, mặt lúc nào cũng buồn rười rượi, nhát gan, tự ti vô cùng. Em co mình vào suy nghĩ, buồn phiền, lo lắng. Em già hơn nhiều so với lũ bạn cùng trang lứa thầy nhỉ? Vì em là trẻ không có tuổi thơ hay cái tuổi thơ của em không được như chúng bạn… Có lẽ đến nhiều năm về sau nữa em vẫn đau đáu nghẹn ngào tiếc nuối vì điều đó. Nhìn bạn bè vô tư, hồn nhiên với tuổi thơ ngọt ngào mà em khao khát biết bao nhiêu! Ngày đó, ba má em làm  nghề rà tìm phế liệu  và mẹ rong ruổi với những gánh ve chai. Ở cái nơi mà chúng ta sinh ra thì chiến tranh, nghèo khổ, đất đai chẳng thương lấy người. Kiếm được đồng tiền thật nhọc nhằn và gian khổ. Ba mẹ đi làm cả ngày, tối mịt mới về nhà. Em là chị cả ở nhà với 4 đứa em, quán xuyến lo toan mọi việc, hết dỗ dành đứa này, lại bồng bế đứa khác, đút cơm cho đứa kia, bày đứa nọ học. Thầy nói em là cô bé ngoan và sau này sẽ là người phụ nữ giỏi nhất… nước. Thầy vui tính lắm, hay chọc học trò nhưng em là đứa khó cười nhất. "Bé hạt tiêu sao em ít cười vậy? cười nhiều lên cho người khác thấy cái răng khểnh chứ!" Ngày đó chẳng có ai như em phải không thầy? học xong xách cặp thật nhanh về nhà để lo cho đàn em nheo nhóc. Có hôm đi học đem mấy đứa nhỏ qua nhờ Dì trong hộ, rồi chạy thật nhanh đến trường vừa chạy vừa khóc vì đằng sau là tiếng khóc của mấy đứa em không chịu cho chị đi học. Đến lớp mắt sưng húp lên thầy hỏi em càng khóc hơn. Thầy lấy khăn lau nước mắt cho em… Và em nhớ nhất cái mùa hạ quê mình – có cơn gió nam mà người ta thường gọi đùa là "đặc sản". Gió rất rát, hanh khô và khắt nghiệt. Mùa hè đó, mẹ lại sinh em bé, em đi chở trấu, nói là chở trấu thực ra là bỏ sau xe và dắt về. Gió thổi thế nào mà cả người lẫn xe bị hất xuống bụi dứa, gai đâm chày máu, loay hoay mãi chẳng lên được. Phía bên kia đường lũ bạn đang chơi, đứng cười chế nhạo. Thầy đi ngang qua, vội vàng xuống đỡ em lên và chở em về tận nhà. Ngày mai lên lớp, thầy xuống hỏi thăm em còn đau không? Thầy biết không? Thầy không chỉ xoa dịu những vết xước ngoài da của em, mà cả những vết xước trong lòng em nữa thầy à!

Ba mẹ luôn bảo em là chị cả, phải luôn luôn làm gương cho em út, phải tự lập, tự chăm sóc lúc còn rất trẻ con. Chỉ với thầy em được là một co bé con được yêu chiều, vỗ về, chăm sóc. Thầy giúp em hòa đồng, cởi mở với bạn bè, giúp em tự tin vào bản thân. Thầy giao em làm lớp trưởng và em đã không phụ công thầy. Thế nhưng cuộc sống luôn thay đổi, hết chuyện này đến chuyện khác xảy đến nhưng những con sóng vứ thay nhau chạm vào bờ.

Khi em đã vững vàng hơn thì dường như những lo nghĩ cũng lớn hơn thêm. Khi cuộc sống kinh tế khá hơn thì những mâu thuẫn xung đột trong gia đình cũng theo đó mà nhiều hơn. Những cái nhìn lạnh lùng, tiếng chỉ trách,… tất cả làm em ngột ngạt và mệt mỏi. Năm cuối cấp mà em học hành lơ đễnh như người mất hồn. Em lo sợ một sự đỗ vỡ. Và em tuyệt vọng… muốn ngủ một giấc thật dài mãi mãi… thầy đến bên em vẫn ân cần, nhẹ nhàng, bông đùa một câu gì đó. Thầy đã nói rất nhiều rằng cuộc sống giống như thầy trò mình giải toán vậy, có bài khó, có bài dễ. Bài dễ em cũng đừng chủ quan và gặp bài khó em đừng bỏ cuộc."Hãy tự mình tìm ra lời giải nghe em". Thầy hỏi em: Khuôn mặt của mình quay về phía trước hay phía sau?" – Dạ phía trước… Đúng! thế thì việc gì em cứ ngoái nhìn đằng sau làm gì, phải nhìn về phía trước mà sống chứ". Những lời nói của thầy khắc sâu vào tâm khảm của em. Vâng, em phải nhìn vào ngày mai mà sống, sống với ước mơ và hoài bão của chính mình. Em chẳng oán trách ba, mẹ nữa mà càng thương nhiều hơn, em cũng không buồn tủi nhiều nữa. Tự tìm thấy niềm vui và động lực để vươn tới. "Cuộc sống dễ dàng hay phức tạp là do cách nhìn của mỗi người, hãy nhớ nghe em". Năm tháng đi qua, có lẽ trong cuộc đời cầm phấn của thầy, thầy đã khơi dậy, đã thức tỉnh nhiều đứa trẻ như em. Hết tiễn lứa học trò này đi lại đón lứa học trò khác. Thầy lặng lẽ, trầm ngâm với chuyện mỗi đứa học trò.

 

                                    Có chuyến đò nào đi qua và đứng lại

                                    Nhìn phía sau kia bóng dáng của thầy

                                    Có cô học trò vẫn từng khắc khoải

                                    Nổi nhớ về thầy thấp sáng trái tim

 

Thời gian vẫn yên bình trôi đi theo bước chân lặng lẽ của cuộc sống. Mái tóc thầy nay đã đã thấm màu thời gian. Thưa thầy, ngày xưa em chỉ biết tồn tại mà không sống, chỉ hiện hữu rất nhạt nhòa, thầy dạy em phải khắc sâu tên mình vào cuộc sống, phải sống thực chứ không tồn tại. Vâng, sống sao để mỗi ngày qua đi em không chỉ già theo năm tháng mà phải lớn lên theo từng ngày.

Một lần nữa, xin gửi đến thầy lời cảm ơn vô hạn – người thầy yêu dấu của em!

(Bài dự thi của Nguyễn Thị Diệu Ái - Lớp K13QHQT - Khoa Xã hội nhân văn, nhân Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11)