Danh sách bạn đọc tiêu biểu

Trở về
  • DƯƠNG THỊ HIỀN
  • Mã bạn đọc:132737819
  • Tiêu biểu tháng:1/2010

         Trong khuôn khổ cuộc thi: "Viết về ngày nhà giáo Việt Nam 20 -11" do thư viện tổ chức. Vừa qua, thư viện đã tổng hợp kết quả của Ban Giám khảo để chọn ra những bài viết tiêu biểu, có chất lượng. Trong đó, nổi lên bài viết của bạn Dương Thu Hiền - Lớp K13VHO, với cách hành văn trong sáng, nhẹ nhàng; lối dùng từ mộc mạc mà giàu tính biểu cảm đã làm cho bài viết đi sâu vào lòng người một cách tự nhiên, đầy ấn tượng. Để chia sẻ cảm xúc, mời các bạn cùng cảm nhận bài viết:

                  "Tôi là con giáo viên"

 

                                                         Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo

                                                                        Khi đến trường cô giáo như mẹ hiền

                                                                        Cô và mẹ là hai cô giáo

                                                                        Mẹ và cô ấy hai mẹ hiền…

 

Thật buồn cười …

            Khi đã trưởng thành, tôi mới biết hát rồi thuộc và thấm thía những câu hát nghe rất trẻ con này.

            Đôi lúc tôi tự hỏi: "Mình đang lớn lên? Hay tôi đang bé lại nhỉ?"

            Tại sao có những điều trẻ con mà đến bây giờ tôi mới hiểu?

            "Mình là một đứa trẻ bất hạnh!" cả tuổi thơ của mình, tôi luôn thầm nhủ như vậy mỗi khi phải nhận những "lời quở trách đầy khó chịu" từ "người mẹ nghiêm khắc" của mình. Tôi nghĩ, sở dĩ mình phải chịu một cuộc sống khắt khe như vậy chung quy lại cũng chỉ vì tôi là con giáo viên.

Con gái của một cô giáo gương mẫu và nghiêm khắc "có tiếng" (theo cách nói của lũ bạn tôi ngày ấy). Duy  chỉ có một điều, một điều không thể lý giải được là tại sao cứ mỗi dịp lễ, tết, nhất là 20 - 11 mẹ tôi luôn nhận được rất nhiều thư và bưu thiếp (mà mẹ hay gọi là "vật vô giá") từ những nơi "rất xa" và những người "rất xa lạ". Còn những ngày tết thì nhà tôi lại có rất nhiều khách (mẹ tôi họ là "khách quý"), nhưng với tôi họ lại là một sự bí ẩn lớn. Đa số họ là những người lớn, có người đã có gia đình, có người vẫn còn đi học, có cả nam, lẫn nữ, có người năm nào cũng đến và cũng có người tôi chỉ gặp một vài lần… nhưng tất thảy họ đều gọi mẹ tôi là "mẹ". Suy nghĩ non nớt của tôi bắt đầu thắc mắc: "Họ là ai nhỉ? Tại sao họ lại đến nhà mình?". Nhưng đều làm tôi ngạc nhiên nhất chính là cách mẹ tôi và họ cư xử với nhau, thật nhẹ nhàng và ấm áp, mẹ tôi ân cần hỏi han còn họ thì lễ phép thưa chuyện…

            Và lúc ấy, chỉ lúc ấy thôi, tôi đã thấy mẹ cười thật nhiều!

            Tôi bỗng nhận ra rằng, mẹ mình có một nụ cười thật hiền.

 

            Và tôi lại thắc mắc, "tại sao mẹ lại không hiền từ với mình như vậy?". Rồi điều này trở thành một câu hỏi lớn trong tôi. Nhưng thật oái ăm cho tôi, tôi càng cố gắng tìm câu trả lời thì câu hỏi đó lại càng trở nên bí ẩn. Bởi với tôi, mẹ thật khó hiểu:

            Tôi không hiểu nổi tại sao mỗi khi tôi bất cẩn vấp ngã, dù bị trầy xướt hay đau đến mấy thì tôi cũng phải tự đứng dậy, khóc rồi tự nín … chẳng khi nào mẹ đến bên tôi dỗ dành, cưng nựng tôi như ngoại vẫn làm. Hay mẹ không thương mình nhỉ? Tôi thầm nghĩ.Tôi bắt đầu nghi hoặc về tình cảm mẹ dành cho mình.

            Và rồi mẹ càng trở nên khó hiểu hơn nữa khi tôi thấy mẹ cứ mất công thu nhặt những tờ giấy vụn vặt, phân loại và đóng chúng thành từng tập để tôi làm vỡ nháp, thay vào đó, mẹ lại mang những quyển tập mới của tôi về cho bé Vi, bé Na con cậu Lệ. Thật sự, những lúc đó trong tôi không chỉ có sự khó hiểu mà còn mang cả sự khó chịu. Mẹ thật "bất công". Tôi là con của mẹ mà. Đúng thật, "mẹ không hề thương mình"!

            Cả chuyện thằng Đức "vai gù " nữa chứ. Mẹ luôn nhìn tôi nghiêm nghị mỗi lần tôi cười khi thấy điệu đi khốn khổ của nó. "Vui thế kia mà… tại sao không cười được cơ chứ". Hèn gì nhìn mẹ lúc nào cũng thật buồn tẻ.

            Đến một hôm nọ, trên đường đi học về tôi nhặt được một con búp bê thật xinh. "Chao ôi, con búp bê mà tôi chỉ có thể gặp được trong mơ". Mấy ngày liền, tôi vui mừng, say sưa với "món quà bất ngờ" ấy thì bỗng nhiên, một buổi sáng nó đột ngột biến mất. Tôi thật sự hoảng loạn. Và tôi khóc. Tiếng khóc đầy nghẹn ngào của sự tiếc nuối. Lần đầu tiên mẹ dịu dàng đến bên tôi và hỏi:

            "Thế con có buồn khi đánh mất búp bê đó không?"

            Tôi nghẹn ngào: "có, thưa mẹ. Rất buồn và cả tiếc nữa. Con ghét kẻ nào đã đánh cắp nó của con"

            Mẹ cười – "ôi, sao lại là nụ cười hiền từ ấy" tôi thốt lên trong suy nghĩ của mình. "Mẹ cũng cười thật hiền với mình" tôi đang miên man thì bỗng nhớ lại con búp bê của mình. "Hay mẹ đang cười nhạo mình nhỉ? Mình đang buồn cơ mà …"

            Tôi đang suy nghĩ thì mẹ dịu dàng: Con đừng buồn nữa, ngày mai mẹ sẽ mua cho con một con búp bê khác cũng xinh như vậy nhé!"

            Ngày mai… trong lúc tôi đang sung sướng ôm con búp bê của chính mình thì mẹ đưa ra con búp bê mà tôi đã "đánh mất" ngày hôm qua. Tôi đang không hiểu chuyện gì thì mẹ nói:

            "Bây giờ thì con đã hiểu tâm trạng của người rơi con búp bê này chưa? Đừng mang đến cho người khác những điều mà mình không thích con ạ." Nói rồi mẹ đưa tôi đến gặp các chú công an và nhờ chú ấy trả nó về cho chủ nhân của nó.

            Tôi không biết vì sao, nhưng từ đó trở đi tôi dần cảm nhận rằng: mẹ không phải là ai khác mà là mẹ của tôi.

            Con búp bê mới thật đáng yêu và ấm áp, nó êm đềm bên tôi trong những giấc ngủ, hằng đêm tôi mơ về nụ cười thật đẹp, hiền từ của mẹ để tôi có thể đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã, để tôi có thể chia sẻ niềm hạnh phúc của mình với người khác và hơn hết là để tôi có được niềm cảm thông sâu sắc với những khuyết điểm của cuộc đời để rồi hiểu được: niềm hạnh phúc chỉ sẽ đến với những ai biết san sẻ "Hạnh phúc giống như một lọ nước hoa mà khi xứt cho người khác, ít hẳn sẽ còn lại một ít đọng bên ta"

            Và rồi… cho đến bây giờ - khi đã trưởng thành – những điều bí ẩn về mẹ vẫn ghi khắc trong tâm trí tôi. Chỉ có điều tôi không cố gắng tìm kiếm câu trả lời cho sự bí ẩn ấy nữa. Mà cuộc sống cứ thế trôi đi, vương lại cho tôi những gợi ý, những mảnh ghép để tôi có thể hoàn thiện bức chân dung "người mẹ vô giá" của mình, điều đó khiến tôi hạnh phúc biết bao vì "tôi là  con của giáo viên!". Mẹ tôi là những con người cao quý, làm nghề cao quý. Chỉ có những người như mẹ tôi mới có "vật vô giá", có "những người khách quý" như vậy (họ là tôi, là các bạn, là những ai đã từng gọi một người nào đó là "thầy, cô". Đó là "một khoảng trời vô giá" được cất giữ sâu kín. Khoảng trời ấy được chiếu sáng bằng niềm đam mê, đâm chồi bằng những sáng tạo, và sưởi ấm bằng trái tim nhân hậu!.

 

                                                                                                        BBT