Danh sách bạn đọc tiêu biểu
Trở về- NGUYỄN THỊ NHẬT OANH
- Mã bạn đọc:132315807
- Tiêu biểu tháng:12/2009
Đưa những đứa trẻ tìm đến tương lai
của chính nó, tôi chọn nghề nhà giáo.
C. Mc. Auliffe
Cậu học trò nhỏ nắm chặt tay mẹ, sẵn sàng ghì lại hay chạy biến đi nếu cô giáo lôi tuột cậu vào lớp. Ngày đầu tiên đi học ai chẳng thế, nhưng sao cậu học trò này bướng bỉnh quá thể! Mẹ ngồi xuống cho vừa tầm cậu, nhìn và mỉm cười động viên, trao tay cậu cho cô giáo. Cậu thấy cô giáo chẳng dữ dằn kéo cậu vào lớp và ấn vào chỗ ngồi như cậu nghĩ. Cô giáo hiền từ như mẹ. Cô ân cần đón lấy bàn tay nhỏ run run của cậu, khiến cậu dạn dĩ hơn. Cậu quyến luyến tạm biệt mẹ và bước đi ra dáng người lớn. Thật là trọng đại, cậu học trò tưởng mình bước vào đời…
Thầy soi gương, chải lại mái tóc. Thấy dáng vóc vững vàng của mình trong gương, thầy thầm cười khi nhớ lại cái thuở xa lắc đó. Thầy quay sang mẹ:
- Mẹ thấy con được chưa?
- Con trai mẹ đỉnh đạc lắm. – Mẹ cười hóm hỉnh – Nhưng ngày đầu đi dạy, chẳng lẽ để bị muộn à! Nhanh đi thôi.
Mẹ lại cười động viên. Cậu học trò giờ đã là người lớn, sinh viên năm cuối đi thực tập để trở thành thầy giáo. Nhưng đến trường vẫn đầy hồi hộp lo lắng và sự động viên của mẹ khiến thầy vui lắm: “Lúc nào mẹ cũng hiểu cảm giác của thầy”. Thầy hít thật sâu và bước ra cửa:
- Chào cả nhà, con đi dạy đây. – Thầy dắt xe thật nhanh và đạp thật nhanh đến trường.
Đợt thực tập này, thầy dạy ở trường trung học phổ thông “Thuở học trò” và được phân công làm chủ nhiệm. Thầy cảm thấy vui quá! Được quay về trường cũ. Thầy tự hào lắm. Cậu học trò dạo nào giờ đã trở thành thầy giáo hẳn hoi. Ngày hôm qua thầy và các đồng nghiệp giáo sinh đã được tập trung, được ra mắt toàn trường; cái náo nức ấy đã trỗi lên, đánh nhịp trong tim thầy. Nhưng hôm nay, cảm xúc càng thêm rạo rực khó tả, có lẽ vì hôm nay là ngày đầu tiên đi dạy của thầy. Thầy cảm giác có nguồn sinh lực đang tràn trề không thể kiềm giữ.
Ngôi trường hiện ra thân quen biết mấy! Thầy nhìn quanh tìm các thầy cô cũ của mình. Dù xa cách đã lâu, thầy vẫn nhớ tất cả những nét mặt gần gũi, kính thương. Thầy cúi đầu chào và nhận lại ánh mắt vẫn ấm áp trìu mến. Thầy cô cũ còn vỗ vai thầy:
- Giờ đã là đồng nghiệp rồi đấy!
Thầy bối rối cười vẫn như học trò của “Thuở học trò” ngày ấy. Rồi thầy tìm đến với bạn bè – cũng là những giáo viên trẻ măng – cùng trao đổi và chia sẻ…Ai cũng hồi hộp cả, bắt tay nhau phải thật chặt để khỏi thấy mình run. Run hơn khi ai đó phải ngay một tiết học được dự giờ.
Sắp đến giờ lên lớp rồi. Thầy dạy Anh văn và chủ nhiệm lớp 10D. Cô giáo chủ nhiệm của 10D đến chỗ thầy:
- Hôm nay, cô và một vài giáo viên tổ Anh văn sẽ dự giờ. Em chuẩn bị kĩ càng chưa?
Thầy tự tin:
- Dạ vâng, thưa cô!
- Tư thế thoải mái như vậy rất tốt cho giờ lên lớp. Học trò 10D dễ thương lắm, nhưng nhiều khi giáo sinh sẽ thấy dễ ghét cho xem.
Thầy thắc mắc còn cô thì cười hiền hậu:
- Mấy thầy trẻ sẽ nghĩ rằng sao học trò tinh quái thế, chẳng hiền như chúng mình ngày xưa.
Cô giáo chủ nhiệm 10D đi rồi thầy mới đâm lo. “Học trò tinh quái ư!”. Bấy lâu thầy vẫn chưa hiểu làm sao các thầy cô của mình, mỗi người một vẻ riêng nhưng ai cũng khiến học trò vừa thương vừa sợ. Còn thầy, thầy sẽ là một người thầy như thế nào? “Học trò tinh quái” chắc sẽ cư xử tinh quái với các thầy cô trẻ măng, hiền khô như thầy. Thầy phải nghiêm khắc…Chà! Thầy không muốn như thế. Thầy vẫn muốn vẻ ngoài cũng hiền lành như tính của thầy. Nhưng, trước hết phải “thị uy chúng dân 10D” đã. Thầy lại hít một hơi thật sâu, bước từng bước chắc nịch lên lớp khi tiếng trống trường đổ ba tiếng giòn giã. Thầy sẽ là một thầy giáo thực thụ.
Một tuần, hai tuần, ba tuần…tám tuần. Thầy giật mình, đám học trò của thầy cũng ngẩn ngơ: “Thời gian sao mau quá!”. Tám tuần học tập cùng nhau, vui chơi cùng nhau, thân thiết nhất là hội trại truyền thống. Thầy đã thương quá đám học trò ngịch ngợm đáng yêu này. Học trò cũng quý thầy. Vẻ ngoài đạo mạo của thầy giáo trẻ chẳng đủ hăm dọa được “lũ nhất quỷ nhì ma”. Thầy dữ làm sao mà khi học trò mếu máo, thầy đã lo. Thầy dữ làm sao mà khi học trò chọc, thầy đã bối rối. Chà, học trò đúng là tinh quái. Học trò vẫn quý nhất là thầy giáo trẻ dạy nhiệt tình. Học trò sẽ cố gắng học và thầy biết mình đã làm tốt vai trò quan trọng, khó khăn này – một người thầy thực thụ.
Tiệc chia tay, lúc đầu vui vẻ om sòm, thầy và trò tha hồ “măm mi” núi thức ăn do học trò nhiệt tình nhờ phụ huynh đóng góp, lúc sau không khí trầm xuống:
- Cô chân thành cảm ơn thầy giáo thực tập đã hết lòng với lớp – Cô chủ nhiệm 10D trịnh trọng nói – Trong thời gian ngắn ngủi vừa qua, thầy đã làm công việc của mình rất tốt và toàn thể học sinh đã nhờ cô thay mặt nói lên lòng quý mến mà các em dành cho thầy. Học sinh mong thầy ghi nhận tấm lòng đó. Sau đây là tiết mục văn nghệ chia tay.
Cô vỗ tay, cả lớp vỗ tay rào rào. Thầy cảm động ngồi lặng và nghe tiếng hát trong trẻo của cô học trò ít nói nhất lớp: “Thời gian trôi qua mau chỉ còn lại những kỉ niệm…” Lời hát miên man, ngọt ngào hòa cùng những tiếng sụt sịt của nữ sinh. Một nữ sinh vừa khóc vừa hát Soledas, trông già dặn quá! Lại một cậu học trò sôi nổi, sửa lời bài hát rồi chí chóe: “Mình xa nhau rồi phải không…thầy, dù trong tim em vẫn còn muốn nói lời thương yêu dành cho thầy…” Cả lớp cười lăn. Học trò đang khóc cũng cười một nụ cười méo xệch. Tiệc sắp tàn, thầy đứng lên cảm ơn và chào tạm biệt lớp. Thầy về trường chuẩn bị tốt nghiệp và sẽ gặp lại lớp một ngày không xa. Thầy cảm động, vậy mà nam sinh mạnh mẽ quay sang chọc thầy bảo rằng: thầy sắp khóc.
Con thoi thời gian cứ đều đặn mà thoăn thoắt đưa, để khi thầy tính lại thấy mình đã đi dạy được bảy năm rồi. Sống giữa học trò, thầy cứ soi mình vào chúng rồi lang thang dạo bước giữa hiện thực và nỗi nhớ. Nỗi nhớ tiếc về thời hoa niên đẹp đẽ của thầy chóng qua. Còn hiện thực, thầy thấy mình đã trưởng thành nhiều, bằng những đóng góp cho đời, cho người. Hiện thực ấy là khi thầy đứng trước một học trò của mình và vỗ vai:
- Giờ đã là đồng nghiệp rồi đấy!
Học trò ấy là cô bé ít nói lớp 10D năm nào. Gương mặt cô sáng bừng, long lanh một thứ niềm vui mà thầy từng trải qua dạo nào. Cô mạnh dạn bộc bạch:
- Ngày xưa em đã mơ uớc trở thành cô giáo, nhưng em không đủ tự tin. Em không hòa đồng với mọi người và nghĩ nếu trở thành cô giáo thì làm sao cho học trò quý mến đây? – Cô giáo trẻ cười tươi – Nhưng hình ảnh thầy vào những ngày thầy thực tập đã khiến em vững tin hơn. Thầy đã thành công khi đã trở thành một người thầy, dù khi đó thầy vẫn còn là một sinh viên thôi.
Thầy cười, một nụ cười rạng ngời hạnh phúc, nụ cười như tràn dài ra vô tận, nối tiếp tháng năm khi thầy lại được đón học sinh cũ trở về mang theo niềm khao khát trở thành “người gieo hạt”.